VRNs
Đăng bởi pleikly lúc 12:42
Sáng 14/11/12
VRNs (14.11.2012) – New York, USA – Tổng thống Obama
cần chấm dứt tình trạng bao che tồn tại trong suốt 20 năm qua làm mục tiêu
chính trong chuyến thăm sắp tới đến Campuchia. Đây là khuyến cáo của Tổ chức
theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) vừa đưa ra lúc chiều 13.11.2012,
giờ Việt Nam.
HRW viết: “Hôm nay, Tổ chức
Theo dõi Nhân quyền phát biểu trong một phúc trình mới ra, rằng trong hơn hai
thập niên qua, chính quyền độc tài, tàn bạo của Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã
gây ra vô số cái chết và các thảm cảnh khác mà không ai phải chịu trách nhiệm.
Tổng thống Obama cần tranh thủ chuyến thăm Campuchia trong tháng Mười Một, với
tư cách Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm chính thức Vương quốc này, để công
khai yêu cầu cải tổ một cách có hệ thống và chấm dứt tình trạng bao che đối với
các quan chức lạm quyền”.
Hun Sen (tiếng Khmer: ហ៊ុន សែន; tên kèm danh hiệu đầy đủ là Samdech Akeakmohasenapadey Decho Hun Sen, sinh ngày 4 tháng 4 năm 1951) là Thủ tướng đương nhiệm của Vương quốc Campuchia. Ông cũng là người lãnh đạo cấp cao của Đảng Nhân
dân Campuchia (CPP) – một đảng lãnh đạo Campuchia trong một chính phủ liên hiệp
với đảng bảo hoàng Funcinpec kể từ khi Campuchia khôi phục chế độ đa đảng năm
1993. Ông được Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăng hàm Thống tướng cùng
đợt với các ông Heng Samrin và Chea Sim ngày 23 tháng 12 năm 2009.
Bản tin hàng ngày của HRW cho biết tiếp: “Phúc trình 68 trang, ‘Bảo Cho Chúng
Biết Là Tao Muốn Giết Hết Bọn Chúng: Hai Thập Kỷ Dưới Chế Độ Bao Che Ở
Campuchia Của Hun Sen,’ ghi nhận những sự vụ chính liên quan đến những cái chết
còn uẩn khúc của các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, đối thủ chính trị, và
nhiều người khác do lực lượng an ninh Campuchia gây ra tính từ sau Hiệp định
Paris 1991, được 18 quốc gia tham gia ký kết, trong đó có năm thành viên thường
trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Hiệp định Paris, tiếp theo đó là chiến
dịch gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, từng được mong đợi sẽ mang lại một
thời kỳ mới, thời kỳ của dân chủ, nhân quyền và trách nhiệm ở Campuchia. Nhưng
kể từ thời điểm đó, đã có hơn 300 người bị giết trong các vụ tấn công vì lý do
chính trị, mà không một vụ việc nào được điều tra và truy cứu thỏa đáng, theo
phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền”.
Theo tổ chức HRW thì họ có bằng chứng hiển nhiên về những vụ việc này: “Bàn tay của các nhân vật cao cấp
trong giới quan chức, quân đội, cảnh sát, hiến binh và tình báo Campuchia trong
các vụ lạm quyền nghiêm trọng kể từ sau Hiệp định Paris đã được Liên hiệp quốc,
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế, và giới báo
chí, ghi nhận. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã nhận dạng được nhiều nhân vật nói
trên và chức vụ hiện tại của họ”.
HRW nói tiếp: “Thay vì truy tố các quan chức có trách nhiệm về những vụ giết người và
các vụ lạm quyền nghiêm trọng khác, Thủ tướng Hun Sen lại thăng cấp và tưởng
thưởng họ,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
phát biểu. “Thông điệp được gửi đến người dân Campuchia là, nếu được các nhà
lãnh đạo chính trị và quân sự của đất nước che chở, thậm chí cả những kẻ sát
nhân nổi tiếng cũng đứng trên luật pháp. Chính phủ của các quốc gia đang tài trợ
cho Campuchia, đáng lẽ phải đòi hỏi truy cứu trách nhiệm thì lại chọn thái độ
coi như bình thường.”
