Được đăng ngày Thứ sáu, 16 Tháng 11 2012 15:17
Sau cùng, trái với dự đoán một kết quả khít
khao, tổng thống Obama đã tái cử khá dễ dàng. Cơn bão Sandy đã phần nào tác
động lên cuộc bầu cử nhưng lý do chính vẫn là vào lúc cầm lá phiếu trong tay
một phần đáng kể cử tri đã nghĩ trước hết đến khoản trợ cấp mà Obama hứa cho
họ. Cuộc đầu phiếu này một lần nữa nhắc lại nghịch lý lớn của thế giới từ nhiều
năm nay: chính quyền của siêu cường có ảnh hưởng quyết định nhất trên thế giới
lại chỉ được bầu ra trên những tiêu chuẩn nội bộ. Trong suốt cuộc bầu cử cả hai
ứng cử viên Barack Obama và Mitt Romney đều đã không đưa ra một cái nhìn nào về
thế giới trong những năm sắp tới.
Nghịch lý càng nổi bật trong lúc này vì thế
giới đang sống một chuyển hóa lớn. Từ hơn hai năm qua một làn sóng dân chủ mới
đã xuất hiện và đang mạnh lên. Các chế độ dân chủ hình thức tại Mã Lai và
Singapore đã trở thành những nền dân chủ thực sự; tại Thái Lan chính quyền quân
đội đã nhường chỗ cho một chính quyền xuất phát từ bầu cử tự do; trước sự ngạc
nhiên của thế giới Miến Điện đã đột ngột chuyển động mạnh về dân chủ. Một cách
ngoạn mục cả khối Ả Rập, mà nhiều người vẫn cho là dị ứng với dân chủ, đã ào ạt
vùng lên đánh đổ các chế độ độc tài từ trước tới nay vẫn tự nghĩ là không thể
lay chuyển. Châu Phi cũng không phải là ngoại lệ. Như Nga và các nước thuộc
Liên Xô cũ. Các chính quyền Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu bối rối. Trên thế
giới chỉ còn lại trên dưới mười chế độ độc tài trong đó chỉ có bốn nước cộng
sản cũ Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Cao Ly và Cuba còn công khai khẳng định chế độ
độc đảng. Các chế độ độc tài còn lại vừa ít, vừa yếu, vừa lạc hậu. Các nước dân
chủ không còn nhu cầu phải thỏa hiệp với chúng. Và cũng không thể thỏa hiệp với
chúng do áp lực của dư luận, bởi vì trước những nguyện vọng tự do dân chủ ngày
càng mạnh lên chúng buộc phải gia tăng đàn áp để có thể tiếp tục tồn tại, và do
đó càng bị lên án. Hơn nữa do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu,
thời kỳ vàng son của các chế độ bóc lột tối đa công nhân để xuất khẩu thật nhiều
với giá thật rẻ đã chấm dứt. Chúng ta có thể thấy là đàn áp đã gia tăng hẳn tại
Nga, Trung Quốc và Việt Nam. Chúng ta cũng có thể thấy là ngoại thương của mọi
chế độ độc tài đều sút giảm hẳn và các nhà đầu tư đang ra đi.
Obama không phải là một con người lý tưởng
đặc biệt tha thiết với các giá trị dân chủ và nhân quyền. Ông là con người thực
tiễn và theo đuổi một chính sách đối ngoại thực tiễn, tránh đụng độ với các chế
độ độc tài khi không cần thiết cho quyền lợi của nước Mỹ. Ông đã tuyên bố như
vậy ngay trong bài diễn văn nhậm chức tháng 01-2009 và đã nhắc lại trong bài
diễn văn tại Cairo sau đó. Tuy nhiên bối cảnhthế giới đã thay đổi và chủ nghĩa
thực tiễn đã phá sản. Obama đã hụt hẫng và bối rối trước cuộc cách mạng Ả Rập
và đã phải tiếp tay lật đổ các chế độ thân Mỹ Ben Ali, Mubarak và Gaddafi.
Chính sách mở cửa không điều kiện đối với Trung Quốc và Việt Nam cũng đã chỉ
đưa đến những thách đố xấc xược hơn về nhân quyền của hai chế độ cộng sản này.
Hơn nữa Trung Quốc ngày càng trở thành một đe dọa cho hòa bình và đồng thời đầu
tàucủa một liên minh chống dân chủ. Tổng thống Obama sẽ không có chọn lựa bởi
vì Hoa Kỳ dù muốn cũng không thể tiếp tục thỏa hiệp với các chế độ độc tài nữa.
Dư luận Mỹ sẽ không cho phép và quyền lợi của Mỹ cũng sẽ không cho phép.
Thực ra Hoa Kỳ đã
thay đổi chính sách đối ngoại. Họ đã
tiếp tay lật đổ các chế độ độc tài Bắc Phi và Trung Đông và đang chuyển trọng
tâm chiến lược sang Châu Á và Thái Bình Dương, nơi mà Trung Quốc cũng đang muốn
bành trướng thế lực và đã va chạm với nhiều nước đồng minh của Mỹ. Họ đã bày tỏ
một lập trường không nhân nhượng đối với Bắc Kinh mỗi khi có cơ hội, như trong
vụ đụng độ Trung - Nhật tại quần đảo Senkaku. Trung tuần tháng 11 này, nhân hội nghị thượng đỉnh Đông
Á, tổng thống Obama sẽ thăm Thái Lan, Miến Điện và có thể cả Nhật nhưng từ chối thăm Việt Nam với lời giải thích thẳng thừng là vì Việt
Nam chưa cải thiện về mặt nhân quyền.
Giai đoạn nhân nhượng và thỏa hiệp đã chấm dứt. Dân chủ hóa là điều
kiện để tranh thủ thị trường và sự hợp tác của các nước dân chủ, nhất là Hoa
Kỳ. Ngược lại ngoan cố duy trì chế độ độc tài, ngay cả nhân danh chủ nghĩa xã
hội, đồng nghĩa với chấp nhận mất các thị trường và các cơ hội hợp tác với tất
cả những hậu quả kinh tế xã hội bi đát, trước khi bị cuốn đi bởi làn sóng dân chủ
đang dâng lên. Đó là chọn lựa
bắt buộc của các chế độ độc tài còn lại. Dù với Barack Obama hay Mitt Romney.
Thông Luận
No comments:
Post a Comment