Saturday, 10 November 2012

GHÉT VIỆT NAM (Phạm Ngọc Cương)




Phạm Ngọc Cương
11/11/2012

«Yêu ai thì bảo là yêu
Ghét ai thì bảo là ghét»
Lời mẹ dặn- Phùng Quán


Bài viết như một lời phúc đáp nhà văn Phạm Toàn trong lá thư anh viết cho anh Trần Ngọc Cư về ý nguyện nóng bỏng của trí thức cả trong và ngoài nước muốn mau mau giao lưu hòa hợp để cứu lấy những giá trị của dân tộc này trước khi quá muộn.

Bauxite Việt Nam

--------------------------------------


1-Trương Duy Nhất

Về quê tra xét lý lịch, vặn vẹo thêm ba lần, ngày 12/11/2012 Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng được mời tới làm việc với công an ở Sài Gòn. Tội và đau cho mẹ Việt Nam. Bao năm rồi vẫn cảnh nhiều người con của mẹ vì miếng cơm manh áo dở dang đành muối mặt làm khó dễ chính những người anh em ruột thịt của mình.

Ở Canada chuyện tranh chấp dân sự người ta hành xử như sau: Đầu tiên người muốn thưa lên mạng tìm cái địa chỉ tòa nào quanh khu dân cư của mình, tự tìm hiểu tất cả thông tin cần thiết trên đó. Sau đó in mẫu đơn kiện ra, khai vào cũng như thu thập đủ những chứng cớ gì chống bên kia ra rồi photocopy tất cả ra ba bản mang đến tòa. Tòa sẽ thu lệ phí, ký nhận, đóng dấu vào ba bộ hồ sơ đó. Một cho tòa, một bên thưa, một bên bị. Trong 72 giờ bên đâm đơn phải gửi fax lên tòa báo là đã đưa hồ sơ kiện của mình cho bên bị kiện bằng cách gì? Phải báo rất rõ là đã trao tận tay, gửi thư bảo đảm, để ở thùng thư trước cửa hay đút dưới khe cửa... nhà người ấy. Trong 14 ngày nếu bên bị không phản hồi gì lại thì tòa sẽ gửi giấy mời hầu tòa cho cả hai bên vào ngày tòa xếp được lịch. Ra tòa thì nhớ đem theo toàn bộ nhân chứng, vật chứng, luật sư nếu cần... và đọc cho kỹ luật rồi... thong dong chứng minh cho tòa cái lý của mình. Hai bên cứ thỏa thích luân phiên nhau trình bày quan điểm của mỗi bên, tòa thừa kiên nhẫn để nghe đến từ cuối cùng của bất kỳ ai. Tòa (kể cả tòa tối cao, đại hình) là nơi ai có thời gian hay thích quan tâm cũng có thể nổi hứng rẽ qua ngồi tham dự không cần đăng ký trước. Tòa quyết xong rồi thì các bên ráng mà thi hành, sau thời gian tòa qui định nếu một bên không thi hành thì bên kia có thể mang quyết định của tòa tới... không phải là cảnh sát liên bang, cảnh sát tỉnh bang hay cảnh sát thành phố mà là Law enforcement officer (cơ quan thi hành luật) để họ can thiệp. Cơ quan này - cũng toàn là người mặc đồ dân sự - sẽ nhận hồ sơ, xếp lịch, gửi thư hẹn ngày giờ cho bên sai phải thực thi án tòa, nếu thấy cần họ sẽ báo bên cảnh sát có mặt lúc họ đến nhà đương sự. Cảnh sát không có quyền bênh ai, chỉ được có mặt, khoanh tay đứng nhìn để bảo đảm rằng không ai to tiếng hay có hành động gì đi quá giới hạn cho phép mà thôi.