Về thủ tướng Hun Sen, tự điển bách khoa mở Wikipedia cho biết: “Nhà nghiên cứu người Úc Ben Kiernan tuyên bố rằng Hun
Sen gia nhập Khmer Đỏ vào năm 1967 trong một làn sóng chạy dạt xuống thôn quê
của những người cánh tả trẻ. Hun Sen tự tuyên bố rằng ông đã gia nhập năm 1970
theo lời kêu gọi của Hoàng thân Norodom Sihanouk chống lại chính phủ Lon Nol.
Hun Sen bị thương 5 lần trong các lần tham chiến, bao gồm cả vết thương làm
chột một mắt 2 ngày trước khi thủ đô Phnom Penh rơi vào tay Khmer Đỏ tháng 4
năm 1975. Hun Sen được phong chức Trung đoàn phó của quân Khmer Đỏ ở phía Đông
Campuchia. Ông kết thúc chức này ở Việt Nam tháng 5 năm 1977 nhưng hoàn cảnh và
lý do ông ở Việt Nam vẫn đang là đề tài tranh cãi. Ông tuyên bố ông đào ngũ
sang Việt Nam vì ông không thích chính phủ Khmer Đỏ. Nhiều câu chuyện khác cho
rằng ông chạy thoát khỏi sự thanh trừng nội bộ của đảng Khmer Đỏ năm 1977 hoặc
bị bắt giữ trong khi đang tham gia các hoạt động quân sự chống Việt Nam”.
Theo “Bảo Cho
Chúng Biết Là Tao Muốn Giết Hết Bọn Chúng” được đúc kết từ hàng trăm cuộc
phỏng vấn thực hiện trong nhiều năm với các quan chức chính phủ đương cũng như
cựu, thành viên của lực lượng vũ trang, cảnh sát, tư pháp, nghị viện và các cơ
quan nhà nước, đại diện các đảng phái chính trị, công đoàn, báo chí và tổ chức
nhân quyền. Phúc trình này cũng dựa trên thông tin từ các tài liệu của Liên
hiệp quốc, báo cáo của các đặc sứ, đặc ủy của Liên hiệp quốc, và Văn phòng
chuyên trách Campuchia của Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền, các báo cáo của
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng như các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền
của Campuchia và quốc tế, và tin tức báo chí.
Tiêu đề của phúc trình là lời dẫn nguyên văn câu nói của
Hing Bun Heang, khi đang còn là chỉ huy phó đơn vị cận vệ của Hun Sen, khi trả
lời câu hỏi của một phóng viên về tin đồn cho rằng có bàn tay của ông ta trong
cái chết của ít nhất 16 người trong vụ tấn công phối hợp bằng lựu đạn nhằm vào
lãnh tụ đảng đối lập Sam Rainsy vào tháng Ba năm 1997. Liên hiệp quốc và Cục
Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) ám chỉ vai trò của đơn vị cận vệ trong vụ này,
và xác định người chỉ huy tác chiến là Hing Bun Heang. Sau đó, Hing Bun Heang
được thăng hàm thiếu tướng và hiện đang giữ chức phó tổng tư lệnh Quân đội
Hoàng gia Campuchia”.
HRW cho biết: “Trong nhiều vụ, người ta thường không những biết được thủ phạm giết
người là ai, mà còn phải chứng kiến cảnh những kẻ đó được thăng quan tiến chức,
theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Ví dụ như trong vụ các thành viên của biệt
đội hành quyết “Alpha” khét tiếng tàn ác trong thời kỳ gìn giữ hòa bình của
Liên hiệp quốc năm 1992-1993, hay nhóm sĩ quan an ninh đã thi hành chiến dịch
thủ tiêu các thành viên đối lập sau vụ đảo chính của Hun Sen năm 1997. Những vụ
giết người mới hơn, như cái chết của nhà lãnh đạo công đoàn Chea Vichea, nhà
chính trị đối lập Om Radsady, và nhà hoạt động môi trường Chut Wutty, vẫn còn
trong vòng uẩn khúc. Ngay cả trong những vụ không có động cơ chính trị rõ ràng,
nếu thủ phạm là người trong quân đội hay công an, hoặc có vây cánh chính trị,
thì hành vi lạm quyền cũng hầu như không bao giờ dẫn đến các vụ truy tố hình sự
có kết quả và mức án tù tương xứng.
Phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân
quyền liệt kê một loạt vụ giết người phi pháp và các vụ lạm quyền khác chưa
được chính quyền thực sự điều tra hay truy tố, như:
· Vụ giết hàng chục nhà chính trị và hoạt động đối lập
trong thời kỳ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc trong các năm 1992-93;
· Vụ ám sát Thun Bun Ly, biên tập viên một tờ báo đối
lập, trên đường phố Phnom Penh vào tháng Năm năm 1996;
· Chiến dịch hành quyết phi pháp gần 100 quan chức có
liên hệ với phe hoàng gia sau vụ đảo chính của Hun Sen vào tháng Bảy năm 1997,
trong đó có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ho Sok ngay trong tòa công thự của Bộ Nội vụ;
· Vụ tạt a-xít năm 1999 làm biến dạng cô Tat Marina, khi
đó mới 16 tuổi, do vợ của ông Svay Sitha, một quan chức chính phủ cao cấp gây
ra;
· Vụ ám sát kiểu hành quyết đối với ông Om Radsady, một
thành viên đối lập đầy uy tín trong nghị viện, tại một nhà hàng đông khách ở
Phnom Penh vào năm 2003;
· Vụ giết nhà lãnh đạo công đoàn nổi tiếng Chea Vichea
vào năm 2004;
· Vụ giết phóng viên điều tra Khim Sambo và con trai ông
trong khi họ đang tập thể dục trong công viên vào năm 2008; và
· Vụ giết nhà hoạt động vì môi trường Chut Wutty ở tỉnh
Koh Kong trong năm 2012.
Ông Adams nói : “Danh sách các vụ ám sát chính trị
trong hơn 20 năm qua gây ớn lạnh xương sống. Dù sau mỗi vụ việc, dư luận đều
sôi sục nhưng chính quyền chẳng làm gì cả; thủ phạm hay quan chức chính quyền
đứng đằng sau kẻ thủ ác chẳng phải chịu hậu quả gì.”
Để giải quyết vấn nạn bao che đang
hết sức nhức nhối ở Campuchia, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thúc giục chính
quyền nước này:
· Thành lập một lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp độc lập,
do một hội đồng cảnh sát độc lập bầu ra ban chỉ huy; hội đồng này cũng có thẩm
quyền thanh tra ngành cảnh sát, điều tra các khiếu tố và sa thải những cảnh sát
vi phạm đạo đức nghề nghiệp;
· Thành lập một bộ máy tư pháp và công tố chuyên nghiệp
và độc lập. Các thẩm phán và công tố viên phải do một hội đồng tư pháp độc lập
bầu ra; hội đồng này cũng có thẩm quyền điều tra các khiếu tố và kỷ luật những
thẩm phán và công tố viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp;
· Cấm các quan chức cảnh sát cao cấp, thẩm phán và công
tố viên, giữ các vị trí lãnh đạo chính thức hoặc không chính thức trong các
đảng phái chính trị; và
· Xử lý một cách chuyên nghiệp và vô tư các khiếu tố về
vi phạm nhân quyền của các nạn nhân và gia đình họ, cũng như của các tổ chức
nhân quyền và các nhóm dân sự khác, của văn phòng nhân quyền và các cơ quan
khác thuộc Liên hiệp quốc, của giới báo chí và những người khác khi họ nêu quan
ngại với chính phủ.
Ông Adams tuyên bố: “Các khuyến nghị nhằm tìm kiếm
công lý cho các nạn nhân sẽ không được thực thi nếu không có sức ép thường
xuyên, đồng bộ từ phía chính phủ các nước mạnh, để hỗ trợ những người dân
Campuchia đang dũng cảm thu thập thông tin và tố cáo các vụ lạm quyền. Nhiều
nhà nước đang nói về ‘văn hóa bao che’ ở Campuchia, nhưng họ cũng nên quan tâm
đến thứ văn hóa bàng quan của chính mình.”
