13-7-2012
Thời gian: Ngày 8 tháng 6, 2005. Địa điểm: Sân bóng đá Azadi, thủ
đô Tehran, Iran. Bối cảnh: Trận
đấu vòng loại World Cup 2006 giữa Iran và Bahrain. Đạo luật: Cấm phụ nữ Iran tham gia những chương trình
tổ chức công cộng (trong đó có bóng đá).
Trận đấu vòng loại
mang lại chiến thắng cho đội nhà Iran với kết quả 1-0. Một chiến thắng khác,
lớn hơn, thuộc về những người phụ nữ Iran đấu tranh cho Nữ quyền. Chống lại đạo
luật cấm đoán, một nhóm phụ nữ đã giả dạng nam giới và xâm nhập vào tham dự
cuộc thi đấu. Khi trận bóng xảy ra, dưới ống kính truyền hình BBC trực
tuyến đến nhiều quốc gia, những người phụ nữ này đã xuất hiện giữa
70.000 khán giả tại Azadi và trước hàng triệu người trên thế giới đang theo dõi
trực tuyến trận bóng.
Lực lượng an ninh
của nhà cầm quyền đối diện với 2 chọn lựa: (1) bắt những người phụ nữ này trước
sự chứng kiến của thế giới và bôi đen uy tín của nhà nước Iran; (2) để yên cho
họ ngồi đó và để cả nước chứng kiến hành động bất tuân của những người phụ nữ
này đối với một đạo luật của nhà nước.
Cả hai đều là chọn
lựa xấu và mỗi chọn lựa đều phải trả một giá đắt.
Hành động của
những phụ nữ Iran là một thí dụ cho một "Dilemma
action" - hành động tạo thế tiến thoái
lưỡng nan cho đối phương.
Khi bà Aung San
Suu Kyi dùng biểu tượng nón lá vốn là một thứ mà đa số người dân Miến Điện sử
dụng, bà cũng đã đặt nhóm lãnh đạo quân phiệt Miến vào thế khó xử: (1) để người
dân bình thường (và bây giờ cộng thêm những người ủng hộ bà Suu Kyi) tiếp tục
đội nón lá như là một hình ảnh, biểu tượng của phong trào đang ngày càng rộng
lớn; hay (2) bắt tất cả những người đội nón lá và đi ngược lại truyền thống,
làm gia tăng sự căm phẫn của quần chúng. Hành động của bà Aung San Suu Kyi là
một "Dilemma action".
Trong phần 5,
việc thành viên phong trào Otpor sử
dụng một thùng tiền bên ngoài có hình Slobodan Milošević và lập trò chơi tinh
nghịch ai bỏ một đồng tiền vào thùng thì được dùng một cây gậy đánh vào
thùng... cũng là một loại "Dilemma
action". Milošević đối
diện với hai chọn lựa khó khăn: (1) Bắt tất cả đám thanh niên chỉ vì một trò hề
nhắm vào ông ta và tạo thêm "hề tính" cho vụ việc; hay (2) cứ để cho
sinh viên đem mình ra làm trò hề. Otpor đã phối hợp "những trò chơi
tinh nghịch" với "dilema action". Phối hợp này cũng được
thực hiện bởi người dân Zimbabwe với chiến dịch "đóng dấu mông
bò".
Khi Mohandas Gandhi bốc một nắm muối nhỏ tại bãi biển Dandi,
ông đã đặt thực dân Anh vào thế tiến thoái lưỡng nan: (1) Nếu đàn áp và bắt ông
cùng 50.000 người dân Ấn vì hành động "nhỏ bé" này, toàn quyền Anh sẽ
mất uy tín ngay cả đối với dân Anh tự hào với truyền thống
"gentlemen" đang theo dõi vụ việc. (2) Nếu không bắt ông, toàn quyền
Anh không những bị nguy cơ mất độc quyền muối, mất lợi nhuận qua thuế muối mà
còn mất tư thế cai trị đang áp đặt lên hàng triệu dân Ấn. "Dilemma
action" của Gandhi được xem là một trong những hành động thần kỳ và
đến nay, 70 năm sau vẫn được nhiều phong trào đấu tranh quần chúng học hỏi, bắt
chước với nhiều sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh tại chỗ.
"Dilemma action" đặt đối phương vào tình trạng mà bất
kỳ phản ứng nào cũng mang lại hệ quả tồi tệ.
"Dilemma action" đặt đối phương vào thế "thua
và thua" (lose-lose) và "thắng và thắng" (win-win)
cho phong trào quần chúng.
"Dilemma action" dựa vào một vấn đề có ý nghĩa với số
đông, được quan tâm và có xác suất cao được sự ủng hộ hay đồng cảm bởi quần
chúng. Những vấn đề mang tính hiệu quả nhất thường liên hệ đến những cấm đoán
hay chính sách đi ngược lại truyền thống hay niềm tin.
