Saturday 3 November 2012

GIẢI THOÁT DÂN TỘC VIỆT - TOÀN TẬP [PHẦN IV] (Nguyễn Thiện Nhân - Giải Pháp Dân Chủ)




GIẢI THOÁT DÂN TỘC VIỆT - TOÀN TẬP  [PHẦN IV]
Nguyễn Thiện Nhân
26-08-2012

Tác phẩm gồm 5 phần. Phần I: Không thể đi theo Chủ nghĩa cộng sản. Phần II: Việt Nam nên đi theo con đường nào? Phần III: Những tử huyệt của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Phần IV: Những thủ đoạn của đảng CSVN. Phần V: Giải pháp cho dân tộc.

Tác phẩm gồm tổng cộng hơn 40 trang (A4). Tập trung nhiều nhất vào phần giải pháp (phần chính) với 20 trang.

LỜI GIỚI THIỆU
Nước Việt Nam có vị trí địa lý tốt, có bờ biển dài, có những vùng đất màu mỡ, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có bề dày văn hóa mấy nghìn năm, có lực lượng lao động dồi dào, con người khá thông minh có thể thi thố với các quốc gia trên thế giới, đã hưởng nền hòa bình gần 40 năm(từ 1975). Thế mà nhân dân VN vẫn nghèo, khoa học cơ bản kém cỏi, công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa sản xuất được một chiếc xe máy hoàn chỉnh chứ đừng nói đến xe hơi, máy bay hay máy vi tính. Vì sao? Tệ nạn xã hội đầy rẫy, môi trường ô nhiễm, nợ nần chồng chất, tài nguyên cạn dần, tham nhũng tràn lan, nhân quyền bị xâm phạm… Ai gây nên những họa này?
Nhìn lại những quốc gia giàu có xem họ đã làm gì?
Nhìn lại các quốc gia Châu Á giàu có, mà trước đây những năm sau chiến tranh thế giới lần II họ từng nghèo khổ, xem họ đã làm gì?
Nhìn sang Thái Lan, nước láng giềng xem họ đã làm gì?
Đừng đổ thừa chiến tranh, đừng đổ thừa dân trí thấp, đừng nói rằng đời sống nhân dân đã khá lên. Đó là thái độ của người vô trách nhiệm, lãng tránh và ngụy biện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
Không có gì quý hơn độc lập tự do
Dân có giàu thì nước mới mạnh
….
Nhưng dân tộc VN vẫn còn nghèo, và chưa thật sự được có độc lập tự do.
Nói chưa có độc lập là bởi vì hiện nay VN đang lệ thuộc chính trị vào Trung Quốc, là bởi vì TQ đã xâm chiếm Hoàng Sa và đang tiếp tục xâm chiếm Trường Sa của chúng ta. Nói chưa có tự do bởi chính quyền chưa cho phép thành lập phương tiện truyền thông của tư nhân (báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh), từ đó tiếng nói bất đồng/phản biện vẫn còn bị trù dập và hạn chế tác dụng.
Ai đang dẫn dắt dân tôc VN? Đường lối như thế nào? Làm sao để có sự cải cách? Làm sao để giải thoát dân tộc Việt khỏi sự nghèo khổ và khỏi bàn tay của Trung cộng?



PHẦN IV: NHỮNG THỦ ĐOẠN CHÍNH TRỊ CỦA ĐẢNG CSVN

Cần nói rõ rằng Đảng CSVN ngày nay đã biến chất so với Đảng CSVN do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Không thể chấp nhận việc lấy những giá trị của đảng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Mỹ để phủ bác sự ra đời của đảng mới. Càng không thể cho rằng nhân dân đã tin tưởng giao phó cho đảng lãnh đạo nên đảng cứ tiếp tục lãnh đạo toàn diện được. Muốn biết nhân dân có còn tin đảng không, muốn biết nhân dân có chấp nhận đảng tiếp tục lãnh đạo hay không, muốn biết nhân dân có muốn đa đảng hay không, phải trưng cầu dân ý trong điều kiện tự do báo chí trong lĩnh vực chính trị.