Lịch sử Campuchia trong hai thập niên qua là những chuỗi
cơ hội bị bỏ lỡ, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Hết năm này qua năm khác,
các nhà tài trợ đề nghị—và chính phủ Campuchia đồng ý triển khai—hàng loạt cải
tổ quan trọng, chẳng hạn như những biện pháp thúc đẩy chuyên nghiệp hóa ngành
cảnh sát và tính độc lập của ngành công tố và tòa án. Thế nhưng hệ thống tư
pháp đến giờ vẫn là một thể chế được chính trị hoá sâu đậm và vững chắc, các vị
trí cao nhất được bổ nhiệm cho những chính trị gia với ưu tiên cao nhất là lòng
trung thành với thủ tướng và đảng cầm quyền, Đảng Nhân dân Campuchia. Chính phủ
các nước ngoài, Liên hiệp quốc và các nhà tài trợ chưa dành đủ thời gian tìm
hiểu về các vụ lạm quyền trong quá khứ và thủ phạm của các vụ đó, cũng như chưa
tạo sức ép đồng bộ và liên tục về việc những quan chức cao cấp và cơ quan chính
quyền Campuchia đã gây ra những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền.
Ông Adams nói: “Tình trạng không truy cứu trách nhiệm thỏa đáng ở Campuchia phải được
đề cập thẳng thắn, không bị bỏ qua hay nói một cách dè dặt, như quá nhiều quốc
gia và các nhà tài trợ đã làm trong suốt 20 năm qua. Không nhớ về quá khứ,
không thể thực hiện được công lý. Chính phủ các quốc gia và và các nhà tài trợ
cần chấm dứt lối nói đại khái về các quyền tự do chung chung và bắt đầu chỉ
trích thẳng thắn các quan chức cao cấp của chính phủ và đảng cầm quyền về tình
trạng thất bại của công lý.”
Dù trong những năm gần đây Hoa Kỳ đã và đang là quốc gia
có tiếng nói phê phán thẳng thắn nhất về hồ sơ nhân quyền của chính quyền
Campuchia, nhưng những hành động của Hoa Kỳ đối với các quan chức Campuchia bị
nghi ngờ đứng sau các vụ lạm quyền nghiêm trọng lại không tương xứng với phát
ngôn. Vào tháng Ba năm 2006, FBI trao huân chương cho người đứng đầu lực lượng
cảnh sát quốc gia lúc đó, Hok Lundy, vì những đóng góp của ông ta vào mục tiêu
chống khủng bố toàn cầu của Hoa Kỳ. Hok Lundy, người đã tử nạn trong một tai nạn
máy bay trực thăng vào năm 2008, nổi tiếng là kẻ vi phạm nhân quyền và là nhân
vật đáng sợ nhất ở Campuchia. Tấm huân chương do Hoa Kỳ trao được chính quyền
Campuchia sử dụng làm công cụ quan trọng để tuyên truyền; trong khi đó, các nhà
hoạt động vì nhân quyền đặt câu hỏi về những ý định thực sự của chính phủ Hoa
Kỳ.
Vào tháng Chín năm 2009, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng
Hoa Kỳ Robert Gates khi đó đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia
Tea Banh ngay tại Ngũ giác đài. Tea Banh lãnh đạo quân đội Campuchia suốt hai
thập niên qua, và trong thời gian đó đã gây ra nhiều vụ lạm quyền nghiêm trọng
mà không bị trừng phạt. Tất nhiên, sau khi từ Mỹ trở về, Tea Banh được báo chí
do đảng cầm quyền điều khiển tung hô như một người hùng.
Ông Adams nói : “Hun Sen đã nắm quyền được 27 năm và tuyên bố ông ta muốn tại vị thêm
30 năm nữa, nhưng nạn nhân của các vụ lạm quyền không thể chờ lâu đến thế để
đòi công lý. Trong chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Campuchia, Tổng thống Obama
có vị thế đặc biệt để công khai yêu cầu Hun Sen thực hiện cải cách thật sự, để
người dân Campuchia được hưởng những quyền con người và quyền tự do mà người
dân Mỹ coi là đương nhiên.”
Theo HRW và Wikipedia
No comments:
Post a Comment