Nguyễn Quang A
Posted by basamvietnam
on 09/11/2012
Gs. TsKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ
Tài nguyên Môi trường (TNMT), đã mạnh bạo lên tiếng về sự thu hồi đất trái pháp
luật của chính quyền Hải Phòng đối với gia đình anh Đoàn Văn Vươn. Ông được
đánh giá là chuyên gia đất đai số một của Việt Nam và sự lên tiếng này của ông
được báo giới đánh giá rất cao.
Bà con nông dân Văn Giang liên quan đến dự
án Ecopark đã liên tục khiếu kiện suốt 8 năm nay. Và vụ cưỡng chế thu hồi đất ở
Văn Giang ngày 25-4-2012 với lực lượng vũ trang hùng hậu đã gây xôn xao dư luận
trong nước và quốc tế.
Ba ngày sau, 28-4-2012 BBC phỏng vấn chuyên
gia đầu ngành về đất đai, Gs. TsKH Đặng Hùng Võ. Với câu hỏi của BBC “quyết định thu hồi đất của chính
quyền Văn Giang có đúng với pháp luật hay không?” ông trả lời “Tôi
cho rằng đây là một quyết định đúng”. Ông cho rằng những bất cập của dự án
Ecopark “chủ yếu thuộc về khung pháp luật mà không thuộc về phần thực thi
pháp luật”. Nói cách khác việc thực thi pháp luật là đúng (thẩm quyền, thủ
tục) nhưng do pháp luật chưa hoàn chỉnh nên đã nảy sinh những rắc rối.
Rồi những người nông dân Văn Giang cho
biết: Ngày 28/6/2004 UBND tỉnh Hưng Yên ký tờ trình lên Bộ TNMT; ngày 29-6-2004
thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ đã ký tờ trình số 99/TTr-BTNMT gửi Thủ tướng
Chính phủ về việc giao đất để xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên-Hà Nội và
xây dựng Khu đô thị thương mại-Du lịch Văn Giang; trên cơ sở đó phó Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 30-6-2004 về việc thu hồi
đất và giao đất cho dự án (đổi đất lấy hạ tầng) này đúng (chưa đầy) một ngày
trước khi Luật Đất đai 1993 (đã được sửa và bổ sung năm 1998 và 2001) hết hiệu
lực và Luật Đất đai 2003 (được thông qua ngày 26-11-2003) bắt đầu có hiệu lực
vào ngày 1-7-2004. Luật 1993 còn cho phép “đổi đất lấy hạ tầng”, luật 2003 thì
không. Bà con nông dân Văn Giang rất bức xúc với phát ngôn của Gs. Võ.
Bà con nông dân Văn Giang đã nhờ các luật
sư tư vấn cho mình và đã có một cuộc đối thoại rất văn minh và mang tính xây
dựng với Bộ TNMT tại trụ sở của Bộ vào ngày 21-8-2012. Bà con nông dân nói các
quyết định thu hồi và giao đất là trái pháp luật, Bộ nói không sai và đã cung
cấp cho bà con các bản sao của các tờ trình của Bộ khi đó do thứ trưởng Đặng
Hùng Võ ký.
Bà con, thông qua các luật sư của mình, đã
gửi ý kiến của họ đến Gs. Võ và yêu cầu có đối thoại với ông.
Ngày 7-11-2012 Gs. Võ trả lời phỏng vấn
nhiều báo rằng ông sẽ mượn hội trường của Bộ TNMT để đối thoại với bà con nông
dân Văn Giang từ 2 giờ chiều ngày 8-11-2012.
Trong các phỏng vấn này ông vẫn nhấn mạnh:
“Thanh thiên bạch nhật mà nói thì thủ tục thu hồi đất của dự án này, tôi
nhắc lại, không có gì sai pháp luật”; “Việc ký 2 tờ trình vào thời điểm
đó là đúng đắn và tốt cho đại cục, tốt cho sự phát triển kinh tế của Hà Nội và
Hưng Yên, như vậy có nghĩa là người dân cũng sẽ được hưởng lợi”; ông muốn “giúp
bà con hiểu về pháp luật đất đai”; làm cho “bà con hiểu rõ tính chính đáng
của dự án và tôi tin rằng không ai có thể cãi về điều này”. Ông cũng mời
các nhà báo đến dự và đưa tin.
