Tuesday, 3 December 2024

MẤT CHÍNH SÁCH ĐẶC CÁCH LÀM NGƯỜI THIỂU SỐ GẶP KHÓ TRONG ĐẠI HỌC (Thiện Lê / Người Việt)

 



Mất chính sách đặc cách làm người thiểu số gặp khó trong đại học

Thiện Lê/Người Việt

December 2, 2024 : 3:29 PM

 https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/mat-chinh-sach-dac-cach-lam-nguoi-thieu-so-gap-kho-trong-dai-hoc/

 

SAN FRANCISCO, California (NV) – Vào mùa Hè năm ngoái, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ xóa bỏ luật chính sách đặc cách (Affirmative Action), làm nhiều đại học không cân nhắc chủng tộc hay sắc dân là một yếu tố để tuyển sinh viên nữa. Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức hội thảo hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Sáu, để nhìn lại những ảnh hưởng của quyết định đó sau một năm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/06/DP-chinh-sach-dac-cach-sinh-vien-1-1536x1024.jpg

Sinh viên Mỹ đang gặp nhiều khó khăn vì mất chính sách đặc cách. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

 

Sau khi Tối Cao Pháp Viện thông qua quyết định về chính sách đặc cách, các đại học khắp Hoa Kỳ có một năm đầy khó khăn, tuy thông số cho thấy có nhiều người thiểu số nộp đơn nhiều hơn trước.

 

Xu hướng đó không được chú ý đến nhiều vì tình trạng trợ cấp học phí liên bang (FAFSA) gặp nhiều vấn đề như cấp cho sinh viên chậm và bị nhiều lỗi kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến việc nộp đơn của nhiều sinh viên thiểu số.

 

Các chuyên gia và các nhà hoạt động trong cộng đồng thiểu số có mặt tại buổi hội thảo nói về những xu hướng họ đang thấy, nói về cách các đại học thay đổi và nói về tương lai của giáo dục Hoa Kỳ trong khi nhiều người Mỹ không tin tưởng vào hệ thống đại học cao đến mức kỷ lục.

 

Diễn giả đầu tiên là Tiến Sĩ Vikash Reddy, giám đốc nghiên cứu chính sách của tổ chức The Campaign for College Opportunity.

 

Ông cho biết FAFSA đang ảnh hưởng đến khả năng nộp đơn của sinh viên, và làm nhiều đại học phải dời lại hạn chót để sinh viên nộp đơn vì không biết FAFSA sẽ ra sao. Những ảnh hưởng đó nghiêm trọng hơn đối với sinh viên thiểu số.

 

Việc xóa bỏ chính sách đặc cách còn ảnh hưởng đến các chương trình tạo ra đa văn hóa, còn tạo ra nhiều vấn đề pháp lý cho đại học. Về việc trợ cấp học phí gặp nhiều vấn đề, điều đó làm các đại học không muốn tạo ra các học bổng dành riêng cho người thiểu số nữa.

 

Ông Reddy còn cho hay mất đi chính sách đặc cách làm đại học đóng cửa các trung tâm dành cho người thiểu số hay người LGBTQ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/06/DP-chinh-sach-dac-cach-sinh-vien-2-1536x1096.jpg

Các đại học đang gặp nhiều vấn đề trong việc giúp sinh viên ghi danh. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

 

Vì vậy, ông cho rằng việc vận động để cải cách đại học rất quan trọng, cần phải dựa vào nhiều yếu tố khác ngoài điểm số để tuyển sinh viên vì ai cũng có hoàn cảnh khác nhau.

Diễn giả thứ hai là ông John C. Yang, chủ tịch tổ chức Thúc Đẩy Công Lý Người Mỹ Gốc Á (AAJC), cho biết quyết định của Tối Cao Pháp Viện làm nước Mỹ mất đi nhiều tiến bộ, làm hại đến các cộng đồng thiểu số, và cho rằng chính phủ phải đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự công bằng.

 

Theo ông, ảnh hưởng của việc mất chính sách đặc cách rất lớn, là một cách tấn công các cộng đồng thiểu số, và không nên được coi là một nỗ lực để giúp đỡ như nhiều người nghĩ. Ông còn cho rằng mục đích của quyết định đó là tách rời người Á Châu ra khỏi các cộng đồng thiểu số khác.

 

Về các đại học, ông cho biết đại học đang gặp khó khăn về quá trình ghi danh, còn sinh viên thì không biết phải điền thông tin gì vào đơn ghi danh và họ không muốn nộp đơn cho một số trường vì không bằng lòng với cách nhìn về sự đa văn hóa của những trường đó.

 

Ông Yang cũng cho biết người Á Châu lúc nào cũng được xem là cộng đồng thiểu số gương mẫu vì thành đạt hơn, khiến nhiều người nghĩ việc mất chính sách đặc cách không ảnh hưởng đến cộng đồng này, nhưng thật ra họ rất cần vì không phải ai cũng khá giả, và họ vẫn cần nhiều phúc lợi từ chính phủ.

 

Vì vậy, ông nhấn mạnh việc đại diện cho các cộng đồng thiểu số vô cùng quan trọng để chống lại sự kỳ thị trong giáo dục, trong chỗ làm và trong kinh doanh.

 

Diễn giả thứ ba là bà Jin Hee Lee, giám đốc chiến lược của NAACP Legal Defense Fund, cho biết những ai có hiểu biết về pháp lý sẽ hiểu quyết định của Tối Cao Pháp Viện chỉ tập trung vào đại học, nhưng trong một năm vừa qua ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác.

 

Quyết định đó tạo ra một suy nghĩ sai lầm là nước Mỹ đầy cơ hội công bằng và không có kỳ thị chủng tộc. Điều đó khiến những nhà điều hành đại học không muốn thúc đẩy những chính sách có lợi cho sinh viên thiểu số vì có thể bị tố cáo kỳ thị.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/06/DP-chinh-sach-dac-cach-sinh-vien-3-1536x1024.jpg

Mất chính sách đặc cách làm mất đi sự đa văn hóa trong đại học. (Hình minh họa: Jeff Kowalsky/AFP via Getty Images)

 

Không chỉ vậy, sự khác biệt về số sinh viên thuộc các sắc dân khác nhau làm nhiều người nghĩ sinh viên thuộc một sắc dân tài giỏi hơn người khác, và tình trạng đó còn xảy ra ở nơi làm việc chứ không chỉ có ở đại học.

 

Vì vậy, bà Lee nhấn mạnh chính sách đặc cách là cách duy nhất để bảo đảm sự công bằng trong việc nộp đơn vào đại học hay tìm việc làm.

 

Cuối cùng là ông Thomas A. Saenz, nhắc lại những điểm mà ba diễn giả trước đưa ra, sau đó cho biết số sinh viên gốc Latino nộp đơn ngày càng giảm, nhưng vì dân số gốc Latino đang tăng nên không thấy rõ được ảnh hưởng của việc mất đi chính sách đặc cách đối với cộng đồng này. [đ.d.]

Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats