Saturday, 3 November 2012

GIẢI THOÁT DÂN TỘC VIỆT - TOÀN TẬP [PHẦN II] (Nguyễn Thiện Nhân - Giải Pháp Dân Chủ)




GIẢI THOÁT DÂN TỘC VIỆT - TOÀN TẬP  [PHẦN II]
Nguyễn Thiện Nhân
26-08-2012

Tác phẩm gồm 5 phần. Phần I: Không thể đi theo Chủ nghĩa cộng sản. Phần II: Việt Nam nên đi theo con đường nào? Phần III: Những tử huyệt của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Phần IV: Những thủ đoạn của đảng CSVN. Phần V: Giải pháp cho dân tộc.

Tác phẩm gồm tổng cộng hơn 40 trang (A4). Tập trung nhiều nhất vào phần giải pháp (phần chính) với 20 trang.

LỜI GIỚI THIỆU
Nước Việt Nam có vị trí địa lý tốt, có bờ biển dài, có những vùng đất màu mỡ, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có bề dày văn hóa mấy nghìn năm, có lực lượng lao động dồi dào, con người khá thông minh có thể thi thố với các quốc gia trên thế giới, đã hưởng nền hòa bình gần 40 năm(từ 1975). Thế mà nhân dân VN vẫn nghèo, khoa học cơ bản kém cỏi, công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa sản xuất được một chiếc xe máy hoàn chỉnh chứ đừng nói đến xe hơi, máy bay hay máy vi tính. Vì sao? Tệ nạn xã hội đầy rẫy, môi trường ô nhiễm, nợ nần chồng chất, tài nguyên cạn dần, tham nhũng tràn lan, nhân quyền bị xâm phạm… Ai gây nên những họa này?
Nhìn lại những quốc gia giàu có xem họ đã làm gì?
Nhìn lại các quốc gia Châu Á giàu có, mà trước đây những năm sau chiến tranh thế giới lần II họ từng nghèo khổ, xem họ đã làm gì?
Nhìn sang Thái Lan, nước láng giềng xem họ đã làm gì?
Đừng đổ thừa chiến tranh, đừng đổ thừa dân trí thấp, đừng nói rằng đời sống nhân dân đã khá lên. Đó là thái độ của người vô trách nhiệm, lãng tránh và ngụy biện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
Không có gì quý hơn độc lập tự do
Dân có giàu thì nước mới mạnh
….
Nhưng dân tộc VN vẫn còn nghèo, và chưa thật sự được có độc lập tự do.
Nói chưa có độc lập là bởi vì hiện nay VN đang lệ thuộc chính trị vào Trung Quốc, là bởi vì TQ đã xâm chiếm Hoàng Sa và đang tiếp tục xâm chiếm Trường Sa của chúng ta. Nói chưa có tự do bởi chính quyền chưa cho phép thành lập phương tiện truyền thông của tư nhân (báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh), từ đó tiếng nói bất đồng/phản biện vẫn còn bị trù dập và hạn chế tác dụng.
Ai đang dẫn dắt dân tôc VN? Đường lối như thế nào? Làm sao để có sự cải cách? Làm sao để giải thoát dân tộc Việt khỏi sự nghèo khổ và khỏi bàn tay của Trung cộng?


PHẦN II: VIỆT NAM NÊN ĐI THEO CON ĐƯỜNG NÀO?

1. Tất yếu phải đi theo con đường CNTB

Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là ngành tin học đã giúp con người dễ dàng gắn kết với nhau. Sự tự do kinh doanh hình thành vô số doanh nghiệp cạnh tranh nhau. Từ đó tạo thế cân bằng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Các quốc gia tiên tiến đi theo CNTB đã trao công cụ làm chủ cho nhân dân, thứ nhất nhân dân được bầu cử trực tiếp nguyên thủ quốc gia gắn với sự cạnh tranh chính trị đa nguyên đa đảng, từ đó người dân được chọn lựa người lãnh đạo đất nước mình, thứ hai người dân được phép biểu tình bất bạo động kèm theo những quyền khác như quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận…tạo nên một sức mạnh lớn lao trong dân chúng mà bất cứ chính phủ nào cũng phải khuất phục.