"Dilemma action" có thể là một chiêu thức (trong trường
hợp thùng tiền Milošević của phong trào
Otpor) hay một chiến lược (trong trường hợp Hành trình Muối của Mohandas Gandhi).
- Tập trung ủng hộ
một lãnh đạo cao cấp nước ngoài mà nhà cầm quyền đang tìm cách có quan hệ tốt,
để ca ngợi một chính sách hay đòi hỏi về nhân quyền của nước ấy trong quan hệ
ngoại giao, trước ống kính của hàng trăm phóng viên quốc tế là một Dilemma
action.
- Đông đảo tham dự
phiên tòa xử một công an giết người dân vô tội và yêu cầu pháp luật phải công
minh và công lý phải được thực thi là một Dilemma action.
- Cùng nhau tham
gia đám tang của một người tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền và ca ngợi
những việc làm cũng như những thông điệp tốt đẹp từ người ấy lúc còn sống là
một Dilemma action.
- Ngăn cấm, ép
buộc, không cho biểu tình thể hiện lòng yêu nước ngoài đường thì biểu tình tại
nhà là một Dilemma action.
...
Tác dụng của "Dilemma
action" đối với vấn đề sợ hãi:
Lấy trường hợp
những người phụ nữ Iran. Bất kỳ những hành động phạm luật nào khác họ sẽ bị bắt
ngay. Trong "Dilemma action" của họ tại sân bóng đá Azadi, họ
đã lượng giá mức độ xấu xảy ra cho họ chắc chắn sẽ nhẹ hơn. Với sự chứng kiến
của cả triệu người trong nước lẫn khắp nơi trên thế giới, mức độ trấn áp của an
ninh chắc chắn sẽ không bằng mức độ nếu sự việc xảy ra ở một đường phố Tehran.
Nếu hành động của họ là độc tài Iran bối rối thì cũng chính "Dilemma
action" của họ làm cho họ bớt sợ hãi.
Việc làm của những
phụ nữ Iran cũng đã gửi một thông điệp - thông điệp bằng hành động -
được chứng minh bởi thực tế, đến quần chúng rằng: nếu biết cách,
chúng ta có thể phản kháng mà không phải đối diện với những hệ lụy quá đáng. Sau này, nhiều phụ
nữ Iran tranh đấu cho nhân quyền đã nói rằng hành động của họ có hiệu lực gấp
ngàn lần những bài viết, những lời kêu gọi hãy vượt qua sự sợ hãi.
Dĩ nhiên sau đó
những người phụ nữ này có thể bị "bắt nguội". Nhưng nếu hành động tạo
thế tiến thoái lưỡng nan của họ nằm trong một kế hoạch mà trong đó truyền
thông thế giới vẫn tiếp tục nhận được những thông tin về tình trạng của họ,
những cơ quan quốc tế quan tâm, có những vận động tạo nên sự ủng hộ của cộng
đồng phụ nữ Iran, tình trạng an toàn của họ vẫn hơn hẳn những hành động mang
tính "tự phát", không có tính toán.
Dĩ nhiên, không có
một hành động phản kháng nào là 100% an toàn, không đối diện với nguy cơ. "Dilemma
action" chỉ giúp để giảm thiểu xác xuất và mức độ bị đàn áp và giảm
bớt sự sợ hãi của chính những người đã dấn thân, lẫn những người đang còn nhiều
sợ hãi, chưa dấn thân.
Những giới hạn của "Dilemma
action"
Có những hành động
tạo thế tiến thoái lưỡng nan áp dụng tốt cho nơi này mà không áp dụng được ở
nơi khác, tùy vào bản chất của bộ máy độc tài, quan hệ quốc tế và nhiều yếu tố
khác.
Nếu bản chất của
độc tài tệ hại đến mức không còn
xem những truyền thống, giá trị đạo đức ra gì thì những "Dilemma
action" dựa vào giá trị truyền thống, đạo đức hay niềm tin chung sẽ
không có nhiều hiệu quả trong khía cạnh an toàn cho người thực hiện. Đảng CSVN
nằm trong trường hợp này. Tuy nhiên, tình huống "thua" và
"thua" vẫn xảy ra cho nhà cầm quyền và cái giá phải trả của họ là
bộ mặt xấu xa càng bị phơi bày rõ ràng hơn.
Nếu nhà cầm quyền
không cần biết đến dư luận thế giới, không quan tầm đến uy tín của họ dưới con mắt của cộng
đồng chung nhân loại thì những "Dilemma action" tạo khó khăn
cho họ dựa vào dư luận thế giới đều vô nghĩa. Điển hình là trường hợp của tập
đoàn quân phiệt Miến trong những năm trước đây.
