November 11, 2012 6:27 PM
Mặc dù bầu cử đã qua và chỉ trong 48
giờ sau khi có kết quả, tổng thống Obama cho biết sẽ đi Cam Bốt, Miến Điện,
Thái Lan từ 17-20/11/1012, một dấu hiệu cho biết việc ông sẽ củng cố và phát
triển ASEAN và dân chủ hoá các nước trong khối này. Dĩ nhiên, Việt Nam sẽ không
tránh khỏi và các thay đổi chính trị ở VN sẽ dễ xảy ra trong bốn năm tới do ba áp
lực: từ dưới đi lên của dân chúng, từ trên đi xuống của hiện tượng tự diễn biến
và từ ngoài đi vào của HK và thế giới
(http://csis.org/publication/obama-trip-shows-purposeful-asia-focus-second-term).
(http://csis.org/publication/obama-trip-shows-purposeful-asia-focus-second-term).
Trong diễn văn chiến thắng đêm bầu
cử, ông Obama đã ngầm nhắn gởi việc ủng hộ dân chủ cho VN qua câu “Chúng ta
đừng quên rằng trong khi chúng ta đang nói chuyện ở đây, dân chúng ở những quốc
gia xa xôi khác đang rủi ro tánh mạng của họ chỉ để muốn được có cơ hội tranh
luận về những vấn đề thiết thân, cơ hội để bỏ phiếu như chúng ta đã làm ngày
hôm nay…”
Tổng thống Obama thắng cử 332 vs 206 cử tri đoàn cho ông Romney, vẻ vang hơn các sự tiên đoán. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cay đắng và bất mãn trong một số cử tri, cho rằng cách bầu gián tiếp qua cử tri đoàn tạo bất công cho đảng Cộng Hoà, hệ thống này đã cổ lỗ sĩ, lập ra cách đây hơn 200 năm vì phương tiện truyền thông vận chuyển còn thô sơ, tại sao không bầu phổ thông toàn quốc. (Trước đây ông Bush thắng ông Gore cũng như vậy nhưng lại không nói đến)
Vấn đề không đơn giản như vậy vì Hoa Kỳ ngoài việc là một quốc gia (nation state) nó còn là liên bang (united states) mà các tiểu bang, đa số là các tiểu bang ít dân, muốn vừa có sự độc lập đối nội vừa có vai trò và không bị bỏ rơi trong cuộc bầu cử tổng thống. Do đó, nếu bầu phổ thông toàn quốc hay bầu qua cử tri đoàn nhưng cử tri đoàn đại diện theo tỷ lệ phiếu mà ứng cử viên có được trong mỗi tiểu bang thì cả hai cách này đều giống nhau là làm cho các tiểu bang ít dân bị các đảng bỏ rơi.
Cho nên vấn đề không nằm ở chổ hệ thống cổ lỗ sĩ của thời đi xe ngựa để chạy đưa tin. Vấn đề nằm ở chỗ là dù trên 200 năm trước hay bây giờ thì sự hội nhập thực sự của đất nước này đòi hỏi các tiểu bang ít dân và các nhóm thiểu số không bị bỏ rơi. Điểm đặc biệt nhất của hiến pháp Hoa Kỳ mà có lẽ trên thế giới các hiến pháp dân chủ khác không bì kịp là: Tuy qui định đất nước đi theo hướng của đa số nhưng hầu hết các điều khoản trong đó là để bảo vệ thiểu số, giới hạn quyền lực và ngăn ngừa sự hiếp đáp của đa số.
Cử tri đoàn (electoral college) là một từ để diễn tả tổng số dân biểu và nghị sĩ của HK (438 dân biểu + 100 nghị sĩ = 538) và để tiểu bang ít dân có vai trò thì luật chơi là ai thắng tiểu bang nào, dù là thắng chỉ 1 phiếu của người dân đi bầu, thì sẽ lấy hết cử tri đoàn của tiểu bang đó, như Florida ông Obama thắng sát nút nhưng ẳm hết 29 cử đoàn của tiểu bang này. Con số mầu nhiệm của bầu cử tổng thống HK vì vậy luôn luôn là con số 270 tức vừa quá bán của 538. Người dân đi bầu không phải để trực tiếp chọn tổng thống mà là để giúp tiểu bang của mình chọn tổng thống.
Cho nên cử tri đoàn là một phương pháp để thăng bằng giữa những tiểu bang đông dân và những tiểu bang ít dân, giúp cho những tiểu bang ít dân không bị bỏ rơi trong các cuộc bầu cử tổng thống, nhờ đó mà Iowa (6), New Hampshire (4), Nevada (6), Colorado (9)… trở nên có ý nghĩa, nếu không thì các tiểu bang đông dân như California (55), Texas (38), New York (29), Florida (29)… sẽ quyết định thắng/bại trong cuộc bầu cử nếu bầu theo đa số phổ thông toàn quốc hay theo tỷ lệ trong mỗi tiểu bang, và cuộc bầu cử tổng thống chỉ tập trung vào chừng chưa đầy 20 tiểu bang đông dân, trên 30 các tiểu bang ít dân còn lại bị gạt ra bên lề cuộc chơi.
