GIẢI THOÁT DÂN TỘC
VIỆT - TOÀN TẬP [PHẦN I]
Nguyễn Thiện Nhân
26-08-2012
Tác phẩm gồm 5 phần. Phần I:
Không thể đi theo Chủ nghĩa cộng sản. Phần II:
Việt Nam nên đi theo con đường nào? Phần III:
Những tử huyệt của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Phần
IV: Những thủ đoạn của đảng CSVN. Phần V:
Giải pháp cho dân tộc.
Tác phẩm gồm tổng cộng hơn 40 trang (A4). Tập trung nhiều
nhất vào phần giải pháp (phần chính) với 20 trang.
LỜI GIỚI THIỆU
Nước Việt Nam có vị trí địa lý tốt, có bờ biển dài, có
những vùng đất màu mỡ, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có bề dày văn hóa
mấy nghìn năm, có lực lượng lao động dồi dào, con người khá thông minh có thể thi
thố với các quốc gia trên thế giới, đã hưởng nền hòa bình gần 40 năm(từ 1975).
Thế mà nhân dân VN vẫn nghèo, khoa học cơ bản kém cỏi, công nghệ sản xuất
lạc hậu, chưa sản xuất được một chiếc xe máy hoàn chỉnh chứ đừng nói đến xe
hơi, máy bay hay máy vi tính. Vì sao? Tệ nạn xã hội đầy rẫy, môi trường ô
nhiễm, nợ nần chồng chất, tài nguyên cạn dần, tham nhũng tràn lan, nhân quyền
bị xâm phạm… Ai gây nên những họa này?
Nhìn lại những quốc gia giàu có xem họ đã làm gì?
Nhìn lại các quốc gia Châu Á giàu có, mà trước đây những
năm sau chiến tranh thế giới lần II họ từng nghèo khổ, xem họ đã làm gì?
Nhìn sang Thái Lan, nước láng giềng xem họ đã làm gì?
Đừng đổ thừa chiến tranh, đừng đổ thừa dân trí thấp, đừng
nói rằng đời sống nhân dân đã khá lên. Đó là thái độ của người vô trách nhiệm,
lãng tránh và ngụy biện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
Không có gì quý hơn độc lập tự do
Dân có giàu thì nước mới mạnh
….
Nhưng dân tộc VN vẫn còn nghèo, và chưa thật sự được có
độc lập tự do.
Nói chưa có độc lập là bởi vì hiện nay VN đang lệ thuộc
chính trị vào Trung Quốc, là bởi vì TQ đã xâm chiếm Hoàng Sa và đang tiếp tục
xâm chiếm Trường Sa của chúng ta. Nói chưa có tự do bởi chính quyền chưa cho
phép thành lập phương tiện truyền thông của tư nhân (báo chí, đài truyền hình,
đài phát thanh), từ đó tiếng nói bất đồng/phản biện vẫn còn bị trù dập và hạn
chế tác dụng.
Ai đang dẫn dắt dân tôc VN? Đường lối như thế nào? Làm
sao để có sự cải cách? Làm sao để giải thoát dân tộc Việt khỏi sự nghèo khổ và
khỏi bàn tay của Trung cộng?
PHẦN I: KHÔNG THỂ ĐI THEO CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN
Tôi biết chủ đề “triết học” hiện nay ở VN thật là khô
khan và nhàm chán. Tuy nhiên đất nước chúng ta đang đi vào khủng hoảng toàn
diện, vì vậy sẽ không thừa chút nào khi tôi sờ vào những điểm nhức nhối nhối
nhất của chủ đề này với mong mỏi đất nước chúng ta sẽ được cải cách và đi vào
quỹ đạo đúng.
Học thuyết của Karl Marx đã được Lenin phát triển thành
học thuyết Mac-Lenin, học thuyết này một thời được đông đảo các quốc gia hưởng
ứng, nó trở thành ngọn cờ cho hàng tỷ người lao theo, trong số đó có hàng chục
triệu sinh mạng đã hy sinh để chống lại tư sản (gồm tư sản phong kiến và tư sản
trong CNTB). Vì vậy học thuyết Mac-Lenin trở thành CNCS.
Ngày nay (2012), CNCS đã teo tóp lại, chỉ còn TQ, VN,
Cuba, Bắc Triều Tiên là các quốc gia xưng danh XHCN.
