Tuesday,
November 06, 2012 9:35:34 PM
WASHINGTON (NV) - Tổng Thống Obama chiếm được 303 phiếu đại cử tri , Romney 203,
chính thức tái đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì, lãnh đạo nước Mỹ thêm 4 năm nữa.
Ðảng
Dân Chủ vẫn giữ đa số tại Thượng Viện và đảng Cộng Hòa tiếp tục kiểm soát Hạ
Viện.
Hàng
chục triệu cử tri Hoa Kỳ đã đi bầu hôm Thứ Ba trong một cuộc bầu cử gay go và
tốn kém nhất từ trước đến nay, ước lượng vượt trên con số 2.5 tỷ dollars.
Ðúng 12:55 đêm giờ Boston,
Massachusetts, ứng cử viên Romney thông báo rằng ông vừa gọi điện thoại chúc
mừng Tổng Thống Obama đã chiến thắng.
“Tôi
đã nói với Tổng Thống Obama rằng chúng ta đang ở một giai đoạn rất thử thách
của đất nước, và hứa sẽ cầu nguyện để tổng thống thành công trong việc lãnh đạo
quốc gia.” Romney nói, và sau
5 phút tâm sự, cám ơn người ủng hộ mọi giới, kết luận: “Cuộc bầu cử đã kết thúc!”
Sau
lời nhận thua được cho là hết sức nhã nhặn của Romney, mọi người háo hức chờ
lời phát biểu của Tổng Thống Obama.
Cần
nhắc lại rằng tổng thống Hoa Kỳ được bầu theo thể thức bầu cử gián tiếp - do
đại biểu các tiểu bang (cử tri đoàn) bầu lên - chứ không phải do cử tri toàn
quốc trực tiếp bầu lên. Hiến Pháp quy định như vậy vì Hoa Kỳ là một liên bang
(United States) và tổng thống là nhà lãnh đạo của liên bang.
Do
thể thức này, sự đắc cử căn cứ trên việc chiếm được đa số trong 538 phiếu cử
tri đoàn (“Nhân số” cử tri đoàn bằng tổng số dân biểu và thượng nghị sĩ =
435+100+3 đại biểu của District of Columbia = 538) nghĩa là trên 269+1 = 270.
Dân chúng Hoa Kỳ, cơ quan truyền thông và những người am hiểu trên khắp thế
giới, hàng răm triệu người này Thứ Ba, 6 tháng 11, nói đến con số 270.
Cử
tri một số tiểu bang hầu như bao giờ cũng trung thành với Cộng Hòa hay Dân Chủ,
chỉ còn những tiểu bang khác không chắc chắn bầu cho một ứng cử viên đảng nào.
Những tiểu bang sau này được gọi là “toss up” và nghiễm nhiên trở thành chiến
trường chính để ứng cử viên phải tranh thủ sao cho cuối cùng có con số 270 quý
báu ấy.
Ðây
là một thực tế trớ trêu vì có thể nói rằng quyết định chọn vị tổng thống Hoa Kỳ
không hẳn do toàn quốc mà chỉ do cử tri 9 tiểu bang với khoảng 22% công dân Mỹ.
Trong
thập niên 1960 và 1970, các tiểu bang “toss up” chiếm hơn 50% dân số Hoa Kỳ
nhưng từ 40 năm qua số các tiểu bang toss up này giảm dần và hiện nay chỉ còn 9
với khoảng 22% dân số toàn quốc (trong dấu ngoặc là con số đại biểu cử tri
đoàn): Nevada (6), Colorado (9), Iowa (6), Wisconsin (10), Ohio (18), New
Hampshire (4), Virginia (13), North Carolina (15), Florida (29).
Vào
lúc 5 giờ chiều, những kết quả đầu tiên ở một số tiểu bang miền Ðông đã được
đưa ra, nhưng mới chỉ là sơ khởi chưa thể cho biết gì hơn điều mọi người đã rõ
từ lâu là cuộc bầu cử này rất gay go.
Một
số kết quả tạm thời vào lúc 5.30 giờ cũng không có gì bất ngờ: Romney thắng
Indiana, Kentucky, West Virginia, South Carolina và Obama thắng ở Vermont, tất
cả đều là những tiểu bang đã được coi là an toàn của mỗi bên.