Cái văn minh đó thật quá công bằng, chỉn chu mà đâu có khó học. Có cái đầu không chịu và không muốn học mà thôi. Việc của các cơ quan công quyền chỉ là quyết ngăn cản và xóa sổ cho bằng được cái quyền trót ghi nhầm trong Hiến pháp là “TỰ DO NGÔN LUẬN” ở nước CHXHCNVN. Lần sửa Hiến pháp này đã báo rõ là không thèm chơi trò “tư bản giẫy chết” là “tam quyền phân lập” thì cũng nên dẹp nốt cái “tàn dư” của bọn thực dân Pháp reo rắc trên dải chữ S này hàng thế kỷ trước là ngôn luận xả láng đi cho nó sạch bàn cờ, rồi dong xe, đừng chệch hướng, trực chỉ thẳng tiến tới thiên đường XHCN đi cho nó đúng cương lĩnh chính trị, đỡ phân tâm lằng nhằng.

Ước gì tôi yêu được Việt Nam!

2- Những người khác

Thật may mắn là trong đời tôi đã được gặp nhiều người con, đứng ở nhiều cung bậc khác nhau, nhiều khi đối nghịch nhau, nhưng đều là “anh hùng bất đắc dĩ” của mẹ Việt.

Nhà văn Vũ Thư Hiên là con cụ Vũ Đình Huỳnh thư ký đầu tiên của Hồ Chủ tịch. Hai bố con anh hết lòng theo cách mạng để rồi cùng sống qua hầu hết các nhà tù của đất nước sau khi cách mạng thành công. Hỏi chuyện tù anh bảo nó có hết trong hồi ký Đêm giữa ban ngày rồi và anh chuyển ngay sang nói về nhà văn VN anh yêu thích nhất: Nguyên Ngọc. Anh nói văn Nguyên Ngọc trong trẻo đẹp đến lạ lùng như hồn vía nước Việt mình vậy. Nghe một nhà văn lớn không khen văn mình mà khen nhà văn lớn khác thấy sao thật ấm lòng.

Về Hải Phòng thăm anh Bùi Ngọc Tấn, một người tù sau cách mạng khác, tác giả Chuyện kể năm 2000. Anh bảo khi có đại hội gì gì đó các cậu công an vẫn qua trông chừng nhà anh. Anh nói với anh em đó là tôi yêu Tổ quốc tôi không thua kém gì ông TBT của ĐCS. Nói như vậy tức là tôi còn yêu hơn vì trong tình yêu đó của tôi không đi kèm bất kỳ cái ghế hay bổng lộc nào.

Tôi hỏi giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một tù nhân lương tâm, nơi ngục tù là nhà của anh cả mấy chục năm: Anh đánh giá những người CS thế nào? Anh bảo lý tưởng của họ quá tốt, nhưng hành động của họ thật quá dở.

Gặp Thẩm phán Tòa án Hoa Kỳ Phan Quang Tuệ - con của Bác sỹ tốt nghiệp Harvard Phan Quang Đán, Phó TT chính quyền SG cũ - tôi hỏi anh đang mơ gì? Anh bảo mơ uớc của mình là về già mà VN vẫn không cho về thì mình sang Lào, dạy cho các cháu Việt kiều nghèo đói bên đó chơi đá banh. Khi chúng mình cùng ngồi bên vịnh San Francisco, dưới Cổng Vàng lộng gió tự do và thanh bình, hưởng những món ngon của đầu bếp Ý, chúng mình cũng chỉ mong ước sao cho ở bên kia bờ đại dương có nhiều người hơn được hưởng sung sướng như chúng mình mà thôi.
Nhận cuốn Tổ Quốc ăn năn của tác giả Nguyễn Gia Kiểng gửi tặng qua đường bưu điện mở ra lại kèm thêm một lá thư tay có câu: “Người Việt Nam chúng ta đều thiếu sót cả. Nếu không thì đất nước đâu có như ngày nay... Đó lời thành thực”.

Gặp anh Nguyễn Ngọc Giao, Giáo sư toán Đại học Paris, người đã phiên dịch cho phái đoàn Lê Đức Thọ tại Hội Nghị Paris, câu chuyện lại xoay quanh những việt kiều học xong chỉ mong về nước cống hiến và phục vụ cho một đất nước đã thống nhất mà lại bị cấm về. Ngày ký hợp đồng mua nhà để ở lại Pháp, anh kể, ai cũng khóc. Không phải những giọt nước mắt vui mừng là có nhà của mình để ở mà vì nỗi cay đắng phải đành chôn chí trai Việt lại nước Pháp.

