Nhà báo tự do Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC
Tiếng Việt từ San Jose
Cập nhật:
15:42 GMT - thứ sáu, 16 tháng 11, 2012
Chiến tranh tại
Việt Nam, từ 1955 đến 1975, được gọi là “Vietnam War” qua cách nhìn của những
nhà làm chính sách Hoa Kỳ vì nó diễn ra trên mảnh đất mang tên Việt Nam. Trong
nhãn quan của lãnh đạo Hà Nội, đó là “American War” vì do người Mỹ gây nên.
Mới đây, có tác phẩm mang tên Hanoi’s War của Tiến sĩ Nguyễn
Thị Liên-Hằng, là một cách nhìn khác về cuộc chiến.
Như tên gọi của sách, “Cuộc chiến của Hà Nội”, đó là chiến tranh do Hà Nội chủ động, từ
khởi xướng vào những năm cuối thập niên 1950 cho đến lúc thành công vào tháng
4-1975.
Hanoi’s War đưa ra tầm nhìn từ Washington, Hà Nội, Moscow
và Bắc Kinh và có tiểu tựa: An
International History of the War for Peace in Vietnam, vì thế sách còn là
ghi nhận lịch sử quốc tế về cuộc chiến cho hoà bình ở Việt Nam trong bối cảnh
của Chiến tranh Lạnh, của xung đột Trung-Xô.
Theo tác giả,
chiến tranh ở Việt Nam trong 20 năm không chỉ có Hoa Kỳ, Liên bang Xô Viết,
Trung Quốc là những đại cường quốc và Bắc Việt, tức Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
là những quốc gia với can hệ chính, mà cuộc chiến còn có cả hai phía miền Nam
là Việt Nam Cộng hoà và Mặt trận Giải phóng miền Nam, vì lãnh đạo của họ cũng
là những nhân tố trong các nỗ lực chuyển hướng chiến tranh hay tìm kiếm hoà
bình.
Trong ba thành phần người Việt, dù sự can dự của Việt Nam
Cộng hoà và Mặt trận Giải phóng miền Nam có những lúc làm cục diện chiến tranh
hay diễn tiến hoà đàm thay đổi, nhưng Hà
Nội vẫn đóng vai chủ động trong các công tác tiến hành chiến tranh hoặc đến bàn
hội nghị.
Nhân vật chính
trong Hanoi’s War không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo miền Bắc
trong nhiều thập niên, từ thời chống Pháp, qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cho
đến lúc ông từ trần ngày 2-9-1969. Cũng không phải là Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
anh hùng Điện Biên và là thân tín của Hồ Chí Minh.
Dù trên diễn đàn
quốc tế, hai nhân vật trên đã được rất nhiều nhà nghiên cứu chính trị và các
nhà sử học viết đến nhiều nhất.
'Thống nhất miền Nam
bằng bạo lực'
Hanoi’s War đưa ra hai nhân vật chính là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Quan trọng
hơn cả là Lê Duẩn.
Mở đầu tác giả
ghi lại hình ảnh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chia tay nhau bên dòng sông Ông Đốc ở Cà
Mau vào một ngày đầu năm 1955.
Đó là thời gian
thi hành Hiệp định Geneve 1954 tạm chia đôi nước Việt ở vĩ tuyến 17, cho phép
tự do di dân giữa hai miền trong vòng 300 ngày.
Lê Duẩn ở lại miền Nam, Lê Đức Thọ xuống tàu tập kết ra
Bắc để rồi trong suốt chiều dài cuộc chiến hai nhân vật này đã trở thành trọng
điểm của sách.
Vài năm ở miền Nam, Lê Duẩn lập ra
Trung ương Cục miền Nam và đưa người của mình như Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt vào
nắm giữ những vai trò then chốt để điều hành cuộc chiến tại miền Nam trong
tương lai.
Trở lại miền bắc, cùng với Lê Đức Thọ, ngay từ năm 1958
Lê Duẩn đã chủ trương phải thống nhất miền Nam bằng bạo lực. Nghị quyết 15 của Đảng Lao động Việt Nam,
danh xưng của Đảng Cộng sản Việt Nam thời bấy giờ, phản ánh chủ trương này.
Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chọn con đường
Mác-Lê để tiến hành chiến tranh giành độc lập và nhất quyết không hoà hoãn,
không chủ trương sống chung hoà bình. Những ai trong nội bộ đảng không theo đường lối này đều
bị loại trừ khỏi vai trò quyền lực.
Tác giả nêu dẫn
chứng vụ án xét lại chống đảng với Hoàng Minh Chính từ năm 1963 và nhiều người
bị tù trong cuộc thanh trừng lớn nhất trong nội bộ đảng vào năm 1967.
Để tiến hành chiến tranh, sau Đại hội Đảng kỳ 3, từ năm 1960 lãnh đạo đã biến miền Bắc
thành một xã hội công an trị với hàng vạn người bị bắt vì “nguy hiểm đến an
ninh, trật tự xã hội”.
Vụ án “Nhạc vàng” năm 1971 là một thí
dụ khác. Chính quyền Hà
Nội cho rằng đang có âm mưu “diễn biến hoà bình” do Mỹ chủ trương để gây chia
rẽ nội bộ đảng về chính sách chống Mỹ cứu nước.
