Tối trước ngày bầu cử tôi mới bắt đầu đánh ô bầu chọn. Từ nhiều năm qua tôi và nhà tôi chọn cách bầu qua bưu điện nên lá phiếu được gửi đến nhà từ vài tuần trước. Nhưng chúng tôi không bầu chọn và gửi phiếu đi ngay vì cần thêm thời gian để tìm hiểu về các ứng viên. Năm nay không chỉ chọn tổng thống
mà còn bầu thượng nghị sĩ, dân biểu cùng nhiều dân cử các cấp và chục đề nghị luật cho California và địa phương.
Chúng tôi làm xong nhiệm vụ công dân ngay tại nhà và đã có những chọn lựa khác
nhau về một số ứng viên hay dự luật. Ngày mai tôi sẽ đem hai phiếu bầu đến
địa điểm bầu cử, bỏ vào thùng phiếu. Như thế không lo bị trễ hay thất lạc.
Cử tri California trong ngày tổng tuyển cử 6/11
Cuộc vận động năm nay sôi nổi, không chỉ với bầu chọn
lãnh đạo nước Mỹ mà còn nhiều vấn đề liên quan đến địa phương.
Hồi chiều vẫn còn có người gõ cửa kêu gọi bầu YES cho dự
luật 30 của California đề nghị tăng thuế người có
thu nhập trên 250 nghì đô-la một năm và tạm tăng thuế tiêu dùng 0.25% trong bốn
năm để có thêm ngân sách giáo dục.
Chín giờ tối xem ti-vi. CNN tường thuật
sinh hoạt vận động sau cùng với diễn văn của Barack Obama từ Iowa và Mitt Romney từ New Hampshire. Giọng nói của hai ứng viên
nghe ra đã thấm mệt sau nhiều tháng vận động. Sinh mệnh chính
trị của họ giờ nằm trong tay cử tri.
Hơn chín giờ. Vừa quá nửa đêm ở miền đông. Bang New
Hampshire đã có người đi bầu khi đồng hồ điểm qua ngày 6/11. Đó là thị
trấn Dixville Notch với dân số chỉ 10 người và tất cả đã làm xong bổn phận công
dân. Thị trấn này nổi tiếng là nơi công bố kết quả bầu cử
tổng thống sớm nhất trong nhiều năm qua. Vài phút quá nửa đêm ở đó, kết quả được công bố với Obama 5 phiếu, Romney 5 phiếu. Cũng ngang ngửa như thăm dò toàn quốc mới nhất.
Sáu giờ sáng ngày bầu cử. Đưa con đến địa điểm phòng phiếu. Cháu đang học lớp về tổ chức công quyền nên tham gia làm việc trong ngày
bầu cử để quan sát và thực hành những gì đã học trong lớp.
Cơ quan bầu cử cho biết có khoảng 100 nghìn
nhân viên lo việc bầu cử ở các phòng phiếu khắp tiểu
bang. Ước tính sẽ có hơn 12 triệu cử tri
California đã đăng ký sẽ
tham gia bầu cử, tức 70%. Khoảng một nửa chọn cách bầu qua thư.
Sáng nay, qua mạng liên lạc nhóm bạn cựu sinh viên Đại học Berkeley nhiều người lên tiếng ủng hộ Obama hay Romney và kêu gọi mọi người tham gia bầu cử.
Cùng lúc mấy anh em thân bày trò cá cược như nhiều lần trước. Mỗi người bỏ vào 20 đô. Ai đoán ứng viên đắc cử tổng thống với số phiếu cử tri đoàn gần nhất sẽ thắng. Sáu anh em, sáu con số cá độ như sau: Obama 280, Obama 301, Obama 285;
Romney 293, Romney 291, Romney 280.
Chín giờ sáng đưa mẹ vợ và mẹ đẻ đến phòng phiếu tại hai địa điểm khác nhau. Mẹ vợ bỏ phiếu trước. Sau đó đến mẹ đẻ.
Tại nơi mẹ tôi bỏ phiếu thấy nhiều người quen cũng đi bầu ở đây. Có linh mục chánh xứ, mấy người thường sinh hoạt trong nhà thờ, làm việc ở siêu thị cũng đang xếp hàng để bỏ phiếu.