Quyền lực của nhân dân dần trở nên mờ nhạt và chỉ còn về mặt hình thức, hay nói cụ thể hơn là chỉ còn trên ngôn từ trong văn kiện của Đảng mà thôi. Sự hấp dẫn của quyền lực và lợi ích vật chất kéo theo đã đẩy hệ thống XHCN đến chỗ độc tài. Quyền lực dồn về Đảng và tập trung ở bộ phận chóp bu. Chính trường do nhóm chóp bu này ở “hậu trường” đạo diễn. Quyền lực của QH yếu đi, quyền lực CTN yếu đi, quyền lực Đảng tăng lên và tập trung ở BCT do khoảng 15 ủy viên nắm giữ. UBMTTQ, đoàn thanh niên, công đoàn…trở thành công cụ của Đảng.

Cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh đã không được những người thừa kế áp dụng.

Từ trước khi thành lập Đảng CSVN (1930), Hồ Chí Minh đã chỉ trích thực dân Pháp kiểm duyệt báo chí. Thế mà ngày nay, điều này còn tồn tại ở Việt Nam.

Những người thừa kế xây dựng lăng tẩm, tượng đài và ra sức ca ngợi Hồ Chí Minh để núp vào đó ngấm ngầm thực hiện độc tài. Đây chắc chắn là điều mà Hồ Chí Minh không mong muốn.

Những con quỷ dữ đang chui vào trong đảng và giành lấy những vị trí cao nhất. Oan nghiệt. Dân tộc VN lại phải mang lấy một kiếp nạn. Khổ.

Đảng ngày nay đã khác, đã thối nát, và cần phải để nhân dân có quyền lựa chọn thể chế chính trị phù hợp cho đất nước của mình trong tình hình mới.

1) Âm thầm phản bội tư tưởng Hồ Chí Minh

Miệng nói một đằng, chân đi một nẻo. Đảng CSVN hiện nay không đi theo tư tưởng HCM, nhưng họ lãng tránh điều đó và ra vẻ như trung thành với tư tưởng của người.

Ngay khi Hồ Chí Minh vừa mất, người ta đã làm sai di chúc của người. Lợi dụng tình cảm nhân dân dành cho Bác, Đảng đã đem thi hài của người ướp hóa chất bảo quản và xây lăng tẩm thật hoành tráng. Trình độ dân trí lúc ấy làm sao nhận ra tác hại của việc này khi mà trong di chúc Hồ Chí Minh đã yêu cầu hỏa táng thi thể của mình và chia tro cho ba miền như lời dặn: “Hỏa táng thi hài; tro hỏa táng chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành cho miền Bắc, Trung, Nam; mỗi hộp tro hỏa táng được chôn trên một quả đồi, không dựng tượng đồng, bia đá trên đó”.

Ngay ở nội dung này của di chúc, ta thấy cái tầm tư tưởng của Hồ Chí Minh. Cái quyền định đoạt thi thể của mình mà vị lãnh tụ vĩ đại cũng bị Đảng khước từ. Sự sai trái này của Đảng đã bị những lãnh đạo kế nhiệm sau này lợi dụng. Họ phô trương hình thức để núp bóng người cha già dân tộc đáng kính. Đảng ngày càng suy thoái, và càng suy thoái thì họ càng ca ngợi HCM, càng suy thoái thì họ càng ra sức hô hào về những trang sử hào hùng của đảng mà HCM đã dày công xây dựng. Họ mài lịch sử để mong được giữ quyền lực độc tài lâu hơn.

Lúc sinh thời, Hồ Chí Minh đã nói “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Bây giờ, chẳng những che giấu khuyết điểm mà Đảng còn trù dập người chỉ vào những khuyết điểm của Đảng.

Tư tưởng cốt lõi của HCM là thực thi dân chủ, lấy dân làm gốc.

Hồ Chí Minh đã từng chỉ trích thực dân Pháp không cho tự do báo chí.

Dưới đây là 2 điểm chính mà Đảng đã làm trái tư tưởng HCM nhưng Đảng luôn né tránh, luôn tìm cách ngụy trang cho mình, ngụy biện cho hành vi gian trá này:

a) Vấn đề “tự do báo chí và tự do ngôn luận”

Năm 1919, HCM đã gửi đến chính phủ Pháp và các chính phủ đồng minh bản yêu sách gồm 8 điểm, trong đó có đòi tự do báo chí và tự do ngôn luận.

