Bùi An Nguyễn
01/11/2012
Phiên tòa xét xử nhạc sĩ Việt Khang và bạn anh đã xong.
Những người chỉ đạo vụ xét xử, các thẩm phán, công tố viên, công an giữ trật
tự, phóng viên báo Nhà nước … hẳn đã xoa tay: xong nhiệm vụ! báo cáo tổng kết
rút kinh nghiệm, nhận bồi dưỡng và … giải lao. Hơn thế nữa, không ít người trực
tiếp hoặc gián tiếp thực hiện phiên tòa hẳn đã có thái độ hả hê: Các người thấy
chưa? Có ai quan tâm chứ, ngoài vài người cố tham dự đã bị lực lượng chúng tôi
dập tắt te tua…
Cái gì đã tạo nên thái độ kiêu ngạo, hả hê, cái tâm lý
bình thản khi cả một hệ thống cố khuất phục, nghiền nát thân phận một con
người. Đó là sức mạnh tổng lực của cả bộ máy mà việc trấn áp là một trong những
nguyên tắc hàng đầu. Đó là sức mạnh từ tâm lý tồn tại ràng buộc của bầy đàn. Đó
là sức mạnh được tạo nên từ sự thiếu vắng một cơ chế tự vấn và sự phán xét của
lương tri. Một triết gia phương Tây đã nói: Ta chỉ tìm được ta khi ta tìm được
tha nhân (Người khác), nếu chúng ta đồng ý với quan điểm đó và diễn rộng ra là
ta chỉ là Người khi ta nhìn ra người đang phản ảnh trong mắt ta với đầy đủ hình
ảnh một con Người. Thì lúc đó tự nội tại ta mới sinh ra sức mạnh mà không cần
phải vay mượn như ốc mượn hồn. Nhưng sức mạnh đó, sức mạnh đã nghiền nát Việt
Khang và bạn anh khốn thay nó không xây dựng từ sức mạnh nội tại của từng cá
thể của bộ máy mà nó có được từ sự tha hóa của cả một tập thể. Tách riêng ra
từng ông thẩm phán, công tố viên, công an viên điều tra, công an viên trật tự,
an ninh viên, phóng viên … thành những thực thể độc lập và sẵn sàng đứng trước
điều mà Blogger Osin đã nói: … “lịch sử sẽ buộc các anh phải chịu trách
nhiệm cá nhân về những phán quyết của ngày hôm nay”… Thì dù là họ đang
thi hành nhiệm vụ thì tôi vẫn tin kết quả phiên tòa sẽ khác đi hoặc không có
phiên tòa nào.
Nhìn bên ngoài, sức mạnh đó thật là ghê gớm, diễn tiến
cho thấy nó ngày càng cứng rắn hơn, thể hiện dồn dập hơn và có khả năng sẽ miễn
nhiễm tất cả các nhân tố khác, vì vậy đồng thời nó cũng đánh mất luôn cơ hội tự
chuyển hóa cho mình. Nó không còn chịu đựng nỗi dù là một lời hát nghẹn ngào,
một câu thơ quặn lòng của cô gái tuổi đôi mươi. Tự thân nó khi lao theo cơn say
“đập tan”, “nghiền nát” đã quên đi một điều: Sức mạnh chỉ kêu gọi một sức mạnh
khác mà thôi.
Bùi An Nguyễn
Tác giả gửi cho Nguyễn Tường Thụy's Blog
No comments:
Post a Comment