Ca sĩ THANH TUYỀN (Người Lao Động)
Thứ Năm, 08/11/2012 22:03
Có những đêm tôi không ngủ được, nhìn bóng đêm, nước mắt lặng lẽ
rơi, tôi đã hiểu thế nào là khóc lẻ loi một mình.
Định mệnh đã đưa đẩy tôi xa rời Đà Lạt, rõ ràng là một sự sắp đặt
mà chúng ta quen gọi là duyên số. Định mệnh đã xui tôi bỏ Đà Lạt, một thành phố
nhìn ai cũng thấy bạn bè, thân thuộc. Quê hương của tôi đó, thành phố của tôi
đó. Nếu ai đến một lần sẽ nhớ mãi, đến rồi không muốn đi, đi rồi lại muốn trở
lại.
Tôi nhớ ngôi trường Bùi Thị Xuân, nhớ những tháng ngày tuổi thơ
trinh nguyên với chiếc áo dài trắng, cặp sách đến trường từ con phố Duy Tân,
chợ Hòa Bình tới trường vào những buổi sáng rét lạnh, nhớ những buổi điểm tâm
vỏn vẹn chỉ có tô cháo trắng ăn với muối.
Mẹ tôi là một bà mẹ quê mùa, hiền hậu chất
phác, học chỉ biết viết và biết đọc là may lắm rồi. Mẹ chỉ ước ao con mình được
ăn học. Vốn con nhà nghèo, bà nghĩ nuôi con cho học hết tiểu học là mừng lắm
rồi. Bản tính của tôi ngay từ nhỏ đã hiếu động, không chịu an phận. Tôi phải
học và bằng mọi cách tôi cố gắng thi đậu vô Trường Trung học Bùi Thị Xuân để đỡ
gánh nặng học phí cho gia đình.
Ước mơ lúc đó của tôi là học, ráng lấy tệ lắm cũng được bằng trung
học, nếu không tiếp tục đi học thì ít nhất cũng đi dạy, làm cô giáo làng. Có
một điều lạ là lúc nhỏ ai cũng nói tôi hát rất hay, lớn lên nếu được làm ca sĩ
thì không thua ai. Tôi không bao giờ dám nghĩ tới điều đó và nghĩ sẽ không bao
giờ đến với tôi. Nhưng rồi cuộc đời đưa đẩy, tôi trở thành ca sĩ vào năm 1964,
khi về Sài Gòn và nổi tiếng với bài hát Nỗi buồn hoa phượng của Thanh Sơn.
Có lúc tôi soi gương và tự hỏi có phải là mình? Sao mà lẹ thế, lúc
đó vừa 17 tuổi, cái tuổi chưa hề biết phấn son trang điểm, nét quê mùa chưa xóa
được, trở thành một ca sĩ tiếng tăm của cả miền Nam. Tôi cảm ơn hai thầy của
tôi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, nhạc sĩ Mạnh Phát đã biến cuộc đời của tôi từ Như
Mai ra Thanh Tuyền. Cảm ơn cuộc đời đã ân sủng tôi.
Theo suy nghĩ của tôi, mình là nghệ sĩ,
nghệ sĩ có tài thực sự mới đứng được lâu và đã ở trong lòng khán giả thì mình
phải hãnh diện vì được khán giả yêu cho đến bây giờ. Vậy thì tại sao phải thắc
mắc, mặc cảm vì hai tiếng cải lương hay nhạc sến!
Như tiếng hát của tôi cũng vậy, có người không thích, phê bình tôi
hát nhạc sến, nhạc bình dân, có người khen tiếng hát cô Thái Thanh là trưởng
giả, là trí thức. Nhưng Thái Thanh vẫn là Thái Thanh, Thanh Tuyền vẫn là Thanh
Tuyền. Mỗi người được trời ban cho năng khiếu riêng, tài nghệ có sắc thái cá
biệt. Có thể so sánh phở này ngon hơn phở kia, tivi này xài tốt hơn tivi nọ,
nhưng theo tôi, trong nghệ thuật thì lại không có tiêu chuẩn so sánh.
Không thể cho rằng hát bội hay hơn cải lương, cải lương hay hơn hồ
quảng. Liệu có tiếng hát cho người có học, tiếng hát cho người thất học? Tôi
nghĩ không có tiếng hát nào của riêng ai cả. Nghệ sĩ chỉ biết truyền giọng hát
từ trái tim mình đến trái tim công chúng để tìm sự đồng cảm.
Nghệ sĩ chúng tôi đều muốn được công chúng
thương yêu, mong đem tiếng hát, tài năng của mình làm đẹp cuộc đời. Tôi sẽ còn
hát đến khi nào không thể hát được nữa!
-------------------------------
Tìm đến người nghèo
Tôi hay tìm
tới người nghèo, tới những mảnh đời bất hạnh. Tôi quan niệm dễ dãi với cuộc
đời, cuộc đời sẽ dễ dãi với tôi. Điều quý giá nhất của cuộc đời tôi là cha mẹ,
nay cha mẹ tôi đã mất, tôi chỉ cố gắng để dành tiền làm việc thiện, giúp những
gì người ta cần giúp. 40 năm đi hát, có bao giờ tôi thấy mình xuống dốc đâu,
bởi rất dễ hiểu tôi không bao giờ nghĩ tôi là siêu sao. Tôi vẫn là tôi, trước
sau như một.
Là một người
sống đời ca hát, tôi đã đến nhiều nơi trên quê hương, gặp gỡ cả triệu người,
nắng cũng đi, mưa cũng lội, bốn biển là nhà, đi đâu cũng thấy quê hương, đi đâu
cũng thấy anh em, bạn bè. Cả đời tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm. Có những đêm
không ngủ được, tôi nhìn bóng đêm, nước mắt lặng lẽ rơi. Tôi đã hiểu thế nào là
khóc lẻ loi một mình.
*
*
Ca sĩ Thanh Tuyền
sẽ có 2 đêm diễn đặc biệt tại phòng trà Tiếng Xưa vào 2 đêm 10 và 11-11.
Ca sĩ THANH TUYỀN
No comments:
Post a Comment