Lý thú hơn, trái với sự cảm nhận là đảng CH bị bất công, cử tri đoàn giúp đảng Cộng Hoà có một cái lợi thế nội tại (built-in advantage), có lẽ một phần nhờ vậy mà CH có tổng thống nhiều hơn DC. Đó là đa số các tiểu bang miền trung và nam Mỹ (red states) đều ít dân và thường theo khuynh hướng bảo thủ, tức là thường bỏ phiếu cho CH, cho nên CH có cử tri đoàn nhiều hơn cho cùng một số dân so với các tiểu bang xanh của DC. Thí dụ (lấy số chẵn cho dễ tính) California có 30 triệu dân, cứ mỗi nửa triệu là có một dân biểu, như vậy Cali có 60 dân biểu và 2 nghị sĩ, cho nên Cali có 62 cử tri đoàn. Nhưng cũng là 30 triệu dân nằm trãi ra trong 6 tiểu bang nhỏ như Idaho, Utah, Wyoming, North Dakota, South Dakota, Nebraska, mỗi tiểu bang có 5 triệu dân. Như vậy, cũng chỉ là 30 triệu dân nhưng lại được 72 cử tri đoàn (60 dân biểu và 12 nghị sĩ).
Ông Romey trong diễn văn thua cuộc gởi đến những người ủng hộ mình đã nói “Như các bạn biết, đất nước đang ở vào lúc cực kỳ khó khăn. Trong lúc như vầy, chúng ta không nên cay đắng và bài bác. Những nhà lãnh đạo của chúng ta cả hai đảng cần bắt tay nhau để phục vụ nhân dân.” Nếu kính trọng ông Romney và đất nước Hoa Kỳ thì cũng nên suy nghĩ về lời khuyên của ông. Năm 1960 tài tử John Wayne ủng hộ và bầu cho ông Nixon để tranh với ông Kennedy và ông Nixon bị thua, khi được hỏi là ông có thái độ như thế nào với ông Kennedy thì ông JW trả lời “Tôi không bầu cho ông ta, nhưng ông ta là tổng thống của tôi, và tôi hy vọng ông ta sẽ phục vụ tốt.”
Việc bỏ phiếu cho đảng nào thì thường được hướng dẫn bởi hệ thống giá trị mà người đó tin vào hay quyền lợi mà người đó bị ảnh hưởng. Có một nữ dược sĩ gốc VN tâm sự rằng khi còn đi học thì nghèo và lý tưởng, muốn giúp người già, người tàn tật và trẻ em, cho nên cô bỏ phiếu cho đảng DC. Sau khi ra trường có lương cao và bị đóng thuế nhiều nên cô bảo thủ hơn và bỏ phiếu cho CH. Tuy chưa già nhưng cô đã nói trước là sau khi về hưu chắc sẽ trở lại bỏ phiếu cho DC. Nói điều này để thấy rằng đời là tương đối và sự vật luôn thay đổi. Hai đảng CH và DC như hai cái chân phải và trái của cơ thể Hoa Kỳ, mỗi chân bước một bước cho cơ thể HK được tiến tới, nếu chỉ một chân như ở VN thì khi gặp hố làm sao mà nhảy được và đất nước phải nhảy cò cò trên con đường bình thường.
Năm 2008 khi đi vận động tranh cử tổng thống, một người đàn bà Mỹ chửi bới ông Obama dữ dội khi phát biểu trước đám đông mà ông John McCain đang thuyết phục và ông McCain đã ngăn chận bà ta bằng câu “Bà à, ông ta là một người tốt theo đạo Chúa. Chúng tôi bất đồng trên chính sách” (Ma’am, he’s a good Christian man. We disagree on policy). Có lẽ vì vậy mà người Mỹ, các ứng cử viên sau cuộc đấu vẫn ngồi ăn uống chung bàn và đi uỷ lạo thiên tai chung. Và dân Mỹ, sau bầu cử, dù không thích nhưng vẫn xem vị lãnh đạo đất nước của mình là tổng thống của chúng tôi.
Dân chủ ở Việt Nam chỉ thực hiện được trong tuơng lai khi nào bên chiến bại chấp nhận mình thua và giải phóng tâm tư để bắt đầu nghĩ về một cuộc chơi mới trong tương lai.
Lê Minh Nguyên
No comments:
Post a Comment