Ở nơi nào mà sự sợ hãi nhường bước cho lòng can đảm?: ĐÁM ĐÔNG.
Ở nơi đó và trong một khoảnh khắc kỳ diệu, một
người có thể cảm nhận rằng có điều gì đó ý nghĩa hơn, to lớn hơn cá nhân đơn lẽ
của mình. Mỗi tiếng hô rõ ràng dạn dĩ hơn, vang lớn hơn. Mỗi cánh tay vung lên
rõ ràng mạnh mẽ hơn. Mỗi bước chân đi tới rõ ràng dứt khoát hơn. Con người có
lúc cảm thấy mình dường như được chấp cánh. Nỗi sợ hãi hôm qua nhường bước cho
lòng can đảm. Sức mạnh quần chúng. Cá thể đã chan hòa, đã TRỞ THÀNH đám đông. People
Power. Hàng ngàn con người nhỏ bé, yếu đuối kết hợp lại đã trở thành một
sức mạnh vô biên, đẩy lùi sợ hãi.
Nhưng làm thế nào để có 1 người vẫn còn nhiều sợ
hãi + 1 + 1 + 1.... để có được hàng trăm ngàn người cộng hưởng xua tan bóng mây
sợ hãi trong lòng mỗi người và có khoảnh khắc kỳ diệu ấy?
Câu chuyện hành trình muối của Mohandas Gandhi
Đạo luật "Thuế muối" của thực dân Anh
ngăn cấm người dân Ấn Độ quyền sản xuất và buôn bán muối. Đó là độc quyền của
người Anh. Vi phạm đạo luật này bị khép vào tội hình sự.
Mọi người dân đều cần muối. Đạo luật này ảnh
hưởng đến đời sống sát sườn của TẤT CẢ nhân dân Ấn. "Bên cạnh nước và
không khí, muối có lẽ là thứ con người cần nhất" - Mohandas Gandhi đã
nhận xét như thế và đó là nền tảng để xác định đối tượng vận động
cho chiến dịch "Satyagraha March" tạm dịch là "Hành
trình Sức mạnh Sự thật".
Ngày 2 tháng 3 năm 1930 Gandhi gửi thư đến cho
quan toàn quyền Anh tại Ấn, Edward Frederick Lindley Wood, công khai
tuyên bố bắt đầu vào ngày 11 tháng 3 ông sẽ bất tuân đạo luật thuế muối; nơi
ông thể hiện hành động bất tuân này là một làng biển mang tên Dandi, bên
bờ Ấn Độ dương, cách nơi ông đang ở 386 cây số; hành động ông sẽ làm là vốc
một nhúm muối - biểu tượng phản kháng của ông.
Ngày 12 tháng 3, sau khi gia hạn cho toàn quyền
Anh thêm một ngày, Gandhi cùng với 78 thành viên bắt đầu hành trình dài
386 cây số từ Sabarmati đến nơi ông sẽ thể hiện hành động bất tuân luật. Toàn
quyền Anh xem chuyện muối này là chuyện nhỏ, đòi độc
lập mới là chuyện lớn. Cảnh sát Anh bình thản đón chờ để bắt
Gandhi tại bãi biển Ấn Độ dương.
Đoàn người của Gandhi với y phục trắng cổ truyền,
dừng lại ở những ngôi làng, thị trấn trên đường đi. Ở mỗi nơi ông Gandhi diễn
thuyết, tấn công đạo luật muối là vô nhân đạo và đây là cuộc chiến đấu của
những người cùng khổ. Dân chúng tiếp tế rau cải và nhiều người gia nhập
hành trình muối của ông.
Hành trình 386 cây số của Gandhi đã được
người dân Ấn của nhiều thành phố chứng kiến, ủng hộ. Những buổi mít
tinh đông đảo xảy ra ở nơi ông dừng chân. Truyền thông thế giới hướng
về "người đàn ông gầy gò nhỏ bé" đang được một đoàn người dài 3 cây
số nhập dòng từ mỗi làng xã và mỗi ngày một tăng.
Tay không, chân đất họ tiến về bờ biển Ấn Độ
Dương.
Ngày 5 tháng 4, 1930 Mohandas Gandhi và đoàn
người lúc này đã vượt quá con số 50.000 đến bãi biển làng Dandi sau 23
ngày dài. 6:30 sáng, ngày 6 tháng 4, Gandhi vốc một nắm muối và công khai cùng
với người dân Ấn thể hiện hành động bất tuân đạo luật của thực dân Anh.
Biểu tượng lịch sử này đã dấy lên phong trào bất tuân phục với hàng triệu người
dân Ấn chống lại những đạo luật muối.
