Thursday 1 September 2022

'BỐC THĂM KÊ KHAI ĐỂ CHỐNG THAM NHŨNG' LAN ĐẾN ĐÀ NẴNG! (RFA)

 



'Bốc thăm kê khai để chống tham nhũng' lan đến Đà Nẵng!

RFA
2022.08.31

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lottery-for-declaration-of-assets-cannot-fight-corruption-08312022124713.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lottery-for-declaration-of-assets-cannot-fight-corruption-08312022124713.html/@@images/83e8d4db-7ee6-457a-8d69-bfada5142bef.jpeg

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây.  AFP PHOTO

 

Mới đây thành phố Đà Nẵng đã tổ chức bốc thăm chọn cán bộ để xác minh tài sản kê khai, một biện pháp đã được tiến hành tại Hà Nội trước đó chừng một tuần và bị công luận chỉ trích.

 

Cụ thể, Thanh tra thành phố Đà Nẵng hôm 30/8 cho báo chí nhà nước biết đã tổ chức bốc thăm và xác định được 5 trong số 29 cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 theo quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

 

Một người dân Đà Nẵng, bà Huỳnh Hằng cho RFA biết ý kiến của mình hôm 31/8:

 

“Tôi không đồng ý bốc thăm và dựa vào sự may rủi, bởi mọi thứ rất rõ ràng để nhận thấy bản chất của một quan tham, tất cả cán bộ giàu lên nhanh chóng đều sẽ bị điều tra, đó là bắt buộc. Sẽ có sự gian lận khi bỏ phiếu, nếu như hội đồng muốn trừ khử đối phương. Điều cần là nên đắn đo lựa chọn người thật sự tốt để đủ cầm cương trong nhiệm vụ thanh tra cán bộ, người này nếu được dân bầu thì tốt nhất bởi vì dân rất hiểu rõ cán bộ là ai.”

 

Tin cho biết, năm cán bộ được chọn gồm ba người là cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư và hai người là cán bộ Nhà xuất bản Tổng Hợp Đà Nẵng. Giải thích về cách bốc thăm này, Thanh tra thành phố Đà Nẵng cho rằng tiêu chí lựa chọn người được chọn xác minh là người có nghĩa vụ kê khai…  thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.

 

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục Tình báo quân đội - Tổng cục II, nhận định với RFA hôm 31/8 về việc bốc thăm chọn cán bộ phải xác minh tài sản:

 

“Về Đà Nẵng, tôi thấy việc bốc thăm chọn cán bộ để xác minh tài sản rõ ràng có sự bất thường. Thành phố này có cả trăm cơ quan, cả ngàn cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản, tại sao năm lá thăm được bốc ra dồn cả về hai cơ quan?”

 

Ông Vũ Minh Trí cho rằng, ở Việt Nam vấn đề chủ yếu là không có cơ quan độc lập để giám sát việc bốc thăm. Do đó, ông chưa thấy cơ sở nào để tin rằng chúng sẽ được tiến hành một cách khách quan, nghiêm túc. Theo ông Trí, những cán bộ có tài sản bất minh nhờ tham ô, tham nhũng luôn có trăm phương ngàn kế để giấu tội, chối tội. Vì vậy muốn hiệu quả, phải có giám sát độc lập, trước hết là sự giám sát độc lập của người dân.

 

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trong văn bản hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… gửi tới các ban ngành, địa phương vào năm 2021 nêu rõ: những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Trong khi đó, Đà Nẵng chỉ bốc thăm và xác định được năm trong số 29 cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập năm 2022.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lottery-for-declaration-of-assets-cannot-fight-corruption-08312022124713.html/fc8ece4d-c80d-4c2b-875f-26fba5b50b59.jpeg/@@images/0de99ac9-e213-4224-92b3-a8fc140cc0c3.jpeg

Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị ASEAN tại Hà Nội ngày 12/11/2020. AFP.

 

Trước đó, vào ngày 25/8, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Theo đó, người được xác minh tài sản, thu nhập tại mỗi đơn vị cũng được lựa chọn bằng hình thức bốc thăm. Mục đích của kế hoạch này theo cơ quan chức năng Hà Nội là để kiểm tra, làm rõ tính chính xác, trung thực các nội dung trong bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ.

 

Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 31/8 liên quan vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống - một cựu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam - cho biết ý kiến của mình:

 

“Tôi vừa nghe chuyện này, tôi cũng rất ngạc nhiên, nói chung là tôi không tán thành. Ai mà lại đề ra các kiểu bốc thăm may rủi như thế, chẳng ra thế nào cả. Đây không phải là cách làm việc của những con người chính đảng, đây là thủ đoạn, chẳng biết thế nào. Tôi thì cũng chưa gặp nhiều người, nhưng đọc trên báo riêng thì riêng cá nhân tôi tôi không tán thành chuyện bốc thăm để kê khai tài sản. Theo tôi việc làm này có tính chất đối phó. Chuyện kê khai tài sản đúng ra phải làm minh bạch rõ ràng mà họ lại bốc thăm, đáng lẽ ra là từ trên xuống dưới chỉ định ra những người nào cần phải kê khai thì kê khai chứ không phải như vậy.”

 

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ khi trao đổi với RFA qua tin nhắn từ Na Uy hôm 31/8, cho rằng:

 

“Chuyện bốc thăm để xác minh tài sản nó sẽ dễ dàng diễn ra trường hợp ‘chạy thăm’ khi những người không muốn bị xác minh tài sản sẽ bỏ tiền thuê người không có tài sản đáng kể lấy thăm. Nếu chính sách xác minh tài sản là để loại bỏ tham nhũng thì đúng ra phải là xác minh tất cả cán bộ, và mọi người đều như nhau trước các chính sách và pháp luật. Nhưng tại sao Đảng Cộng sản không làm điều này? Đó là bởi vì nếu xác minh cặn kẽ thì cán bộ nào cũng có vấn đề. Làm triệt để thì khác gì tay trái đánh tay mặt, tổ chức sẽ hỗn loạn. Vì vậy không có chuyện Đảng Cộng sản chống tham nhũng, mà chỉ là những trình diễn nhằm lấy lòng thiên hạ.”

 

Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào cuối năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Có nhiều ý kiến nghi ngờ cho rằng, vì chỉ có quan chức là đảng viên Đảng Cộng sản mới tham nhũng, do đó nếu công khai sẽ làm cho người dân mất tin tưởng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, càng không công khai, lại càng chứng tỏ không minh bạch. 

 

-----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·         19 hành vi cần phòng, chống đối với đảng viên: bổn cũ soạn lại!

·         Cán bộ nộp tiền tham ô để tránh án hình sự: Công lý ở đâu?

·         Mắt dân có thể thành đèn pha soi tham nhũng?

·         Lập lại ban chỉ đạo cấp tỉnh/thành có giúp xóa được tham nhũng?

·         Bảo vệ người tố giác tham nhũng: bao giờ mới đảm bảo?





No comments:

Post a Comment

View My Stats