Monday, 26 November 2012

TÀU HÀI GIÁM TQ RÚT KHỎI SENKAKU - KIẾN TRÚC SƯ CHIẾN ĐẤU CƠ J-15 ĐỘT TỬ (BBC / PhunuToday)




BBC
Cập nhật: 08:16 GMT - thứ hai, 26 tháng 11, 2012

Trung Quốc đang tiếc thương một người kỹ sư có vai trò chủ chốt trong chương trình hàng không mẫu hạm của nước này và ca ngợi ông như người hùng, hãng tin Mỹ AP cho biết.

Ông La Dương, 51 tuổi, đã qua đời vì lên cơn đau tim hôm Chủ nhật ngày 25/11 sau khi chứng kiến lần hạ cánh đầu tiên của máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Ông La là người chịu trách nhiệm phát triển các máy bay chiến đấu-ném bom J-15 vốn được thiết kế dành cho Liêu Ninh – chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

Nhân vật bí ẩn

Bản tin trưa của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã đưa tin về cái chết của ông La lên thành tin tức đầu tiên – một vinh dự hiếm thấy dành cho một khoa học gia mà trước đây ít người biết đến bên ngoài phạm vi của chương trình hàng không mẫu hạm.

Không ai biết gì nhiều về thân thế ông La. Hãng tin AP đã liên lạc với Tập đoàn phi cơ Thẩm Dương, nơi ông La làm việc, và đã được xác nhận về cái chết của ông nhưng ngoài ra không được cung cấp thông tin gì thêm.

Đây là công ty sản xuất ra phần lớn các máy bay chiến đấu hiện đại trong phi đội của Trung Quốc.

Nhiều chiếc trong số này, chẳng hạn như J-15, dựa trên hình mẫu của phi cơ Nga.

Các khoa học gia Trung Quốc được giao các dự án đặc biệt của chính phủ chẳng hạn nhưng chương trình hàng không mẫu hạm thường phải chịu sức ép dữ dội.

Stress là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trong giới trí thức ở đất nước này, AP cho biết.
Sự tiếc thương dành cho ông La đánh dấu tầm quan trọng lớn của chương trình không gian của Trung Quốc vốn được xem là thể hiện sự vươn lên của đất nước từ nghèo đói trở nên hùng mạnh trong suốt ba thập niên qua.
Mặc dù đã có bước đột phá trong việc hạ cất cánh, tàu Liêu Ninh vẫn còn mất nhiều năm nữa mới có khả năng chiến đấu.

Hải quân Trung Quốc vẫn cần phải chứng minh là họ có thể cho hoạt động nhiều phi cơ cùng một lúc và tổ chức hàng không mẫu hạm vào đội hình chiến đấu bao gồm cả tàu ngầm và tàu hỗ trợ.

“Lần hạ cánh đầu tiên có thể là một cột mốc, nhưng đó chỉ mới là bắt đầu,” Giáo sư Toshi Yoshihara tại trường Hải chiến Hoa Kỳ ở tiểu bang Rhode Island cho biết.

“Làm thế nào họ có thể xử lý những tổn thất về máy bay chiến đấu vốn là điều không thể tránh khỏi mới là chỉ dấu rõ ràng hơn cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh với sức mạnh của tàu sân bay,” ông nói.


---------------------------


Phụ Nữ Today
Thứ Hai, 26/11/2012, 19:31 [GMT+7]

(Phunutoday) - TQ vẫn phớt lờ trước phản ứng của dư luận về việc cấp hộ chiếu điện tử mới có in hình bản đồ phi pháp, tàu hải giám TQ rút khỏi Senkaku, tổng chỉ huy tàu sân bay Trung Quốc đột tử là tin tức chính ngày 26/11.

Sau khi Việt Nam, Philippines, Ấn Độ và Đài Loan phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc (TQ) in bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân nước này, dư luận quốc tế cũng đồng loạt bày tỏ lo ngại về hành động leo thang xâm phạm chủ quyền của TQ. Thế nhưng bất chấp tất cả, TQ vẫn phớt lờ…

TQ cho đến lúc này vẫn tiếp tục phớt lờ mọi phản ứng của các nước láng giềng. Một điều đáng nói nữa là trong khi báo chí thế giới, kể cả báo chí đặc khu kinh tế Hồng Kông (TQ) đều đưa tin rộng rãi về việc Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Đài Loan phản đối tấm hộ chiếu có in bản đồ phi pháp kia, cũng như sự quan ngại của các nhà ngoại giao quốc tế, song báo chí TQ lại trắng trợn nói ngược lại. Tờ “Nhân Dân Nhật Báo” lại có bài ca ngợi quyển hộ chiếu mới, với tựa đề “Trung Quốc huy hoàng”. Tờ “Thời Báo Hoàn Cầu” dẫn lời của Bộ Ngoại giao TQ ngang nhiên cho rằng hộ chiếu mới của TQ “phù hợp” với quốc tế, các bản đồ trên hộ chiếu mới không nhắm vào bất cứ quốc gia nào (!).