Cho
đến 9.30 giờ miền Ðông, Romney dẫn trước Obama về phiếu cử tri đoàn 153-123
nhưng không có bất ngờ vì mỗi người đều thắng tại những tiểu bang như mọi người
đã biết. Romney chiếm 17 tiểu bang Cộng Hòa trong khi Obama thắng 10. Kết quả
ấy sẽ đảo ngược khi có kết quả ở California, Washington, Oregon.
Các
tiểu bang toss up chưa có kết quả. Sự chờ đợi cho đến lúc này tập trung vào
Florida, Pennsylvania và tất nhiên Ohio. Với một số khoảng phân nửa phiếu đã
kiểm (chưa có phiếu bầu sớm và khiếm diện) Romney có vẻ hơn chút ít ở Florida
và Obama tỏ ra vững vàng tại Ohio trong khi tình hình tại Pennsylvania ngang
ngửa.
10.30
giờ miền Ðông, Fox News loan tin Obama thắng ở Pennsylvania, chiến trường quan
trọng mà Romney trong nỗ lực cuối cùng đã đến thăm ngay trong ngày bầu cử tại
Pittsburgh. Cũng theo Fox, Obama đang trên đường đi đến thắng lợi tại New
Hampshire, Wisconsin, Michigan - sinh quán của Romney. Phiếu đại cử tri của hai
người cho đến lúc này là Romney 170-Obama 148.
11.15
giờ EST, với kết quả tại hai tiểu bang miền Tây, California và Washington, con
số đại cử tri của Obama bây giờ là 225, của Romney 186. Như vậy Obama chỉ còn
thiếu 45 để trở lại tòa Bạch Ốc thêm 4 năm.
Obama
thắng ở Ohio và như thế kết quả mà tất cả mọi người đều hiểu là quan trọng nhất
đã rõ ràng. Lúc này phiếu cử tri đoàn của Obama 252 - Romney 200 và không ai
còn nghi ngờ có kết luận gì khác nữa. (HC)
Bài
liên quan
-----------------------------------------
Walter Tống - Vanessa White/Viễn
Đông
(VienDongDaily.Com
- 07/11/2012)
WASHINGTON D.C. – Ông Barack Obama đã được bầu lên làm Tổng
Thống thứ 45 của Hoa Kỳ với 49,8 phần trăm tổng số lá phiếu của cử tri. Đối thủ
Mitt Romney cũng có được 48,7 phần trăm tổng số phiếu tính tới nửa đêm
6-11-2012.
Con đường dẫn tới những kết quả cuối cùng của kỳ bầu cử ngày Thứ Ba hôm qua xem ra thật dài và đầy khó khăn. Nhật báo Viễn Đông đã bắt đầu đưa tin về các cử tri và cuộc bỏ phiếu trong tháng 6 năm 2011, tiếp theo sau cuộc tranh luận trong mùa tranh cử tổng thống ở vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên, tường thuật về các đối thủ tranh nhau cơ hội tối hậu để đọ sức với đương kim Tổng Thống Dân Chủ Obama. Trong tháng 2 năm nay, cựu Thống Đốc Romney của tiểu bang Massachusetts trở thành người được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh chức tổng thống, và từ đó đến nay ông đã bị chỉ trích là người thay đổi lập trường như chong chóng về các vấn đề. Trong khi đó, Tổng Thống Obama bị công kích về những nỗ lực của ông nhằm củng cố cho vững mạnh nền kinh tế và cải tổ hệ thống chăm sóc y tế Hoa Kỳ.
Cả hai ứng cử viên này đều đấu khẩu chỉ trích lẫn nhau, trong những mục quảng cáo được họ chấp thuận và các bài diễn văn trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, góp phần đào sâu khoét rộng thêm hố chia cách phe cấp tiến và phe bảo thủ tại Hoa Kỳ, đem lại cho các phương tiện truyền thông chính lưu được có dịp đưa tin về kỳ bầu cử, như là một cảnh sinh tử đối với công chúng Mỹ. Loại thảo chương hóa chính lưu này góp phần làm cho người ta nghĩ và có cảm giác rằng, bất luận người nào sẽ lên đại diện cho dân Mỹ, như là kết quả của kỳ bầu cử 6-11-2012, thì một số người Mỹ được coi là những người thắng cuộc, còn một số khác được xem là những người bại trận.
