Được đăng ngày Thứ hai, 19 Tháng 11 2012 17:48
Thông thường, vinh quang chỉ đến với thắng
lợi, thành công; nhưng nhiều khi, vinh quang cũng được dành cho nhữnh hành vi
hối lỗi, sửa sai.
Ngày 7 tháng Mười Hai 1970, sau khi đặt
vòng hoa tưởng niệm những anh hùng Ba Lan đã ngã xuống trong cuộc nổi dậy chống
phái xít Đức tháng Tư 1943 tại Warzawa, Thủ tướng Cộng hoà liên bang Đức lúc
bấy giời là Willy Brandt đã không đứng cúi đầu như thường lệ. Ông đã lặng yên
quỳ gối trên nền đá lạnh khoảng gần một phút. Ông đã thay mặt nước Đức xin tạ
tội trước dân tộc Ba Lan. Hành động trên của Willy Brandt được coi là một trong
những biểu tượng vĩ đại và có tác động nhất trong những bước tiến thực hiện
"Chính sách Phương Đông" của Tây Phương.
Với chính trường thế giới, hình ảnh quỳ gối
của Willy Brandt góp phần to lớn cho sự gìn giữ hoà bình, xích lại gần nhau của
hai phe Tư bản và Xã hội chủ nghĩa; và kết quả cuối cùng là sự sụp đổ của các
nước XHCN toàn trị tại Châu Âu và sự hình thành của Liên hiệp Châu Âu.
Ông Willy Brandt quỳ
gối trước đài tưởng niệm anh hùng chống phát xít tại Warzawa
Nhưng biểu hiện nhãn tiền của hành động
trên là sự nhận lỗi, là lời xin tạ tội của một nguyên thủ quốc gia cho tội ác
trong quá khứ của dân tộc mình. Nó đồng thời là một lời hứa cho những nỗ lực
của quốc gia Đức tránh khỏi những vết xe ghê rợn mà chính nó đã tạo ra. Sự quỳ
gối của Willy Brandt không nằm trong dự tính của chính ông.
Trong cuốn sách "Tưởng Niệm" sau
này, ông viết: "Tôi luôn luôn được
hỏi rằng cử chỉ (quỳ gối) của tôi có mục đích gì, rằng có phải có phải nó được
tính trước hay không? Hoàn toàn không!... Tôi không hề có dự định làm như
vậy... Nhưng bên bờ vực sâu của lịch sử Đức, và dưới sức nặng của hàng triệu
sinh mạng bị sát hại, tôi đã có hành động của một con người phải làm khi mà lời
nói trở thành vô hiệu". Cử chỉ hối lỗi vĩ đại và đầy tính người của
Willy Brandt là một trong những nguyên do đã mang lại cho ông giải Nobel Hoà
bình năm 1971. Và từ năm 2000, khu đất bao quanh đài tưởng niệm trên tại
Warzawa chính thức đuợc mang tên "Quảng
trường Willy Brandt".
Hơn 20 năm sau, một nguyên thủ quốc gia
khác đuợc nhận giải Nobel Hoà bình là cựu tổng thổng Nam Phi Frederik Willem de
Klerk. Mặc cho những tiến triển kinh tế và văn hoá của con người, cho đến những
năm cuối của thế kỷ 20, Nam Phi vẫn là thành luỹ của một chế độ phân biệt chủng
tộc cực kỳ ác độc và phi lý. Chế độ này đã bị gạt vào hố rác của lịch sử loài
người bởi những đóng góp của de Klerk.
