Sunday, 29 July 2012

QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN LÀ TỜ BÁO HÈN NHÁT (tranhung09)




Chủ nhật, ngày 29 tháng bảy năm 2012

Tối qua xem chương trình mít tinh nhân kỉ niệm năm ngày thành lập Quân GPNDTQ thấy sống mũi cay như đang ăn ớt kim uống rượu Mao Đài.

Vẫn biết khôn khéo, mềm mỏng là quốc sách...Nhưng lần này khó mà nuốt được chén rượu đắng này quá! Ngoài kia tàu QGPNDTQ đang hộ vệ hàng đàn tàu cá của bọn "ngư phủ" trá hình ngang nghiên và trắng trợn xâm phạm sâu trong vùng biển của ta suốt từ bắc chí nam cả ngày lẫn đêm không chỉ để đánh bắt cá mà còn bắt, cướp tàu, hành hạ dân chài của ta . Chúng còn nhảy vào giữa sân nhà ta rao bán 9 lô dầu khí đồng thời thành lập "Thành Phố biển Tam Sa" nữa chứ! Chưa hết, hiện tại hàng đàn tàu chiến máy bay và lính thủy đánh bộ của QGPNDTQ đang chuẩn bị "tập trận" tại Trường Sa chưa biết sẽ giở trò gì (?) Nghĩa là Quân GPNDTQ đang áp sát cửa nhà của ta rồi đó!

Vậy mà ngay giữa thủ đô Hà Nội người ta đang thản nhiên kĩ niệm NÓ một cách hoành tráng với tất cả những lời hay ý đẹp như không có việc gì xảy ra. Vẫn biết những người tổ chức hẳn phải có sự tính toán nào đó mà họ cho là "khôn khéo","mền dẽo"....Nhưng, khôn khéo ư?, mềm dẻo ư? Sao không chọn cách nói KHÔNG vào thời điểm này, ít ra cũng để cho thiên hạ thấy rằng NÓ đang bóp cổ mình làm sao mình có thể kĩ niệm NÓ(!?). Quan trong hơn là để thể hiện lòng tự trọng dân tộc đáp ứng ý nguyện của nhân dân chứ! Có thế mà cũng không làm được. Đúng là cái hèn nó chèn cái khôn, nếu không phải là do sự vô cảm hay động cơ lợi ích nhóm nào đó (?). Mua tàu chiến máy bay làm gì khi trong nhà có viên đạn lợi hại này thì lại dùng để bắn vào lòng dân? Thật là mù quáng!./.


----------------------------------------------------


28/07/2012


Đây là link chính của báo Quân đội Nhân dân Việt Nam:

Giao diện tiếng Trung của báo Quân đội Nhân dân:
webcn là web china, còn zh-cn là gì? tiếng Quảng Đông - Trung Quốc hay thuộc Quảng Đông - Trung Quốc?



Gần đây, TQ đã có những động thái bá quyền, lộ dần dã tâm thôn tính Biển Đông, nguy cơ xung đột quân sự là hoàn toàn có khả năng xảy ra, nếu một trong các bên thiếu kiềm chế.
Lẽ thường tình ở nước nào cũng vậy, chuyện vuốt đuôi hòa bình dành cho Giới ngoại giao mềm dẻo, chủ chiến thuộc về Cánh sao vạch diều hâu. Báo Quân đội là tờ báo của giới quân sự, phải là đại bàng tung cánh dẫn đầu toàn quân SẴN SÀNG CHIẾN.
Theo thiển ý của chủ blog: "Người cầm súng thấm nhuần về sự khôn khéo trong chính sách đối ngoại quốc phòng là người lính vứt đi - Chỉ cần: Kiềm chế theo lệnh, Chắc tay súng và Sẵn sàng nổ vào bất kỳ quân xâm lược nào xâm phạm bờ cõi Nước ta." 
Trước những diễn biến leo thang nói trên của TQ, ấy vậy mà báo QĐND - Tiếng nói của LLVT Việt Nam cứ như chim bồ câu nhốt lồng son, tỉa tót cái mã của mình, trước những sự kiện nóng về an ninh quốc phòng thì như gà nuốt dây thun, trốn biệt tăm. Nhiệm vụ chính là động viên quân dân chống giặc ngoại xâm đã không làm tốt thì thôi, đằng này chăm chăm chống diễn biến nội bộ trong nước. Là tờ báo hèn nhất trong đám hèn báo chính thống. 
Nhân ngày 27/7, người ta nói về sự mất mát hy sinh, hàng vạn xương cốt, máu và nước mặt của chiến sĩ đồng bào đã đổ xuống ở Biên giới phía Bắc, ở Trường Sa vì quân Trung Quốc xâm lược, nhưng báo QĐND lại có 2 bài liên khúc muôn năm cũ như dưới đây, để làm gì lúc này? 
Xin hỏi ông Thiếu tướng  Lê Phúc Nguyên TBT: Có ai nhận lương của TQ, ở chỗ ông không đấy?
 
