Thursday 1 September 2022

PHẪU THUẬT KÉO DÀI CHÂN : KHÔNG PHẢI CỨ CHÂN DÀI LÀ ĐẸP (Thanh Niên Online)

 



Phẫu thuật kéo dài chân: Không phải cứ chân dài là đẹp  

Thanh Niên Online

04:00 - 31/08/2022

https://thanhnien.vn/phau-thuat-keo-dai-chan-khong-phai-cu-chan-dai-la-dep-post1491394.html

 

Theo các chuyên gia, không phải cứ chân dài là đẹp mà tỷ lệ giữa chân và thân phải hài hòa. Do đó nếu không quá thấp thì cũng không nên phẫu thuật kéo dài chân, bởi những biến chứng có thể xảy ra và đau đớn mà người bệnh phải chịu.

 

Tỷ lệ giữa chân và thân phải hài hòa

 

Bác sĩ Calvin Q Trịnh, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM (Bệnh Viện 1A), cho biết không phải cứ chân dài là đẹp mà tỷ lệ giữa chân và thân phải hài hòa. Người ta rất dễ nhận ra sự thiếu cân đối của người chân dài lưng ngắn hoặc ngược lại.

 

Thông thường dễ hình dung tỷ lệ chân và cơ thể chuẩn từ 50-52%. Ngoài ra, để biết tỷ lệ đôi chân là dài, ngắn hay vừa vặn so với cơ thể, người ta cũng có thể áp dụng công thức chỉ số Skelie.

 

Tin liên quan

Phẫu thuật kéo dài chân: Những cơn đau buốt xương và nhiều đêm thức trắng

 

Chỉ số Skelie = (chiều cao đứng - chiều cao ngồi) : chiều cao ngồi x 100. Để đo chiều cao ngồi, bạn cần ngồi thẳng, dựa sát tường, đo từ nền tới đỉnh đầu.

 

Khoảng 85-89 là chân vừa phải, trên từ 90 được xem là chân dài.

 

Nếu biết cách làm cho cơ thể cân đối, hay dùng giày cao gót cũng là một cách giúp bạn cao hơn, đẹp hơn. Bên cạnh đó, việc chỉnh vóc dáng, tư thế xấu cũng có thể giúp bạn cao hơn 2-5 cm tùy tình trạng bệnh nhân và việc này cũng tốt cho sức khỏe và chức năng hệ cơ xương khớp.

 

Cho nên bạn nào chiều cao thấp, nhưng thuộc người “chân dài” thì việc kéo dài chân thêm 7-10 cm thay vì làm đẹp lại trở nên mất cân đối giữa chân và thân, đặc biệt khi mặc đồ thể thao, đồ ngắn hoặc bikini sẽ làm cho các bạn trở nên tự ti thay vì tự tin. Các bạn thấp thuộc người chân ngắn thì việc kéo dài chân sẽ phù hợp hơn.

 

"Cần phân biệt các trường hợp bệnh nhân có dị tật hay bệnh lý thì việc kéo dài chân là phần điều trị chứ không phải nhu cầu thẩm mỹ đơn thuần. Tuy nhiên bất kỳ cuộc đại phẫu nào cũng có các biến chứng và không có tỷ lệ thành công tuyệt đối", bác sĩ Calvin Q Trịnh cho biết.

 

https://image.thanhnien.vn/w2048/Uploaded/2022/hfrqy/2022_08_24/d681aecff78632d86b97-5607.jpeg

Một ca đang tập luyện phục hồi chức năng sau phẫu thuật kéo dài chân.  nvcc

 

Các biến chứng có thể có khi phẫu thuật kéo dài chân

 

Theo tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Thủy, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, tỷ lệ tăng chiều cao phải tỷ lệ thuận với chiều cao đã có trước đó, nếu một người đã cao 170 cm thì có thể lên tối đa 180 cm, nhưng người cao 150 cm muốn tăng lên 165 cm thì rất khó khăn. Cần phải có sự cân đối giữa cơ thể và chiều dài của chân.