Mẹ tác giả lần đầu tiên tham gia bầu cử ở Mỹ
Khi mẹ tôi bầu chọn xong, ra ngoài gặp một anh người Việt hỏi tôi làm sao biết chỗ nào để đi
bầu. Anh chị nói có đăng ký rồi nhưng không rõ thủ tục. Tôi hướng dẫn anh chị vào phòng phiếu, dò tên không
thấy có. Theo tấm giấy của văn phòng quận hạt gửi về mà anh chị đưa cho xem thì họ mới đăng ký đi bầu hai tuần trước nên không có tên trong danh sách niêm yết tại địa điểm này.
Một nhân viên bầu cử nói anh chị có thể bầu phiếu tạm.
Họ đưa tờ đơn để khai tên, điạ chỉ, ngày tháng năm sinh, số căn cước, cùng trả lời hai câu hỏi là có phải công dân Mỹ và đã đủ 18 tuổi chưa. Sau đó ký tên.
Nhân viên phòng phiếu không hỏi giấy tờ gì
ngoài căn cước có hình. Tôi
thấy vài người gốc Mễ cũng
phải qua thủ tục như anh chị.
Chị hỏi bầu “Ông Trắng” hay “Ông Đen”, tôi trả lời đó là tùy
chị lựa chọn. Anh chị đến Mỹ định cư từ năm 1996, nay mới đi bầu lần đầu tiên nên còn bỡ ngỡ.
Qua sự kiện này mới thấy quyền bầu cử của công dân được tôn trọng, dù người đó không có đầy đủ giấy tờ, không có tên trong danh sách cử tri, nhưng nếu
có ý định
tham gia bầu cử thì lời yêu cầu được đáp ứng ngay. Chuyện xét lại hồ sơ lý lịch để xem có phải là cử tri hợp
pháp hay không sẽ được giới chức thẩm quyền kiểm chứng sau.
Chiều đi dạy. Vào lớp sinh viên hỏi tôi có cho về sớm để đi bầu. Tôi trả lời nội quy nhà trường không đề cập đến sinh viên, nhưng có cho nhân viên nghỉ hai giờ để tham gia bầu cử nếu muốn. Vì tôi đã bỏ
phiếu rồi nên không cho tan lớp sớm.
Trong những năm qua đã có đề nghị chuyển ngày bầu cử qua Chủ Nhật hay công bố ngày bầu cử là ngày lễ nghỉ trên toàn quốc để người dân dễ dàng có cơ hội làm bổn phận công dân.
Bốn giờ chiều. Tại một số tiểu bang miền đông phòng phiếu đóng cửa và cuộc kiểm phiếu bắt
đầu.
Trên đường lái xe về nhà, nghe đài ABC công bố một số thăm dò cử tri đã đi bỏ phiếu. Hai câu hỏi đáng chú ý là:
Ai sẽ có khả năng làm cho kinh tế tốt hơn: 75% chọn Romney. Nền kinh tế Hoa
Kỳ đang đi sai hướng: 51% đồng ý, so với ba tháng trước con số này là hơn 60%.
ABC đưa tin kết quả đầu tiên với Obama thắng ở
Vermont. Romney thắng ở Indianna và Kentucky.
6 giờ 30 chiều. Kết quả ở bang Florida quá khít khao. Với 7 triệu
phiếu bầu đã đếm Romney chỉ hơn chừng 600 phiếu. Sau đó vài phút
với 81% phiếu đã đếm Obama hơn chừng 1000 phiếu. Liệu có như kết quả năm 2000 nữa không?
8 giờ. Phòng phiếu ở các tiểu bang miền tây trong đó có California đóng cửa. Nhiều tiểu
bang đã có kết quả dự báo do các kênh truyền hình công bố. Một số bang
ngang ngửa trước ngày bầu cử đã ngả về Obama. Mitt Romney được 203, Barack Obama 257. Con số 270 đối với Romney càng
lúc càng xa vời.
8 giờ 15 tối. Kênh truyền hình CBS tiên đoán
Obama sẽ thắng ở Ohio đưa số phiếu cử tri đoàn cho Obama lên 274, Romney 203. Đài này loan báo Tổng thống Obama tái đắc cử.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2012 là một cuộc tranh cử sôi nổi, hào hứng và rất gay cho đến những giờ phút chót mà tôi đã
quan sát thấy.
(ảnh trong bài của tác giả)
(c) 2012 Buivanphu
No comments:
Post a Comment