Người lính làm sao có thể bắn vào "Những nghĩa cử không thể nào quên"-"Khắc ghi tấm lòng “nhường cơm sẻ áo” dù nó đang hiện hình là tên cướp biển?

------------

Tình hữu nghị Việt – Trung
QĐND - Thứ Sáu, 27/07/2012, 23:29 (GMT+7)
QĐND - Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia núi liền núi, sông liền sông, đậm nét tương đồng về văn hóa và sớm có quan hệ gắn bó, đặc biệt, kể từ khi Đảng Cộng sản ở mỗi nước ra đời, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, thì quan hệ đó có bước phát triển mới.
Trong những năm 1948 – 1949, khi sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Trung Quốc chưa thành công, theo yêu cầu của cách mạng Trung Quốc, Việt Nam đã chủ động giúp lương thực, thực phẩm và súng đạn cho biên khu Điền Quế (Vân Nam – Quảng Tây). Từ tháng 1-1948 đến cuối năm 1948, mỗi tháng Việt Nam gửi giúp riêng quân và dân biên khu Điền Quế 50 tấn muối, một số lượng đáng kể đạn cối 81mm, máy ngắm của súng cối 81mm, đạn AT… Việt Nam cũng đ­ưa lực lượng, trên hướng biên khu Điền Quế gồm: Tiểu đoàn 73 thuộc Trung đoàn 74 Liên khu I, Tiểu đoàn 35 thuộc Trung đoàn 308 chủ lực Bộ Tổng tư­ lệnh, Đại đội 506 sơn pháo, một đại đội trợ chiến, bộ phận thông tin và quân y, 2 đại đội địa phương huyện Văn Uyên và Thoát Lãng; hướng biên khu Việt Quế có: Tiểu đoàn 426 thuộc Trung đoàn 59, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn độc lập Hải Ninh, Đại đội độc lập 1448, cùng phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc chiến đấu mở rộng, củng cố Khu giải phóng biên khu Điền Quế (Vân Nam – Quảng Tây) và Việt Quế (Quảng Đông – Quảng Tây) Trung Quốc.
Những việc làm nói trên của quân và dân Việt Nam đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đánh giá rất cao. Ngày 5-1-1950, trong buổi tiếp xúc với đại diện Đảng, Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa, đồng chí Chu Ân Lai xúc động nói: “Trong lúc Việt Nam vừa nghèo, vừa phải gian khổ kháng chiến, lẽ ra phải được Trung Quốc giúp đỡ, thế mà các đồng chí đã hết lòng giúp đỡ Trung Quốc”. Nghĩa cử cao đẹp này của phía Việt Nam góp phần vào việc xây đắp tình đoàn kết giữa Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân hai nước Việt – Trung trong quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng của mỗi nước.
Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập (ngày 1-10-1949), ngày 18-1-1950, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Và cũng từ năm 1950, Trung Quốc đã trở thành cầu nối giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa và cũng đảm nhiệm vai trò là một trong những nước xã hội chủ nghĩa viện trợ chủ yếu cho quân và dân Việt Nam kháng chiến.
Trên lĩnh vực giáo dục đào tạo cán bộ, Trung Quốc đã nhận đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn cán bộ quân sự. Tính đến tháng 6-1950, Trung Quốc đã giúp Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng được 3.100 cán bộ các cấp, trong đó có 650 cán bộ trình độ trung sơ cấp, 1.200 cán bộ chỉ huy bộ binh sơ cấp, số còn lại thuộc về các binh chủng công binh, pháo binh. Từ giữa năm 1953, Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng khu học xá Quế Lâm (Quế Lâm dục tài học hiệu) để giúp đào tạo hàng nghìn học viên Việt Nam.
Ngoài trang bị vũ khí, giúp huấn luyện quân sự, đào tạo cán bộ, chi viện lương thực, thực phẩm, Trung Quốc còn cử đoàn cố vấn quân sự và chính trị sang giúp cách mạng Việt Nam. Đoàn cố vấn quân sự gồm tổng cộng 79 người với bí danh là Đoàn công tác Hoa Nam do đồng chí Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn đã có mặt tại Quảng Uyên, Cao Bằng ngày 12-8-1950. Ngoài Đoàn cố vấn quân sự, Trung Quốc còn cử đồng chí Trần Canh cùng một số cán bộ quân sự, trực tiếp làm cố vấn cho Việt Nam trong Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950. Các cố vấn Trung Quốc đã sát cánh cùng với quân và dân Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường; tham m­ưu giúp quân đội Việt Nam xây dựng lực lượng, xây dựng kế hoạch tác chiến, làm công tác chuẩn bị chiến trường, công tác hậu cần, giúp huấn luyện kỹ chiến thuật, truyền đạt những kinh nghiệm hay của Quân giải phóng Trung Quốc. Ghi nhận và đánh giá cao công lao và đóng góp của đoàn cố vấn, ngày 2-9-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn cán bộ cao cấp Việt Nam đến nơi ở của Đoàn cố vấn Trung Quốc để trao Huân chương Hồ Chí Minh cho các đồng chí La Quý Ba và đồng chí Vi Quốc Thanh, cảm ơn sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Trung Quốc đã dành cho nhân dân Việt Nam.
Khối lượng vật chất Trung Quốc giúp Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng số vật chất mà bộ đội chủ lực Việt Nam đã sử dụng trên chiến trường Bắc Bộ trong những năm 1950 – 1954 là hết sức quý báu, phát huy tác dụng tích cực, góp phần giúp cho quân và dân Việt Nam làm nên chiến thắng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, nhất là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong những năm 1954 – 1975, kế thừa và phát huy quan hệ tốt đẹp vốn có từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ trên nhiều phương diện. Trung Quốc cùng với Liên Xô là hai nước viện trợ quân sự không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, chủ yếu là các loại vũ khí, trang bị, vật tư hậu cần như các loại súng, pháo, xe tăng, lương thực, thực phẩm, thuốc men, y cụ... Tổng khối lượng viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam lên tới hơn một triệu tấn, ước trị giá hàng tỷ nhân dân tệ. Quân đội Trung Quốc tích cực giúp Quân đội Việt Nam thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về xây dựng các mặt, trang bị kỹ thuật cũng như huấn luyện đào tạo cán bộ. Hàng trăm chuyên gia quân sự của Trung Quốc đã có mặt tại các học viện, nhà trường, tổng cục, nhà máy, xí nghiệp quốc phòng Việt Nam trong những năm 1954 – 1964 để tư vấn, tham mưu giúp xây dựng quân đội Việt Nam theo hướng chính quy, hiện đại.
Cũng trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, Quân đội Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan chức năng khác của bạn, giúp vận chuyển, bốc dỡ một khối lượng lớn các loại vật tư hậu cần, kỹ thuật do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ cho Việt Nam quá cảnh qua lãnh thổ Trung Quốc; sử dụng tàu vận tải của mình giúp Việt Nam vận chuyển hàng chục nghìn tấn vật chất các loại chi viện cho miền Nam. Một số địa điểm, kho tàng, bến bãi trên đất bạn được dùng làm nơi cất giữ, trung chuyển hàng hóa các loại. Ngoài ra, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được gửi sang công tác, học tập, đạo tạo tại các trường của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Nguồn nhân lực này, đã kịp thời bổ sung phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Phương Bảo
________________