Những giọt nước mắt ấy tôi cũng thấy lăn lã chã trên má ông Khôi trí thức chế độ SG cũ, ra tù sang định cư ở Montreal. Kể về chuyện ngày vào quốc tịch Canada mà ông lại khóc tức tưởi. Khóc cho thân phận mình sinh ra có Tổ quốc mà mà phải đi nhận Tổ quốc của người khác làm của mình.

Đỗ Kỳ Anh là chủ công ty kiểm toán. Cậu thanh niên tị nạn tới Canada hơn ba mươi năm trước và năm kia là một tay chủ trò kiện Thị trưởng Toronto. Hỏi anh là lúc được vớt trên biển anh nghĩ gì? Anh bảo nghĩ phần đời từ nay về sau là phần thưởng rồi, sẽ sống không phải chỉ cho mình mà cho mọi người. Anh luôn giậm chân than là Việt Nam nếu làm bài bản và quyết liệt thì chỉ ba năm thôi là tình hình sẽ có thật nhiều chuyển biến cơ bản.

Là Nguyễn Bạch Nhựt, hàm Thiếu tá ngạch tình báo chính quyền Sài Gòn. Sau khi rời cửa nhà tù Việt Nam anh sang Canada. Anh kể cái nước mình nó thế, thời của anh nó thế, ai không ở lính thì cũng qua tù. Đời chàng Cử nhân Luật ấy sau 1975 như anh nói là cây hoa đang lên, bị cắt phựt ném thẳng vào bãi phân trâu. Nhưng anh không có một lời thù oán. Anh bảo Quản giáo nhà tù CS cũng có người tốt. Giữa buổi liên hoan anh bỗng bay bổng: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Anh thích cái hào hùng của nhạc đỏ. Nhạc đỏ xanh hay vàng đều là nhạc Việt. Tôi trân trọng khi anh thổ lộ có đi tù anh thấy thương mẹ mình hơn.

Là Tưởng Năng Tiến, ba lần sang Cali tôi nói là muốn in một toàn tập của anh. Anh đều lịch thiệp từ chối: Cương ơi, mình không muốn trái đất bị đốn thêm một cái cây. Vậy mà nghe tin tôi định mở một mái trường thiện nguyện tại VN anh hồ hởi ông cho mình theo với, áy náy quá vì “đào ngũ” lâu quá rồi. Có bao giờ con người ấy “đào ngũ” với Tổ quốc đâu! Chứng kiến sự hào hiệp của con người ấy tôi thầm nghĩ nước Việt mình không biết mấy trăm năm nữa mới sinh tiếp ra được một người như thế! Luôn chỉ sống để mà cho, mà vun đắp cho những mảnh đời nghiệt ngã.

Và Trương Duy Nhất trực tính, dữ dội và thẳng băng, bài viết của anh như thanh kiếm sắc nhọn của võ sỹ Nhật tự rạch bụng, móc gan lôi ruột mình ra...

Làm sao để có thể ghét được Việt Nam khi đã gặp những con người ấy. Những người dù bị đày đọa và ngược đãi vẫn chỉ mong được trao tặng và cống hiến. Để thành đạt người xưa cho là phải có thiên thời địa lợi nhân hòa. Tôi nghĩ tới ba yếu tố khác: nhân cách, tài năng và may mắn. Ôi những người bạn Việt của tôi! Khi may mắn không bén mảng tới cuộc đời họ thì nhân cách và tài năng của họ lại càng ngời ngời sáng.

Sao các giá trị ở VN lại cứ lộn tùng phèo. Thế này mà là “thành quả cách mạng vĩ đại” ư? Thế này mà là “chính quyền nhân dân“ ư ? Thế kia mà là “các thế lực phản động” là “điên cuồng chống phá” ư? Đất nước của mũ n lần các “đồng chí X”, của những kẻ ăn tham, uống tục, điều hành ngu mà chỉ nghĩ đến thôi đã đủ tăng xông và xây xẩm mặt mày. Ôi, “quang vinh”, “muôn năm” cùng các giá trị ngược!