Dựa vào nguồn
tài liệu phong phú từ nhiều nơi, đặc biệt là những văn khố ở Việt Nam mở ra cho
giới nghiên cứu gần đây, tuy kho lưu trữ của đảng và Bộ chính trị vẫn còn đóng
kín, và những tiếp xúc, phỏng vấn của tác giả với người Việt liên quan, cùng
nguồn tài liệu Việt ngữ tác giả có khả năng tiếp cận, Hanoi’s War đưa ra
hình ảnh rất rõ là Lê Duẩn kiên quyết chủ trương “Tổng tấn công, Tổng khởi
nghĩa” để chiếm miền Nam.
Giải pháp trung
lập miền Nam cũng không được chấp nhận. Chiến tranh du kích để bảo toàn lực
lượng của Tướng Võ Nguyên Giáp không được tán thành.
Hồ Chí Minh là
Chủ tịch, Lê Duẩn tuy là Bí thư thứ Nhất của đảng nhưng đã qua mặt và nắm trọn
quyền hành.
Chiến tranh toàn diện
Dù tổng tấn công nhiều lần thất bại trong các năm 1964,
Mậu Thân 1968 hay Xuân-Hè 1972 nhưng Lê Duẩn không từ bỏ chủ trương tiến hành
chiến tranh toàn diện.
Tác giả ghi nhận
những sự kiện và phân tích các quyết định dẫn đến chiến tranh qua các cuộc tổng
tấn công vào miền Nam, về chính sách “Vừa đàm vừa đánh” đưa đến bản Hiệp định
Ba Lê vãn hồi hoà bình cho Việt Nam - một hiệp ước không đòi hỏi bộ đội cộng
sản miền Bắc rút về mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cực lực phản đối.
Bản hiệp định
được ký kết ngày 27-1-1973 sau 5 năm thương thảo với Lê Đức Thọ, nhà ngoại giao
có chủ trương phải kiên trì vì tin rằng người Mỹ sẽ phải bỏ cuộc.
Đúng là người Mỹ
cuối cùng đã nhượng bộ Hà Nội để bộ đội miền Bắc tiếp tục ở lại miền Nam. Bản
hiệp định chỉ là cách để cho người Mỹ rút lui, hay phủi tay, trong danh dự.
Chính quyền Sài
Gòn sụp đổ ngày 30-4-1975 trước sức tấn công bằng vũ lực của bộ đội cộng sản
miền Bắc, như Lê Duẩn đã chủ trương trong suốt chiều dài cuộc chiến và cuối
cùng đã đi đến thành công.
Hanoi’s War còn là một cái nhìn khác hơn với những gì
giới lãnh đạo Việt Nam thường đưa ra trước đây về sự nhất trí trong những quyết
định đi đến chiến tranh.
Sách vẽ lên chân dung Lê Duẩn như là
một lãnh đạo Việt Nam với hai mươi năm kiên quyết chủ trương chiến tranh “Tổng
tấn công, Tổng khởi nghĩa”.
Nhưng không phải
vì thế mà cơ hội cho hoà bình, phát triển và chờ ngày thống nhất của hai miền
Việt Nam đã không được đưa ra.
Những cơ hội như
thế đã được xướng lên và đã có những nhân vật trong giới lãnh đạo Hà Nội ủng
hộ, nhưng bị Lê Duẩn không những gạt đi mà còn bỏ tù những ai muốn theo chính
sách “Bắc trước, Nam sau” – xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Bắc trước, chuyện
miền Nam tính sau – hay có tư tưởng “hoà hoãn”, theo phe “xét lại”.
Sau chiến thắng 30-4-1975, cũng dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn, Việt Nam lại
phải trải qua những cuộc chiến tranh khác, từ phía tây với Kampuchia lên phía
bắc với Trung Quốc.
Khi Lê Duẩn qua đời, ngày 15-7-1986 hàng trăm nghìn cư dân Hà Nội đã
đứng dọc bên đường từ Quảng trường Ba Đình đến nghĩa trang Mai Dịch để đưa tiễn
một lãnh đạo Việt Nam lâu đời nhất về với cát bụi.
Năm đó cũng là
thời điểm Hà Nội bắt đầu chính sách đổi mới và đưa Việt Nam vào một tiến trình
lịch sử mà nửa thế kỷ trước Việt Nam đã mất đi nhiều cơ hội do quyết tâm tiến
hành chiến tranh của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.
Hanoi’s War gắn ông Lê Duẩn vào những thiệt hại khủng khiếp của chiến
tranh với hơn hai triệu sinh mạng người Việt.
Câu hỏi nêu ra là dù chủ trương của
Lê Duẩn như thế thì có đủ thuyết phục để tách Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp,
hai nhân vật đầy huyền thoại của Việt Nam, ra khỏi trách nhiệm về hệ lụy cuộc
chiến hay không?
Bài thể hiện
cách nhìn riêng của cây bút tự do Bùi Văn Phú từ vùng Vịnh San
Francisco. Cuối sách của bà Nguyễn Liên Hằng do Nhà xuất bản Đại học
North Carolina cho ra năm 2012, 444 trang. Cuốn sách cũng đã được giới
thiệu trên nhiều trang Bấm tiếng Anh.
No comments:
Post a Comment