Thursday, 1 November 2012

CỘNG HÒA, DÂN CHỦ ; OBAMA, ROMNEY : ĐỐI NỘI & ĐỐI NGOẠI (Việt Nguyên)




Việt Nguyên
Thursday, November 01, 2012 5:26:40 PM

Mỗi bốn năm nước Mỹ lại cho thế giới thấy nền dân chủ của họ qua kỳ bầu cử tổng thống. Mỗi bốn năm dân Mỹ được quyền lựa chọn qua sức mạnh của lá phiếu. Năm nay cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lại cách đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hai ngày cho thấy sự cách biệt lớn lao giữa hai chế độ dân chủ thật sự và “ngụy dân chủ.”

Một chế độ cởi mở với các ứng cử viên trình bày chương trình hai đảng so với cuộc họp kín của hai đảng cướp Mafia cộng sản Việt Nam và cộng sản Trung Quốc trong đó các đảng viên cao cấp bị cô lập với thế giới bên ngoài và chính gia đình của họ với những quyết định mật dính đến quyền lợi cá nhân và quyền lợi đảng. Năm nay cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ được xem là ngang ngửa giữa hai đối thủ Barack Obama và Mitt Romney, con số cách biệt nắm phần thắng của Tổng Thống Obama trước đại hội Ðảng Dân Chủ và Cộng Hòa vào hồi tháng 9 nay càng ngày càng thâu hẹp lại có lúc phần thắng nghiêng về Thống Ðốc Mitt Romney. Ba kỳ tranh luận giữa Tổng Thống Obama và Thống Ðốc Romney không ảnh hưởng đến quyết định của cử tri. Theo thống kê lịch sử Hoa Kỳ, Thống Ðốc Mitt Romney phải trèo ngược chướng ngại khó khăn: trong 100 năm qua với sáu lần tranh cử tổng thống khi đảng Dân Chủ nắm quyền, chỉ có một ứng cử viên tổng thống duy nhất đảng Cộng Hòa đánh bại đối thủ đương kim tổng thống đảng Dân Chủ là Tổng Thống Ronald Reagan năm 1980 đánh bại Tổng Thống Jimmy Carter. Năm nay Thống Ðốc Mitt Rommey nắm hai yếu tố có lợi quan trọng có thể đánh bại Tổng Thống Obama: tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 8% và tiền ủng hộ đến từ các đại công ty qua PAC'S.

Chính sách đối nội

Trong ngày đại hội đảng Dân Chủ, Tổng Thống Barack Obama nói với dân Hoa Kỳ lần bầu cử tổng thống này, dân Mỹ “có một sự chọn lựa rõ ràng giữa hai cái nhìn về tương lai,” chọn lựa rõ ràng là ứng cử viên Obama, nhưng Tổng Thống Obama đã làm dân Mỹ hoang mang khi ông nói nếu họ không chọn ông thì họ “sẽ mất mát” trong khi dân Mỹ không hiểu họ sẽ mất mát gì trong bốn năm qua khi tình trạng thất nghiệp vẫn ở trên mức 8% khác với lời hứa hẹn bốn năm trước khi ông ra tranh cử tổng thống năm 2008 thất nghiệp sẽ xuống 6%, ứng cử viên Obama tự tin bốn năm sau nước Mỹ sẽ có một bộ mặt khác, “hy vọng và thay đổi” sẽ đến với nước Mỹ. Năm 2012, Tổng Thống Obama không trả lời được câu hỏi của ứng cử viên phó tổng thống Paul Ryan “trong bốn năm nữa Hoa Kỳ của Obama sẽ khác như thế nào?”

Cả hai Ðảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều thay đổi từ sau đại hội đảng. Cả hai ứng cử viên tổng thống đều bỏ chính sách cực đoan đi về con đường trung dung nhắm vào giới cử tri độc lập, nhưng điều thay đổi lớn là đảng Dân Chủ lại nghiêng về đối ngoại và đảng Cộng Hòa với ứng cử viên Mitt Romney nhắc nhở dân Mỹ chính sách kinh tế phồn thịnh thời Tổng Thống Ronald Reagan với đảng Cộng Hòa GOP là “đảng của thịnh vượng và kinh tế phát triển.”
Dân Mỹ đã thất vọng với Tổng Thống Obama nhất là những đảng viên Dân Chủ đã đặt kỳ vọng vào ông tổng thống da đen đầu tiên về chính sách môi sinh, thời tiết và chính sách kiểm soát súng đạn. Năm 2008, ứng cử viên Obama có giấc mơ lớn hứa sẽ “làm mực nước đại dương ngừng dâng cao, làm lành vết thương địa cầu bằng cách làm giảm thán khí qua chương trình môi trường xanh.” Ðảng Cộng Hòa không tin vào những dữ kiện khoa học. Hứa hẹn của Tổng Thống Obama hão huyền, chương trình môi sinh không được chính quyền Obama theo đuổi cũng giống như những lời hứa hẹn của Thống Ðốc Mitt Romney trong 18 tháng đầu cầm quyền ở tiểu bang Massachussetts.