Nếu "Dilemma
action" không được khai dụng bởi truyền thông và dư luận thì đôi khi tự nó sẽ không
mang lại tác động đáng kể nào. Thí dụ: Khi công an cưỡng chế nhà thờ, đất đai
của giáo hội, một hành động được xem là "Dilemma action" là
treo tượng, hình ảnh Thiên Chúa thật nhiều vào những nơi sắp bị cày nát. Những
người già, em bé sẽ ôm tượng Đức Mẹ quỳ xuống khắp nơi trên vùng đất sắp bị
cưỡng chế. Không gì tệ hơn là hình ảnh công an, côn đồ cày nát những biểu tượng
linh thiêng, hay đánh đập, bắt những người già, em bé. Tuy nhiên, "Dilemma
action" đó sẽ không tạo khó xử cho kẻ cầm quyền nếu nó chỉ giới hạn ở
nơi xảy ra mà khán giả chỉ là nạn nhân và kẻ thủ ác. Nó chỉ có kết quả nếu hình
ảnh đó được thâu, chụp lại, có kế hoạch để chuyển tải đến những cơ quan
giáo hội toàn cầu, những hệ thống nhà thờ nhiều quyền lực ở Tây Phương kèm theo
những vận động, lên án, tạo áp lực. Một video clip cho người Việt Nam xem với
nhau không đủ, vì có lúc, nhà cầm quyền không còn quan tâm thái độ của người
dân đối với họ.
Tác động ngược nếu ngộ nhận và áp
dụng sai nguyên tắc "Dilemma action"
Lấy cớ ủng hộ một
nhân vật, một chủ trương tạm thời của guồng máy độc tài để đạt được một mục
tiêu nào đó và xem đây là một "Dilemma action". Việc làm này
dựa trên suy nghĩ là khi chúng ta ủng hộ thì đối phương không thể đàn áp vì như
vậy là ngược đời và lố bịch. Trên thực tế:
Nếu nhà cầm quyền đàn áp:
a. Người dân có
thể chán ghét họ hơn (nhưng sự chán ghét đã hiện hữu, thêm một chút cũng vậy),
ngược lại:
b. Làm cho người
dân thêm sợ hãi khi thấy rằng ngay cả ủng hộ còn bị đàn áp huống hồ gì chống;
c. Phải nhận những
phê phán như "ngây thơ, tưởng ủng hộ chúng ai ngờ chúng cũng bắt về
đồn". Điều này sẽ làm giảm uy tín của những người chủ xướng;
Nếu nhà cầm quyền không đàn áp:
a. Hình ảnh có thể
đọng lại trong lòng của những người theo dõi là một nhóm người, đoàn người yên
ắng ủng hộ chính phủ độc tài hay đồng hành với một số điều thuộc về giới cai
trị. Đó là chưa kể những dư luận sau đó gán ghép về một thương lượng, hợp tác,
bắt tay hay "âm mưu" với độc tài.
b. Nếu muốn, và sẽ
xảy ra khi cần, với sự kiểm soát toàn bộ về truyền thông, tập đoàn độc tài có
thể lèo lái, "quay tròn" - "spin" sự kiện để tuyên truyền
và chứng minh với đại khối nhân dân thầm lặng lẫn cả thế giới rằng ngay cả
những người "có những bất đồng với nhà nước" cũng ủng hộ họ. "Dilemma
action mà không phải là Dilemma action" này và những người thực hiện
trở thành công cụ tuyên truyền đánh bóng chế độ và tạo phân hóa trong hàng ngũ
những người ủng hộ phong trào.
Trong cả hai tình
huống, hành động lấy chính sách - biểu tượng - con người hiện tại, hay
"thần tượng" quá khứ CỦA chế độ độc tài... đã không dựa vào những giá
trị phổ quát, những chuẩn mực đạo đức không thể tranh cãi, những điều tốt đẹp
mang tính chân lý mà dân tộc đang muốn hướng đến. Ngược lại, những hành động đó
đã dùng thủ phạm hoặc nguyên nhân của tội ác, đại diện của gian dối để làm lá
chắn hầu mong có được sự an toàn nào đó. Đây không phải là Dilemma action
mà là hành động vô tình chống cây-gậy-dối-trá-và-xảo-quyệt để đi tìm sự
thật và lương thiện.
--------------------------------------------------------
CUỘC CÁCH MẠNG của SỢ HÃI
Vũ Đông Hà – Danlambao
Bài
đã đăng:
--------------------------------------
CUỘC CÁCH MẠNG của SỢ HÃI [ Phần 5] : ĐÁM
ĐÔNG & NHỮNG TRÒ CHƠI TINH NGHỊCH (Vũ Đông Hà - Danlambao)
No comments:
Post a Comment