Báo Mainichi hôm 25/11 đưa tin nhóm tàu Trung Quốc đã rời khỏi Senkaku/Điếu Ngư và tiếp tục hải trình hướng về Trung Quốc. Theo thống kê của tờ báo, tính đến ngày 23/11, các tàu của Trung Quốc đã liên tục xuất hiện ở vùng biển này suốt 35 ngày kể từ hôm 20/10. Đến sáng 24/11, JCG thông báo không còn thấy bóng dáng tàu hải giám nào của Trung Quốc ở vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, JCG tại thành phố Naha cho biết từ 5 giờ 30 phút đến 18 giờ 45 phút ngày 23/11, bốn tàu Trung Quốc (Hải giám 15, 26, 27 và 50) lần lượt rút khỏi vùng biển này.

Trong một diễn biến khác, các vận động viên Nhật Bản đã tham gia cuộc thi Marathon Bắc Kinh ngày 25/11, bất chấp việc các nhà tổ chức Trung Quốc từ chối cho họ thi đấu lúc đầu. Tổng cộng khoảng 30.000 người, cả Trung Quốc lẫn nước ngoài, đã thi chạy từ quảng trường Thiên An Môn đến công viên Olympic. Đầu tiên, ban tổ chức đã rút "Nhật Bản" ra khỏi danh sách các quốc tịch được đăng ký tham gia trên trang web chính thức, khiến Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh phản đối. Cuộc thi Marathon Bắc Kinh được tổ chức vào mùa thu hàng năm, bắt đầu từ năm 1981.

Sáng 26/11, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin La Dương, tổng chỉ huy nghiệp vụ thử nghiệm cất hạ cánh của chiến đấu cơ J/15 trên tàu sân bay Liêu Ninh, đã đột tử trên đường về đất liền.

Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), khi tàu sân bay Liêu Ninh trở về cảng lúc 11 giờ ngày 25/11, ông La bất ngờ bị nhồi máu cơ tim, mặc dù đã được chuyển tới bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Hiện thi thể của ông La, 51 tuổi, được đưa về thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.

Trước đó, ngày 25/11 báo chí Trung Quốc đưa tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo lần đầu tiên một máy bay tiêm kích J-15 đã thực hiện thành công thao tác hạ cánh xuống sàn tàu sân bay Liêu Ninh. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết từ khi tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào phục vụ, hàng trăm lượt huấn luyện và thử nghiệm đã được thực hiện.

Việc hạ cánh thành công (máy bay chiến đấu) luôn được xem là một biểu tượng cho năng lực chiến đấu của hàng không mẫu hạm”, ông Trương Quân Sự, phó giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề hải quân của Trung Quốc, phát biểu trên truyền hình trung ương nước này. “Đây là một cột mốc của hàng không mẫu hạm Trung Quốc và đưa đất nước tiến gần thêm một bước để sẵn sàng chiến đấu”, ông Trương nói thêm.

Trong một diễn biến khác, cảnh sát biển Philippines hôm 25/11 tuyên bố đã sẵn sàng triển khai một tàu tuần tra đến bãi cạn Scarborough ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố máy bay chiến đấu J-15 đã cất và hạ cánh thành công trên tàu sân bay Liêu Ninh. Báo chí Philippines cho rằng đó là một động thái tăng cường phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.

Người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, trung tướng Armand Balilo, nói với tờ Philippine Daily Inquirer rằng tàu tuần tra Pampanga BRP đang ở “chế độ chờ” và “sẵn sàng cho việc triển khai đến bãi cạn Scarborough”, vốn là nơi tàu Philippines và Trung Quốc đối mặt nhau từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 6 năm nay. Hiện tàu Pampanga BRP chỉ chờ lệnh của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Philippines là khởi hành ngay trở lại khu vực này. Pampanga là một trong hai tàu Philippines đối đầu với 100 tàu đánh cá của Trung Quốc ở Scarborough hồi tháng 4. (Tổng hợp NLD,VnE, DT)









No comments:

Post a Comment

View My Stats