Năm 1920, tại đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã Hội Pháp, HCM phát biểu: “ Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có”.

Năm 1924, HCM viết như sau: “Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở Châu Âu và các nước Châu Á khác, chứ không phải một tờ báo do chính quyền thành lập và do bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu đọc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có 3-4 tờ đấy”.

Báo Dân Chúng ra đời vào năm 1938. Trụ sở báo Dân Chúng đặt tại số 43 đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, thời Pháp thuộc (1938) là đường Hamelin.

Nội dung chính của báo Dân Chúng là:
Tuyên truyền lý luận, đường lối quan điểm chính sách của Đảng;
Cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít;
Đấu tranh chống Tơ rốt kít;
Cổ vũ cho mặt trận dân chủ Đông Dương, ủng hộ mặt trận dân chủ ở các nước đấu tranh chống phát xít, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Trung Quốc, ủng hộ mặt trận bình dân Pháp, chống sự hữu khuynh của Chính phủ Pháp, ủng hộ Liên bang Xô Viết.

Báo Dân Chúng là tờ báo ra được nhiều số, đứng thứ 3 trong lịch sử báo chí trước tháng 8 năm 1945, là tờ báo được vinh dự đăng bài đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo trong nước trong thời kỳ vận động dân chủ, là tờ báo in có số lượng cao nhất, có nhiều bạn đọc nhất trên đất Đông Dương trong cả quá trình lịch sử trước Cách Mạng tháng 8 năm 1945.

Ngày 22/7/1938, báo Dân Chúng ra số báo đầu tiên. Ngày 7/9/1939, nhà cầm quyền Pháp đã ra lệnh đóng cửa báo Dân Chúng. Báo Dân Chúng đã ra 81 số. (Đọc thêm tại đây)

Như vậy dưới thời thực dân Pháp đã có hơn một năm, Thực dân Pháp cho phép tự do báo chí.

Còn ngày nay, 74 năm sau, năm 2012, dưới sự cai trị của Đảng CSVN thì sao?

Có đến hàng trăm tờ báo nhưng không có báo chí tư nhân. Tự do báo chí chỉ có ở các lĩnh vực phi chính trị. Lĩnh vực chính trị bị kiểm soát chặt, một sự kiểm duyệt kiểu mới. Trước tiên, lãnh đạo các tờ báo này đa số là những đảng viên, nhất là các tờ báo lớn, được quán triệt tư tưởng Đảng.

Ngày báo chí VN 21/6/2012, Bộ trưởng công an Trần Đại Quang đã cảnh báo báo chí không được xa rời mục tiêu chính trị và bỏ quên việc ‘định hướng dư luận xã hội’. Và đây, xem những gì ông này nhắc nhở:
“Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự,” .
“Báo chí công an nhân dân cần tích cực tham gia và thể hiện vai trò đi đầu trong cuộc đấu tranh chống ‘diễn biến hòa bình’ trên lĩnh vực tư tưởng… phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh phòng, chống ‘diễn biến hòa bình’, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’”

Lời của một ông quan nắm quyền ‘bắt bớ, giam giữ, điều tra’ để chuyển qua tòa án ‘xử tội’ những ai làm trái thì khó có lãnh đạo tờ báo nào dám chống lại.

Như vậy báo chí không những bị áp đặt tư tưởng chính trị mà còn bị ép làm công cụ tuyên truyền đường lối của Đảng, thử hỏi báo chí có tự do ngôn luận về mặt chính trị không?

Những nhân sự có tư tưởng đổi mới hay chỉ trích chính quyền hay cố phơi bày cái xấu của Đảng sẽ dần dần bị loại khỏi hàng ngũ. Những sự kiện “nhạy cảm” nổi cộm có ảnh hưởng đến quy tín của Đảng phải có chỉ đạo từ Đảng để xem xét cho đăng hay không đăng hoặc tóm gọn, gọt dũa, thậm chí bẻ cong nó rồi mới đăng tin.

