Sunday 20 March 2022

VÌ SAO KYIV CHỐNG CỰ QUÂN XÂM LƯỢC ĐẾN CÙNG, CÒN SÀI GÒN THÌ KHÔNG? (Vann Phan / Người Việt)

 



Vì sao Kiev chống cự quân xâm lược đến cùng, còn Sài Gòn thì không?

Vann Phan/Người Việt

March 20, 2022

https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/vi-sao-kiev-chong-cu-quan-xam-luoc-den-cung-con-sai-gon-thi-khong/

 

SANTA ANA, California (NV) – Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine do ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, phát động từ hôm 24 Tháng Hai, nhằm xóa sổ chính quyền hợp pháp của ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, và sáp nhập quốc gia nhỏ bé này vào Liên Bang Nga tuy vẫn còn đang tiếp diễn nhưng các lực lượng Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu cuối cùng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/CCB-Kiev-chong-xam-luoc-1-1068x712.jpg

Ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, trong buổi nói chuyện truyền hình với các đại biểu Quốc Hội Mỹ, ngày 16 Tháng Ba. (Hình: J. Scott Applewhite/Pool/AFP via Getty Images)

 

Sau hơn ba tuần lễ giao tranh ác liệt vào các thành thị lớn trong nước, từ Kharkiv, Kramatorsk, Kherson, Odessa, Mariupol… cho tới thủ đô Kiev, bằng đủ mọi loại hỏa lực mà kỹ nghệ vũ khí của Nga có thể chế tạo được trong thời đại này, nhưng quân đội Ukraine vẫn đáp trả mạnh mẽ.

 

Cho tới nay, dù không được các lực lượng Hoa Kỳ và Khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trực tiếp yểm trợ trên chiến trường như mọi người từng mong đợi, nhưng các lực lượng quân đội, dân quân và chiến binh ngoại quốc tình nguyện, dưới quyền lãnh đạo của vị tổng thống Ukraine kiêu hùng, đã ngăn chặn được phần lớn những mũi tấn công ác liệt của quân Nga.

 

Mặc cho các áp lực hết sức nặng nề của quân Nga trên khắp các mặt trận, với mục đích khiến chính quyền và quân đội Ukraine phải tháo chạy, Tổng Thống Zelensky cùng các lực lượng do ông chỉ huy vẫn nhất định không chịu đầu hàng quân Nga trong bất cứ tình huống nào.

 

Tại Đông Nam Á, gần nửa thế kỷ trước đó, vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền của Tổng Thống Dương Văn Minh, đã buông súng đầu hàng quân đội Cộng Sản Bắc Việt khi các lực lượng Cộng Quân bao vây chặt chẽ thủ đô Sài Gòn và sẵn sàng san bằng thành phố này để giành chiến thắng. Chỉ hơn ba tháng trời Cộng Sản Bắc Việt khởi sự cuộc tổng tấn công đánh chiếm miền Nam Việt Nam, cuộc chiến tranh tự vệ của Việt Nam Cộng Hòa khởi sự từ hơn một thập niên trước đó nay dưới quyền của Tổng Thống Minh đã trở nên yếu ớt.

 

Kết quả gần như khác biệt hẳn nhau của hai cuộc chiến tranh từ bên trời Đông và bên trời Tây là hậu quả tất nhiên của sự khác biệt rõ rệt trong mục tiêu cũng như đặc tính và bối cảnh của hai cuộc chiến tranh kể trên.

 

Chiến tranh Nga-Ukraine khác với chiến tranh Việt Nam

 

Về mục tiêu, cuộc chiến tranh đánh chiếm miền Nam Việt Nam của các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt là nhắm hoàn thành sứ mạng bành trướng ý thức hệ và vùng ảnh hưởng của Khối Cộng Sản Quốc Tế, do Liên Xô và Cộng Sản Trung Hoa cầm đầu, đúng như lời thú nhận của ông Lê Duẩn, tổng bí thư đương thời của đảng Cộng Sản Việt Nam, đảng cầm quyền duy nhất tại miền Bắc Việt Nam từ sau Hiệp Định Geneva 1954.

 

Trong khi đó, mục tiêu của nhà lãnh đạo Nga khi đưa quân xâm lăng nước láng giềng Ukraine là để tiêu diệt nước Cộng Hòa Ukraine và sáp nhập nước này vào lãnh thổ Liên Bang Nga, bởi vì từ sau cuộc Cách Mạng Tháng Mười Nga năm 1917 cho tới năm 1991 (năm Ukraine tuyên bố độc lập), Ukraine vẫn nằm dưới quyền cai trị của chính quyền Cộng Sản trung ương tại Moscow.

 

Về đặc điểm, cho dù cuộc xung đột Nam-Bắc tại Việt Nam trong thế kỷ trước vẫn được gọi là cuộc xung đột Quốc-Cộng hay cuộc chiến chống Cộng Sản để bảo vệ Thế Giới Tự Do đi chăng nữa, đây chính là một cuộc nội chiến để giành quyền cai trị đất nước của người Việt Cộng Sản tại miền Bắc chống lại người Việt Quốc Gia tại miền Nam, do phía miền Bắc nắm phần chủ động gây chiến, trong khi phía miền Nam thì chỉ đánh trả để tự vệ mà thôi.

 

Trái lại, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine hiện nay là cuộc chiến tranh xâm lược của Liên Bang Nga khổng lồ chống lại nước láng giềng Uktraine nhỏ bé, với mục đích cuối cùng của nhà lãnh đạo Điện Kremlin là phục hồi một nước Nga bao la như từng hiện hữu dưới thời các Sa Hoàng và thời Cộng Sản Liên Xô.

 

Về bối cảnh cuộc chiến, cuộc tổng tấn công đánh chiếm Sài Gòn của Cộng Quân hồi năm 1975 là một biến cố có thể đoán trước được. Cuộc chiến dựa theo một chuỗi những sự kiện liên tục xảy ra từ khi đảng Cộng Sản Đông Dương do ông Hồ Chí Minh thành lập hồi năm 1930 tại Hương Cảng (Hồng Kông) để giành quyền cai trị nước Việt Nam đang do thực dân Pháp nắm giữ, bao gồm Bắc Kỳ (do Pháp trực trị), Trung Kỳ (do Pháp bảo hộ) và Nam Kỳ (với quy chế thuộc địa của Pháp).

 

Tiếp đó, sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc hồi năm 1945, xảy ra cuộc Chiến Tranh Đông Dương (lần thứ nhất) giữa Việt Minh Cộng Sản dưới quyền ông Hồ Chí Minh và Quân Đội Liên Hiệp Pháp, trong đó có Quân Đội Quốc Gia Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của Cựu Hoàng Bảo Đại trong vai trò quốc trưởng.

 

Khi cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc bằng Hiệp Định Geneva 1954, theo đó Pháp rút lui khỏi ba nước Việt-Miên-Lào và Việt Nam bị chia đôi thành hai miền Bắc Cộng Sản và miền Nam Tự Do.

 

Và khi cuộc hiệp thương để thống nhất hai miền Nam-Bắc thất bại thì chính quyền Cộng Sản Bắc Việt tại Hà Nội, kể từ năm 1960, phát động cuộc chiến tranh Việt Nam bằng cách đưa quân từ miền Bắc xâm nhập vào miền Nam để lật đổ chính quyền hợp pháp và hợp hiến tại Sài Gòn, lần lượt do các Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo.

 

Việc Sài Gòn đầu hàng quân Cộng Sản hồi năm 1975 diễn ra trong giai đoạn cuối cùng của cuộc tranh giành quyền cai trị Việt Nam giữa người Việt Cộng Sản từ miền Bắc và người Việt Quốc Gia tại miền Nam.

 

Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine hiện nay là một biến cố, dẫu sao, cũng gây bất ngờ cho thế giới, mặc dù nó đã được Tổng Thống Putin hoạch định từ lâu. Khi ông Putin ra lệnh cho 150,000 quân Nga tập trung sát biên giới Ukraine từ cuối năm 2021, bộ máy tuyên truyền của Moscow vẫn nói với cả dân chúng Nga lẫn thế giới bên ngoài rằng đây chỉ là một cuộc tập trận trên quy mô lớn mà thôi. Ngay cả các cấp chỉ huy nhỏ và binh sĩ Nga cũng đều tin như vậy.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/CCB-Kiev-chong-xam-luoc-2-1068x751.jpg

Tổng Thống Dương Văn Minh (giữa) tại Dinh Độc Lập sau lúc tuyên bố đầu hàng quân Cộng Sản Bắc Việt. (Hình: AP Photo/Billy)

 

Hơn nữa, ông Putin dự trù rằng đây chỉ là một cuộc chiến tranh chớp nhoáng, tức là chỉ kéo dài chừng ba, bốn ngày hoặc một tuần lễ là cùng. Xét về tương quan lực lượng chênh lệch một trời, một vực giữa gã khổng lồ Nga được võ trang bằng võ khí nguyên tử và cậu bé Ukraine chỉ được võ trang bằng những loại khí giới có từ thời Chiến Tranh Lạnh (1947-1991) và được quân đội Ukraine sử dụng từ đó cho tới nay.