Lúc ấy, Toàn quyền Anh chỉ biết nhìn và bất lực.
Đã quá muộn. Tại bãi biển Dandi không phải chỉ có mình ông Gandhi và vài người tùy tùng mà hơn 50.000 người Ấn không biết sợ hãi là gì. Đã quá muộn, cả nước Ấn, dân chúng Anh và thế giới đang chăm chú theo dõi và chấn động bởi những gì đang xảy ra tại bãi Dandi nhỏ bé, với người đàn ông nhỏ bé ỏ bờ biển Ấn Độ Dương.
Đã quá muộn. Tại bãi biển Dandi không phải chỉ có mình ông Gandhi và vài người tùy tùng mà hơn 50.000 người Ấn không biết sợ hãi là gì. Đã quá muộn, cả nước Ấn, dân chúng Anh và thế giới đang chăm chú theo dõi và chấn động bởi những gì đang xảy ra tại bãi Dandi nhỏ bé, với người đàn ông nhỏ bé ỏ bờ biển Ấn Độ Dương.
Tất cả đều nằm ngoài dự đoán của toàn quyền thực
dân Anh.
Tất cả đều nằm trong sự tính toán của Mohandas
Gandhi.
Vũ khí duy nhất ông có khi ông ngồi trong ngôi
nhà nhỏ ở làng Sabarmati là bộ óc chiến lược và sự khéo léo. Trên sân khấu
chính trị, Mohandas Gandhi đã trình chiếu cho dân Ấn và thế giới thấy được sức
mạnh khủng khiếp của quần chúng khi nó được chuẩn bị, tính toán bởi một
chiến lược gia đại tài.
*
Mohandas
Gandhi có lẽ sẽ khó thành công trong môi trường và bối cảnh VN ngày hôm nay nếu
áp dụng 100% phương cách của hành trình muối. Trước
cửa nhà ông sẽ có một đội ngũ công an của thực dân đỏ canh gác ngày đêm. Sẽ khó
mà có được hành trình 23 ngày dài để từ 1 người trở thành một sư đoàn nhân dân
nơi bờ biển cát.
Gần 70 năm sau, Mohandas Gandhi có lẽ cũng phải
biến hóa chiến lược của ông nếu ông sống tại Serbia. Nhưng đã có 10 sinh viên
đại học Serbia, rút tỉa những bài học tinh túy của ông để trong vòng 2 năm sau
ngày khởi động, phong trào quần chúng của họ đã phát triển đến hơn 70.000 thành
viên.
Tranh đấu đòi hỏi sự sáng tạo. Và chúng ta có
thể học hỏi được từ nhà chiến lược vĩ đại này?
Trong kế hoạch hành trình muối của Gandhi có
những điểm nền tảng:
Công khai thách đố bộ
máy cai trị (đối phương) bằng một đòi hỏi dân sinh, vừa
phải đối với kẻ cai trị, nhưng ảnh hưởng đến
đời sống của đa phần dân chúng (chúng ta) và tạo sự quan tâm của truyền
thông (dư luận thế giới) bằng một "kịch bản" một người nhỏ
bé phản kháng lại cả một guồng máy cai trị khổng lồ. Trong toàn bộ kế hoạch ông
đều có những chuẩn bị kỹ lưỡng nhắm vào 3 đối tượng ở trên: gia tăng sự tham gia của người dân, tạo
thế khó xử cho bộ máy
cai trị và tạo sự quan tâm hay đồng tình
từ dư luận.
Mohandas Gandhi không/chưa đề cập đến mục tiêu
sau cùng là độc lập dân tộc trong chiến dịch này. Thông điệp của ông
ngắn gọn: Muối là nhu cầu sống của dân Ấn và người dân Ấn phải được quyền tự
mình sản xuất và buôn bán muối.
Monhandas Gandhi không/chưa kêu gọi quần chúng Ấn
đứng lên chống lại chính phủ thực dân. Ông chỉ kêu gọi CÙNG NHAU bất tuân
MỘT đạo luật bất công đang ảnh hưởng đến đời sống của từng người dân Ấn. Ông
hiểu được tâm lý còn sợ hãi của dân ông.
Hiểu rõ đối tượng vận động, vận động để làm
chuyện gì, mức độ phản kháng của người dân và phản ứng của đối phương lẫn dư
luận... tất cả đều được tính toán để người dân vượt qua sợ hãi và tham gia.
