BBC
Cập nhật: 04:38 GMT - thứ tư, 21 tháng 11, 2012
Trong chuyến
thăm 6 giờ đồng hồ đến Miến Điện, Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài
diễn văn tại Đại học Rangoon vào chiều ngày 19/11. BBC Việt ngữ lược
dịch và trân trọng giới thiệu:
Tôi rất vinh
hạnh được đến đây ở trường đại học này và là tổng thống đầu tiên
của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đến thăm đất nước các bạn.
Tôi đến đây vì
tầm quan trọng của đất nước này. Các bạn nằm ở ngã ba đường của
đông Á và nam Á. Các bạn tiếp giáp với quốc gia đông dân nhất hành
tinh. Các bạn có lịch sử trải dài suốt mấy ngàn năm và các bạn có
khả năng quyết định vận mệnh của khu vực phát triển nhanh nhất thế
giới.
Tôi đến đây vì
lòng kính trọng dành cho trường đại học này. Chính tại ngôi trường
này mà phong trào đấu tranh chống lại chế độ thực dân bắt đầu bén
rễ. Chính tại đây Tướng Aung San đã biên tập một tạp chí trước khi
lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Chính tại đây mà Ngài U Thant
đã tìm hiểu về hoạt động của thế giới trước khi trở thành lãnh
đạo của Liên Hiệp Quốc.
Trên hết, tôi
đến đây vì niềm tin của nước Mỹ vào phẩm giá con người. Trong suốt
các thập niên vừa qua, hai nước chúng ta là những kẻ xa lạ. Nhưng hôm
nay, tôi có thể nói rằng chúng tôi vẫn luôn tràn đầy hy vọng về
người dân của đất nước này. Các bạn đã đem đến cho chúng tôi hy vọng
và chúng tôi đã chứng kiến lòng can đảm của các bạn.
Chúng tôi đã
chứng kiến các nhà hoạt động áo trắng đến thăm hỏi thân nhân tù
chính trị vào các ngày Chủ nhật và chư tăng khoác cà sa tuần hành
ôn hòa trên đường phố. Chúng tôi đã biết chuyện những thường dân tổ
chức những nhóm cứu trợ bão và nghe thấy tiếng nói của sinh viên
cũng như nhịp điệu của những nghệ sỹ hip-hop đang phát đi âm thanh của
tự do. Chúng tôi đến đây để biết những người dân Miến lưu vong và tỵ
nạn không bao giờ mất liên hệ với gia đình và nguồn cội. Và chúng
tôi cũng được truyền cảm hứng bởi phẩm giá mạnh mẽ của Aung San Suu
Kyi vì bà đã chứng tỏ rằng không một ai thật sự bị cầm tù nếu
niềm hy vọng vẫn cháy bỏng trong tim.
Khi tôi lên làm tổng thống, tôi đã gửi đi một thông
điệp đến các chính phủ cai trị bằng sự sợ hãi. Tôi đã nói trong
diễn văn nhậm chức rằng: “Chúng tôi sẽ giơ tay ra nếu quý vị cũng
sẵn sàng nới lỏng nắm đấm.”
Trong vòng một
năm rưỡi qua đã bắt đầu một chuyển biến bất ngờ khi chế độ độc tài
trong suốt năm thập niên đã nới lỏng ách cai trị của mình. Dưới
chính phủ của Tổng thống Thein Sein, khát vọng thay đổi cùng với
nghị trình cải cách đã gặp nhau.
Một nhân vật
dân sự giờ đây đã lãnh đạo chính phủ và một Quốc hội đang khẳng
định mình. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ từng một thời bị đặt ra
khỏi vòng pháp luật đã tham gia tranh cử và Aung San Suu Kyi đã trở
thành đại biểu Quốc hội.
Hàng trăm tù
nhân lương tâm đã được phóng thích. Lao động khổ sai đã bị cấm. Đã
đạt được các lệnh ngừng bắn ban đầu với các nhóm vũ trang sắc tộc
và các đạo luật mới ra đời đã tạo điều kiện cho một nền kinh tế
cởi mở hơn.
Do đó hôm nay
tôi đến đây để giữ lời hứa và chìa bàn tay hữu nghị. Nước Mỹ giờ
đây đã có đại sứ trở lại ở Rangoon. Các lệnh cấm vận đã được nới
lỏng, và chúng tôi sẽ giúp tái thiết nền kinh tế để đem đến các cơ
hội cho người dân và để trở thành động cơ tăng trưởng của thế giới.
