Lý Đại Nguyên
13-11-2012
Ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 2, tổng thống Mỹ, Barack Obama
đã quyết định thực hiện chuyến công du quốc tế đầu tiên tại 3 nước thuộc vùng
lục điạ Đông Nam Á là Miếnđiện, Campuchea và Tháilan, nhân việc tham dự Hội
Nghị Thượng Đỉnh Đông Á, khu vực Asean lần 21, tại Phnom Penh, từ ngày 17 đến
20/11/2012.
Thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết: “Tổng thống Obama sẽ hội
đàm với tổng thống Miếnđiện, Thein Sein, lãnh tụ đối lập Aungsan Suu Kyi và
nhiều giới chức khác để khuyến khích tiến trình chuyển tiếp dân chủ đang diễn
ra tại nước này”.
Trong công bố của chính phủ Miếnđiện cho biết: “Nồng nhiệt
chào đón chuyến viếng thăm và sự ủng hộ của Hoakỳ sẽ làm mạnh thêm quyết tâm
cải cách của Miếndiện”. Từ khi chế độ Quân Phiệt ở Miếnđiện “tự diễn biến
hoà bình”. Các tướng lãnh bỏ áo nhà binh, thành lập chính phủ dân sự, chính
quyền Thein Sein đã phóng thích một số tù nhân chính trị, hoà giải với các sắc
tộc, nới lỏng hạn chế đối với giới truyền thông, cho phép các đảng đối lập công
khai tham gia sinh hoạt chính trị…
Nhưng phó giám đốc Human Right Watch, Phil Robertson vẫn nói với
Đài VOA rằng: “Chuyến đi của tổng thống Obama diễn ra quá sớm”. Theo
ông: “Đã có tiến bộ đáng kể, nhưng chưa đủ để biện minh cho chuyến thăm của
ông Obama, vì vẫn còn hằng trăm tù nhân bị giam giữ, còn nhiều luật lệ đàn áp
nhân quyền và những nghị định hành chính mà chính phủ chưa hề được sửa đổi,
thậm chí còn chưa nói là họ sẽ bãi bỏ”.
Còn đối với Campuchea thì tổ chức này đã cảnh giác cao độ hơn
nữa. Rằng: “Chế độ bạo ngược của thủ tướng Hun Sen, trong 20 năm qua đã gây
ra vô số cái chết (trên 300 người) và nhiều trường hợp lạm quyền không bị trừng
phạt”. Nhân dịp này, Tổ Chức Nhân Quyền Mỹ, Human Right Watch, kêu gọi tổng
thống Obama: “Phải công khai yêu cầu Cam Bốt cải cách toàn diện về nhân
quyền và chấm dứt tình trạng bao che cho tội ác”. “Nếu ông Obama không nói đến
tình trạng vi phạm nhân quyền tại Cam Bốt thì chuyến viếng thăm của tổng thống
Mỹ sẽ được chính quyền Hun Sen xem là một thái độ đồng tình”.
Sự sớm đến Miếnđiện của tổng thống Obama, tuy ở đó nhân quyền
chưa có đúng mức, vẫn còn một số tù chính trị, với những xung đột nội bộ về các
sắc tộc, tôn giáo… Nhưng sự bắt đầu Dân Chủ Hóa Miến Điện và việc thoát ra khỏi
chiếc bóng của Trungcộng để mở rộng bang giao quốc tế, đã là một đột phá ngoạn
mục, nên việc tổng thống Obama gặp tổng thống Thein Sein cùng lãnh tụ đối lập
Aungsan Suu Kyi là Hoakỳ chính thức công nhận chế độ Dân Chủ Đa Đảng của Miến
Điện.
Đồng thời xác nhận sự có mặt của Hoakỳ ở đất nước này một cách
vững chắc. Mở ra cơ hội cho Ấn Độ, Nhật Bản, Liên Âu và thế giới, cả Nga lẫn
Tầu cùng là “Đối Tác Kinh Tế” với Miến Điện.
Có lẽ tổng thống Obama muốn giúp Miến Điện làm nơi trắc nghiệm
cho một cuộc từ bỏ chế độ độc tài, chuyển sang chế độ dân chủ với chính sách
“Đối Tác Kinh Tế” mở rộng hoà bình phát triển ở vùng Đông Nam Á. Đó cũng là sự
thực hiện chiến lược toàn diện mới của Mỹ tại Á châu - Thái Bình Dương - Ấn Độ
Dương. Vậy việc tổng thống Obama đến Phnom Penh, không có nghĩa là để thừa nhận
chế độ HunSen bạo ngược, mà để tuyên dương trước Hội Nghị Thượng Đỉnh Á Đông về
chính sách chọn Đông Nam Á làm trung tâm thực hiện chiến lược mới của Hoakỳ, đó
là: Đối Trọng về Quân Sự. Đối Tác về Kinh Tế. Đối Thoại về Chính Trị, mà vấn đề
Nhân Quyền là Trọng Tâm. Chính vì vậy, dù Việtnam là trọng điểm chiến lược,
nhưng còn vi phạm nhân quyền và lệ thuộc Trungcộng quá nặng nề, khiến tổng
thống Obama đành phải đợi đấy.