Tiếp một bài nữa, TTX.VH dẫn và bình:
Độc giả K.N. méc có bài này và bình: “Tối nay tin thời sự VTV2 (10h30) cũng chiếu cảnh tay bắt mặt mừng này. Vui vẻ bắt tay [người của] đại sứ quán TQ, thật là ứa gan trong khi hàng ngàn liệt sĩ VN năm 1979 chết vẫn còn mất xác, hàng  năm bà con ngư dân bị bắt, bị đánh, bị đòi tiền chuộc sống dở chết dở. Chả trách vì sao bọn ‘chó săn’ này làm mọi cách để bảo vệ dinh thái thú không cho bà con biểu tình tới.  Quang Trung, Lê Lợi, Hai Bà Trưng … chắc cũng phải đội mồ sống dậy để ‘vật’ bọn này. =>
So sánh hai tin/bài trên hai báo thấy rõ ngay sự khác biệt lớn, từ cái tựa, nội dung, cho tới hình ảnh. Trên Nhân dân chỉ đưa ngắn ngủi, như chiếu lệ, thậm chí còn không có tên tác giả, như thể không có ai muốn chường mặt ra dính líu với bọn ngoại bang xâm lược trong lúc này. Còn Quân đội ND thì rất chi tiết, nhiều hình ảnh, tựa bài rất “ấn tượng”, thứ ấn tượng cho ta cảm giác lũ “gián” (nội gián, gián điệp) đang chui sâu, leo cao tới đâu.
_____________