Có thẻ nhà báo từ cả chục năm rồi nhưng năm
nay không được cấp lại, nên tôi chỉ ké các nhà báo thật để vào quan sát để học
hỏi.
Hàng trăm nông dân Văn Giang tụ tập bên
ngoài Bộ TNMT. Chỉ có một số đại diện của họ, các luật sư, các nhà báo (có cả
3-4 đài TV ghi hình liên tục), khoảng 50-60 người dự đối thoại. Cuộc đối thoại
đã kéo dài gần 3 giờ liên tục, không có giải lao. Nội dung chỉ xoay quanh 3 câu hỏi mà bà con nông dân Văn Giang đã gửi
cho Gs Võ:
1) Quyết định thu hồi đất và giao đất số
742/QĐ-Ttg do Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 30-6-2004 dựa trên tờ trình
số 99/Ttr -BTNMT do chính Gs. Võ ký có đúng thẩm quyền hay không?
2) Quyết định giao đất cho chủ đầu tư (mà
bà con cho là không đúng quy hoạch và chủ đầu tư chưa đủ điều kiện được giao
đất theo luật lúc đó) có đúng luật hay không?
3) Quyết định giao đất có đúng không khi
không nghi rõ tên người sử dụng đất (mà bà con cho rằng thực chất là ủy quyền
cho cấp dưới [UBDN tỉnh Hưng Yên] là không phù hợp với Điều 25 của Luật Đất đai
1993]?
Chỉ cần ít nhất một 3 câu trả lời cho 3 câu
hỏi trên là không [đúng] thì có nghĩa là Quyết định 742/QĐ-Ttg do Phó Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng ký là trái luật và trong trường hợp đó tất cả các quyết định
của các cơ quan cấp dưới dựa vào Quyết định đó cũng trái luật và bà con yêu cầu
Gs Võ chính thức cải chính lời tuyên bố của ông với BBC (ngày 28-4-2012) và với
các phóng viên báo chí (ngày 7-11-2012).
Cuộc trao đổi đã hết sức sôi nổi, đôi khi
khá gây cấn.
Gs. Võ lúc đầu vẫn giữ quan điểm của mình
như đã nói với BBC và phóng viên các báo ngày 7-11-2012.
Đại diện của bà con nông dân Văn Giang (và
các luật sư của họ) đã trưng ra hết bằng chứng này đến bằng chứng khác của Luật
đất đai khi đó (1993 và được sửa đổi bổ sung 1998 và 2001), tranh cãi khá gay
gắt về sự hiểu luật kém cỏi của những người ký các tờ trình. Gs Võ đã thực sự
bị các đại diện của bà con Văn Giang áp đảo về lý lẽ. Nhưng sau hơn 2 giờ trao đổi
ông vẫn không nhận mình sai khi ký các tờ trình.
Tôi có cảm giác rằng những người nông dân
Văn Giang hiểu luật đất đai sành hơn ông Giáo sư và chính họ đã giúp ông “hiểu
về pháp luật đất đai” chứ không phải ngược lại. Mỗi lần ông thanh minh hay giải
thích khá lòng vòng, thì luật sư hay bà con nông dân đưa ra những lý lẽ, bằng
chứng bằng các điều khoản của luật, nghị định, thậm chí thông tư của chính Bộ
của ông để bác lại.
Về thẩm quyền ký quyết định thu hồi đất và
giao đất bà con lập luận: luật đất đai 1993 đã giao cho thủ tướng chính phủ
quyết định; nhưng sau đó do thấy tập trung quyền lực vào ta một người dễ gây ra
sự lạm dụng hay quyết định thiếu cơ sở nên Quốc hội (trong đợt sửa 1998 và
2001) đã chuyển quyền đó sang cho Chính phủ chứ không phải Thủ tướng. Thế nhưng
trong tờ trình số 99/Ttr –BTNMT Gs. Võ đã ghi “kính gửi Thủ tướng Chính phủ”
chứ không phải Chính phủ và khiến cho phó Thủ tướng đã ký Quyết định 742/QĐ-Ttg
(chứ không phải Chính phủ có một nghị quyết rồi trên cơ sở đó Thủ tướng thay
mặt Chính phủ ra Quyết định). Gs. Đặng Hùng Võ nói, Chính phủ đã ủy quyền cho Thủ tướng. Bị truy,
quyết định ủy quyền đâu? Ông trả lời có nghe nói thế và ông nói thêm tất cả các
dự án tương tự từ trước đến nay đều làm thế chứ không chỉ dự án này.