Tuy nhiên, mặc dù Hoa Kỳ chắc chắn sẽ có được một số khoản thay đổi quan trọng, căn cứ trên những chính sách mà mỗi ứng cử viên đưa ra, nhưng vẫn có những phương diện trong sinh hoạt người Mỹ có lẽ vẫn cứ y như cũ thôi chứ chẳng thay đổi gì cả.
Chuyện gì sẽ xảy ra lúc này?
Chăm sóc y tế là một trong những vấn đề lớn, mà Tổng Thống Obama và Thống Đốc Romney công khai bất đồng ý kiến với nhau, trong suốt mùa họ ra tranh cử, với chuyện chính sách của ông Obama có lẽ sẽ tiếp tục cải tổ hệ thống chăm sóc y tế liên bang, như là một kết quả của kỳ tuyển cử này. Tuy vậy, bất chấp những lời tuyên bố xung khắc của họ trên đường vận động tranh cử, cả hai ứng cử viên đều không khác biệt với nhau về những chính sách thực sự đối với chăm sóc y tế, hoặc nơi những chi tiết cụ thể trong các kế hoạch của họ, về chuyện họ sẽ hành động như thế nào.
Trong một bức e-mail gởi cho nhật báo Viễn Đông, Giáo Sư Tiến Sĩ Matthew Jarvis, dạy khoa Chính Trị Học tại trường đại học California State University Fullerton (CSUF), lưu ý rằng luật chăm sóc y tế do Thống Đốc Romney trước đây đem ra áp dụng tại tiểu bang Massachusetts, cũng được gọi là luật “RomneyCare”, xét về bản chất là giống như luật của Tổng Thống Obama, được gọi là “Đạo Luật bảo vệ Bệnh Nhân Và Chăm Sóc Y Tế Vừa Tầm Khả Năng Tài Chánh” (ACA), còn được biết tới là “ObamaCare”. Giáo Sư Jarvis cho biết thêm rằng trong thực tế Đảng Cộng Hòa đã đề nghị nhiều khoản trong ACA, bao gồm điều khoản “nghĩa vụ cá nhân” từng gây tranh cãi, trong đó đòi buộc mọi người Mỹ phải mua bảo hiểm y tế, nếu không thì sẽ phải nộp tiền phạt thuế cho chính phủ liên bang.
Thế nhưng, phía Cộng Hòa công kích luật ACA, vì luật này là do một thành viên đảng Dân Chủ đưa ra, theo Giáo Sư Jarvis cho biết tiếp. Ông nói thêm rằng nếu đắc cử thì Thống Đốc Romney có lẽ sẽ giữ lại nhiều khía cạnh của ACA, nhưng sẽ dứt khoát thu hồi bãi bỏ điều khoản về nghĩa vụ cá nhân và những phần liên quan tới những chứng bệnh đã có từ trước khi người ta mua bảo hiểm.
Vấn đề nợ quốc gia là một lãnh vực khác, Giáo Sư Jarvis tiên đoán, trong đó chuyện ông Obama đắc cử có lẽ sẽ làm giảm bớt mức nợ công xuống một chút, nhưng nếu Thống Đốc Romney đắc cử thì ông sẽ thực sự nâng mức nợ liên bang lên cao hơn. Lý do là vì Tổng Thống Obama đã đề nghị những khoản tăng thuế nho nhỏ, đánh vào giới nhà giàu, và cũng tạo ra được một số khoản tiết kiệm làm giảm thâm hụt thông qua luật ACA, theo Giáo Sư Jarvis cho biết thêm.
Tuy nhiên, Thống Đốc Romney hứa làm những khoản cắt giảm thuế lớn, và gia tăng mức chi tiêu quân sự, trong khi vẫn tuyên bố rằng những mục cắt giảm nơi các chương trình quốc nội và những hạn chế chiết khấu đều sẽ thanh toán cho những khoản cắt giảm nơi thu nhập, theo Giáo Sư Jarvis cho biết.