Năm lần trong Ðại hội đảng Dân Chủ, trong vòng một giờ, các diễn giả đã nhắc đến “giấc mơ của người Mỹ” nhưng Phó Tổng Thống Joe Biden, người đã ngạo mạn với ứng cử viên phó tổng thống Ðảng Cộng Hòa Paul Ryan trong lần tranh luận, đã không thể nói “Buổi sáng trở lại với nước Mỹ” như Tổng Thống Ronald Reagan, ông chỉ dám nói “ Nước Mỹ trở lại,” trở lại về đâu? Ông không cho biết. Ðảng Dân Chủ tấn công đảng Cộng Hòa đối xử tệ với với dân gốc Hispanics và dân da đen nhưng trong bốn năm của Tổng Thống Obama dân thiểu số không thấy đời sống kinh tế của họ khá hơn. Chương trình cứu vãn kinh tế 789 tỷ trong năm 2009 cứu ngân hàng và các hãng xe hơi cùng với ngân sách xây dựng hạ tầng kiến trúc và ngân sách cho các tiểu bang đưa đến lợi cho nhà giàu, chủ nhà băng, chủ công ty, thành phần 2% mà Tổng Thống Obama muốn tăng thuế và bốn năm tới nếu ông tái đắc cử 150 tỷ Mỹ kim ngân sách vào chương trình năng lượng xanh, nghiên cứu căn bản ở các trường học và y tế (hệ thống hóa hồ sơ sức khỏe điện tử) chưa mang đến kết quả. Những thay đổi mà Tổng Thống Obama muốn dân Mỹ tin tưởng đã không đưa chỉ số thất nghiệp xuống dưới 8%.

Chính sách công ăn việc làm của hai đảng khác nhau. Cộng Hòa chủ trương cắt thuế, giảm chi tiêu, viết lại các chương trình quốc nội qua tiếng nói của Dân Biểu Paul Ryan. Với tinh thần bảo thủ của Ayn Rand “tư bản, không cần chính quyền.” Họ phê bình câu nói Tổng Thống Obama: “Chính quyền xây dựng, đầu tư vào đường sá, cầu cống, nếu quí vị có cơ sở thương mại quí vị không xây dựng, những người khác đã làm...”

Thống Ðốc Mitt Romney trong kỳ tranh luận lần thứ ba nói: “Chính phủ không tạo ra công ăn việc làm” nhưng lại hứa với cử tri “nếu đắc cử, chính phủ của ông sẽ đem lại công việc bớt tình trạng phụ cấp cho dân nghèo!” Ông nói gà, bà nói vịt, không có giải pháp trung dung trong mùa tranh cử, giấc mơ Mỹ Quốc lại khó thực hiện cho những người di dân bất hợp pháp. Tổng Thống Obama có chương trình quốc tịch cho con những người di dân bất hợp pháp ở Mỹ nhưng chính quyền Obama kiểm tra, bắt bớ những công nhân bất hợp pháp ở các xí nghiệp tư không khác gì thời Tổng Thống Bush.

Hai đảng khác biệt rõ ràng về hôn nhân đồng tính và phá thai, truyền thống không đổi của cấp tiến và bảo thủ. Dân Mỹ ít đi nhà thờ hơn trước, “chiến tranh văn hóa” như Mục Sư Pat Buchannan nói ở Houston năm 1992 vẫn diễn ra nhưng đảng Cộng Hòa dù có thắng cử cũng khó lòng kéo lại bánh xe thời đại.