Đảng Cộng sản Việt Nam, một chính đảng đang lãnh đạo nước
Việt Nam, đang đi theo chủ nghĩa cộng sản (CNCS), nói đúng hơn là đang đi theo
Chủ nghĩa xã hội (CNXH), cần nói rõ là: về lý thuyết, CNXH là giai đoạn đầu của
CNCS. Vì lẽ đó, tôi đã đọc lại, tư duy nó. Tôi muốn chỉ ra những thiếu sót,
những mặt chưa phù hợp với thực tiễn xã hội chúng ta đang sống, từ đó có thể
vạch trần âm mưu thối tha của những kẻ lợi dụng học thuyết Mac-Lennin làm tổn
hại đến đất nước của chúng ta.
I. TÍNH BẤT KHẢ THI CỦA CNCS
Cụm từ “Chủ nghĩa cộng sản” chứa từ “cộng sản”.
Từ “sản” chỉ tư liệu sản xuất (TLSX).
Từ “tư sản” chỉ những người (cá nhân) sở hữu tư liệu sản
xuất.
“Cộng sản” có nghĩa là “tư liệu sản xuất thuộc sở hữu
toàn dân”.
Người cộng sản là người theo quan điểm tư liệu sản xuất
phải thuộc sở hữu toàn dân và chống lại tư sản.
1/ Bất khả thi từ định nghĩa
Định nghĩa CNCS (theo từ điển học sinh do NXB Giáo dục
1971): “Học thuyết chủ trương xây dựng một chế độ xã hội trong đó mọi điều kiện
vật chất cần thiết cho sự sản xuất như ruộng đất, nhà máy, hầm mỏ,…đều là của
chung của xã hội; mọi người đều lao động và cùng làm cùng hưởng, làm tùy sức
hưởng theo sự cần dùng; trong xã hội không còn giai cấp, không còn nhà nước, do
đó không còn áp bức bóc lột giữa người và người nữa”.
Một định nghĩa mà đến khi đọc hiểu được tôi lạnh toát mồ
hôi bởi hai cụm từ chứa trong nó: “đều là của chung của xã hội” và “làm tùy sức
hưởng theo sự cần dùng”. Hai cụm từ này chứa đựng sự bất khả thi của CNCS. Chủ
nghĩa cộng sản bất khả thi từ định nghĩa!!! Từ sự manh nha tư tưởng đã là không
thực tế. Tiếc thay người sáng lập ra nó không nhận thấy được. Tiếc thay hơn một
nửa nhân loại thời ấy không nhận thấy được!!!
Tôi lạnh toát mồ hôi là vì dân tộc tôi đang bị dẫn dắt đi
theo CNCS (mà tôi nhận ra ngay trong định nghĩa có 2 điểm rất lớn đã đẩy chủ
nghĩa này đến chỗ bất khả thi), nói cụ thể hơn là đi đến sự nghèo đói và rối
loạn.
Ở cụm từ thứ nhất: “đều là của chung của
xã hội” , TLSX mà của chung của xã hội thì đặt nó ở đâu, do ai quản lý? Chắc
chắn TLSX sẽ được để ở những đơn vị sản xuất (doanh nghiệp và HTX), một đơn vị
sản xuất chắc chắn sẽ có ban lãnh đạo, đứng đầu là người thủ trưởng. Chao ôi,
những người quản lý điều hành TLSX lại không phải là những người sở hữu TLSX
thì họ sẽ làm gì chúng? Người sở hữu (toàn dân) lại là chung chung, dân đâu có
cách nào để giám sát tài sản của mình khi tài sản đó đang nằm trong tay cũng
như được định đoạt bởi kẻ khác. Vì vậy tài sản của dân (TLSX) chắc chắn sẽ bị
tham ô, tham nhũng, bị xâu xé, chia chác bởi những quan tham. Thôi rồi, giao
trứng cho ác!
Ở cụm từ thứ hai: “làm tùy sức hưởng theo sự cần
dùng”, sức lao động của mỗi con người là khác nhau, có người khả năng lao động
của họ gấp đôi gấp ba thậm chí gấp mười người khác, họ có sẵn sàng đem sức mình
ra làm hết mình để những người làm ít hơn hưởng hay sao? Tệ hại hơn, những kẻ
khả năng lao động kém họ cũng chẳng làm hết sức mình bởi dù họ làm ít hay nhiều
họ cũng được hưởng theo sự cần dùng! Sự cần dùng ư? Lòng tham của con người thì
dùng bao nhiêu mới đủ?! Hậu quả cuối cùng là năng suất sụt giảm thảm hại là cái
chắc, hoặc chí ít nó chẳng bao giờ tăng và sự bất công sinh sôi nảy nở. Rối
loạn!