Về phần Đối Trọng Quân Sự, trước khi tổng thống Obama công du
Đông Nam Á, ngoại trưởng Hillary Clinton và bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta
ngày 13/11/12 trên đường tới Perth thủ phủ bang Western Australia để dự Hội
Nghị Úc-Mỹ hàng năm ở cấp Bộ Trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng - gọi tắt là
AUSMIN – vào ngày 14/11/12 để duyệt xét hợp tác an ninh quốc phòng giữa 2 nước
đồng minh và chiến lược định vị mới của tổng thống Obama tại Á châu – Thái Bình
Dương. Sau đó họ tới Singarpore, rồi tháp tùng tổng thống Obama tiến vào Lục
Địa Đông Nam Á. Trước đây, Canberra và Washington đã đồng ý đồn trú 2,500 thủy
quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Darwin ở phía Bắc Úc. Trên căn bản dài hạn Úc và
Mỹ sẽ cứu xét nâng cấp các phương tiện quốc phòng ở Bắc Úc và Tây Úc để tiếp
nhận được thường xuyên hơn những thiết bị quốc phòng tối tân của Mỹ - đặc biệt
hải quân và không quân.
Bộ trưởng quốc phòng Úc, Stephen Smith nói: “Có lẽ cũng như
nhiều quốc gia khác, Australia đã đặc biệt quan tâm theo dõi cuộc bầu cử tổng
thống tại Mỹ và diễn biến thay đổi lãnh đạo 10 năm một lần tại Bắc Kinh đang
diễn ra trong hậu trường và tại Hội Nghị lần thứ 18 của đảng Cộng Sản Trung
Quốc. Vì vậy, Hội Nghị AUSMIN là dịp để Canberra và Washington trao đổi quan
điểm về sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và các chiến lược ngoại giao, quốc
phòng đa phương và song phương”. Nghĩa là Mỹ tăng cường sự hiện diện Hải Lực,
Không Lực với Thiết Bị tối tân ở Bắc Úc và Tây Úc, nhằm thiết lập một Liên Minh
Quân Sự: Mỹ-Nhật-Ấn-Úc làm “Đối Trọng Quân Sự” với Trung Cộng, để ngăn tham
vọng bành trướng của Bắc Kinh, hỗ trợ cho Khối ASEAN Dân Chủ Hoá Chế Độ. Củng
Cố Quốc Phòng. Phát Triển Kinh Tế, đủ sức, tự tin : “Đối Tác Kinh Tế” với Trung
Hoa và chủ động “Đối Thoại Chính Trị” với Bắc Kinh.
Nhưng trở ngại đối với chiến lược toàn diện này của Mỹ ở Đông
Nam Á lại vẫn là vấn đề Nhân Quyền. Các nước Cộng Sản lệ thuộc Trung Cộng như
Việtnam và Lào thì khỏi nói, vi phạm nhân quyền ngày một trầm trọng thì đã
đành.
Ngay Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN do Ủy Ban Liên Quốc Gia
ASEAN về Nhân Quyền soạn thảo sẽ được đệ trình trước Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN
ngày 18 tới đây tại Phnom Penh, theo các Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền Quốc Tế cho
rằng: “Nội dung của văn kiện này có những điều khoản bị cho là không đạt tiêu
chuẩn quốc tế về Quyền Con Người, mà còn tạo cơ hội khiến nhân quyền trong khu
vực bị vi phạm một cách nghiêm trọng và tinh vi”. “về các điều khoản 6, 7 và 8
đã hạn chế và đi ngược lại quyền con người khi quy định rằng: Nhân quyền phải
cân bằng với công việc và trách nhiệm”. “phải đi đôi với văn hóa, tôn giáo và
lịch sử từng nước”. “phải phù hợp với tầm vóc quốc gia và trình độ khu vực”,
khiến cho các tổ chức Human Rights Watch-Giám Sát Nhân Quyền. Amnesty
International-Ân Xá Quốc tế. International Commission Of Jurists-Ủy Hội Luật
Gia Quốc tế. International Federation For Human Rights-Liên Đoàn Quốc Tế Nhân
Quyền v.v… đã yêu cầu hoãn chấp thuận bản tuyên ngôn nhân quyền Asean này.
Đích ra các nền Văn Hóa, các Chính Giáo và mọi sinh hoạt xã hội,
kinh tế, chính trị, cai trị, luật pháp… của Thế Giới, cũng chỉ vì Quyền Con
Người mà hiện hữu, nhằm bảo vệ Quyền Làm Người, bảo vệ sự sống yên vui, nâng
cao giá trị của Con Người lên… chứ không để tước đoạt, vi phạm Quyền Con Người.
Chỉ có các chế độ phi nhân, phi văn hóa, phi đạo đức, mới kìm hãm và vi phạn
Nhân Quyền mà thôi. Đây chính là một trở lực lớn cho Chiến Lược Toàn Diện của
Hoakỳ ở Á châu vậy.
LÝ ĐẠI
NGUYÊN –
Little Saigon ngày 13/11/2012
No comments:
Post a Comment