Chính quyền Obama không tạo được nhiều công ăn việc làm cho thị trường tư, nặng về việc làm cho công nhân viên với chính quyền dân sự Hoa Kỳ là một công ty lớn nhất thế giới với ngân sách 3.7 ngàn tỷ Mỹ kim đem lợi tức 2.5 ngàn tỷ Mỹ kim với hệ thống phức tạp về giáo dục, năng lượng, y tế, cần phải được tân tổng thống cải tổ. Tổng Thống Obama đã tự hào thành công trong việc cải tổ nền y tế Hoa Kỳ với đạo luật ACA (Affordable Care Act) thường được gọi là ObamaCare. Sau thất bại của 5 tổng thống, từ sau Thế Chiến Thứ Hai, cố gắng lập nền y tế cho mọi người dân như quyền làm người với bảo hiểm y tế tương tự, đồng đều như Medicare, Tổng Thống Obama đã ban hành đạo luật y tế năm 2011. Ðạo luật ấy cải tổ bảo hiểm y tế, dựa trên bảo hiểm tư chứ không phải bảo hiểm công như mọi người trông đợi. Ðạo luật này là bước đầu nhưng bước đầu vội vã với chương trình trên 3000 trang, khó lòng được một dân biểu hay thượng nghị sĩ đọc qua đêm trước khi biểu quyết. Ðạo luật vội vàng như một tặng phẩm cho Thượng Nghị Sĩ Ted Kennedy trước khi ông chết. Ðạo luật ACA là biến cố lớn cho ngành y tế từ sau bảo hiểm Medicare và Medicaid do Tổng Thống Lyndon Johnson ban hành năm 1965. Ðạo luật sẽ không đem đến bảo hiểm sức khỏe cho mọi người như T T Obama đã tuyên bố vì các hãng xưởng và tư nhân sẽ chịu đóng phạt thay vì phải mua bảo hiểm với giá cao, giá bảo hiểm đã tăng ngay sau khi bảo hiểm được thực hành giai đoạn đầu tháng 10 năm 2011, kết quả là dân Mỹ đã tự cắt chi phí. 40% những người có lợi tức dưới 90,000 Mỹ Kim đã không đi khám bác sĩ định kỳ. Chương trình không có điều khoản kiểm soát giá cả và nếu nhiều người không mua bảo hiểm tiền bảo hiểm sẽ gia tăng, cái vòng lẩn quẩn ấy sẽ trầm trọng hơn vào năm 2014 nếu không có sự cải tổ nền y tế song song với cải tổ bảo hiểm. Ðảng Cộng Hòa chủ trương hủy bỏ luật y tế Obamacare nếu đắc cử nhưng để tránh khỏi xáo trộn ông Romney đã thay đổi lập trường giữ giai đoạn đầu Obamacare (phần bắt hãng bảo hiểm phải bán cho bịnh nhân có bịnh sẵn, v.v.) cũng như Dân Biểu Paul Ryan chủ trương thay đổi Medicare, một phần tư nhân, chỉ cho những người trẻ tuổi, còn vẫn giữ Medicare cổ điển cho những người già lứa tuổi 60. Ðạo luật y tế ACA đã không có một phiếu của đảng Cộng Hòa. Tổng Thống Obama đổ tội cho đảng Cộng Hòa đã không cộng tác nhưng Tổng Thống Obama đã không chứng tỏ được tài lãnh đạo vào những năm 2010 và 2012, không bắt chước Tổng Thống Henry Truman năm 1948 ra trước quốc dân diễn văn áp lực Quốc Hội biểu quyết các đạo luật đang chờ ở Quốc Hội.

Chính sách đối ngoại

Qua cuộc tranh luận về chính sách ngoại giao giữa hai ông Obama và Romney người ta thấy chính sách của hai ông không khác nhau lắm ngoài cách sử dụng ngôn ngữ. Hoa Kỳ, siêu cường duy nhất không còn đủ mạnh để ra lệnh, để dạy bảo thế giới (dictate) như quan điểm của Tổng Thống Obama. Hoa Kỳ không còn giải phóng thế giới ra khỏi ách độc tài (free from dictator) như ông Romney trả đũa lại Tổng Thống Obama. Cộng sản được xem như là một chế độ cũng như các chế độ khác, thời kỳ Chiến Tranh Lạnh đã qua. Chính sách tự do mậu dịch và nhân quyền của Hoa Kỳ thất bại. Trung Cộng trở thành đối tác quân sự kinh tế chính trị. “Miệng nhà sang có gang có thép,” Trung Cộng đã dùng đòn nhân quyền để trả đũa lại Hoa Kỳ, bác bỏ những tố cáo về nhân quyền của Hoa Kỳ. Chính sách Hoa Kỳ đối với “ông chủ nợ” giờ đây chỉ còn “củ cà rốt, thiếu cây gậy của đảng Cộng Hòa trong thập niên 1970. Ðối phó với Trung Cộng, Hoa Kỳ dùng luật, chơi đúng luật với những kẻ vô pháp luật với ngôn từ nhã nhặn cả hai ông Obama và Romney có lẽ tin vào phép lạ! Năm 2009, mới lên tổng thống, ông Obama đã được giải thưởng Hòa Bình Nobel, giải thưởng được trao để trả đũa lại Tổng Thống George W. Bush trong tám năm cầm quyền. Trong bài diễn văn đọc tại Ðại Học Al Azhar ở Cairo, Ai Cập cùng năm, Tổng Thống Obama đã nhắm đến các nhà độc tài ở Trung Ðông. Chính sách ngoại giao của chính quyền Obama trong bốn năm qua chú trọng nhiều đến Trung Ðông hơn là đương đầu với nhà độc tài Nga Vladimir Putin và Hồ Cẩm Ðào của Trung Cộng với chính sách gây hấn ở Biển Ðông, Thái Bình Dương.

