Wednesday 14 November 2012

CHUYỆN MỘT VƯỜN HOA (Người Buôn Gió)




Nov 13, '12 9:04 PM

Ngày nào cũng phải đi qua vườn hoa đó hai lần, sáng một chiều một.

Người ta gọi đó là vườn hoa Mai Xuân Thưởng, trước cổng văn phòng thủ tướng chính phủ. Mới đây sau có kết quả của cuộc chỉnh đốn Đảng CSVN. Ngay lập tức vườn hoa có biển cấm

Theo cái biển cấm thì vườn hoa này là khu vực cần bảo vệ, nên cấm mọi người đến đây đông.

Người ta giăng dây quanh vườn hoa như trói vườn hoa lại, bên trong chỉ có cảnh sát được tụ tập


Tuy có căng dây, có biển cấm, nhưng vẫn có nhiều người đàn ông như thế này tụ tập ngang nhiên. Khua chân múa tay nói năng ầm ĩ mà không ai xử lý họ cả.


Người đi đường sẽ nghĩ thế nào về cảnh một vườn hoa bị giăng dây cấm.?

Chỗ nào có tụ tập đông người gây mất trật tự là bị cấm chăng.?

Chẳng phải thế, vườn hoa người ta tụ tập khiêu vũ, bật loa đài ầm ĩ, trượt patanh, tập thể dụng nhịp điệu. Nhưng vườn hoa sẽ bị cấp nếu người dân đến đó để phản đối những điều mà chính phủ, nhà nước, đảng không bằng lòng. Vườn hoa Mai Xuân Thưởng bỗng nhiên bị cầm tù bởi lẽ, dân oan mất đất hay đến đó để chờ đợi chính phủ giải quyết đơn khiếu nại của họ.

Người dân kéo nhau sang vườn hoa phía bên kia đường, chỗ tượng đài Lý Tự Trọng. Tiếng kêu oan của họ bị đẩy xa dần cánh cổng của phủ thủ tướng.

Họ cầm những tấm bạt ghi nội dung mà họ mong muốn chính phủ giải quyết, họ đến từ rất xa, mọi miền của đất nước ổn định, công bằng, hạnh phúc thứ nhì thế giới này. Họ là bà, là mẹ, là cả đưa bé con không đến trường mà theo bà, mẹ ra thủ đô cầm khẩu ngữ kêu oan.

Có người gọi họ là thế lực xấu, hãy nhìn họ xem, người cựu chiến binh mái tóc bạc phơ trải qua bao nhiêu cuộc chiến bảo vệ đất nước, huân huy chương đeo đầy ngực. Sao bỗng trở thành thế lực thù địch, thế lực xấu, thành phần gây rồi....

Quanh họ là nhiều cảnh sát, và cả những thanh niên không biết ở đâu đến tay cầm máy bộ đàm, đi xe ô tô.

Có lúc cảnh sát phong toả khu vực để những thanh niên này đến gây hấn, xô đẩy và bắt bà con lên xe buýt đem về trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà bên Đông Anh nhốt lại. Trong lúc xô đẩy thô bạo bắt người dân, nếu có chụp được hình ( hoặc thậm chí chính quyền là người chụp hình ) sẽ được báo chí đưa tin là dân xô xát với dân vì mẫu thuẫn do những người dân oan tụ tập gây mất trật tự, khiến một số người dân bức xúc dẫn đến xô xát

Những thanh niên đi xe biển xanh, lúc cần bắt người họ lôi trong túi quần ra chiếc băng đỏ đeo vào để cảnh sát phân biệt được giữa họ và dân, rồi lại nhanh chóng tháo ra cất đi để biến thành những người dân thường.

Khi những người dân oan đứng trước tượng đài Lý Tự Trọng bị bao quanh là cảnh sát và những thanh niên không rõ nguồn gốc ? này. Khi mà vườn hoa Mai Xuân Thưởng phía trước bị giăng dây cấm dân vào. Thì đôi khi một khoảng vườn hoa Lý Tự Trọng bên này cũng bị căng dây cấm vì lý do để cho chó được tự do tụ tập.


Vâng đó là sự thực, ở bên này người ta chăng dây cấm con người tụ tập, bên kia vài chục mét họ căng dây để cho lũ chó tụ tập. Cùng một lúc, cùng một thời điểm.

Đến tối thì tại vườn hoa, có vài chục người tụ tập bật loa đài to để nhảy múa, xung quanh họ là hàng quán. Họ bật nhạc Tây chán, rồi quay sang bật cả nhạc Tàu.

Hôm kia có một phụ nữ người Thanh Hoá ra Hà Nội kêu oan, đồng hương của bà có hai người ở trong Bộ Chính Trị, một người đứng đầu thủ đô. Bà cụ người Thanh Hoá không biết kêu oan từ bao giờ. Nhưng vào lúc thanh thiên bạch nhật, bà đã nằm lại ở vườn hoa trút hơi thở cuối cùng đầy bất ngờ.

Một bà cụ đi hàng trăm cây số, đất khách quê người, chết giữa đường giữa chợ, chết trên đường đi tìm nơi để giải quyết nỗi oan khuất. Báo chí nói rằng cụ bà người Thanh Hoá ra vườn hoa bị cảm chết đột tử. Nhưng sẽ còn nhiều nhân chứng thấy sự thật hôm đó, một ngày nào đó sự thật nàysẽ được phơi bày và phán xét cùng với bao nhiêu sự thật khác như súng lỡ cướp cò ở Nghi Sơn, tự thắt cổ bằng dây điện thoại, suy tim mạch trong đồn công an.

Từ chăng dây cấm vườn hoa đến thanh niên đeo băng đỏ, cầm bộ đàm hung hăng lôi kéo bắt người đến tình trạng bị '' cảm đột tử '' không phải là không dễ lý giải.

Oan hồn của những người chết đường, chết chợ, chết khi kêu oan...không dễ gì mà siêu thoát được. Dù các nhà sư phái Mật Tông trong động Hương Sơn cao tay ấn hoặc những đại đức, hoà thượng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có quyền thế đến đâu cũng không thể giải được những oan hồn như thế. Dù đàn tế có hàng trăm triệu đi chăng nữa, dù chùa chiền có xây thêm tốn phỉ hàng nghìn tỷ như Bái Đính chăng nữa. Chẳng thế nào giải oan được một linh hồn chết như thế bằng tiền, bằng thế lực được.

Nếu Đức Phật vì một đàn lễ cao, một ngôi chùa lớn mà xá tội cho những kẻ ác. Lẽ nào Ngài đang mua bán với kẻ ác bằng những oan hồn.?

Không, chỉ những kẻ ác nghĩ vậy thôi. Đức Phật không bao giờ nghĩ vậy, Ngài dạy chúng sinh về luật nhân quả, về rũ bỏ ham muốn, dục vọng. Ngài không bao giờ đổi mạng người cô thế để lấy đàn lễ, chùa chiền. Kẻ ác muốn làm thế để vấy bẩn cả Ngài mà thôi.

Nếu bạn đi qua nơi người phụ nữ đã bỏ mình hôm ấy ở vườn hoa Dân Oan ( tên mới được nhân dân đặt), bạn không có điều kiện thắp một nén hương, xin hãy cúi đầu khấn cho oan hồn của bà cụ Hà Thị Nhung được siêu thoát về cõi Niết Bàn.






No comments:

Post a Comment

View My Stats