Ví dụ 1: tin tức về biều tình (2011) chống Trung Quốc xâm lược lúc thì “nín thinh”, lúc thì đăng cực ngắn với những từ ngữ đã bị “làm nhẹ” đi như từ “biểu tình” được viết thành “tụ tập”, thông tin đăng tải không phản ánh được mức độ, màu sắc của sự kiện.

Ví dụ 2: Tin tức về cưỡng chế ở Tiên Lãng thì được tự do đăng tải, nhưng ở các vụ sau đó như cưỡng chế ở Văn Giang, Vụ Bản thì không đăng!

Sự kiểm duyệt báo chí rất tinh vi của Đảng CSVN khiến nhiều thông tin bị bưng bít, đa số dân chúng không biết tin. Trong khi các tin tức phi chính trị thì đầy ắp các trang báo. Nhiều thông tin bị bẻ cong, đăng sai sự thật trên các báo nhất là báo QĐND, CAND, Hanoimoi, ANTĐ…Điều này gây ngộ nhận cho đa số người dân trong nhận thức chính trị, lĩnh vực vốn bị Đảng CSVN nhồi sọ học sinh sinh viên suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.

Như vậy tự do báo chí trong lĩnh vực chính trị đã chưa hề xuất hiện sau khi chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước (1975). Một điều tồi tệ hơn cả thời thực dân Pháp.

Mặc dù Hiến Pháp cho tự do báo chí, tự do ngôn luận (Điều 69), mặc dù VN đã tham gia công ước quốc tế nhằm thực thi quyền này, nhưng thực tế thì những người cầm quyền thông qua hệ thống công an, tòa án đã bất chất pháp luật, chà đạp quyền này của người dân. Ngày càng nhiều những nhà bất đồng chính kiến phải vào tù vì họ cố gắng bày tỏ mong muốn cải cách chính trị với mong muốn đa nguyên đa đảng…Chưa hề có tự do ngôn luận về mặt chính trị từ 1975 đến nay!

“Hội hè, tín ngưỡng, báo chương
Họp hành đi lại có quyền tự do”
(Hồ Chí Minh)

Tư tưởng của HCM về tự do báo chí, tự do ngôn luận nay đã bị những người lãnh đạo Đảng CSVN âm thầm phản bội.

b) Vấn đề “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”

Các báo đài nhà nước, các cuộc họp của Đảng vẫn luôn tuyên truyền ra rả rằng “mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tất cả các vấn đề quốc kế dân sinh phải để cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; tinh thần dân chủ phải được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Đấy là lời đầu môi chót lưỡi, còn thực tế thì:
“Mấy trăm tờ báo toàn lề Đảng, làm gì có tự do báo chí! Dân cặm cụi làm ăn lo miếng cơm manh áo, nào biết gì chuyện của mấy quan, chỉ thấy chúng thằng nào cũng giàu lên nhanh chóng. Những nhà bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho dân chủ bị chúng bắt giam, tòa án thông báo xử công khai nhưng thực tế dân không được đến, chân lý làm sao có được?”

Hàng chục vụ cưỡng chế đất đai ầm ĩ với hàng trăm công an nhúng tay thực hiện, các báo đâu có đưa tin (trừ vụ cưỡng gia đình anh Đoàn Văn Vươn). Hàng trăm cuộc biểu tình, khiếu nại của dân oan, có vụ lên đến hàng nghìn người, báo chí đâu có đưa tin. Biểu tình chống TQ xâm lược mấy nghìn người tham gia báo chí cũng né tránh, ú ớ không ra lời. Chuyện góp ý văn kiện đại hội đảng của 22 nhà trí thức là những vị Gs, Ts kỳ cựu báo chí nào có đăng!

Ở lĩnh vực chính trị, không có tự do báo chí, dân biết gì mà bàn, mà làm, mà kiểm tra?

Để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tức là có dân chủ thì điều kiện cần là:
+ Tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội
+ Được bầu cử trực tiếp nguyên thủ quốc gia
+ Được biểu tình
+ Cạnh tranh chính trị (đa đảng)
+ Nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập

Nhưng những lãnh đạo đảng cứ giả ngu giả ngơ như không biết, ai góp ý cứ mặc, chúng cứ làm cái gì lợi cho chúng thôi, chúng không thích cải cách bởi cải cách làm giảm quyền lực và giảm thu nhập bất chính của chúng.

