Sunday 11 November 2012

ĐỂ HIỂU RÕ NHÀ CẦM QUYỀN VIỆT NAM (Song Chi)




Song Chi/Người Việt
Friday, November 09, 2012 5:13:33 PM

Sau buổi họp báo công bố thông tin khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Phương Uyên, sinh viên ÐH Công Nghệ Thực Phẩm Sài Gòn và Ðinh Nguyên Kha (ở Long An) vì “có dấu hiệu của tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam,” nhà cầm quyền có vẻ cho rằng đã tạm dập tắt được ngọn lửa dư luận khỏi bùng lên thành đám cháy.

Và nhân thể, dằn mặt luôn giới trí thức nhân sĩ, tất cả những ai quan tâm lên tiếng về trường hợp Nguyễn Phương Uyên.

Nguyễn Phương Uyên không phải người đầu tiên và càng không phải là người cuối cùng bị nhà nước Việt Nam bắt bớ, giam cầm, kết án một cách tùy tiện, phi nhân, bất chấp dư luận trong nước và quốc tế.

Càng ngày, khi thực trạng xã hội càng tồi tệ về mọi mặt, khi những mâu thuẫn dồn nén giữa người dân và nhà cầm quyền càng lớn, thì nguy cơ số người phải bước chân vào trại giam với tội danh “tuyên truyền” hay “có hoạt động chống phá nhà nước” sẽ càng nhiều hơn.

Chính vì vậy, càng phải chuẩn bị tâm lý và hiểu rõ những luận điệu, chiêu trò mà giới công an đã, đang và sẽ áp dụng với những người bị bắt bởi những tội danh trên.

Chiêu thứ nhất là bôi nhọ những người đã dám dấn thân. Bôi nhọ đời tư, danh tiếng. Không từ một ai. Bôi nhọ lý tưởng, mục đích dấn thân, việc làm của họ.

Không phải là những người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động dân chủ hay những người yêu nước. Mà là những kẻ chống phá nhà nước, chống phá nhân dân, những kẻ vi phạm pháp luật.

Hay tầm thường hơn, những con người lạc đường, mê muội, bị các lực lượng phản động, thù địch lôi kéo, xuống đường đi biểu tình hoặc làm việc này việc kia vì tiền...

Nhân vật nào càng được dư luận trong và ngoài nước quan tâm thì càng bị nhà cầm quyền sử dụng hệ thống truyền thông báo chí trong tay để bôi nhọ nặng nề. Kể cả nhào nặn thành những vụ án hình sự kiểu như “hai bao cao sư đã qua sử dụng” trong trường hợp Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ hay tội “trốn thuế” của nhà báo Nguyễn Văn Hải tức blogger Ðiếu Cày...

Và tất nhiên, lờ tịt những yếu tố có liên quan đến thái độ phản đối việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam, kêu gọi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của người bị bắt. Bởi tử huyệt của nhà cầm quyền là ở đó.

Là mối quan hệ bất xứng giữa hai đảng cộng sản, hai nhà nước Việt Nam-Trung Quốc và tất cả những hệ lụy, mất mát, thiệt thòi, nguy hiểm cho vận mệnh đất nước, dân tộc Việt Nam từ mối quan hệ này và thái độ bạc nhược, lệ thuộc của nhà nước Việt Nam.

Thứ hai, trong phần lớn các vụ án có liên quan đến yếu tố chính trị, nhà cầm quyền luôn tìm cách gán ghép người bị bắt với “những tổ chức phản động” nào đó, thường có dính dáng đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Ðây là một thủ đoạn nhằm gây chia rẽ người trong nước với người ngoài nước. Ðồng thời dập tắt từ trong trứng nước mọi nguy cơ liên kết, tập hợp thành tổ chức của những người có tư tưởng phản kháng chế độ.

Và rõ ràng, nhà cầm quyền đã thành công trong việc tạo ra tâm lý nghi kỵ, e ngại của người trong nước khi luôn tìm cách tránh xa các tổ chức, nhất là của người Việt ở hải ngoại.

Tâm lý không thiện cảm với những hoạt động dân chủ ở hải ngoại, còn là hệ quả của cả một quá trình bao nhiêu năm dài người Việt sống trong nước, “lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa VN,” bị nhồi sọ về một chế độ miền Nam Cộng Hòa “thối nát, không có chính nghĩa, là tay sai của Mỹ.” Lá cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ miền Nam Cộng Hòa vì vậy, nhiều khi cũng phải chịu số phận tương tự.

Và khi một người bị bắt nào đó bị nhà cầm quyền gán ghép với các tổ chức hoặc hình ảnh lá cờ Vàng, thì nhiều bạn trẻ sống trong nước sẵn sàng “ném đá” ngay. Có thể thấy rõ điều này khi đọc những bình luận bên dưới những bài báo trong nước viết về Nguyễn Phương Uyên.

Gây chia rẽ giữa người trong và ngoài nước, nhà cầm quyền cũng luôn chú ý gây chia rẽ giữa người có đạo, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo, và người ngoài đạo, hoặc giữa các thành phần nhân dân với nhau: giữa trí thức văn nghệ sĩ và giới công nhân, nông dân-dân oan...