Về mặt chiến lược: Monhandas Gandhi đã tạo ấn tượng cho toàn quyền Anh là "trận
chiến đối đầu" với ông và 78 thành viên của ông sẽ xảy ra tại bờ biển
Ấn Độ dương. Trên thực tế, Gandhi đã bắt đầu trận chiến ngay từ lúc ông ra
khỏi nhà. "Mặt trận" thật sự của ông là những thị trấn, làng xã
đi qua để ông ra quân phát triển thành hàng ngàn người trước khi đến "mặt
trận miền biển". Trong suốt 23 ngày người dân "ra quân không thấy bóng quân thù". Họ bớt đi sự sợ hãi và nhập dòng. Sự sợ hãi giảm xuống theo
tỉ lệ nghịch với con số gia tăng của đám đông. Đó là bí quyết của ông để từ đạo
quân 78 người tăng lên 50.000 người.
Về mặt huy động quần chúng: Lời kêu gọi của Mohandas Gandhi chính là đôi bàn chân
của ông. Người dân Ấn bước theo vết chân của ông trên hành trình dài 386 cây số
và khát vọng của đích đến không phải là khát vọng của riêng ông, không phải là
những điều to lớn, vô hình mà là nhu cầu hàng ngày, sát sườn, thấy được và sự
bất công rõ rệt thể hiện bằng một nhúm muối nhỏ bé.
Hành trình Satyagraha đi qua 4 khu vực dân cư và
48 ngôi làng. Ở mỗi nơi, Gandhi gửi thành viên đến trước để nghiên cứu tình
hình. Ở mỗi nơi, kế hoạch tuyển mộ người đã có sẵn, những hoạt động tại chỗ đều
đã lên kế hoạch, và những chương trình khai thác truyền thông cũng đã được
chuẩn bị.
Tại làng Aslali đầu tiên ông dừng bước, ông nói
chuyện với 4.000 người, vận động sự gia nhập của dân làng, và những quan chức
người Ấn tuyên bố chấm dứt hợp tác với nhà nước thực dân. Làng Aslali là bàn
đạp quan trọng tạo trớn cho những chặng kế tới. Đó là chiến thuật của ông để từ
đạo quân 78 người cuối cùng tăng lên 50.000 người.
Về mặt xây dựng biểu tượng: Trên hành trình muối này, người ta thấy một đoàn người màu
trắng dài 3 cây số. Đó không phải là một ngẫu nhiên là một tính toán chiến lược
của một người đã sống cách đây gần thế kỷ. Sức mạnh của quần chúng thể hiện ở
sự đồng nhất, hình ảnh đồng đội của một đạo quân nhân dân. Mỗi cá nhân có cảm
giác mạnh mẽ là một phần tử của đám đông hợp nhất. Khi đó, nỗi sợ hãi riêng tư
của mỗi người đã được sự cộng hưởng của đoàn quân biến thành lòng can đảm. Và
hình ảnh đạo quân đồng nhất màu trắng của y phục cổ truyền Ấn đó cũng tạo nên
sự sợ hãi từ phía cầm quyền. Ngày 6 tháng 4 - ngày đánh dấu bất tuân phục -
cũng được chọn lựa vì ý nghĩa của nó. Đó là ngày đầu tiên của "Tuần lễ
Quốc gia".
Về mặt khai thác truyền thông: Nhiều tuần trước khi bắt đầu hành trình, Gandhi liên tục gửi
thông tin đến truyền thông Ấn và thế giới. Với nhiều kịch tính trong ngôn ngữ,
ông tạo nên sự hồi hộp theo dõi những gì sẽ xảy ra. Biểu tượng đoàn người màu
trắng đã trở thành những tấm ảnh lạ và đẹp được các báo cho lên trang nhất và
truyền thông thế giới đã trở thành những con mắt "cú vọ" vô tình tiếp
tay ông theo dõi "những người Ăng Lê có truyền thống quý phái -
gentlemen" sẽ phản ứng ra sao. Toàn bộ hành trình muối đã được Mohandas
Gandhi chu đáo dàn dựng như một vở kịch vĩ đại buộc truyền thông Ấn Độ, Âu châu
và Hoa Kỳ phải chạy theo để đưa tin. Mọi hành xử, trấn áp của tập đoàn thực dân
Anh đối với ông và quần chúng sẽ được cả thế giới biết đến.
Về mặt thực lực cốt lõi: Gandhi khởi hành với 78 thành viên. Họ là những
"ashram" thân cận nhất của ông. Đây là thông điệp quan trọng và là
nhu cầu căn bản cho việc tiến hành một kế hoạch, hoặc xây dựng một phong trào:
Muốn có một đám đông hàng ngàn người thì người lãnh đạo phải có khả năng thuyết
phục vài chục người để hình thành nên một tập hợp nòng cốt. 78 thành viên này
lịch sử không nhắc nhiều đến tên tuổi nhưng chính là con tim và linh hồn của
hành trình muối mà trong đó Mohandas Gandhi là bộ óc thần kỳ. Không có họ và
chỉ có mỗi Gandhi, lịch sử nước Ấn chưa chắc đã có được hành trình muối để ghi
lại.