QĐND - Thứ Bẩy, 28/07/2012, 16:13 (GMT+7)
QĐND Online - Sáng 28-7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức buổi gặp mặt đại biểu các thế hệ cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam được đào tạo tại Trung Quốc qua các thời kỳ. Buổi lễ được tổ chức nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (1-8-1927/1-8-2012).
Tới dự buổi gặp mặt có Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng;  đại diện các Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng; một số Tổng cục.
Tham dự buổi gặp mặt còn có đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công an, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam…cùng hàng trăm cán bộ, sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam từng học tập tại Trung Quốc qua các thời kỳ.
Đồng chí Khương Tái Đông, Đại biện lâm thời Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu phía Trung Quốc tham dự cuộc gặp mặt.
Phát biểu khai mạc, Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhấn mạnh, đây là dịp để chúng ta ôn lại những kỷ niệm sâu sắc, ghi nhớ những tình cảm quý báu, cao đẹp, sự giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình có hiệu quả, mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã dành cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và QĐND Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay. Trong đó có sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả trong việc đào tạo cán bộ cho QĐND Việt Nam.
“Cuộc gặp mặt không chỉ là dịp để bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc trong việc đào tại cán bộ cho Quân đội nhân dân Việt Nam, đây còn là hoạt động thiết thực góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước ngày càng bền chặt”, Trung tướng Mai Quang Phấn phát biểu.
Khẳng định kết quả to lớn từ sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với các thế hệ cán bộ, sĩ quan trong QĐND Việt Nam được đào tạo tại Trung Quốc, Trung tướng Mai Quang Phấn cho biết, trong những năm qua, nhiều trường đại học, học viện trong và ngoài quân đội của Trung Quốc đã tận tình giúp đỡ, đào tạo hàng nghìn cán bộ, sĩ quan trong QĐND Việt Nam với nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau. “Những cán bộ học viên trải qua quá trình học tập tại Trung Quốc khi về nước đã vận dụng sâu sắc, sáng tạo những kiến thức tiếp thu được vào thực tiễn công tác, lập được nhiều thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”, Trung tướng Mai Quang Phấn nói.
Tại cuộc gặp, phát biểu chúc mừng 85 năm Ngày thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (1-8-1927/1-8-2012), Đại tướng Phùng Quang Thanh đã chân thành chúc mừng những thành tựu trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. “Thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam, tôi xin gửi tới Quân ủy Trung ương và toàn thể cán bộ, chiến sĩ Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc lời chúc mừng tốt đẹp nhất”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.
Chia sẻ tình cảm và niềm vui với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc nhân ngày kỷ niệm, phát biểu tại cuộc gặp, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh: “QĐND Việt Nam luôn luôn mong muốn đất nước Trung Quốc anh em phát triển hòa bình, thịnh vượng và có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.
Nhấn mạnh tới quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, hai Nhà nước, Nhân dân và Quân đội hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng và dày công vun đắp, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, trong cuộc đấu tranh giải phóng giành độc lập dân tộc ở mỗi nước, QĐND Việt Nam và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc luôn luôn kề vai sát cánh chiến đấu. Nhân dân Trung Quốc anh em đã hết lòng giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Cùng với sự giúp đỡ to lớn khác của Liên Xô, các nước XHCN và phong trào tiến bộ trên thế giới, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập, thống nhất đất nước, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Chúng tôi luôn trân trọng, ghi nhớ và mãi biết ơn sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, to lớn có hiệu quả mà Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng nhiệt liệt biểu dương thành tích, sự đóng góp của các thế hệ cán bộ, học viên được đào tạo tại Trung Quốc qua các thời kỳ. Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, những kiến thức, kinh nghiệm mà cán bộ, sĩ quan học tập được từ Trung Quốc đã được vận dụng sáng tạo vào thực tiễn trong quân đội Việt Nam, đóng góp tích cực trong việc xây dựng QĐND Việt Nam; củng cố quốc phòng, ngoài ra lực lượng này còn có góp phần quan trọng xây dựng tình hữu nghị giữa quân đội hai nước Việt – Trung ngày càng gắn bó.