Những cốt lõi về tự do-dân chủ ngày xưa Bác nói, Bác đấu tranh, Bác mong mỏi nay bị bọn hậu sinh phớt lờ, chúng chễm chệ trên ghế cao quyền lực với những chiếc mặt nạ giả dối, miệng nói một đằng chân đi một nẻo. Hậu quả dân tình gánh chịu còn chúng cứ say sưa thụ hưởng giàu sang và quyền thế cho riêng bọn chúng. Một lũ súc sinh.
Đảng CSVN bây giờ như con ốc mượn hồn, vỏ khác ruột khác. Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, và sự vĩ đại của người bị lợi dụng, bị biến thành tượng đài che chắn cho một chế độ thối nát. Biết bao xương máu của các chiến sỹ cộng sản ngã xuống, nay bọn tham quan tham nhũng mặc sức mà tổ chức những buổi lễ ôn lại chiến tích hào hùng. Ôi, hài cốt. Ôi, linh hồn. Tội nghiệp!

2) Giáo dục nhồi sọ, gian manh xảo trá

Một bộ sách giáo dục chính trị đồ sộ đề cao CNCS, công kích CNTB được đưa vào dạy chính thức cho sinh viên đại học.

Bộ sách này gồm 3 giáo trình:
- Triết học Mác-Lênin (NXB Chính trị, biên soạn 2004, dày 670 trang)
- Kinh tế chính trị Mác-Lênin (NXB Chính trị, biên soạn 2004, dày 673 trang)
- Chủ nghĩa xã hội khoa học (NXB Chính trị, biên soạn 2004, dày 555 trang)

Bộ sách này quá dày! Không biết có được bao nhiêu lời lẽ của Mác và Lê nin trong hơn 1800 trang của bộ sách này, tôi nghĩ sự duy ý chí của những người Việt biên soạn đã làm dày bộ sách, quá nhiều thứ viết tràn lan, khô khan, với những ngôn từ rất ư là ‘khủng’ lập đi lập lại nhằm khẳng định đường lối của CNCS như “vĩ đại, cao cả, đúng đắn, chân chính, tất yếu, trong sáng, vững mạnh, khoa học…”.

Tư duy của sách rất phiến diện, thiếu khách quan, đả kích CNTB bằng những lý luận áp đặt, quy chụp, phủ lấp, ích kỷ và khuyến khích bạo động. Trong khi không đi sâu vào tính khả thi hay bất khả thi của nó. Những ai từng đọc sẽ biết, nghĩ lại thấy thật ngán ngẫm, thật vô bổ, lãng phí thời gian của sinh viên, tiêu tốn tiền bạc của phụ huynh và ngân sách nhà nước.

Ngoài ra còn có hẳn môn ‘lịch sử đảng’ để tuyên truyền chiến công của Đảng CSVN, chiếm một lượng đáng kể thời gian.

Không chỉ ở bậc đại học, ở PTTH, Trung học, Cao đẳng…đều có những môn rao giảng về CNXH, nay chẳng còn phù hợp với thực tiễn.

Sinh viên nào dám nêu tư tưởng trái với những gì bị nhồi nhét thì rớt là cái chắc.

Giáo dục nhồi nhét và thi cử gian lận kéo dài do bệnh thành tích ở các trường PTTH.

Ngay sau khi thực hiện phong trào “Hai không”, kết thúc mùa thi năm 2007, cả xã hội bàng hoàng vì kết quả chấm thi cho thấy: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT trung bình cả nước giảm từ 94% xuống 66%. Nhưng ở cái xã hội này, sự trung thực chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn ngủi bởi một ‘phép thử’, sau đó đâu lại vào đấy, sự giả dối lại hồi sinh và ngự trị. Năm 2008: 75%. Năm 2009: 84%. Năm 2010: 93%. Năm 2011: 96% ( bằng con số của trước những năm “hai không”). Năm 2012: 98%.