Đã qua rồi thời kỳ CNTB man rợ (thời Karl Marx sống). CNTB đã tiến bộ nhiều so với trước, cứ 50 năm nhìn lại là CNTB đã tiến một bước dài. Kinh tế phát triển rất mạnh mẽ trong giai đoạn CNTB so với giai đoạn chế độ quân chủ chuyên chế (Phong kiến). Ở các nước CNTB phát triển, ngày nay chế độ an sinh rất tốt. Người thất nghiệp, người đau ốm, người tàn tật, người về hưu, sản phụ…được chăm sóc tốt hơn. Đời sống người lao động đạt mức khá cao, có thể có nhà cửa khang trang, sở hữu xe ôtô, hưởng các dịch vụ công hiện đại, lại được sống trong môi trường sạch sẽ, tự do. Nạn bóc lột đã giảm thiểu, nạn tham nhũng được đẩy lùi thông qua sự cạnh tranh chính trị. Sự chênh lệch giàu nghèo mặc dù còn cao nhưng ngày càng được điều tiết tốt hơn qua thuế thu nhập (TNDN, TNCN).
CNCS có người sáng lập và có người tìm cách phát triển lên. CNTB lại phát triển không hề có người sáng lập, nó phát triển theo quy luật của sự vận động.

Nói ‘tư bản bóc lột công nhân tận xương tủy’ chỉ đúng ở giai đoạn đầu của CNTB. Ngày nay nó không đúng nữa. Một doanh nhân muốn có lợi nhuận họ phải chấp nhận rủi ro (có thể bị thua lỗ) và phải lao động trừu tượng từ sự tổ chức sản xuất, cải tiến công nghệ và nghiên cứu nhu cầu thị trường. Lợi nhuận của doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, giúp con người thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu.

Mặt trái của CNTB: con người chạy theo vật chất, sự tích lũy ngày càng lớn của giới kinh doanh và sự tích lũy quá ít của người lao động làm thuê nên khoảng cách giàu nghèo trở thành sự thách thức cho xã hội. 1% dân số nắm giữ phần lớn TLSX làm cho 99% còn lại cảm thấy bị thiệt thòi.

Dù có những mặt hạn chế nhưng CNTB mang một sứ mệnh hết sức quan trọng trong lịch sử loài người, đó là khai bật sức lao động và sáng tạo của loài người làm cho của cải và trình độ dân trí tăng lên chưa từng có. CNTB giải phóng cuộc sống con người thông qua con đường kinh tế và kết nối con người trên toàn thế giới với nhau để chuẩn bị cho thế hệ tương lai sẵn sàng bước giai đoạn mới sau đó, có thể là cuộc cách mạng khám phá vũ trụ hay thế giới siêu hình, cũng có thể là giai đoạn con người vượt lên chính mình để làm chủ các tiểu hành tinh.

2) Tại sao phải đa nguyên đa đảng?

Thể chế đa nguyên đa đảng với môi trường cạnh tranh chính trị thông qua bầu cử có những ưu việt mà thể chế độc đảng không thể có được. Có 3 đặc tính ưu việt cốt lõi nhất, đó là:

- Sự giám sát chéo: không có ai giám sát hiệu quả bằng đối thủ. Trong thể chế đa đảng, đảng này giám sát đảng kia, cái xấu của đối phương sẽ được lôi ra công luận để tất cả nhân dân đều biết. Khi một đảng có nhiều cái xấu bị phát hiện, nhân dân sẽ không bầu cho đảng đó, nói rõ hơn là nhân dân sẽ không bầu cho ứng cử viên tổng thống/thủ tướng của đảng bị mất lòng tin tại thời điểm bầu cử. Vì vậy các đảng sẽ tự mình phải chính đốn để không bị mất lòng tin.

- Sự thi đua: Đó chính là sự phấn đấu cạnh tranh giữa các đảng, đảng nào cũng muốn thuyết phục với dân chúng khả năng lãnh đạo của mình, vì vậy có động lực để các đảng thi đua ra sức phục vụ nhân dân.