Có một điều nữa, trong đó việc đắc cử của Tổng Thống Obama có thể gây ra tác động nghiêm trọng là Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Trong một e-mail gởi cho Viễn Đông, Giáo Sư Tiến Sĩ Matthew Beckman, dạy Chính Trị Học tại trường đại học University of California Irvine (UCI), nói: “Sự sát nút của số phiếu, bầu không khí của thời buổi, và bản chất của các vấn đề, đều có nghĩa là vị thẩm phán kế tiếp sẽ gây một sức tác động lâu dài lên vô số những chính sách trọng yếu”.
Ông nói thêm rằng vì tổng thống có thể bổ nhiệm các thẩm phán do chính ông tuyển chọn, và các thẩm phán được bổ nhiệm giữ chức vụ suốt đời, nên các thẩm phán có tầm ảnh hưởng trên các thế hệ sắp tới.
Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề khác sẽ không khác biệt nhiều, bất chấp Tổng Thống Obama tái đắc cử. Chẳng hạn như vấn đề kinh tế và tạo công ăn việc làm có lẽ sẽ không tốt hơn hoặc xấu đi bất kể người đắc cử tổng thống là ai, theo Giáo Sư Jarvis lưu ý. Ông nói thêm rằng các tổng thống không có những “cây gậy thần”, và “nếu họ có thì chúng ta sẽ không có những cơn suy thoái, vì ý thức hệ mờ nhạt đi khi đem ra so sánh với những kết quả đã được chứng minh, và mọi người sẽ chấp thuận những chính sách tốt nhất”.
Những chính sách khác
Các ứng cử viên thuộc phe thứ ba cũng có tên trong danh sách bầu cử tổng thống năm 2012, tại đa số các tiểu bang, với Bác Sĩ Jill Stein của đảng Xanh, và ông Gary Johnson, cựu Thống Đốc New Mexico và là ứng cử viên của đảng Tự Do, đều có tên trong cuộc bầu cử của California. Bác Sĩ Stein nhận được 0,3 phần trăm trên tổng số phiếu toàn quốc, trong khi Thống Đốc Johnson nhận được 0,9 phần trăm.
Cả hai ứng cử viên này đều không được nhắc tới nhiều, nếu như có được nhắc, trong các phương tiện truyền thông chính lưu trong mùa tranh cử, và cả hai đều không được tham dự vào bất cứ cuộc tranh luận tổng thống chính lưu nào. Tuy nhiên, Viễn Đông đã đưa tin về những quan điểm của họ từ tháng 10 năm nay, và có một vài cuộc tranh luận, được tổ chức nởi những phương tiện truyền thông độc lập, đã cho phép cả hai ứng cử viên này cho biết những ý nghĩ của mình, để giúp cải thiện hệ thống chăm sóc y tế liên bang và nền kinh tế, khi họ hi vọng đắc cử lên làm tổng thống.
Bác Sĩ Stein ủng hộ một hình thức hệ thống chăm sóc y tế “Medicare cho mọi người”, trong đó chính phủ cung cấp chăm sóc y tế cho toàn dân Mỹ, trong khi đó Thống Đốc Johnson tuyên bố rằng chính phủ nên hoàn toàn đứng tách ra khỏi lãnh vực chăm sóc y tế, và thay vì thế hãy để cho các hãng bảo hiểm tư nhân cạnh tranh thân chủ với nhau. Liên quan tới nền kinh tế, Bác Sĩ Stein gợi ý rằng chuyện tạo công ăn việc làm và kiểm soát cần phải được giao cho địa phương, trong khi Thống Đốc Johnson đề nghị rằng chính phủ liên bang tách mình ra khỏi nền kinh tế, cắt giảm chi tiêu và thuế khoá.
Tuy vậy, bất luận những ứng cử viên nào khác có sẵn cho họ, thuộc dòng chính lưu hoặc thuộc phe thứ ba, thì dân chúng Hoa Kỳ đã lựa chọn Barack Obama lên làm vị tổng thống Mỹ kế tiếp. - (VĐ)
Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này.
Walter Tống - Vanessa White/Viễn Đông
No comments:
Post a Comment