Còn đây là lý giải của những người sáng lập chủ nghĩa (Marx _Anghen): hình thái xã hội cộng sản có hai giai đoạn phát triển: giai đoạn thứ nhất
là giai đoạn mà xã hội mới xây dựng vừa thoát ra từ xã hội tư bản. Vì thế về
mọi phương diện, xã hội ấy còn mang những dấu vết của xã hội cũ, xã hội đẻ ra
nó, xã hội tư bản. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn xã hội chủ nghĩa, hay
chủ nghĩa xã hội, giai đoạn thấp của CNCS. Nguyên tắc phân phối trong giai đoạn
này là nguyên tắc phân phối theo lao động. Giai đoạn thứ hai của CNCS là giai
đoạn xã hội cộng sản đã phát triển trên cơ sở riêng của nó, giai đoạn cao của
CNCS. Trong giai đoạn này cá nhân không còn bị phụ thuộc một cách nô lệ vào sự
phân công, sự đối lập giữa lao động chân tay và lao động trí óc không còn; lao
động trở thành nhu cầu bậc nhất của đời sống; lực lượng sản xuất cũng tăng lên
cùng với sự phát triển mọi mặt của cá nhân, nguồn của cải dồi dào. Chỉ trong
giai đoạn này, xã hội mới có thể thực hiện nguyên tắc phân phối của xã hội cộng
sản: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Và cũng chỉ trong giai đoạn này mới
tạo ra được những điều kiện cho sự phát triển toàn diện của cá nhân, các nguyên
tắc của đạo đức cộng sản mới được khẳng định.
Tôi không phủ nhận các ông ấy là thiên tài bởi tầm ảnh
hưởng của học thuyết do các ông ấy tạo ra và bởi tôi tin các ông ấy thực tâm
đấu tranh cho lợi ích nhân dân lao động. Nhưng học thuyết các ông ấy là bất khả
thi, chắc chắn điều đó. Sở dĩ tôi có thể tuyên bố điều như vậy là vì tôi sống ở
thế kỷ 21 này, sau các ông ấy đến hàng trăm năm.
2/ Bất khả thi từ thực tiễn ở VN
Mô hình CNXH trên thực tế lại là mảnh đất cho độc tài
sinh sôi nảy nở, nảy sinh bọn tư sản đỏ (như thời kỳ đầu của CNTB), sự lạm
quyền đàn áp người bất đồng chính kiến đẩy nhiều người phải sống trong sự nô
dịch về mặt tinh thần.
Lịch sử đã trả lời một số câu hỏi cho thấy tính bất khả thi của CNCS ở VN:
- Câu hỏi: Tư liệu sản xuất là của toàn dân, vậy ai là
người nắm giữ, quản lý và định đoạt khối tài sản ấy?
- Trả lời: Nhà nước quản lý, nhà nước tổ chức một hệ
thống các tổ chức kinh tế để nắm giữ và định đoạt TLSX theo quy định của pháp
luật.
- Câu hỏi: Hệ thống tổ chức nắm giữ và định đoạt TLSX là
những tổ chức nào?
- Trả lời: Trước đây gồm DNNN và HTX kiểu cũ. Hệ thống
HTX kiểu cũ đã sụp đổ. Hiện nay ở VN chỉ còn DNNN là TLSX thuộc sở hữu công.
Những nông trại, nông trường, nhà máy, công xưởng…thuộc DNNN.
- Câu hỏi: Vậy ai lãnh đạo các DNNN?
- Trả lời: những người do nhà nước bổ nhiệm đảm nhiệm các
chức vụ điều hành doanh nghiệp, gọi là ban lãnh đạo. Người lãnh đạo cao nhất
trong ban lãnh đạo là thủ trưởng. Thủ trưởng là một cá nhân.
- Câu hỏi: Sở hữu là sở hữu công còn lãnh đạo lại là cá
nhân. Liệu điều này có khả thi?
- Trả lời: Đây chính là nhược điểm lớn nhất của CNCS. Nó
dẫn đến hệ lụy to lớn gây tổn thất tài sản của nhân dân và làm giảm sút năng
suất lao động.
- Câu hỏi: tại sao vậy?