- Nhân dân được trao công cụ làm chủ đất nước: nhân dân có trong tay 2 công cụ làm chủ: lá phiếu và biểu tình. Khi nhân dân bất mãn điều gì bức bách, nhân dân có thể biểu tình mà không sợ bị quy kết tội “gây rối trật tự công cộng’, và không ai phải sợ bị quy kết tội xúi giục/kích động hay tuyên truyền chống phá nhà nước. Khi nhân dân muốn chính phủ làm gì theo ý mình, nhân dân cũng có thể biểu tình. Khi một đảng dùng sức mạnh ‘cơ bắp’ của mình để trấn áp, tiêu diệt đảng khác, nhân dân sẽ không bầu cho chúng, nếu chúng còn hung hăng, nhân dân sẽ biểu tình để triệt tiêu quyền lực của chúng. Vì vậy nhân dân sẽ hẫu thuẫn cho đảng nào bị đảng khác làm tổn hại, để đảm bảo chính trường luôn được trong sạch, công bằng và bền vững.

Với 3 đặc tính ưu việt này, thể chế đa nguyên đa đảng sẽ đẩy lùi tiêu cực và khuyến khích năng lực phát huy nhằm phục vụ nhân dân được tốt nhất.

Trong chế độ độc đảng, cho dù lãnh đạo có năng lực đi nữa thì năng lực ấy sẽ bị danh lợi dìm chết, vị lãnh đạo độc tài lo vơ vét của cải và quyền lực về cho mình cùng phe cánh nên không chuyên tâm phục vụ nhân dân.

Do đó, trong thể chế đa đảng, tiêu cực khó phát sinh, đặc biệt là tiêu cực lớn rất khó phát sinh. Thay vào đó, người lãnh đạo sẽ cố gắng khai thác chất xám của mình để nâng cao giá trị cho chính mình, qua đó người dân sẽ được lợi. Sự phục tùng dân chúng sẽ trở thành nguyên tắc để các đảng phái tồn tại và tỏa sáng.

Bên cạnh đó, thực thi tam quyền phân lập sẽ tránh được tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, lập pháp-hành pháp-tư pháp: mỗi ngành đều nổ lực phát huy quyền lực của mình mà không bị ngành khác khống chế hay áp đảo.
Kết luận: Tốt hơn hết, chúng ta hãy đi theo CNTB đa nguyên đa đảng tam quyền phân lập, và cố gắng khắc chế những mặt trái của nó, còn sau CNTB là cái gì thì để vài trăm năm nữa con cháu chúng ta sẽ tự lựa chọn cho mình.

3) Lý giải những băn khoăn

a) Tại sao một số nước đa đảng vẫn còn đói nghèo?

Tại sao một số nước có thể chế đa nguyên đa đảng lại còn nghèo, GDP/đầu người và HDI (chỉ số phát triển con người) thấp? Thậm chí còn có cả bạo lực, bất ổn ở các nước này.
Cụ thể là Pakistan, Bangladesh còn nghèo hơn cả VN.
Indonesia, Philippin độc lập đã lâu mà vẫn còn nghèo, mặc dù giàu hơn VN nhưng chỉ tương đương TQ?

Trả lời:
Đối với một vấn đề lớn, trước tiên ta hãy nhìn vào tổng thể của nó. Những nước tiên phong áp dụng thể chế đa đảng đã thành công. Tiếp theo là các con hổ Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore…Hiện nay, đa số các nước có thể chế đa đảng là những nước phát triển. Tuy nhiên, một quốc gia phát triển nhanh hay chậm, có thịnh vượng hay không còn phụ thuộc vào một số yếu tố, có thể kể một vài yếu tố quan trọng: thể chế chính trị, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, địa hình, điều kiện tự nhiên, văn hóa, dân trí, … Thể chế chính trị là một yếu tố quan trọng cấu thành nên sự hưng thịnh của một quốc gia nhưng nó không phải là ‘thuốc tiên’ để có thể thay thế mọi thứ.

Indonesia, Philippin, Pakistan, Bangladesh…Nhìn vào các nước này, ta thấy họ có điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Nếu một nước có điều kiện tự nhiên không thuận lợi thì đất nước đó sẽ phát triển chậm hơn, những trở lực từ thiên nhiên như hạn hán, bão lụt, động đất, sóng thần (thiên tai), đất đai không màu mỡ, thiếu đồng bằng, nhiều đồi núi/sa mạc…

Tất nhiên tinh thần, ý thức con người có thể vượt qua, tấm gương điển hình là Nhật bản. Nhưng chuyện đòi hỏi dân tộc nào cũng có tinh thần, ý thức như Nhật bản là điều không thể!

Nói như vậy không có nghĩa là các nước này mãi nghèo. Indonesia và Philippin rất có tương lai.