Chính sách Trung Ðông của Hoa Kỳ lệ thuộc vào chính sách của Do Thái từ sau trận chiến sáu ngày năm 1967 khi Do Thái với tướng “độc nhãn” Moshe Dayan đánh bại Ðại Tá Nasser của Ai Cập. Do Thái duy trì hòa bình Trung Ðông bằng cách giữ lãnh thổ không trả lại cho Palestine những phần đất đã bị chiếm đóng trong khi đeo đuổi chiến thuật ngoại giao thuyết phục Hoa Kỳ bảo vệ họ ở Liên Hiệp Quốc. Do Thái được phép mua bán vũ khí, phi cơ phản lực và là quốc gia duy nhất có vũ khí nguyên tử ở Trung Ðông. Biểu quyết 242 của Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc ngày 22 tháng 11, 1967 với lá phiếu của Hoa Kỳ đòi Do Thái rút quân về lằn ranh trước chiến tranh ngày 4 tháng 6 năm 1967 khiến Do Thái nổi giận và từ đó Do Thái không chịu trả lại bất cứ phần đất nào đã bị chiếm cho đối thủ. Chính quyền của Thủ Tướng Binyamin Netenyahu, là chính quyền cực hữu từ trước đến giờ, nói với Hoa Kỳ là họ sẵn sàng nói chuyện với Thủ Tướng Mahmoud Abbas nhưng không hề muốn ngừng xây dựng các khu định cư ở Tây ngạn. Ông Netenyahu muốn gây chiến, bỏ bom Iran hơn là nói chuyện hòa bình với Palestine.

Cuộc cách mạng “Mùa Xuân Ả Rập” bắt đầu từ ngày 18 tháng 12 năm 2010 bùng nổ ở Tunisia, lan qua Ai Cập, Libya, Yemen đến Bahrain rồi dừng lại ở Syria với cuộc cách mạng bạo động. Ở Tunisia, cách mạng dễ dàng, nhà độc tài Ben Ali và vợ bỏ của chạy lấy người. Ðến Ai Cập, cuộc cách mạng lật đổ Tổng Thống Hosni Mubarak có phần đổ máu. Quân nhân nắm quyền sau khi Tổng Thống Mubarak từ chức. Ai Cập giống như Việt Nam sau ngày Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, Tân Tổng Thống Mohamed Morsi với quá khứ Muslim Brotherhood cố đứng trung lập giữa giới quân nhân và giới Hồi Giáo Sulfist. Tổng Thống Obama giữ lập trường trung lập về Ai Cập.