Xã hội không chấp nhận thực tế là chỉ có 2/3 học sinh là thi đỗ bằng năng lực học tập. Bệnh thành tích luôn tồn tại có tính hệ thống. Người ta vui vẻ với kết quả giả dối: 95% đến 98%!

Trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH 2012, một học sinh đã tung ra những clip gian lận thi cử mà em đã quay lén được ở Trường Đồi Ngô (Bắc Giang). Nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn không thừa nhận tệ nạn này là phổ biến trong tỉnh và có cách xử lý né tránh.

Phó bí thư Bắc Giang khẳng định, năm nay kết quả tốt nghiệp hơn 99% của Bắc Giang đánh giá được thực chất quá trình dạy học của tỉnh: “Còn việc xảy ra ở Đồi Ngô do đây là trường dân lập, có vấn đề trong quản lý, giảng dạy. Tiêu cực thi ở Đồi Ngô không phải là tình trạng phổ biến ở Bắc Giang”.

Số liệu thống kê sẽ nói lên tất cả: Năm 2007, lần đầu làm ‘hai không’ nghiêm túc, tỉnh này đỗ hơn 60% hệ THPT và Đồi Ngô chỉ đỗ 6%. Vậy mà những năm gần đây, khi cuộc phát động 2 không chìm vào quên lãng thì tỷ lệ đỗ của tỉnh này lại cao vút, năm 2012 tỉnh này đỗ 99% và Đồi Ngô đỗ 78%.

Người trung thực không thể làm quan lớn trong cái xã hội nhiễu nhương này. Đúng như dân gian thường kêu ca “thời nhiễu nhương quỷ vương lộng hành”. Vì vậy nói dối nói nịnh đã trở thành bản chất của quan chức. Ông Phó Bí thư Bắc Giang cũng thế mà thôi.

3) Bầu cử hình thức, không có giá trị thực tiễn

Các cơ quan truyền thông, báo chí tập trung tuyên truyền rôm rả trước-trong và sau bầu cử. Nào là “ngày trọng đại”, nào là “ngày hội”, nào là “cơ hội để nhân dân chọn người đủ đức đủ tài…”. Hình ảnh bầu cử đông đúc (chế độ độc tài nào mà bầu cử chả đông!) kèm theo những lời xua nịnh được phát lên TV, báo chí.

Tôi trực tiếp đi bầu cử ngày 22.5.2011. Có bốn phiếu bầu, một là bầu HĐND cấp xã, hai là bầu HĐND cấp huyện, ba là bầu HĐND cấp tỉnh, bốn là bầu đại biểu quốc hội. Có cả thảy trên hai chục người ứng cử viên. Dân lo tất bật với cuộc sống, ai lo tìm hiểu hơn 20 vị này? Có tìm hiểu đi nữa thì cũng chả biết ai tốt ai xấu.

Thiết nghĩ, cần phải xác định nguyên thủ quốc gia là ai, quyền hành phải được tập trung về vị lãnh đạo này và vị trí này phải được dân bầu trực tiếp. Ngoài ra dân địa phương phải được bầu Chủ tịch tỉnh. Đấy là hai vị trí then chốt mà dân cần được bầu. Tổng số vị trí mà dân phải bầu nên khoảng 3-7 vị trí. Không nên quá nhiều bởi nhiều quá thì dân nào theo dõi nổi! Mặc khác những chức vụ phải bầu cử thì phải cho những đối thủ tranh đua vận động bầu cử để người dân có điều kiện soi rọi, so sánh. Ở VN chưa có được điều này, bầu cử ở VN chỉ là phô trương hình thức, không có giá trị thực tiễn.