Tuy nhiên hành
trình đặc biệt này chỉ mới bắt đầu và đoạn đường trước mắt còn
xa. Các cuộc cải cách được khởi động từ thượng tầng xã hội cần
phải đáp ứng nguyện vọng của những người dân vốn là nền tảng của
xã hội. Những đốm lửa tiến bộ mà chúng ta đã thấy không thể để cho
tắt ngúm – chúng phải được thổi bùng lên. Chúng phải trở thành Bắc
đẩu tinh sáng ngời cho toàn thể người dân của đất nước này.
Tất cả những
thành công của các bạn đều quan trọng với nước Mỹ cũng như đối với
bản thân tôi. Ngay cả khi chúng ta đến từ những nơi khác nhau, chúng ta
vẫn chia sẻ cùng ước mơ: được lựa chọn lãnh đạo của mình, được
chung sống trong hòa bình, được học hành và có cuộc sống tốt, được
yêu thương gia đình và cộng đồng. Đó là lý do tại sao mà tự do không
phải là thứ mơ hồ – tự do chính là điều giúp cho nhân loại đạt được
tiến bộ – tiến bộ không chỉ ở thùng phiếu mà còn trong cuộc sống
hàng ngày.
Một trong
những tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ là Franklin Delano Roosevelt hiểu
rõ điều này. Ông xác định chính nghĩa của nước Mỹ không chỉ là
quyền được bỏ phiếu. Ông hiểu rằng dân chủ không chỉ là bầu cử. Ông
kêu gọi thế giới hãy tôn trọng bốn quyền tự do cơ bản: tự do ngôn
luận, tự do tín ngưỡng, tự do trước nhu cầu và tự do trước nỗi sợ.
Bốn quyền tự do này bổ trợ cho nhau. Chúng ta không thể hoàn toàn
thực hiện một quyền mà không có được các quyền còn lại.
Đó là tương
lai mà chúng ta phấn đấu cho chính chúng ta và cho toàn thể người
dân. Đó là điều mà tôi muốn nói với các bạn hôm nay.
Trước hết,
chúng tôi tin tưởng vào quyền tự do ngôn luận để cho tiếng nói của những
người dân bình thường được lắng nghe và chính phủ thể hiện ý chí
của họ – ý chí của nhân dân.
Chúng tôi nhìn
nhận rằng không hai quốc gia nào có thể đạt được những quyền này
một cách giống hệt nhau, nhưng điều không thể nghi ngờ là quốc gia
các bạn sẽ trở nên hùng mạnh hơn nếu phát huy được sức mạnh của
toàn thể người dân. Đó là điều giúp các quốc gia thành công.
Và để bảo vệ
quyền tự do của tất cả người dân, những người cầm quyền phải chấp
nhận bị kiểm soát. Chế độ chính trị của Mỹ được định hình theo
hướng này.
Giờ đây nước
Mỹ có thể có quân đội hùng mạnh nhất thế giới, nhưng quân đội này
phải nằm dưới sự kiểm soát dân sự. Tôi, với tư cách là tổng thống
Mỹ, ra các quyết định mà quân đội phải thi hành chứ không phải ngược
lại. Là tổng thống và tổng tư lệnh, tôi phải có trách nhiệm đó bởi
vì tôi phải chịu trách nhiệm trước người dân của tôi.
Mặt khác, là
tổng thống, tôi không thể áp đặt ý mình lên Quốc hội mặc dù đôi lúc
tôi cũng ước gì mình có thể làm được. Nhánh lập pháp có quyền lực
riêng và đặc quyền riêng nên họ kiểm soát và cân bằng quyền lực của
tôi.
Tôi chỉ định
các vị thẩm phán nhưng tôi không thể chỉ đạo họ phán quyết bởi vì
tất cả mọi người ở Mỹ, từ một đứa trẻ bần hàn cho đến chính bản
thân tôi, tổng thống, đều bình đẳng trước pháp luật. Và các vị thẩm
phán có thể phán quyết liệu tôi có tuân thủ pháp luật hay vi phạm
pháp luật hay không.
Tôi mô tả hệ
thống chính trị ở Mỹ bởi vì đó là con đường mà các bạn phải vươn
đến trong tương lai mà các bạn đáng được hưởng – tương lai mà chỉ một
tù nhân lương tâm cũng là quá nhiều. Các bạn phải vươn tới một tương
lai mà luật pháp có sức mạnh hơn bất kỳ một nhà lãnh đạo nào, một
tương lai mà an ninh quốc gia được củng cố bằng một quân đội do lãnh
đạo dân sự chỉ huy và một Hiến pháp đảm bảo rằng chỉ những người
được người dân bầu lên mới lãnh đạo đất nước.
Lịch sử đã
chỉ ra rằng chính phủ của dân, do dân và vì dân có sức mạnh vô cùng
trong việc đem đến sự thịnh vượng.