 

Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, một biến chứng chắc chắn gặp sau phẫu thuật kéo dài xương chân là các mô mềm như gân, cơ, dây chằng và dây thần kinh, đặc biệt hệ cơ gặp nhiều tổn thương và không co giãn tương quan theo quá trình nhân tạo dài ra của xương. Có các triệu chứng co cứng, bó chặt ở chân, lệch vẹo cơ xương khớp dẫn đến chân không vững, đau kéo dài. Nếu không điều trị hiệu chỉnh cơ xương khớp tốt sẽ dẫn đến lệch vẹo toàn thân.

 

Bác sĩ Đinh Văn Thủy cho biết, ông đã thực hiện kỹ thuật kéo dài chân từ những năm 1993. Phẫu thuật kéo dài chân về cơ bản là sự kích thích các mô xương mới, giúp phát triển xương có điều kiện.

 

https://image.thanhnien.vn/w2048/Uploaded/2022/hfrqy/2022_08_24/f1b69ce4ca830fdd5692-759.jpeg

Bác sĩ Đinh Văn Thủy chụp ảnh cùng chàng trai kéo dài chân từ 170 cm lên 181 cm.  bscc

 

Bác sĩ Thủy khuyến cáo các bạn trẻ có ý định phẫu thuật kéo dài chân, cần tìm hiểu kỹ càng, chọn cơ sở có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm, lắng nghe kỹ tư vấn bác sĩ để đảm bảo an toàn trong quá trình phẫu thuật và hậu phẫu.

 

Tuy đây không phải là phẫu thuật phức tạp nhưng vẫn có thể xảy ra nhiều biến chứng, nhiễm trùng, tổn thương mạch máu thần kinh thậm chí là tử vong. Sau phẫu thuật cũng cần có người hỗ trợ để quá trình phục hồi tốt hơn.

 

"Do đó nhiều trường hợp giấu gia đình, không có người thân bên cạnh hoặc không đủ điều kiện phẫu thuật, tôi buộc phải từ chối", bác sĩ Thủy cho biết.

 

=======================

 

Sau phẫu thuật kéo dài chân người bệnh cần quan tâm điều gì?

 

Theo BS.CKI Nguyễn Văn Minh - Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, bất tiện lớn nhất của người bệnh sau phẫu thuật là sự hạn chế vận động trong một thời gian khá dài. Việc mang khung cố định ngày nay ít nhiều đã “dễ thở” hơn nhiều năm trước, thời điểm đó, bệnh nhân phải mang một chiếc khung cố định, cồng kềnh trong thời gian dài.

 

Với phương pháp phẫu thuật hiện nay người bệnh chỉ cần phải đeo khung trong thời gian khoảng 3 tháng, sau đó sử dụng đinh nội tủy. Điều này không những giúp người bệnh thuận tiện hơn trong cuộc sống sinh hoạt mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ gây nhiễm trùng.

 

Phẫu thuật kéo dài chân không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của người thực hiện như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới. Do đó, cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài. Khi cơ xương khớp đã ổn định, đã tập luyện tốt, chi sẽ được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân đi lại sinh hoạt bình thường.

 

Để quá trình phục hồi được thuận lợi, bác sĩ Minh khuyên bệnh nhân nên tuân thủ lời khuyên của bác sĩ phẫu thuật, đồng thời có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung thêm canxi để đảm bảo xương được tái tạo theo đúng lộ trình.

 

--------------------

Tin liên quan

·         Đã bổ sung canxi, tại sao bé vẫn thấp lùn?

·         Phẫu thuật kéo dài chân: Những cơn đau buốt xương và nhiều đêm thức trắng

·         Phẫu thuật kéo dài chân: Tốn hàng trăm triệu đồng mong thay đổi ngoại hình





No comments:

Post a Comment

View My Stats