4) Tổ chức một hệ thống chính trị chằng chịt cắm sâu vào mọi ngóc ngách xã hội

Để đổ móng cho chế độ cai trị độc tài, Đảng CSVN triển khai một hệ thống chính trị chằng chịt cắm sâu vào mọi ngóc ngách xã hội. Cụ thể là:

+ Thâu tóm quyền lực qua triển khai hệ thống chi bộ đảng trong các cơ quan của chính quyền.
+ Gắn lý lịch đảng với đề bạt chức vụ trong chính quyền. Hầu hết các chức vụ quan trọng trong chính quyền đều do những đảng viên nắm giữ. Sự lạm quyền, che đậy tội lỗi cho nhau luôn hiện diện trong tư tưởng các quan chức.
+ Lợi dụng và khống chế tôn giáo, điển hình nhất là tại Giáo hội Phật giáo VN (Nhìn xem, trên đầu trang Web của GHPGVN có cụm từ CNXH đính trên đó. Trong lễ hoằng pháp 2011, bài diễn văn sặc mùi chính trị với những từ xua nịnh Đảng)
+ Khống chế và biến MTTQ, công đoàn, tòa án…thành các công cụ để củng cố và duy trì quyền lực thống trị.
+ Bắt buộc quân đội và an ninh trung thành với Đảng, thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng chỉ đạo hoặc phân công.

5) Hứa suông và mồm mép

Hứa suông trở thành tật xấu với các quan chức từ trung ương đến địa phương, lời hứa riết rồi trở thành một thứ hình thức. Không ai còn hy vọng vào các lời hứa vĩ mô của các quan chức nữa. Khi không thực hiện được lời hứa của mình các quan không xin lỗi nhân dân, không bị cách chức, thậm chí vẫn thăng chức bình thường.

Năm 2006, khi mới nhậm chức, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa: ”sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng”, nhưng thực tế tham nhũng càng nghiêm trọng hơn còn ông thì chẳng những không từ chức mà còn làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ông bộ trưởng bộ giáo dục Nguyễn Thiện Nhân khi nhậm chức vào ngày 17-11-2006 đã hứa “Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình”. Rồi thì lời hứa tan theo mây khói, lương giáo viên vẫn không đủ sống, còn ông Bộ trưởng thì lên làm Phó thủ tướng.

Chính phủ luôn nói rằng “quyết tâm CPH DNNN”, dân nghe chính phủ lên kế hoạch rằng “đến năm 2010 sẽ CPH hầu hết các DNNN, sẽ CPH toàn bộ các Tổng công ty nhà nước…” rồi ra nghị quyết, quyết định…cuối cùng việc CPH đã diễn ra ì ạch suốt mười mấy năm trời. Kết quả là thế này đây: “Đến cuối 2010, có 1207 DNNN là công ty TNHH một thành viên, 1900 DN Nhà nước có cổ phần chi phối. Theo báo cáo của Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp-Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (đơn vị chủ trì đề án), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DNNN hiện chiếm 70% vốn đầu tư của toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA và chỉ đóng góp vào GDP ở mức khoảng 37-38%.” (Xem: http://www.mof.gov.vn)

Với bao lý do lý trấu được người ta đưa ra để biện hộ cho hành vi. Các công ty nhà nước hấp dẫn như những mỏ vàng mà các quan chức ra sức vơ vét cho vào túi riêng. Chúng đâu có dại gì mà vội vàng đóng cửa các mỏ vàng này. Nếu thực hiện đúng kế hoạch thì đâu có những tổn thất như ở Vinashin, vinalines…Chẳng ai xin lỗi dân cả. Cái gì có lợi cho quan thì quan làm, còn lợi cho dân thì quan đủng đỉnh từ từ, đổ thừa hoàn cảnh.

Lạm phát kéo dài, quan chỉ nêu nguyên nhân là do khó khăn chung của kinh tế thế giới, nào là giá dầu thô thế giới tăng, nào là do khủng hoảng kinh tế ở Mỹ, rồi khủng hoảng nợ ở Châu Âu….Không thấy quan nói vì sao lạm phát ở VN cao hàng topten thế giới, đến 2 con số và cứ tái đi tái lại! Cái nguyên nhân từ sự đầu tư lãng phí, không hiệu quả vào những DNNN và các dự án, công trình của nhà nước thì quan lại giấu đi. Đến khi lạm phát giảm (do quy luật là chủ yếu) thì quan hí hửng cho rằng “chính sách kiềm chế lạm phát của chính phủ đã phát huy tác dụng…”. Bởi thế nhân dân truyền miệng nhau câu rằng “Mất mùa là tại thiên tai, được mùa là bởi thiên tài Đảng ta”.

Thật tồi tệ, khi quan phá nhà gia đình Đoàn Văn Vươn thì quan đổ thừa “nhân dân bức xúc vào phá”, khi quan xua quân đánh dã man hai nhà báo VOV, bị dân quay lại clip thì quan báo cáo với thủ tướng rằng “clip giả do thế lực thù địch dựng lên”, làm sai mà quan thản nhiên đổ thừa ma quỷ. Cuối cùng, chẳng quan nào bị ở tù dù chỉ 1 ngày!…Miệng quan càng nói càng thối.

6) Bôi nhọ, trấn áp và bắt giam những người đấu tranh

Ngày càng đông lực lượng an ninh chìm và lực lượng thường phục tay sai để theo dõi, trấn áp và bắt bớ những người đấu tranh.

Không cho thành lập báo chí tư nhân cũng như phương tiện truyền thông khác như truyền hình, phát thanh… Khống chế và sai khiến hệ thống báo chí nhà nước. Sử dụng hệ thống truyền thông nhà nước để xuyên tạc, bôi nhọ nhân phẩm những người đấu tranh. Ts Cù Huy Hà Vũ, Gs Nguyễn Huệ Chi, Ts Nguyễn Xuân Diện, cụ Lê Hiền Đức, chị Bùi Thị Minh Hằng… là những người đấu tranh mạnh mẽ đã bị chúng bôi nhọ.

Các báo đài đi đầu trong việc dùng xảo ngữ để bôi nhọ người đấu tranh là: Tờ CAND, tờ Hanoimoi, tờ QĐND, tờ ANTĐ, đài truyền hình Hà Nội…kế đến là Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Cái hệ thống đã đẻ ra ‘những quái thai được tắm gội bằng nước hoa’. Hành vi bôi nhọ, lăng mạ người đấu tranh là nỗi nhục nhã cho hệ thống báo chí nhà nước cũng như hệ thống chính trị VN.

Nhiều người đấu tranh bị bọn ‘lạ mặt’ hành hung. Thậm chí còn bị bọn thường phục không bảng tên hành hung tại trụ sở công an.

Trấn áp biểu tình chống TQ xâm lược, biểu tình của dân oan và các thanh niên công giáo…

Nhiều trí thức đấu tranh đủ mọi trình độ lần lượt vào tù.

Trong khi đó, ở các trụ sở công an, nhan nhản các khẩu hiệu “học tập tấm gương đạo đức HCM” và trong các phòng làm việc của họ treo đầy các tấm bảng ghi 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND. Ấy thế mà, khi người đấu tranh bị bắt vào đây, thậm chí bị bắt chỉ vì bị nghi ngờ chứ chưa có bằng cớ, người bị bắt sẽ bị công an đối xử rất xấc xược, thiếu tôn trọng, bị làm khó, thậm chí bị hành hung. Như vậy ‘tấm gương đạo đức HCM’ bị chúng biến thành thứ trang sức che đậy thối quan liêu, hách dịch và hung ác mà thôi.

7) Ngụy biện để giữ chế độ độc đảng

Các bạn có thể tìm thấy những lời mị dân vô đạo đức này tại các địa chỉ sau:



Với bài nịnh hót của kẻ nịnh bợ Hoàng Hữu Phước thì chẳng có gì đáng bàn, hắn là Đại biểu quốc hội đấy, nhưng hắn len lỏi vào quốc hội để kiếm chát danh lợi, hắn há mồm to tiếng để kiếm điểm mà thôi. Hắn là tên phản bác việc soạn thảo luật biểu tình, cũng may có ĐBQH Dương Trung Quốc lập luận vững vàng nên hắn đã thất bại.
Với bài đăng trên VOV- một công cụ tuyên truyền của Đảng mang danh ‘Đài tiếng nói VN’, lợi dụng sự độc quyền truyền thông, bài này được tung ra để ‘nhét’ chữ vào tai dân chúng theo lối áp đặt quan điểm, cho dân chúng phải nghe phải hiểu theo họ mà không hề cho đăng những quan điểm ngược lại, cũng không hề cho tranh luận gì hết. Họ tranh thủ ca ngợi và bảo vệ Đảng mà thôi.




No comments:

Post a Comment

View My Stats