- Trả lời: Những lãnh đạo trong bộ máy chính quyền là
những cá nhân. Những lãnh đạo trong DNNN cũng là những cá nhân. Bản chất
phổ biến của một con người là họ ưu tiên lo cho lợi ích bản thân họ trước cho
dù miệng họ luôn nói vì dân vì nước, họ luôn nói chống tiêu cực nhưng họ vẫn
thực hiện hành vi tiêu cực để mang lại lợi ích cho cá nhân họ. Vì vậy họ xâm
phạm lợi ích của nhân dân để có lợi ích bản thân. Lãnh đạo doanh nhiệp nhà nước
tham nhũng, họ không ăn hết mà trích lại một phần tiền tham những hối lộ cho
lãnh đạo của chính quyền…. Sự liên kết lợi ích này bào mòn tiền của của
nhân dân, nói đúng hơn là gây tổn thất của cải của nhân dân.
- Câu hỏi: Vậy Đảng cộng sản lãnh đạo có giữ được vai trò
là “đại biểu” cho lợi ích của người lao động?
- Trả lời: Những lãnh đạo đảng nhận lợi ích lớn từ tiêu
cực nghĩa là họ xâm hại lợi ích của nhân dân. Khi quá nhiều kẻ xâm hại lợi ích
của nhân dân họ sẽ sợ nhân dân đấu tranh lật đổ, vì vậy xu hướng họ sẽ bảo vệ
nhau, bao che nhau để cùng xâm hại lợi lợi ích nhân dân. Do vậy họ trở thành
lực lượng nòng cốt trong giai cấp thống trị mà nhân dân là giai cấp bị trị.
Đảng hiện nay không còn là “đại biểu” của nhân dân.
- Câu hỏi: Vậy họ có chăm lo lợi ích nhân dân hay không?
- Trả lời: Có. Cũng như bất kỳ giai cấp thống trị nào
trên thế giới, họ luôn muốn dân họ giàu, quốc gia hùng mạnh. Tuy nhiên, họ ưu
tiên cho lợi ích của họ trước. Và khi lợi ích này mâu thuẫn thì họ sẵn sàng xâm
hại lợi ích của nhân dân.
- Câu hỏi: Vậy tại sao hệ thống kiểm soát và thực thi
pháp luật không hoạt động hiệu quả.
- Trả lời: Đảng cộng sản là một tổ chức chính trị, cũng
như tổ chức kinh tế hay bất kỳ tổ chức nào khác, họ sẽ ưu tiên chăm lo lợi ích
thành viên của họ trước rồi mới đến lợi ích của nhân dân. Đảng cộng sản giữ độc
quyền lãnh đạo, dĩ nhiên họ sẽ tổ chức hệ thống chính trị sao cho quyền lợi họ
được cao nhất và thời gian tồn tại của họ được lâu nhất. Vì vậy họ sẽ tìm cách
để những đảng viên nắm giữ những vị trí lãnh đạo trong chính quyền, những người
giữ chức vụ cao trong đảng dễ dàng được đưa sang nắm giữ chức vụ cao trong
chính quyền. Ở VN những tổ chức nhận lãnh nhiệm vụ kiểm soát kinh tế (VKS,
thanh tra, và cơ quan điều tra tội phạm kinh tế) sẵn sàng gắn kết với đối tượng
để chia lợi ích và bảo vệ nhau ở mức độ có thể. Mức độ có thể tùy thuộc vào cá
nhân họ tự đánh giá, thường là mức độ họ cho rằng chưa đến nỗi ảnh hưởng đến sự
tồn vong của chế độ hay chưa đến nỗi bị người dân phát hiện. Tuy nhiên vẫn có
nhiều vụ án bể ra, khi đó họ lại tìm cách bao che nhau tối đa. Vì vậy ta thường
thấy những cá nhân trong cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ bắt tay nhau trở thành
lực lượng đối lập với lợi ích nhân dân nhưng họ luôn núp dưới cái bóng “của
dân, do dân, vì dân” để ẩn mình trong những việc làm xấu xa, bỉ ổi.
Tóm lại: CNCS không khả thi ở
bất kỳ quốc gia nào, do đó không thể tồn tại lâu dài. Các nhà sáng lập CNCS và
các vị lãnh đạo cao nhất của CNCS chưa bao giờ đưa ra được một mô hình kinh tế
khả thi, những năm tháng tăng trưởng kinh tế mạnh ở TQ và VN là nhờ họ cho phép
kinh tế tư nhân tồn tại như trong mô hình CNTB, điều mà trước đó họ luôn bài
trừ. Trên thế giới, trong thời gian tồn tại của mình, CNCS chỉ có thể thúc đẩy
CNTB điều chỉnh hoàn thiện hơn mà thôi. CNCS là một bài học lớn của loài người
về phương thức đấu tranh trong quan hệ xã hội giữa người với người cũng như
giữa các lực lượng đối lập lợi ích với nhau.