Về hướng đi trong những năm tới, Đại tướng Phùng Quang Thanh chỉ rõ: Trong những năm tới, hòa bình, hữu nghị hợp tác trong khu vực và trên thế giới vẫn là xu thế lớn. Nhưng, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh  các hoạt động diễn biến hòa bình; lợi dụng các hoạt động dân chủ, nhân quyền, tôn giáo nhằm xóa bỏ chế độ XHCN, chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt – Trung, đang đặt ra những khó khăn, phức tạp mới cho Đảng, Chính phủ, nhân dân và quân đội hai nước. “Quân đội hai nước chúng ta cần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác chặt chẽ và bảo vệ thành quả cách mạng của mỗi nước. QĐND Việt Nam đặc biệt coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện và bền vững với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đây là chủ trương nhất quán, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, quốc phòng của Việt Nam”, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định.
Nhấn mạnh tới các công việc cụ thể trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết quân đội hai nước sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế hợp tác hiện có như tăng cường giao lưu các cấp, chú trọng ở các quân binh chủng; tuần tra chung; đối thoại chính sách chiến lược quốc phòng, thiết lập đường dây liên lạc giữa hai Bộ Quốc phòng; giao lưu sĩ quan trẻ; hợp tác đào tạo.  “Cần đưa mối quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và tin cậy lẫn nhau. Tiếp tục khẳng định và thực hiện tốt các thỏa thuận đã được ký kết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng hai nước”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.
Trong không khí thắm tình hữu nghị, đại diện cho các thế hệ sĩ quan, cán bộ trong QĐND Việt Nam được đào tạo tại Trung Quốc qua các thời kỳ, từ thời kỳ chống Mỹ như Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh – người đã giữ nhiều trọng trách khi còn công tác, cho tới những cán bộ trẻ đang tại chức được đào tạo trong thời kỳ mới như Thượng tá Phạm Xuân Phong, Phó Giám đốc Viện Y học cổ truyền Quân đội…tất cả đều khẳng định lòng biết ơn về sự hy sinh của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội Trung Quốc khi sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” cho học viên Việt Nam.
Qua những câu chuyện cảm động về tình thầy trò, về sự san sẻ, các thế hệ cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ trẻ có mặt tại Hội trường Bộ Quốc phòng Việt Nam như được cùng sống lại những ký ức tốt đẹp của nhiều thế hệ học sinh, học viên Việt Nam trong những năm tháng học tập và rèn luyện tại các trường đại học, học viện, nhà trường của Trung Quốc…
Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh nhớ lại, tôi không thể quên những ký ức về cảnh hàng triệu người Trung Quốc nắm tay nhau hát vang lời ca “Hãy cùng bên nhau, hãy cùng bên nhau, hỡi anh em Việt Nam…” khi tuần hành ủng hộ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với Thượng tá Phạm Xuân Phong, qua câu chuyện, anh cho biết không bao giờ có thể quên tấm gương lao động quên mình của các thầy cô giáo Trung Quốc, sự giúp đỡ tận tình của người dân, để anh có thể học được kiến thức về y học cổ truyền nổi tiếng của Trung Quốc.
Chia sẻ tình cảm với các thế hệ cán bộ, sĩ quan Việt Nam từng được đào tạo tại Trung Quốc qua các thời kỳ; bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Quốc Phòng Việt Nam cũng như các ban ngành, tại cuộc gặp, đồng chí Khương Tái Đông, Đại biện lâm thời Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa đã khẳng định: Trung Quốc – Việt Nam núi liền núi, sông liên sông, nhân dân hai nước có truyền thống hữu nghị lâu đời. Mối quan hệ tốt đẹp ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết bằng câu thơ: Mối tình hữu nghị Việt – Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em. Trong thời gian gần đây, mối quan hệ hai nước đang có bước phát triển tốt đẹp. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, Nhà nước và hai Bộ Quốc phòng hai nước đã góp phần tích cực xây dựng và phát triển mối quan hệ hai nước.
“Hai bên đã thực hiện nhiều chuyến tuần tra chung, nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng… Việc quan hệ quốc phòng giữa hai bên phát triển vững vàng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển quan hệ hai nước Trung – Việt. Chúng tôi hy vọng, quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước, quân đội hai nước không ngừng phát triển, được nâng lên tầm cao mới. Về phần mình, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ làm hết sức mình, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cùng nhau cố gắng làm cho mối tình hữu nghị Việt – Trung mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”, đồng chí Khương Tái Đông nói.
 NGUYỄN HÒA






1 comment:

View My Stats