Tôi phát hoảng nên nói xem vào: Xin Gs. Võ thận
trọng bởi vì nếu đúng như Giáo sư nói là Chính phủ đã ủy quyền cho Thủ tướng
quyết định về thu hồi đất và giao đất đối với các dự án như vậy, thì không khác
gì bảo “Chính phủ đã cố ý làm trái luật vì trước kia do ngại một mình Thủ tướng
quyết định là không tốt nên Quốc hội mới bỏ việc đó và bắt Chính phủ phải quyết
định. Nay nếu Chính phủ lại ủy quyền cho Thủ tướng thì chẳng phải Chính phủ
(tất cả các thành viên Chính phủ) đã cố tình vi phạm luật hay sao?”
Kết quả có hậu là, cuối cùng Gs Võ đã được bà con nông
dân và các luật sư của họ thuyết phục và đã thừa nhận và trả lời rành rọt cho
các câu hỏi: 1) không đúng thẩm quyền và thậm chí
ông còn nói là trái luật; với câu hỏi 2)
ông thừa nhận mình đã sai vì đã dùng từ “giao đất” [mà lẽ ra phải là từ “thu
hồi đất”] trong Tờ trình số 99 [trong đó có 7 lần nhắc đến “giao đất” (4 lần
của Bộ TNMT), 2 lần của Hưng Yên, 1 lần của Bộ Tài chính], nói cách khác câu
trả lời cho câu hỏi 2 cũng là không; về câu
hỏi thứ 3) quyết định thu hồi đất không ghi tên từng người bị thu hồi đất
(được quy định bởi luật lúc đó và hiện hành) cũng như không ghi tên người được
giao đất cũng là sai luật.
Mỗi lần Gs Võ trả lời “không” cho các câu
hỏi trên thì bà con tham dự đã vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh. Bà con đã đại xá
cho Gs Võ.
Thật đáng trân trọng sự dũng cảm của Gs Võ
khi ông thực sự hiểu mình đã sai và thừa nhận sự sai đó. Sai là chuyện con
người, ai cũng mắc phải. Vấn đề là có dám nhận sai không để tìm ra cách khắc
phục những sai lầm đó, thay cho việc coi bà con đi khiếu kiện là bị “các thế
lực thù địch” xúi giục.
Đối thoại trên tinh thần xây dựng để tìm ra
sự thật như đã xảy ra tại Bộ Tài Nguyên Môi trường lần trước và lần này rất
đáng được hoan ngênh. Và đấy là cách duy nhất để giải quyết thấu đáo các rắc
rối hiện tại sao cho có lợi cho bà con nông dân, cho chủ đầu tư và cho chính
nhà nước, rút kinh nghiệm để cho việc sửa đổi Luật đất đai hiện thời tốt hơn.
Các quan chức nhà nước khác và cơ quan nhà
nước khác có thể lấy đấy làm tấm gương.
Giá mà có cuộc đối thoại tương tự giữa bà
con nông dân Văn Giang với nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và giá như ông
cũng can đảm nhận sai lầm, nếu ông đã sai, và trong trường hợp ấy Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định của nguyên phó Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, thì uy tín của Thủ tướng chắc sẽ lên cao.
Giá mà các quan chức nhà nước và các cơ
quan nhà nước bớt được 50% (hay hơn) số vụ họ vi phạm luật do chính họ (nhà
nước) làm ra, thì sự phát triển của đất nước đã tốt đẹp hơn rất nhiều.
N.Q.A.
------------------------------------------
TIN LIÊN QUAN :
Mời xem lại các
bài liên quan:
No comments:
Post a Comment