Saturday, 10 November 2012

ÔNG VÕ ĐỪNG MÚA VÕ TRƯỚC DÂN NỮA ! (Minh Diện)




Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ bảy, ngày 10 tháng mười một năm 2012

Cách đây gần bốn năm tôi viết một bài báo về chuyện đất đai ở tỉnh Bình Dương. Chuyện thế này:

Năm 1987 tỉnh Sông Bé tiếp nhận của Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh 980 héc-ta đất khai hoang trồng cao su, giao cho Văn phòng Huyện ủy Bến Cát quản lý. Sau đó toàn bộ diện tích đất này được giao cho Công ty cao su Sông Bé (SOBEXCO ) khai thác kinh doanh. Năm 2001, SOBECO giải thể, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương tiến hành cấp đất cho những người có công và cán bộ hưu, đồng thời tiến hành bán vườn cao su. Việc cấp đất này khi thực hiện có nhiều mờ ám, vì nói cấp cho gia đình có công, nhưng thực tế 14 người được cấp đất chỉ có 1 người là cán bộ hưu, 7 người là cán bộ đương chức, còn 6 người "ẩn danh"...

Việc bán cây cao su còn mờ mịt hơn. Họ quy định giá một hec-ta có 50.000.000 đồng, là cái giá mà dân Bình Dương nói là chẳng khác nào một thứ “đào lộn hột!” (cây điều), bởi vì ai cũng biết, công khai hoang lên luống một héc-ta đất trồng cao su bình quân 25.000.000 đồng, phân bón lót lần đầu 8.000.000 đồng, mỗi héc- ta trồng 500 cây giống, mỗi cây 5.000 đồng, vị chi 25.000.000 đồng, tổng chi phí một héc-ta cao su trồng mới 55.000.000 đồng. Vậy mà họ bán những lô cao su đang khai thác mủ có 50.000.000 đ/ha?

Bởi giá bèo, cho nên cũng như việc cấp đất, dân không có ai được may mắn 'xía dzô', mà hầu hết là các quan chức đương quyền chia nhau. Chỉ riêng Cao Minh Huệ, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đã xơi hết 278 héc- ta rồi. Ông ta là người đứng đầu cơ quan quản lý đất đai tỉnh Bình Dương, lại là con nuôi một vị quan to, là em ruột Cao Minh Quang , Thứ trưởng Bộ y tế, thần thế dữ lắm!

Nhưng đối với những nhóm lợi ich đầy tham vọng, nếu chỉ có việc ăn lời mấy gốc cao su thì chả nhằm nhò gì. Họ chơi nước bài cao hơn, xơi tái cả cây lẫn đất. Và ván bài này họ thắng đậm nhờ Thứ trưởng Bộ TNMT, Gs. Đăng Hùng Võ.

Theo văn bản của UBND tỉnh Bình, chỉ bán cây cao su, không bán đất. Nhưng Cao Minh Huệ và nhóm lợi ích chơi kiểu lập lờ đánh lận con đen. Khi làm các văn bản thủ tục gửi Bộ Tài nguyên-Môi trường, xin cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” cho những người đã mua cây cao su, Huệ và phe nhóm đã tìm cách giấu nhẹm đi phần “không bán đất” theo như UBND tỉnh đã có văn bản chính thức. Ông Đặng Hùng Võ, chẳng biết thẩm định thẩm điếc thế nào, mà thay mặt Bộ TNMT, phê vào công văn, cho phép cấp "Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất". Nhờ cái bút phê ấy, Cao Minh Huệ và nhóm lợi ích đã biến gần 1000 héc-ta đất lực lượng thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh đổ mồ hôi và máu khai phá, thành những ô những thừa có sổ đỏ cho từng người.

Đó chưa phải cú “hốt hụi” sau chót! Gần một năm sau, UBND tỉnh Bình Dương quyết định xây dựng khu công nghiệp trên khu đât vừa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo chấp thuận của Bộ Tài nguyên-Môi trường, quy định giá đền bù một héc-ta là 800.000.000 đồng. Một năm trước mua cả cây cả đất 50.000.000 đồng hec-ta, giờ riêng đất đã được nhà nước bồi thường 800.000.000 đồng héc-ta, lãi gấp 16 lần. Khác gì buôn ma túy?

Ngày đó tôi đã nhờ một người bạn thân của Đặng Hùng Võ, nói với ông cho tôi gặp ít phút, hoặc qua điện thoại, để hỏi xem vì sao ông để bọn Cao Minh Huệ lợi dụng, làm thất thoát của nhà nước gần 1000 tỷ đồng như vây? Đặng Hùng Võ không gặp tôi, chỉ nhắn qua người bạn, rằng vì ông ta tin Sở Tài nguyên-Môi trường Bình Dương nên không kiểm tra kỹ, ông rất vô tư.