Tổng Thống Obama tự hào đã giữ lới hứa rút quân khỏi A Phú Hãn đúng thời hạn ấn định năm 2014 nhưng chính quyền Obama kín tiếng về những bạo động tiếp tục xảy ra giữa quân đội Hoa Kỳ và quân A Phú Hãn, cách dễ dàng nhất để rút quân ra khỏi A Phú Hãn là đổ tội cho chính quyền Karzai tham nhũng giống như ngày Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Cả hai ứng cử viên tổng thống Dân Chủ và Cộng Hòa đều đồng ý sử dụng phi vụ Drone không người lái để tấn công quân khủng bố Al Qaeda ở A Phú Hãn và Pakistan thay vì dùng quân trên đất liền. Các phi vụ Drone đã gây ra phong trào chống Mỹ ở Ðông Á với những câu hỏi về đạo đức quân sự. Tổng Thống Obama có quyền bí mật giết tình nghi khủng bố kể cả công dân Mỹ mà không cần đưa ra tòa xử, theo dõi điện thoại dọ thám mạng và bỏ lời hứa tôn trọng nhân quyền bốn năm trước trong kỳ vận động tranh cử. Lần cố gắng đem lãnh tụ khủng bố Khalid Sheikh Mohammed ra xử ở tòa án dân sự ở Nữu Ước phải hủy bỏ vì sự chống đối của đảng Cộng Hòa. Trại tù Guantanamo vẫn còn đó, Tổng Thống Obama đứng vai trò tổng thống cũng không làm khác hơn Tổng Thống George W. Bush. Quân Mỹ rút khỏi Iraq và A Phú Hãn nhưng sa lầy ở Syria. Cuộc cách mạng đẫm máu lật đổ Tổng Thống Bashar al-Assar trở thành cuộc nội chiến với nhà độc tài Vladimier Putin và Trung Cộng đứng sau lưng ủng hộ chính quyền độc tài. 50 năm trước thế giới chứng kiến những cuộc chiến do du kích cộng sản nhắm vào các chế độ tự do nay thì quân du kích do Hoa Kỳ yểm trợ còn cộng sản và độc tài ngồi trong dinh tổng thống.

Lỗi lầm của Tổng Thống Barack Obama xảy ra vào tháng 3 năm 2011 khi ông ủng hộ khối NATO với lời khuyên của Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates và bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton ngược với quyền lợi của Hoa Kỳ. Cuộc chiến tranh mới ở Á Rập và các nước Hồi Giáo xảy ra vì Tổng Thống Obama đã nghe lời cố vấn của bà Susan Rice và Samantha Power ủng hộ Thủ Tướng Cameron (Anh) và Tổng Thống Sarkozy (Pháp). Lybia là nơi có nhiều quyền lợi của Âu Châu hơn là Hoa Kỳ, Quốc Hội đã đồng ý ngân quỹ chiến tranh ở Lybia mà không nghĩ đó là cuộc chiến mới. Nhà độc tài Qadaffi bị giết. Lybia rối loạn. Quân Mỹ không thiệt mạng nhưng đại sứ trẻ tuổi Christopher Stevens và bốn người khác thiệt mạng khi tòa lãnh sự Bengazhi bị tấn công. Tổng Thống Obama phải chịu trách nhiệm ở Lybia nhưng chính quyền của ông giữ kín tất cả các chi tiết bên trong bằng cách đưa dư luận Hoa Kỳ về A Phú Hãn và Iraq. Trận chiến chống khủng bố Al Qaeda chưa thật sự thành công như tác giả Richard Seymour viết “The uses of Al Qaeda,” Al Qaeda được chính quyền Hoa Kỳ dùng làm bức màn phong ở Trung Ðông và Ðông Á, Hoa Kỳ không biết rõ tổ chức Al Qaeda và đôi khi chính CIA đặt tên Al Qaeda cho các tổ chức không liên hệ đến Osama bin Laden.

Bốn năm sau khi cầm quyền, Tổng Thống Barack Obama lại sợ thay đổi. Thống đốc Mitt Romney làm một cuộc lật đổ bằng sức mạnh tài chính, trong khi cuộc vận động bầu cử của Tổng Thống Obama vẫn như năm 2008 dựa trên những vận động địa phương, thành phần dân ngoại ô, và tài chính đến từ cá nhân thì Super PAC'S đứng sau lưng Thống Ðốc Romney với những số tiền khổng lồ chưa từng thấy cho các quảng cáo vận động bầu cử trên truyền hình và mạng lưới truyền thông, 27 nhà tỷ phú Hoa Kỳ đóng hàng trăm triệu vào quỹ của ông Romney. Kết quả sẽ chỉ biết sau ngày bầu cử ngày 6 tháng 11 năm 2012, con số 45 triệu cử tri năm 2010 đã giúp đảng Cộng Hòa chiếm Hạ Viện năm nay phải tăng đến 67 triệu để đưa Thống Ðốc Romney vào Tòa Bạch Ốc.

Cuộc bầu cử năm nay gay cấn giữa hai ông Obama và Romney đã cho nước Mỹ thấy, dù ghét hay yêu ứng cử viên nào đi nữa, cả hai ông đều có hai đức tính mà các lãnh tụ cộng sản Việt Nam và cộng sản Trung Quốc đều không có: không tham nhũng và biết tự trọng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats