Ông Trump sẽ tiêu diệt
‘báo chí phản động’ như thế nào?
Trúc Phương/Người Việt
December
2, 2024 : 5:37 PM
Việc Tổng
Thống Tân Cử Donald Trump bổ nhiệm nhân vật trung thành Kash Patel làm giám đốc
FBI đang gây lo ngại rằng đây là hành động nhằm tấn công và loại bỏ những “kẻ
mưu đồ xấu xa” trong bộ máy chính quyền cũ (Joe Biden) lẫn giới báo chí – vốn
luôn được ông Trump xem là “kẻ thù của nhân dân.”
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/12/Trump-Bao-Chi-BL-scaled.jpg
Tổng
Thống Donald Trump trong một lần tiếp xúc với báo chí tại Tòa Bạch Ốc vào ngày
20 Tháng Mười Một, 2018. (Hình: Alex Wong/Getty Images)
Hãng
tin AP bình luận: “Đây là quả bom tấn mới nhất mà Trump ném vào giới tinh hoa
Washington và là phép thử xem đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện Mỹ sẽ đi xa đến đâu
trong việc phê chuẩn những người được ông đề cử.”
“Tát
cạn đầm lầy”
Cựu
cố vấn an ninh quốc gia của Trump, ông John Bolton, đã so sánh Kash Patel với
người đứng đầu lực lượng cảnh sát mật NKVD của lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin,
và nói với CNN rằng: “Thượng Viện nên bác bỏ đề cử này với tỷ lệ 100-0.”
Năm
2019, Patel có chân trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia trước khi trở thành chánh
văn phòng cho quyền bộ trưởng Quốc Phòng vào cuối nhiệm kỳ đầu của Trump. Nếu
Kash Patel chính thức ngồi ghế giám đốc FBI, một trong những sứ mạng quan trọng
nhất của đương sự là săn lùng và “tiêu diệt” các “nhà báo phản động” – những
người chống đối chính quyền và chỉ trích Donald Trump.
Trong
một chương trình podcast của trùm cực hữu Steve Bannon, Kash Patel – nổi tiếng
là một trong những “chiến binh MAGA” sừng sỏ và cực đoan nhất – nói rằng chính
quyền Trump 2.0 sẽ ưu tiên trả đũa giới truyền thông tự do với các bản án dân sự
lẫn hình sự. “Chúng tôi sẽ tìm ra những kẻ chủ mưu không chỉ trong chính phủ mà
còn trong giới truyền thông,” Patel khẳng định.
Trong
cuốn “Government Gangsters: The Deep State, the Truth, and the Battle for Our
Democracy” xuất bản năm 2023, Patel chỉ trích mạnh mẽ “những đảng viên điên cuồng”
vì chiếm đoạt “bộ máy thực thi pháp luật” chống lại Trump. Cuốn sách của Patel
lên án cái mà ông gọi là “nhà nước ngầm” (deep state) – một thuật ngữ mơ hồ ám
chỉ giới chính trị gia, dân cử, nhà báo, các ông trùm công nghệ, và “những
thành viên của bộ máy quan liêu không được bầu.” Kash Patel gọi đó là “mối đe dọa
nguy hiểm nhất đối với nền dân chủ của chúng ta.”
Trong
cuốn sách, Patel kêu gọi “quét sạch toàn bộ” Bộ Tư Pháp. Ông qui kết Bộ Tư Pháp
thời Biden luôn bảo vệ những nhân vật cấp cao của đảng Dân Chủ, không truy tố
những cá nhân làm rò rỉ thông tin trong chính quyền Trump 1.0, trong khi săm
soi “một cách bất công” vào những người thuộc đảng Cộng Hòa.
Chỉ
vài giờ sau chiến thắng của Donald Trump, Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo, Tổ Chức Phóng
Viên Không Biên Giới, Quỹ Tự Do Báo Chí và Dự Án Ánh Dương Hoa Kỳ (American
Sunlight Project) đã yêu cầu Trump chấm dứt các cuộc tấn công truyền thông; đồng
thời kêu gọi hạn chế quyền lực Trump trong việc bóp miệng báo chí. Lo ngại của
họ không phải vô cớ.
Trong
chiến dịch tranh cử, Trump đã đe nẹt báo chí vô số lần, thường xuyên dùng lời lẽ
cực đoan và hung hãn nhắm vào những người hoạt động trong lĩnh vực truyền
thông. Trump từng nói trước đám đông ở Pennsylvania rằng ông chẳng hề mảy may bận
tâm nếu “đám nhà báo bị bắn.” Ông đệ đơn kiện CBS về “tội” phỏng vấn Phó Tổng
Thống Kamala Harris. Ít nhất 15 lần, ông nói rằng các mạng truyền hình nên bị tịch
thu giấy phép, phải tăng cường kiểm duyệt các hãng tin, rằng bọn nhà báo “chống
đối chính quyền” và “phỉ báng tổng thống” phải bị bỏ tù.
Từ
ngày 1 Tháng Chín đến ngày 24 Tháng Mười, 2024, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên
giới ghi nhận, Trump đã xúc phạm hoặc đe dọa báo chí ít nhất 108 lần. Thái độ
thù ghét báo chí của Trump không có gì lạ. Ông từ lâu gọi phóng viên là “kẻ thù
của nhân dân,” là “những tên khốn dối trá.” Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã yêu cầu
Bộ Tư Pháp giám sát phóng viên, kêu gọi tẩy chay CNN, cấm phóng viên dự họp báo
tại Tòa Bạch Ốc…
Khi
Trump nhậm chức vào năm 2017, chín nhà báo đã bị bắt khi đưa tin về các cuộc biểu
tình ở Washington, DC. Trong bốn năm tiếp theo, hơn 200 phóng viên đã đối mặt
các cáo buộc hình sự vì tội tường thuật những cuộc biểu tình chống Trump. Phần
lớn những cáo buộc này xảy ra vào năm 2020, sau vụ cảnh sát giết chết George
Floyd.
Theo
Kirstin McCudden thuộc Quỹ Tự Do Báo Chí, đó là năm mà làng báo Mỹ chứng kiến
những vụ việc chưa từng có trong lịch sử truyền thông Hoa Kỳ, với 640 vụ nhà
báo bị đánh đập và gần 150 vụ ký giả bị bắt, theo Columbia Journal Review.
Nền
dân chủ chết thảm trong bóng đêm
Với
việc Kash Patel ngồi ghế giám đốc FBI (nếu được Thượng Viện chuẩn y), Bộ Tư
Pháp của “chế độ mới” Trump 2.0 chắc chắn sẽ theo đuổi các cuộc điều tra “rò rỉ
thông tin” (mang nội dung chống Trump hoặc gây bất lợi cho chính quyền Trump).
Trong
Dự Án 2025 (Project 2025) – bản thiết kế chính sách do các thành viên thuộc
chính quyền Trump nhiệm kỳ một soạn thảo, Dustin Carmack (cựu chánh văn phòng của
giám đốc tình báo quốc gia thời Trump 1.0) viết: “Bộ Tư Pháp nên sử dụng tất cả
công cụ có trong tay để điều tra rò rỉ…”
Trong
không khí “Democracy dies in darkness” (motto của tờ The Washington Post), dự
luật “PRESS Act” (Protect Reporters from Exploitative State Spying Act) chắc chắn
chết yểu. Dự luật này cấm chính phủ liên bang buộc các nhà báo và nhà cung cấp
dịch vụ viễn thông (chẳng hạn công ty Internet hoặc hãng điện thoại) phải tiết
lộ thông tin liên quan nguồn (vốn theo luật báo chí là cần được bảo vệ).
Cụ
thể, với “PRESS Act,” nhà báo được quyền không tiết lộ bất kỳ thông tin nào
liên quan việc xác định nguồn tin; không cần phải cung cấp cho chính quyền bất
kỳ hồ sơ, tài liệu, nội dung thông tin liên lạc nào mà các nhà báo thu thập hoặc
tạo ra trong quá trình làm việc. “PRESS Act” cấm chính phủ liên bang sử dụng
trát hầu tòa, lệnh khám xét hoặc những hành động bắt buộc khác để buộc nhà báo
phải tiết lộ nguồn tin.