Năm 1989, de Klerk thay nhà độc tài Botha
làm tổng thống Cộng hòa Nam Phi. Một năm sau đó, de Klerk trả tự do cho lãnh tụ
da đen Nelson Mandela sau 25 năm tù đày, ra đạo luật cho phép hai đảng kháng
chiến là ANC và PAC đuợc hoạt động công khai, và thuơng thuyết với Mandela về
tương lai chính trị của quốc gia. Tháng Ba 1992, chính quyền của de Klerk tổ
chức trưng cầu dân ý, kết quả là 68,7 % người da trắng Nam Phi quyết định từ bỏ
chế độ phân biệt chủng tộc. Từ đó cho đến năm 1994, tất cả các đạo luật phân
biệt chủng tộc dần dần bị huỷ bỏ. Ngày 19 tháng Hai 1994, tổng
thống de Klerk chính thức đứng ra nhận lỗi cho chính sách phân biệt chủng tộc
tại Nam Phi. Cùng năm đó, hiến pháp mới của Nam Phi ra đời, Nelson
Mandela, người tù năm xưa, được bầu làm tổng thống thay cho de Klerk. Trước đó
một năm, giải Nobel Hoà bình đã đến với cả Mandela và de Klerk. Các bước đi sửa
lỗi, trong đó có cả sự hy sinh chiếc ghế tổng thổng của de Klerk rốt cuộc đã
tháo bỏ xiềng xích cho hàng chục triệu người da đen Nam Phi, đã mở ra một chân
trời mới cho quốc gia Nam Phi, và thế giới đã ghi nhận sâu sắc công lao đó.
Tại
Châu Á, gần 20 năm sự kiện ở Nam Phi, một hiện tượng tương tự vừa được diễn ra
tại Miến Điện trong khuôn khổ một cuộc cải tổ bất ngờ và đầy ngoạn mục được
tiến hành bởi tân tổng thống Thein Sein. Sau gần 50 năm duy trì chế độ quân phiệt hà khắc với nội
chiến và đàn áp đối lập, chính phủ của Thein Sein đã làm cho cộng đồng thế giới
sửng sốt bởi những bước cải cách dũng cảm.
Tháng Ba 2011,
Thein Sein nhậm chức tổng thống. Tháng Tám 2011, ông đón tiếp và đàm thoại với
nữ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, một người đã bị tù đầy 15 năm trời và mới được
trả tự do vào cuối tháng Muời Một 2010. Tháng Chín 2011, quốc hội mới thông qua
Luật Công đoàn cho phép tự do thành lập hội đoàn và cho phép bãi công. Tháng
Mười 2011, chính phủ của Thein Sein thả hơn 200 tù nhân chính trị. Sau sửa đổi
Luật Đảng phái vào tháng Mười Hai 2011, Đảng đối lập Liên minh dân tộc cho tự
do của Aung San Suu Kyi được công khai hoạt động. Ngày 13 tháng Một 2012, chính
phủ tiếp tục trả tự do cho hơn 300 tù nhân chính trị, trong đó có Min Do Naing,
lãnh tụ của cuộc nổi dậy dân chủ năm 1988 cùng nhiều đồng chí của ông trong
phong trào sinh viên 1988.
Biểu
hiện nổi bật về sự dũng cảm trong tiến trinh cải tổ của chính quyền Miến Điện
là quyết tâm tách khỏi sự kiềm tỏa của
Trung Quốc. Với vị trị địa lý chiến lược nằm giữa hai
cường quốc Ấn Độ và Trung Quốc, Miến Điện là một điểm hút lớn cho sự quan tâm
của Trung Quốc. Mặc cho tư tưởng độc lập dân tộc khá mạnh trong giới cầm quyền
quân sự của Miến Điện, cho tới năm 2011, bàn tay Trung Quốc đã thò rất sâu vào
Miến Điện. Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỷ Đô La vào các công trình năng lượng và
hạ tầng cơ sở tại Miến Điện. Một bộ phận không nhỏ quan chức chính quyền và
quân sự của Miến Điện đã gắn chặt quyền lợi cá nhân của họ với lợi ích của
Trung Quốc. Nhiều nhóm kháng chiến quân gây mất ổn định ở Miến Điện nằm trong
chương trình hỗ trợ của Bắc Kinh. Mặc dù như vậy, chính phủ của Thein Sein vẫn
tiến những bước đi dứt khoát. Chỉ một thời gian ngắn sau khi nhậm chức, tổng
thống Thein Sein quyết định ngừng công trình xây dựng đập chắn nước Myitsone giá
trị hàng tỷ Đô La do Trung Quốc tài trợ và tiến hành xây dựng. Các nhà phân
tích thời cuộc đều xác nhận đây là chỉ dấu rõ rệt cho buớc khởi đầu tách khỏi
sự kiềm tỏa của Trung Quốc. Một chỉ dấu khác không kém phần lý thú là vào tháng
Mười Một 2011, ngay sau khi nhậm chức, Tổng tư lệnh quân đội Miến Điện đã thực
hiện chuyến công du đầu tiên không phải là sang Trung Quốc như thường lệ, mà là
sang Việt Nam, một quốc gia có vị thế tương tự như Miến Điện trong thế đứng với
Trung Quốc. Song song với các bước trên là quyết tâm rõ rệt trong sự mở cửa đối
với Phương Tây. Hàng loạt những chuyến viếng thăm qua lại giữa Miến Điện, Hoa
Kỳ và Tây Âu đang dần mang Miến Điện trở lại với cộng đồng thế giới. Hoa Kỳ và
Liên hiệp Châu Âu đã huỷ bỏ các chính sách trừng phạt và phong tỏa đối với Miến
Điện. Liên hiệp Châu Âu đã hứa và đang xem xét hàng chục các chính sách trợ
giúp Miến Điện hiện đại hoá hệ thống giáo dục, xóa bỏ nghèo đói, xây dựng hệ
thống y tế và phát triển nông thôn. Các bước tiến mới đây của Miến Điện đương
nhiên đã và đang là những chiếc gai nhọn trong mắt chính quyền Trung Quốc.
Nhưng trước sự cương quyết của Miến Điện, và trong hoàn cảnh thế giới đương
đại, Trung Quốc hiện nay như có vẻ phải ngồi yên. Đây là một bất ngờ lớn cho những người vẫn lo sợ trước cái gọi là
"Sức mạnh Trung Hoa".
Sự tỉnh ngộ và
dũng cảm của nhiều nhà lãnh đạo Miến Điện, đứng đầu là tổng thống Thein Sein có
khả năng đang đưa quốc gia này từ một chế độ quân phiệt bị thế giới cô lập sang
một tương lai sáng sủa với một chính quyền dân sự theo đúng nghĩa. Tháng Chín vừa qua, Thein Sen đã đưa ra khả năng nữ thủ
lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi sẽ thay ông làm tổng thống Miến Điện. Cũng như
cựu tổng thống Nam Phi, ông sẵn sàng từ bỏ vị thế quyền lực cao nhất của mình
vì lợi ích quốc gia. Có thể Thein Sein sẽ không được nhận giải Nobel Hòa bình
như Willy Brandt hay de Klerk, nhưng chắc chắn là cộng đồng thế giới và nhất là
nhân dân Miến Điện sẽ nhớ đến công tích của ông; và nhiều khi, điều này còn
vinh quang hơn cả giải thưởng hay huân chương.
Trước mắt, những vinh quang tương tự như vậy chưa ló dạng
tại Việt Nam, một đất nước gần như là láng giềng của Miến Điện. Mặc cho những năm
tháng phát triển về kinh tế để có lúc tự tưởng mình như sắp "thành rồng,
thành hổ", Việt Nam vẫn đứng ỳ trong vị thế một quốc gia lạc hậu và càng
ngày càng bị thế giới bỏ xa. Hiện nay, đất nước "đang ngập chìm trong biển
nợ": nợ vốn, nợ oán hận, và nợ những hành động hối lỗi, sửa sai một cách
lương thiện! Trước những vấn nạn ngày càng chồng chất bởi thể chế "Đảng là
người lãnh đạo duy nhất và toàn diện", biện pháp tối cao mà những người
lãnh đạo cộng sản đưa ra là "phê bình và tự phê bình". Trên thực tế,
Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ sáu vừa qua được diễn ra với tiêu đề
"phê và tự phê" đã trở thành một vở bi hài kịch.
Bản tin ngắn của đài BBC cho biết:
Diễn văn bế mạc Hội nghị Ban chấp hành
Trung ương lần thứ 6 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phát đi trên
truyền hình nhà nước vào buổi tối 15/10.
Giọng người đứng đầu Đảng trở nên nghẹn
ngào khi nói: "Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành
thật nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong
công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng
viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu."
"Mặc dù nhiều khuyết điểm, hạn chế có
từ các khoá trước, nhưng với trách nhiệm chính trị của cơ quan lãnh đạo hiện
nay, Bộ Chính trị và từng Uỷ viên Bộ Chính trị tự nhận thấy sâu sắc trách nhiệm
chính trị của mình trước những khuyết điểm, hạn chế đó."
Ông Trọng cho biết: "Bộ Chính trị đã
thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ
luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị."
Tuy vậy, theo ông, "Ban Chấp hành
Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay
và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một
đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc
phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống
phá."