Tôi nghĩ Giáo sư Đặng Hùng Võ chỉ sơ suất một lần như vậy, nhưng bây giờ lại rộ lên vụ dự án ECOPRK ở Văn Giang, Hưng Yên, nghiêm trọng hơn. Thì ra Đặng Hùng Võ không chỉ sơ suất có một lần!

Lục tìm tư liệu từ Đông sang Tây, từ kim chí cổ, tôi chưa thấy ở đâu, thời nào có một quyết định liên quan đến quyền lợi, sinh mạng hàng ngàn người dân mà các nhà lãnh đạo lại thực hiện gấp gáp như thế này:

- Ngày 27-6-2004,
Hội đồng thẩm định kỳ văn bản thẩm định.

- Ngày 28-6-2004,
UBND tỉnh Hưng Yên ký tờ trình gửi Bộ TNMT

- Ngày 29-6-2004,
Bộ TNMT ký tờ trình Chính phủ

- Ngày 30-6-2004,
Chính phủ ký quyết định thu hồi đất…

Cái gọi là “lộ trình” như cách nói của Võ Đất Đai đã thấy rõ có sự hẹn hò, thông đồng, cài cắm trước. Ở nước ta, một hồ sơ mà tầm cỡ, mức vốn, diện tích đất lớn lớn và quan trọng như vậy mà chỉ giải quyết trong 4 ngày liên tục, qua 4 cấp quan trọng, quả là chuyện xưa nay chỉ có Một, và chỉ Một mà thôi!

Một dự án hàng tỷ đô-la như ECOPARK, tài liệu liên quan hàng đống, lược giản tối đa cũng vài trăm trang. Chỉ đọc lướt vài trăm trang tài liệu, thử hỏi hết bao nhiêu thời gian? Ở đây không được phép đọc lướt, mà phải đọc kỹ để xác định có khả thi không, có đúng pháp luật không? Vậy mà các vị vừa đọc vừa ký gọn lỏn mỗi một ngày? Các vị thẩm định bằng cách nào mà tài thế, thưa giáo sư tiên sinh?

Từ Hưng Yên lên Hà Nội một trăm cây số, tờ trình của UBND tỉnh Hưng Yên ký 28-6 , ngày 29-6 đã trình lên Bộ tài nguyên môi trường. Ngay trong ngày đó, Bộ Tài nguyên-Môi trường vừa thẩm định cái tờ trình cùa tỉnh Hưng Yên, vừa làm tờ trình của bộ, chuyển lên chính phủ, và ngay hôm sau, 29-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định thu hồi đất số 742-QĐ-TTg. Qúy vị thử nhìn xem, ba tờ trình và tờ quyết định ấy có phải đều cùng chưa ráo mực không? Làm gì mà gấp gáp còn hơn "cưới chạy tang" vậy?

Phải nói thẳng ra rằng, nếu Đặng Hùng Võ không ký tờ trình của Bộ TNMT, thì không có quyết định 742-QĐ-TTg, dẫn tới cuộc giải tỏa đất đai trái luật ở Văn Giang, gây cảnh tiếng súng ầm vang, khói đạn mù trời 6 tháng trước và khiếu kiện triền miên đến hôm nay chưa dứt?

Ông Đặng Hùng Võ lấy lý do phải làm gấp để lách luật, “cuộc sống cần thì không thể chở luật”, và nếu không làm thì dự án phải kéo dài một, hai năm không lợi cho nhà nước (!?).

Ô hay, vậy ra cứ có lợi trước mắt là những người như ông có quyền lách luật, thậm chí không cần luật à?

Ông Võ thừa hiểu, luật do Quốc hội ban hành, Chính phủ phải tuyệt đối tuân theo, chứ đâu phải thấy có lợi mà làm theo kiểu “Tôm cờ lộn cứt lên đầu?”. Thử hỏi các ông lách luật, lại sợ luật mới bất lợi nên vội tranh thủ làm hồ sơ “chạy luật”, làm bừa phứa như vậy đã thu được kết quả gì? Tám năm sau, cái dự án ECOPARK ấy chưa nhúc nhích, riêng việc giải phóng mặt bằng đã khó gặm với dân, vì dân không thuận, phải trả giá bằng một cuộc cưỡng chế long trời lở đất thêm rắc rối mà vẫn chưa đâu ra đâu. Nếu làm đàng hoàng, chấp nhận chậm một, hai năm có hơn không? Cái chính là không làm gấp “chiều lòng” đại gia thì sẽ không được “chia chác kế, phần trăm kế”. Thiên hạ vẫn nghĩ rằng, đã nhận tiền thì họ phải làm gấp, làm tắp lự cho kỳ xong chứ sao?…

Ông Võ Đất Đai (Đặng Hùng Võ) đã không ngán ai mà bật lên câu nói ấn tượng đến phát chối là "việc có lợi không cần đợi luật!". Ôi, thế là Võ Đất Đai đã thừa nhận làm vì lợi rồi còn gì! Lợi cho nước, cho dân hay cho ai?

Thế bao nhiêu việc có lợi cho dân sao các ông không lách luật giúp dân, mà động một tý là căn cứ khoản này điều nọ, có cái lạc hậu từ đời tám hoánh rồi? Trong cuộc sống hàng ngày phơi đầy bất công, người dân khốn khổ do luật pháp chưa hoàn chỉnh, sao các ông không linh động cho dân nhờ?

Những điều ông Võ nói, càng nghe càng khó lọt tai!

Ông nói, là các ông lách luật, phải làm ngay trước khi luật mới bổ sung có hiệu lực, chỉ vì có lợi cho nhà nước? Xin lỗi giáo sư Đặng Hùng Võ, tôi nghĩ ông không phải là một người trung thực, vô tư và ngây thơ đến thế? Người dân Văn Giang nói riêng, cả nước nói chung, thừa biết cái gì, ở đâu có lợi cho đất nước, những chỗ nào đã, đang và sẽ bị nhóm lợi ích nhân danh nhà nước trục lợi!

Ông Đặng Hùng Võ nên nhớ, để bảo vệ Thủ đô Hà Nội, năm 1967, người dân Văn Giang đã tự biến những cánh đổng ngô xanh tốt, những ruộng lúa đang trổ bông của mình thành trận địa pháo phòng không, và dỡ cả nhà mình ra làm hầm cho bộ đội. Nếu lịch sừ lặp lại, hoặc ngay bây giờ cần biến cánh đồng Văn Giang thành một trận địa pháo tầm xa bảo vệ biên giới, biển đảo của Tổ Quốc, tôi tin rằng người dân Văn Giang không một chút đắn đo. Nhưng, với cái kiểu lách luật, né luật, nhằm mang lại lợi ích phe nhóm, thì người dân Văn Giang cũng như cả nước trả lời là không! Mỗi tấc đất nơi đây đều thẫm đẫm mồ hôi và máu người dân, đừng đùa với máu!

Đặng Hùng Võ nói các Bộ như Tài chính, Xây dựng, đều đồng tình cách làm gấp gáp và Chính phủ hối thúc?! Ô hay, một giáo sư thường đăng đàn dạy người ta về luật pháp, giải thích Luật Đất đai cho thiên hạ nghe, nhẽ ra ông phải là người thượng tôn pháp luật, cớ sao lại tìm cách ngụy biện, che giấu, chặn họng thiên hạ, đồng lõa với máu tham của đại gia? Để chúng minh mình vô tư, ông Đặng Hùng Võ phân trần rằng, ba năm sau, 2008, ông mới biết cái Công ty có dự án ECOPARK, và nhận lời viết bài cho họ. Thưa giáo sư tiên sinh, có lẽ tôi không phải nhắc ngài về lòng tự trọng và cái gọi là “phép biện chứng", "lộ trình" nữa!

Ông Đặng Hùng Võ nhận lỗi trước dân Văn Giang, và họ đã vỗ tay. Người dân chân lấm tay bùn sờ đầu gối nói thật chúng tôi vốn dễ tính. Nhưng, chả nhẽ một trí thức tầm cỡ như giáo sư, một người được dư luận coi là "có chính kiến" như ông, mà chỉ đáp lại dân bằng một cuộc gặp với lời nhận lỗi qua loa như vậy sao?

Với trách nhiệm và uy tín của mình, ông Đặng Hùng Võ hãy làm những việc cần phải làm, xin đừng nghĩ cách tiếp tục “múa võ” với dân để lấp liếm nữa. Tám năm trước ông đã lách luật, né luật, nay GS. Hùng Võ lại tìm thời cơ giở ra đủ trò "hùng hồn võ miệng" hay sao?

Minh Diện

Hàng nghìn người dân Văn Giang "liều chết giữ đất" (24-4-2012:


Blog Bùi Văn Bồng

------------------------------

Theo khổ chủ cho biết vào lúc 14 giờ ngày 29/10 đã bị hacker cướp quyền quản trị blog. Bác Bùi Văn Bồng lập nhà mới tại: Bvbong.blogspot.com






No comments:

Post a Comment

View My Stats