Bắc Triều Tiên nghèo đói, một nước lẽ ra phải giàu như Hàn Quốc nhưng rớt vào cái nghèo thê thảm là do thể chế chính trị không phủ hợp, nói đúng hơn là một thể chế tai hại mà Bắc Triều không may gặp phải.

Về tổng thể, Việt Nam và TQ có điều kiện tự nhiên khá tốt. Nếu xét về ‘ tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên’ thì VN và TQ hơn hẳn Indonesia, Philippin. Vì vậy việc so sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong một giai đoạn vủa VN (hay TQ) với Indonesia (hay Philippin) để nói thể chế nào tốt hơn là điều khập khiễng.

Điều cần thấy là nếu VN cổ phần hóa tất cả DNNN thì kinh tế VN sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn. Điều cần thấy nữa là nếu đa đảng thì tham nhũng ở VN chắc chắn giảm đi nhiều lần và nhân quyền được tôn trọng hơn.

Rõ ràng là VN có điều kiện tự nhiên tốt hơn Ấn Độ nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế VN còn thua Ấn Độ. VN có đầy đủ các yếu tố, chỉ thiếu một thể chế chính trị phù hợp để trở thành quốc gia hưng thịnh.

Còn chuyện bạo lực ư? Chuyện bạo lực thường xuyên xảy ra tại một số vùng ở một số nước là có, nhưng nó còn đỡ hơn là thảm sát Thiên An Môn ở TQ và chà đạp nhân quyền ở VN hay Bắc triều Tiên.

Sau cùng, ta đừng nghĩ rằng Singapore là nước không dân chủ nhé. Đảng của ông Lý Quang Diệu thắng cử và lãnh đạo Singapore suốt hơn nửa thế kỷ. Đó là điều rất tốt mà Đảng CSVN phải học tập. Điều đó cho thấy trong thể chế đa đảng, một đảng tốt có thể được nhân dân tin tưởng và chọn lựa trong suốt nhiều thập kỷ.

b) Khi cải cách chính trị hoặc có những biến cố để chuyển sang thể chế đa đảng, liệu VN có gặp bất ổn, thậm chí là xảy ra đấu đá giữa các phe phái hay không?

Tổn thất từ hệ thống DNNN và tham nhũng từ 1975 đến nay (quy đổi) đã vượt qua con số 1 triệu tỷ đồng. Chúng ta có muốn tiếp tục tổn thất hay không?

Muốn có sự thay đổi phải chấp nhận sự xáo trộn nhất định.

Mức độ bất ổn tùy thuộc vào những hành động của Đảng CSVN. Đảng CSVN càng có thiện chí thì càng dễ dàng cho sự chuyển đổi. Nếu Đảng CSVN nhất quyết giữ chế độ độc đảng, đi ngược lại lợi ích dân tộc, sẽ có tổn thất về nhân mạng. Khi có càng nhiều tù nhân chính trị và những người đấu tranh hy sinh tính mạng, có nghĩa là Đảng CSVN tự đánh mất giá trị của mình, hơn thế nữa người dân sẽ có cái nhìn không tốt về quá khứ, như vậy những người lãnh đạo đảng hiện nay sẽ có tội với tiền nhân, có tội với bao lớp người theo đảng đã hy sinh xương máu của mình.

Nước Đức quá hạnh phúc khi thống nhất Đông Đức và Tây Đức để xóa bỏ CNCS mà không phải đổ máu (Khi sáp nhập, GDP của Đông Đức chỉ chiếm 7% trong tổng số, GDP của Tây Đức chiếm 93%). Liên Xô rất may mắn khi đã chuyển đổi thành công tuy có bất ổn kinh tế nhất định.

Dân tộc Việt Nam liệu có may mắn như thế chăng? Được hay không phụ thuộc vào sự đấu tranh của chúng ta, từ đấu tranh trong nội bộ đảng đến đấu tranh rộng rãi trong quần chúng, nhất là trong lực lượng trí thức, đặc biệt là sinh viên.

Bạn sợ tù tội ư? Bạn sợ bị trù dập ư? Bạn sợ ảnh hưởng đến người thân ư? Đến phần giải pháp, bạn sẽ nghĩ ra và chọn cho mình một cách phù hợp để góp phần vào phong trào đấu tranh, tình hình hiện nay đang rất cần những con người có trách nhiệm với đất nước.





No comments:

Post a Comment

View My Stats