Thursday 1 September 2022

PHẬT GIÁO VIỆT NAM SẼ CỨU NGUY CHO VĂN HÓA VIỆT NAM (Jackhammer Nguyễn)

 



Phật giáo Việt Nam sẽ cứu nguy cho văn hóa Việt Nam

Jackhammer Nguyễn

01/09/2022

https://baotiengdan.com/2022/09/01/phat-giao-viet-nam-se-cuu-nguy-cho-van-hoa-viet-nam/

 

Giữa những ồn ào thị phi “cúng vong giải hạn, phóng sinh, cúng dường” rất vĩ đại tại Việt Nam trong tháng bảy âm lịch, đài BBC tiếng Việt cho ra một video rất nhẹ, chỉ có năm phút, về chuyện hai bạn trẻ từ Việt Nam, một người nói giọng Bắc, một người nói giọng Nam, đến tu viện Làng Mai tại Thái Lan tập thiền trong tĩnh lặng, nhằm tìm cho mình một cuộc sống hạnh phúc hơn.

 

Câu chuyện cho chúng ta một hy vọng le lói về Phật giáo Việt Nam, xã hội Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong một không khí trầm cảm “Ba Vàng, Bái Đính, Đại Nam”, những đền đài gọi là “tâm linh” vô cùng hoành tráng hiện nay.

 

Làng Mai tại Thái Lan là một cơ sở tu tập thiền Phật giáo theo một pháp môn do thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập từ thập niên 1980, khi ông buộc phải lưu vong sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Ông trở thành một gương mặt lớn của Phật giáo thế giới đương đại, với hàng chục ngàn người thực tập pháp môn Làng Mai, thuộc đủ chủng tộc trên thế giới.

 

Câu chuyện về thiền sư Nhất Hạnh, cũng giống như câu chuyện về đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng, trong đó sự đàn áp của chế độ toàn trị góp phần làm cho Phật giáo suy sụp trong nước, lại cũng là nguyên nhân làm cho những tinh hoa của thiền tông Việt Nam, mật tông Tây Tạng, đến với nhân loại.

 

Thiền sư Nhất Hạnh có quay về Việt Nam thiết lập cơ sở cho Làng Mai trong thập niên 2000, nhưng chế độ cộng sản trong nước lo sợ ông sẽ lấn át thế lực của họ và của “giáo hội” nhà nước, cho nên công cuộc đó bị thất bại. Những thông tin tiết lộ sau đó cho biết nguyên nhân chính là do ông yêu cầu chính quyền Việt Nam bãi bỏ công an tôn giáo. Ông chỉ được về Việt Nam vào phút cuối để ra đi.

 

Trong video của BBC, người thanh niên nói rằng anh ước ao có được một cơ sở Làng Mai ở trong nước. Quan sát hình ảnh đám tang của thiền sư Nhất Hạnh hồi năm 2021 tại Huế, người ta thấy hình ảnh những thanh thiếu niên trong nước ăn mặc y phục của Làng Mai, mặc dù pháp môn này vẫn chưa được nhà cầm quyền cho phép hoạt động ở Việt Nam.

 

Trong số các đệ tử của thiền sư Nhất Hạnh, hiện nay có thượng tọa Thích Pháp Hòa ở Canada là gương mặt nổi bật. Đây là một hiện tượng lớn của Phật giáo Việt Nam đương đại, với hàng triệu người sống xa quê hương, với phương tiện internet nối mạng toàn thế giới. Những buổi pháp thoại của thượng tọa Pháp Hòa thu hút hàng trăm ngàn người nghe, đủ mọi lứa tuổi, từ trong nước ra đến hải ngoại, có cả người nước ngoài, lẫn những người Việt thuộc những tôn giáo không phải Phật giáo.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/09/1.jpg

Thượng tọa Thích Pháp Hòa. Nguồn: Chùa Phước Quang

 

Dù mức độ phát triển chưa bằng “tổ đình” của mình là Làng Mai, nhưng sự cuốn hút của thượng tọa Pháp Hòa lại nằm trong tầng lớp người Việt bình dân hơn. Việc này góp phần chấn hưng tâm thức cho đại chúng người Việt, nhen lên một tia hy vọng thoát khỏi điều mà Phật giáo gọi là vô minh, đang tàn phá xã hội và văn hóa Việt Nam sau hàng thế kỷ hủ lậu của Khổng nho, gần một thế kỷ của cái gọi là “dân chủ tập trung” của Đảng Cộng sản.

 

Nếu như Làng Mai và thượng tọa Pháp Hòa đều có sự thuận lợi là phát triển từ những cơ sở hải ngoại, nơi không có sự áp bức về tinh thần như trong nước, thì trường hợp của pháp môn thiền tông Trúc Lâm trong nước là điều thú vị.

 

Thiền phái Trúc Lâm vốn được đức vua Trần Nhân Tôn sáng lập vào thế kỷ thứ 13. Cũng như tất cả những môn phái Phật giáo khác, Trúc Lâm cũng trải bao thăng trầm, trong đó sự trầm lắng dường như nhiều hơn. Nhưng có thể tình hình đã thay đổi, tạo nên một tia hy vọng le lói.

 

Về mặt chính thức, hòa thượng Thích Thanh Từ, người đứng đầu phái thiền Trúc Lâm Việt Nam là phó pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đảng Cộng sản kiểm soát. Nhưng người ta rất ít thấy ông xuất hiện ở những buổi lễ lạc hoành tráng do Đảng và Nhà nước CSVN tổ chức. Một số nhân vật trong Trúc Lâm biết nhiều về ông, nói với tôi rằng về mặt hình thức ông chịu sự “cai quản” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng thực sự thì ông độc lập trong việc phát triển đạo pháp của mình.

 

Hòa thượng Thích Thanh Từ là một nhân vật rất thu hút của xã hội Việt Nam hiện đại. Một trí thức ở Sài Gòn có nói đùa với tôi rằng, nếu hòa thượng Thanh Từ không đi tu và sinh trưởng ở Mỹ, thì ít nhất ông cũng là một giám đốc giao tế nhân sự (PR) của một đại công ty. Hiện nay phái Trúc Lâm có gần 100 chùa và tu viện, mà một phần ba nằm ở hải ngoại. Ông đã từng bị chống đối ở hải ngoại, tuy nhiên sự chống đối ấy hiện không còn nữa, và ông cũng từng nói rằng ông không thuyết pháp dưới bất cứ ngọn cờ nào. Những mạnh thường quân của Trúc Lâm rất đa dạng, từ những trí thức phật tử người Việt hải ngoại cho đến đại sứ Lê Văn Bàng, đại sứ đầu tiên của nhà nước cộng sản VN ở Mỹ.

 

Liệu Làng Mai, thượng tọa Pháp Hòa, hòa thượng Thanh Từ … cùng hàng triệu người Việt theo chân các vị ấy có thành công trong việc vực dậy văn hóa và xã hội Việt Nam hay không?

 

Liệu Phật giáo Việt Nam có được như hy vọng mà hòa thượng Thích Trí Quang ghi lại trong hồi ký cuối đời của mình, rằng tất cả những việc làm của ông là để lại cho hậu thế một chút gì đó của Phật giáo Việt Nam?

 

Khó chứ không dễ, nhưng chẳng phải là có những tướng cướp thời Đức Thích Ca còn tại thế, đã buông dao mà thành Phật hay sao!





No comments:

Post a Comment

View My Stats