Nếu chưa đủ mức răn đe, thì người bị bắt thậm chí còn bị gán ghép cho tội “khủng bố.” Từ vợ chồng bà Nguyễn Thị Phượng bị bắt vào tháng 4 năm 2012, Luật Sư Nguyễn Quốc Quân bị bắt ngày 17 tháng 4 năm 2012 cho đến mới đây nhất, Ðinh Nguyên Kha cũng bị công an gán cho tội danh này.

Mục đích của việc nâng lên tội khủng bố như ai cũng có thể nhìn ra, trước hết là nhằm “khủng bố” tinh thần chính người bị bắt, khiến họ sợ hãi trước bản án nặng nề có thể bị tuyên mà “ngoan ngoãn, biết điều” hơn. Thứ hai là làm cho người thân, bạn bè cho đến dư luận e ngại, không dám lên tiếng ủng hộ họ.

Nhà văn Phạm Thị Hoài trong bài viết “Thông điệp của chính quyền” có nói đến sự sợ hãi của nhà cầm quyền về khả năng hình thành của các tổ chức chống đối. Không chỉ thế, họ cũng sợ hãi mọi cái gì gợi nhớ đến những cách thức mà họ đã từng sử dụng thành công để phá hoại miền Nam trước kia.

Chẳng hạn, biểu tình phản đối TQ xâm lược ở Sài Gòn luôn luôn bị ngăn chặn quyết liệt hơn so với Hà Nội vì Sài Gòn có “truyền thống” xuống đường, biểu tình chống Mỹ từ xưa.

Ðoàn Huy Chương, Ðỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng là những nhà hoạt động công đoàn lao động, đã lên tiếng vì quyền lợi của giai cấp công nhân, nhưng lại bị cáo buộc “xúi giục, kích động” công nhân của một nhà máy sản xuất giày ở Trà Vinh đình công và bị kết án nặng nề từ 7-9 năm tù. Bởi những gì họ làm chẳng khác gì cách mà đảng cộng sản Việt Nam, luôn tự cho là đảng của giai cấp công nhân và nông dân, đã sử dụng.

Một thủ đoạn nữa là gây nhiễu thông tin. Khi không thể ngăn chặn toàn bộ thông tin bên ngoài thì nhà cầm quyền tương kế tựu kế, làm nhiễu thông tin, khiến người dân hoang mang không còn biết tin vào đâu, cái gì đúng cái gì sai.

Vụ lá thư giả mạo tiếp theo lá thư của các nhân sĩ trí thức gửi cho chủ tịch nước kêu gọi trả tự do cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên, vụ ép các em học sinh trường ÐH Công Nghệ Thực Phẩm TP HCM phải nhận không gửi thư kêu cứu khi bạn bị “mất tích,” hay phủ nhận luôn Nguyễn Phương Uyên không phải là cán bộ đoàn... là những ví dụ mới nhất.

Cuối cùng là màn “nhận tội và xin khoan hồng.” Cái này thật ra cũng nằm trong chuyện bôi nhọ cá nhân, khi mới sử dụng một, hai lần thì có làm cho dư luận choáng váng hiểu nhầm nhân cách người bị bắt, nhưng dần dần mọi người hiểu được màn dàn dựng này của công an và không còn tin nữa.

Hiểu rõ những luận điệu, chiêu trò của nhà nước cộng sản Việt Nam để không nao núng, bất ngờ trước mọi việc họ làm. Ðặc biệt là những ai đã, đang và sẽ lên tiếng vì một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước, dân tộc Việt Nam.
Hiểu rõ đâu là điểm yếu nhất, là tử huyệt của nhà cầm quyền, để tiếp tục làm những gì mà họ sợ.

Khi nhà cầm quyền sợ sự liên kết, tổ chức, thì mọi người càng phải đoàn kết giữa người Việt trong và ngoài nước, giữa mọi tổ chức, mọi cá nhân bất kể tôn giáo, nhân thân, quá khứ chính trị.

Khi nhà cầm quyền càng bắt bớ, giam cầm, kết án người bất chấp luật pháp thì càng phải dựa vào luật pháp của chính nhà nước Việt Nam và quốc tế để vạch ra những sai trái. Từ quyền giữ im lặng, quyền có luật sư khi bị hỏi cung, được xét xử công khai, được biện hộ, tranh cãi trước tòa cho đến quyền được kháng án, được thăm nuôi, được đối xử như những con người trong trại giam...

Dù biết rằng nhà nước Việt Nam sẽ không bao giờ đáp ứng dù nhỏ nhất những quyền này, nhưng trước nhân dân và thế giới, bản chất của nền tư pháp Việt Nam, của chế độ Việt Nam cũng bị lột trần, dẫn đến việc họ phải chạy theo dư luận, chữa cháy, chống đỡ. Càng chống càng lộ ra nhiều điểm sơ hở, sai trái.

Khi nhà cầm quyền càng vu cáo, bôi nhọ, trưng ra những bằng chứng giả mạo thì càng phải vạch ra sự giả mạo ấy.
Và dần dà, khi đối chiếu mọi luồng thông tin từ nhiều phía, người dân sẽ hiểu đâu là sự thật.





No comments:

Post a Comment

View My Stats