Làm sao tôi có thể vẫn ngủ nổi khi Haiti động đất qua đêm chết cả 316 ngàn người và lại mất ngủ, giấu như mèo giấu cứt khi không dám kể với con mình là ở VN có tay hiệu trưởng ép học sinh của mình ngủ với chủ tịch tỉnh. Ôi nhục nhã! Chúng sẽ tởm VN mất trước khi chúng kịp biết đến Nguyễn Du, Nguyễn Trãi. Sao lại đi rối rít hân hoan khoe với chúng là có bác chạy Taxi ở quê nhà trả lại cả mấy chục ngàn $ cho khách bỏ quên hay chị bán vé số đã cho mua chịu còn gọi bằng được người mua về nhận vé thưởng?

3- Can thiệp

Vì sao những người Việt bên này dù đứng ở phía này hay phía kia, nhưng có tự trọng và nhân cách dạo này không ai đi đón tiếp mấy lãnh đạo cao cấp Việt. Vì sao họ quanh năm ngày tháng cứ gặp hết chính phủ này chính phủ nọ, tổ chức quốc tế nọ kia để đề nghị can thiệp chuyện nhân quyền VN. Họ đâu có hãnh diện gì việc tự đi bôi tro trát trấu lên mặt đất nước mình. Họ làm việc đó vì tâm thức họ giục giã họ phải làm và vừa làm họ cũng vừa đau đớn lắm.

Chính phủ mấy nước này họ đang nghĩ gì? Sau mấy chục năm đổi mới họ nhìn VN như thế nào? Nhìn VN là từ tay non trong trò chơi chính trị, kinh tế toàn cầu, kẻ đáng thương và cần giúp vì có nhầm lẫn sang tay chơi đểu, hung bạo và thiếu tư cách.

Đó không phải là chính quyền, chỉ là nhà cầm quyền!

Trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua Obama đề nghị người Mỹ xốc tới phía trước. Mitt kêu gọi dân Mỹ quay về trân quí những giá trị đã làm nên nước Mỹ. Obama hay Mitt, theo cách quay về giá trị truyền thống hay lao lên cùng ước vọng đằng trước thì cũng ít có ai nghi ngờ hoài bão, tâm huyết của cả hai ông là đưa nước Mỹ khám phá tiếp những nấc thang cao hơn của văn minh nhân loại. Có bao nhiêu phần trăm dân số Việt tin vào thiện chí và khả năng của những người đang nắm quyền đúng là nguời đủ sức và đủ tâm để ban và thực thi quốc sách? Chỉ rặt thấy là phải “còn đảng” mới “còn mình”, còn tiếp “bầy sâu”, và “rắn” đang được cõng tiếp về “cắn gà nhà”.

Trong hội nghị Đảng Dân chủ năm 2012 Bill Clinton hào hứng: “I love our country so much. And I know we’re coming back. For more than 200 years, through every crisis, we’ve always come back. People have predicted our demise ever since George Washington was criticized for being a mediocre surveyor with a bad set of wooden false teeth. And so far, every single person that’s bet against America has lost money because we always come back. We come through ever fire a little stronger and a little better”.
(Tôi yêu đất nước chúng ta vô ngần. Và tôi biết chúng ta đang hồi sinh trở lại. Hơn 200 năm, qua mỗi cuộc khủng hoảng, chúng ta đã luôn luôn hồi sinh trở lại. Nhiều người đã dự đoán sự sụp đổ của chúng ta kể từ khi George Washington bị chỉ trích chỉ là một thanh tra tầm thường với một bộ răng gỗ giả. Đến hôm nay, tất cả những người đặt cược chống Mỹ luôn bị mất tiền vì chúng ta luôn luôn hồi sinh trở lại. Qua mỗi lò lửa chúng ta mỗi cứng cáp hơn lên và tốt đẹp hơn lên),

Một đất nước mới 200 năm tuổi mà còn vững tin vào mình như thế. Chúng ta với 4000 năm trên lưng chẳng lẽ lại mất niềm tin vào chính mình. Ánh khai sáng triều Lý, chất hào khí triều Trần, sự vững vàng triều Lê sẽ trở lại, hồi sinh rạng rỡ trên đất nước này.

Phải thế!
Và tất thế!

9/11/2012
P.N.C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN




No comments:

Post a Comment

View My Stats