II. TẠI SAO MỘT CHỦ NGHĨA BẤT KHẢ THI MÀ CÓ ĐẾN MỘT NỬA
NHÂN LOẠI TỪNG THEO NÓ?
Karl Mark và Lenin là những thiên tài chính trị nhưng
không phải là tiên tri. Có thể hai vị này muốn tìm cách để bọn tư sản thời ấy
không còn bóc lột công nhân.
Trước tiên, cần nhìn nhận rằng với tình hình lúc ấy, CNCS
là vũ khí lợi hại nhất để chống lại tư sản. Tư sản lúc ấy khác tư sản ngày nay
nhiều. Tư sản ngày nay đa số là doanh nhân, được tôn trọng, thậm chí ngay tại
VN còn được chọn vinh danh. Số lượng tư sản lúc ấy còn rất ít so với ngày nay
và cũng còn rất ít so với lực lượng người lao động, bởi thế nên sự cạnh tranh
giữa các tư sản trên thị trường hàng hóa và thị trường lao động chưa đủ mức cần
thiết. Đó là nguyên nhân chính làm cho bọn chúng bóc lột quá mức và sẵn sàng
hành hạ công nhân. Nhưng nhân loại lúc ấy chưa nhận thức ra rằng “không thể
chống lại sự bóc lột bằng cách triệt tiêu tư sản, cái cần thiết phải xây dựng
cơ chế thị trường cạnh tranh mức độ cao và thiết lập một thể chế dân chủ”. Sự
đấu tranh cũng rất cần thiết nhưng cách đấu tranh nhằm loại trừ vĩnh viễn tư
sản và thiết lập chế độ công hữu TLSX là điều bất khả thi.
Bức tường Berlin đã sụp đổ là niềm vui của nhân dân Đức,
là sự khẳng định CNCS không thể đưa con người phát triển được.
Cho dù bạn là tiến sĩ, giáo sư hay một chuyên gia nghiên
cứu, việc bạn lập nên một dự án bất khả thi là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Hãy thử nghĩ về một dự án kinh doanh của bạn, đương nhiên bạn phải tin tưởng nó
khả thi thì bạn mới thực hiện. Nhưng khi đi vào thực tiễn thực hiện gặp thất
bại rồi bạn mới nhận ra bài học và thừa nhận nó bất khả thi. CNCS thời Karl
Marx và Lenin đa số con người sống trên trái đất này không nhận ra tính bất khả
thi của nó. Điều đó cũng giống như loài người từng ngộ nhận rằng “mặt trời quay
quanh trái đất”, hay một số dân tộc từng ngộ nhận rằng “trái đất hình vuông”.
Kể cả những người học cao hiểu rộng cũng từng nghĩ rằng CNCS là khả thi và sẵn
sàng hy sinh để đưa loài người đến với nó. Rất tiếc, đó là sai lầm.
Một yếu tố tạo nên sức mạnh vũ bão của CNCS trước đây là
tinh thần đấu tranh mãnh liệt đang lên đỉnh điểm của người lao động chống lại
những ông chủ bóc lột. Họ sẵn sàng đi theo bất cứ ngọn cờ nào chống lại tư sản
với lý tưởng cùng sự nôn nóng giành lại công bằng. Vì thế họ lao theo CNCS mà
không hề biết hậu quả rằng điều gì sẽ đến sau khi tiêu diệt hoàn toàn tư sản.
Tai họa!
Tại VN, CNCS được tiếp nhận như một con đường chống lại
thực dân và đế quốc ngoại xâm. Ý thức bài ngoại ăn sâu trong tâm trí người việt
là nhân tố cộng hưởng tạo nên làn sóng nhân dân đi theo cộng sản dâng lên cao
ngút không những về lượng mà còn bằng cả sự hăng hái nhiệt tình. CNCS đã giúp
nhân dân VN đẩy lùi nguy cơ bị thực dân và đế quốc thôn tín. Nhưng CNCS vốn dĩ
bất khả thi nên đã để hậu quả rất lớn mà nhân dân VN phải chịu đựng trong suốt
nhiều thập kỷ sau chiến tranh. Nói rõ ràng là những tay cơ hội đã lợi dụng CNCS
để nắm quyền cai trị độc tài với vỏ bọc là CNXH.
No comments:
Post a Comment