Thế đánh và mục tiêu:
Mục tiêu của Mohandas Gandhi khi bốc một nắm muối
thể hiện hành động bất tuân điều luật vô lý của thực dân Anh? Thực dân Anh ban
đầu nghĩ đó là mục tiêu thách đố của ông. Người dân Ấn ban đầu cũng tưởng đó là
mục tiêu của ông và nó đáp ứng với khát vọng đời sống của họ. Nhưng không, đó
chỉ là chiêu thức cho một mục tiêu ngắn hạn hơn là mục tiêu tối hậu. Bằng kế
hoạch tinh vi, khéo léo, đầy trí tuệ, Gandhi và những thành viên của ông đã
từng bước mở cho người dân Ấn một mục tiêu cao hơn: danh dự của người dân Ấn.
Hành trình muối của ông đã đánh thức cả dân tộc
Ấn. Và đó là mục tiêu CHIẾN LƯỢC (dài hạn) của ông.
Với CHIẾN THUẬT (ngắn hạn) của ông, trong vòng 23 ngày và 386 cây số miệng nói
chân đi, thành viên của ông đã từ con số 78 nâng lên con số 50.000 tại bãi biển
Dandi. Và đó là tập hợp những con người hành động, nhân tố nền tảng của công
cuộc vận động toàn dân giành lại độc lập cho Ấn Độ.
*
(Slobodan Djinovic - Phong trào Otpor - ảnh
VĐH)
Theo thói quen, chúng ta thường chú trọng nhiều vào ước muốn thể hiện qua cái gọi là mục tiêu. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn của một tiến trình tranh đấu lâu dài, ước muốn không tự nó làm nên thành quả. Như Slobodan Djinovic, một thành viên sáng lập Phong trào Otpor chia sẻ khi gặp nhau ở Belgrade "Hãy tập trung vào khả năng và đừng tập trung vào ước muốn".
Xây dựng khả năng, gia tăng thành viên, mở rộng
network, đào tạo kiến thức... là mục tiêu thật sự cho từng chiến dịch ngắn hạn
trong giai đoạn đầu. Mỗi tiến trình của công việc luôn luôn đặt câu hỏi: Việc
này sẽ giúp có thêm bao nhiêu người? Kết quả của kế hoạch có tạo NỀN TẢNG
để mở rộng sự tham gia hay chúng ta lại bắt đầu lại từ đầu mỗi lần trong tương
lai?...
"Đôi khi công việc là phương tiện để tìm
kiếm sự tham gia": Kế hoạch này có những
CÔNG VIỆC để nó là cơ hội cho một số bạn tham gia, lãnh trách nhiệm?
"Đôi khi công việc là cơ hội để gia tăng
kiến thức": Mỗi thành viên học hỏi được gì sau khi làm
những việc này?
"One at a time revolution - and it's a revolution of number" - Hãy làm cách mạng với từng người một và đó là cuộc cách mạng của con số người" Slobodan Djinovic, người lãnh đạo phong trào Otpor thành công, sau đó sang Georgia hỗ trợ phong trào Kmatra! với Cách mạng Nhung, và cuộc Cách mạng Cam tại Ukraine, đã chia sẽ bí quyết thành công của anh như vậy.
Mọi việc làm dù mục tiêu cao cả đến đâu, dù có
gây được khó khăn cho bộ máy độc tài, nhưng sau đó vẫn chừng đó một nhúm người
là một kế hoạch thất bại. Một việc làm dù được dư luận ca ngợi đến đâu (hào
hùng, can đảm, nhiệt tình, yêu nước...) nhưng sau đó gây thêm sự sợ hãi trong
quần chúng cũng không nên xem là một thành công. Làm thế nào để người dân vượt
qua sợ hãi để tham gia mới là mục tiêu, mới là thành công, mới là chiến thắng.
Bài học của Gandhi,
giúp được gì cho chúng ta khi đối chiếu với những gì đã được thực hiện tại Việt
Nam? Câu hỏi này dành chung cho những người đặt trọng
tâm, thì giờ, công sức vào việc chuẩn bị, lập kế hoạch, xây dựng thực lực và
không rành viết tuyên ngôn.
Vũ Đông Hà
danlambaovn.blogspot.com
__________________________________
Bài đã đăng:
danlambaovn.blogspot.com
__________________________________
Bài đã đăng:
No comments:
Post a Comment