Điều đặc biệt ở đây là, trước ống kính
truyền hình, người lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ ngỏ lời
xin lỗi đối với Ban chấp hành trung ương đảng của ông ta, chứ không hề xin lỗi
trước nhân dân, trước quốc gia.
Dư luận cũng thừa biết rằng, giọng
"nghẹn ngào" của ông Tổng bí thư là xuất phát từ sự chua cay thất bại
trong cuộc đấu quyền lực với phe của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứ hoàn
toàn không phải là một sự nhận lỗi thực lòng.
Những yếu kém, thối nát của ban lãnh đạo
Đảng cộng sản Việt Nam đã tồn tại và hoành hành từ vài chục năm nay, nên nếu có
thực tâm thì những giọt nước mắt của ông Trọng không chỉ chờ đến ngày 15 tháng
Mười 2012. Thêm vào đó, việc úp mở đưa ra hình bóng "một đồng chí Uỷ viên
Bộ chính trị" là một sự thách đố trí tuệ hết sức khôi hài. Và đỉnh cao của
tấn bi hài kịch là tuyên bố "tất cả vẫn như nguyên", tất cả những cá
nhân và tập thể "yếu kém, suy thoái" vẫn ở lại lèo lái quốc gia lê
lết theo con đường cũ. Rốt cuộc thì ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vẫn
không có những người biết nhận lỗi thật lòng như Willy Brandt biết quỳ gối
trước các nạn nhân, biết sẵn sàng từ bỏ chiếc ghế quyền lực của mình, biết
quyết tâm và dũng cảm sửa sai để mở cửa cho đất nuớc đi tới một tương lai tốt
đẹp hơn như de Klerk hay Thein Sein. Trong phiên họp quốc hội ngày 14 tháng
Mười Một mới đây, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, "đồng chí Uỷ viên Bộ
chính trị" đuợc ông Trọng giấu
tên, đã thẳng thừng từ chối đòi hỏi từ chức của ông đại biểu quốc hội Dương
Trung Quốc. Không nhận lỗi
thật lòng, không sửa sai để giúp đất nước chuyển hướng kịp thời, nhưng sẵn sàng
đặt quyền lợi cá nhân và phe nhóm lên trên lợi ích quốc gia, những người cầm đầu Đảng cộng sản Việt Nam
hôm nay có vẻ như sẵn lòng để tên tuổi của họ bị chê cười, khinh bỉ.
Ngược lại, nếu như sau Hội nghị trung ương
tháng Mười vừa qua, Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt
Nam đồng loạt nhận lỗi trước toàn dân, tuyên bố từ bỏ vai trò lãnh đạo độc tôn,
thay đổi hiến pháp, thậm chí xin từ chức tập thể, tức là đi những bước đi cơ
bản nhất để đưa đất nước đến dân chủ và phát triển bền vững, thì chắc chắn, tên
tuổi của họ sẽ không còn là những vết hoen trong lịch sử dân tộc. Khi tỉnh ngộ
kịp thời, thì ngay cả với những sai phạm trong quá khứ, họ vẫn có thể được ghi
nhớ như những người có công.
Không phải vô cớ mà trong những năm gần đây, tên tuổi của
ông Trần Xuân Bách, một người đã cổ võ
cho thể chế "đa nguyên" ngay khi ông còn đương vị Uỷ viên Bộ chính
trị Đảng cộng sản Việt Nam, đã càng ngày xuất hiện càng nhiều trên những bài
viết của một số trí thức có khát vọng tự do. Trần Xuân Bách có thể là một tấm
gương cho các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Người Việt Nam biết trân trọng
những hối lỗi, sửa chữa sai lầm của những ai khi còn ở đỉnh cao quyền lực.
Người Việt Nam cũng đang dần chân nhận ra sự đãi bôi trong sự ăn năn của ai đó
khi đã về hưu, đã mất chức, mất quyền. Trước sau thì đất nước sẽ chuyển mình,
quốc gia Việt Nam sẽ có dân chủ, tự do. Nhưng thời hạn cho sự vinh quang bởi
hối lỗi, sửa sai của những nguời cầm quyền Việt Nam hiện nay không thể kéo quá
dài!
11/2012
Phạm Việt Vinh
Phạm Việt Vinh
No comments:
Post a Comment