“PRESS
Act” đã được Hạ Viện thông qua vào Tháng Giêng, 2024, nhưng bị Ủy Ban Tư Pháp
Thượng Viện cản trở, đặc biệt từ Tom Cotton, thượng nghị sĩ Arkansas và đồng
minh của Trump. Tom Cotton nói rằng “có quá nhiều nhà báo chẳng khác gì bọn
cánh tả; đó là những kẻ có thái độ mơ hồ về nước Mỹ và coi thường sự thật lẫn
an ninh quốc gia.” Donald Trump đã yêu cầu đảng Cộng Hòa hủy bỏ “PRESS Act.”
Ngày 20 Tháng Mười Một, trên mạng xã hội Truth Social, Trump viết: “ĐẢNG CỘNG
HÒA PHẢI GIẾT DỰ LUẬT NÀY!”
Trước
viễn cảnh u ám, tờ Columbia Journal Review cảnh báo: “Năm tới (2025), cuộc tấn
công của Trump vào báo chí sẽ là loạt nỗ lực nhằm dập tắt bất kỳ bài báo nào mà
ông ta coi là chống đối chính quyền. Việc tiếp cận Chái Tây Tòa Bạch Ốc sẽ bị hạn
chế. Người ta có thể chỉ cấp giấy phép cho những nhà báo thuộc các kênh truyền
thông bảo thủ, hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn phòng họp báo Tòa Bạch Ốc.”
Tệ
hại hơn, Bộ Tư Pháp và Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang sẽ chống lại giới truyền
thông, chính trị hóa giấy phép phát sóng, mở hồ sơ kiện với danh nghĩa “chống độc
quyền,” nhà báo có thể bị buộc tội gián điệp, phóng viên đưa tin về các cuộc biểu
tình và thực thi luật nhập cư có thể đối mặt việc bị giam giữ không chỉ từ cảnh
sát địa phương mà còn từ Bộ Nội An. Ngoài ra, có khả năng Trump tìm kiếm sự ủng
hộ từ Quốc Hội để sửa đổi luật phỉ báng hoặc hình sự hóa những ý kiến bất đồng.
Trung
tuần Tháng Mười Một, Donald Trump đã đề cử Brendan Carr giữ chức chủ tịch Ủy
Van Truyền Thông Liên Bang (FCC). Nhân vật được Trump gọi là “chiến binh vì quyền
tự do ngôn luận” này từ lâu đã dọa trừng phạt các hãng truyền hình vì tội kiểm
chứng (fact check) những gì ông nói hoặc dành thời lượng phát sóng cho các đối
thủ chính trị của Trump, bất chấp rằng việc trấn áp báo chí như vậy vi phạm Tu
Chính Án Thứ Nhất. Theo truyền thống, FCC luôn tránh quản lý nội dung phát sóng
của các đài phát thanh và truyền hình, ngoại trừ trong những trường hợp nghiêm
trọng. Gần đây, Brendan Carr đã viết thư gửi đến các công ty lớn như Facebook
và Google để gây sức ép buộc họ ngừng hợp tác với NewsGuard, một tổ chức phi đảng
phái có sứ mạng giúp người dân chọn lọc tin tức và thông tin tin cậy.
FCC
dưới thời Carr sẽ có khả năng thu hồi giấy phép phát sóng của các hãng truyền
thông, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử truyền thông Hoa Kỳ. Cho đến nay,
không có quy trình cấp phép nào cho các mạng lưới phát sóng quốc gia nhưng các
chi nhánh địa phương phải chứng minh với FCC rằng chương trình của họ phục vụ
“lợi ích công cộng,” rằng sự hiện diện của họ là “cần thiết” và mang lại những
“tiện ích” nhất định. Tuy nhiên, FCC có toàn quyền quyết định như thế nào là “lợi
ích công cộng.”
Brendan
Carr chính là tác giả của một chương về FCC trong Dự Án 2025 (Project 2025),
trong đó ông nhấn mạnh FCC cần phải quản lý các công ty công nghệ lớn như
Apple, Meta, Google và Microsoft.
Tất
cả cho thấy viễn cảnh một bức tranh “khủng bố báo chí” y hệt những gì xảy ra tại
các nước độc tài phi dân chủ như Bắc Hàn, Trung Quốc, Việt Nam,… những nơi mà
báo chí chỉ được phép nói một chiều, những nơi mà nhà báo phải ngoan ngoãn và
xu nịnh, nếu không muốn bị ngồi tù với cái mũ bị chụp trên đầu là “phản động”
và “chống đối chính quyền.”
No comments:
Post a Comment