Khi những
thường dân có tiếng nói đối với tương lai của chính mình thì đất đai
của họ không thể bị lấy đi. Đó là lý do tại sao các cuộc cải cách
phải đảm bảo rằng người dân của đất nước này phải có những quyền
sở hữu cơ bản nhất – quyền được sở hữu mảnh đất mà họ đang sống
và làm việc.
Khi các tài
năng của các bạn được giải phóng thì cơ hội sẽ được tạo ra cho tất
cả mọi người. Giờ đây khi mà của cải đang chảy vào đất nước này, chúng
tôi hy vọng rằng nó sẽ giúp nâng đỡ nhiều người. Nó không chỉ đem
đến lợi ích cho những người ở trên cao. Nó phải giúp ích cho tất cả
mọi người. Và mô hình tăng trưởng kinh tế như thế, nơi mà ai cũng có
cơ hội – nếu anh làm việc chăm chỉ, anh sẽ thành công – đó là điều
sẽ giúp một đất nước tiến nhanh.
Nhưng sự tăng
trưởng như thế chỉ có thể có nếu tham nhũng bị đẩy lùi. Để cho đầu
tư có thể tạo ra cơ hội, cải cách phải làm sao cho ngân sách minh
bạch và các ngành kinh tế nằm trong tay sở hữu tư nhân.
Khi mà tiếng
nói của người dân được chính phủ lắng nghe thì rất có thể các nhu
cầu cơ bản của họ sẽ được đáp ứng. Đó là lý do tại sao cải cách
phải chạm đến cuộc sống của những người đang thiếu đói và những
người đang bệnh tật.
Sự sợ hãi là
thế lực ngăn trở giữa con người và ước mơ của họ. Trong những khoảnh
khắc đen tối nhất của cuộc đời khi mà Aung San Suu Kyi bị giam cầm,
bà đã viết về sự tự do trước nỗi sợ. Bà nói nỗi sợ đã làm suy
đồi những người đang mang nỗi sợ đó. Bài viết: “Nỗi sợ mất quyền
lực làm suy đồi những kẻ nắm quyền, và nỗi sợ bóng ma quyền lực
làm suy đồi những người bị quyền lực khống chế.”
Đó là nỗi sợ
mà các bạn có thể bỏ lại phía sau. Chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội
đó ở những lãnh đạo mà đã bắt đầu hiểu được quyền lực đến từ
việc nghe theo nguyện vọng của nhân dân chứ không phải lợi dụng nỗi
sợ của họ.
Ngày hôm nay
tôi nói với các bạn ở đây – và tôi nói với tất cả mọi người có
thể nghe thấy tôi – rằng Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng với bạn, trong đó
có những người đã bị lãng quên, những người bị cướp đoạt tài sản,
những người bị tù đày, những người nghèo khó. Chúng tôi sẽ ghi nhớ
hoàn cảnh của các bạn trong đầu và đem theo hy vọng của các bạn
trong tim bởi vì trong thế kỷ 21 cùng với sự lan truyền kỹ thuật và
sự dỡ bỏ các rào cản, tiền tuyến của tự do là trong lòng mỗi quốc
gia và mỗi cá nhân.
Một cựu tù
đã từng nói với các đồng bào của mình: “Chính trị là việc của
quý vị chứ không phải chỉ dành riêng cho các chính trị gia.” Và
chúng tôi cũng có một câu nói ở Mỹ rằng cơ quan quan trọng nhất trong
một nền dân chủ là văn phòng của người dân chứ không phải văn phòng
của tổng thống hay chủ tịch Hạ viện.
Do đó dù cho
cuộc hành trình này có khó khăn, thách thức và đôi khi nản lòng,
cuối cùng thì các bạn, công dân của đất nước này, là những người
phải xác định thế nào là tự do. Các bạn chính là những người phải
giành lấy tự do bởi vì cuộc cách mạng thật sự của tinh thần bắt
đầu trong tim của mỗi chúng ta. Nó cần sự can đảm mà nhiều vị lãnh
đạo của các bạn đã thể hiện.
Con đường phía
trước sẽ còn những thách thức lớn lao và sẽ có những kẻ kháng cự
lại dòng chảy thay đổi. Nhưng tôi đứng ở đây với lòng tin rằng điều
gì đó đang xảy ra ở đất nước này là không thể đảo ngược và ý chí
của người dân sẽ nâng quốc gia này đứng dậy và tạo thành tấm gương
lớn cho thế giới. Và các bạn sẽ có Mỹ là bạn đồng hành trên cuộc
hành trình dài đó.
------------------------------------------
No comments:
Post a Comment