 

Tình thế Sài Gòn hồi cuối Tháng Tư, 1975

 

Hồi cuối Tháng Tư, 1975, Sài Gòn là một thành phố bị bao vây cả về mặt quân sự lẫn chính trị. Về mặt quân sự, hàng trăm ngàn Cộng Quân dưới quyền của Tướng Văn Tiến Dũng và Tướng Trần Văn Trà đã bao vây khắp các ngả đường tiến về thành phố thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, tức là từ cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc sau khi đại binh Cộng Sản đã rút khỏi Mặt Trận Xuân Lộc (Long Khánh) và tập trung lại để tiến về Sài Gòn từ ngã Biên Hòa.

 

Các lực lượng của chính quyền Sài Gòn chỉ còn nguyên vẹn tại Vùng IV Chiến Thuật (dưới quyền của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam), còn các lực lượng từ Vùng II và Vùng I coi như đã tan rã sau những cuộc triệt thoái hỗn loạn từ hồi Tháng Ba, trong khi những đơn vị chiến đấu tại Vùng III thì đang bị mất tinh thần và ai cũng bận rộn tìm cách chạy ra ngoại quốc khi chứng kiến những cuộc di tản của người Mỹ cùng các giới chức và thường dân ra khỏi Việt Nam.

 

Trong số các nhà lãnh đạo và tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa ra đi trước khi quân Cộng Sản tiến vào Sái Gòn có Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ cùng các tướng lãnh cao cấp, như Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Vĩnh Lộc, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Trung Tướng Trần Văn Minh, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh…

 

Về mặt chính trị, sau khi Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, hầu như cả thế giới đều chẳng ai đoái hòa gì tới chính phủ và dân chúng Việt Nam Cộng Hòa, phần lớn là vì tất cả đều quá tin tưởng vào luận điệu tuyên truyền xảo trá của Cộng Sản từ khắp năm châu, bốn bể. Cả thế giới nghe theo những lời liên tục gièm pha chính nghĩa Việt Nam Cộng Hòa của các phần tử phản chiến từ Hoa Kỳ tới Âu Châu. Để rồi ai cũng tưởng miền Nam Việt Nam tuy mất đi nhưng dân chúng miền Nam, sẽ được ấm no, hạnh phúc và xã hội Việt Nam sẽ được công bằng hơn dưới chế độ Cộng Sản Bắc Việt, với đầy đủ những thứ như độc lập, tự do và hạnh phúc…

 

Phải nói rằng miền Nam Việt Nam đã dần dà mất hết tinh thần chiến đấu sau khi Hoa Kỳ khời sự ngưng trợ giúp Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt sau Hiệp Định Paris 1973. Rồi tiếp theo đó là việc Quốc Hội Mỹ từng bước cắt giảm hết mọi viện trợ quân sự và viện trợ kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa.

 

Đã thế, chính quyền của Tổng Thống Gerald Ford còn không để Hải và Không Quân Mỹ yểm trợ cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước những cuộc tấn công vi phạm Hiệp Định Paris 1973 của Cộng Quân từ Vùng II đến Vùng I và Vùng III Chiến Thuật như người tiền nhiệm của ông Ford. Trước đó, cựu Tổng Thống Richard Nixon đã hứa với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hồi năm 1973, trước khi nhà lãnh đạo Mỹ bị buộc phải từ chức vào Tháng Tám, 1974, vì vụ xì-căng-đan Watergate.

 

Tình hình Kiev bây giờ

 

Tình hình Kiev và toàn thể Ukraine trong cuộc chiến tranh xâm lăng của quân Nga bây giờ thật khác xa với Sài Gòn năm xưa. Ngay cả trước khi quân Nga bắt đầu bắn những quả hỏa tiễn tầm xa và trọng pháo xuống lãnh thổ Ukraine, hầu như toàn thể thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, cùng với các nước trong Liên Hiệp Âu Châu và luôn cả Khối NATO, đều tỏ dấu ủng hộ chính phủ và dân chúng Ukraine, đồng thời chỉ trích gắt gao và buông lời hăm dọa trừng phạt bặng nề chính phủ Nga nếu như Moscow tiến hành cuộc xâm chiếm Ukraine.

 

Khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine chính thức bùng nổ, nhiều quốc gia trên thế giới đã đồng loạt lên tiếng ủng hộ Ukraine và kịch liệt công kích quyết định tấn công Ukraine của nhà lãnh đạo Nga.

 

Thêm vào đó, điều bất ngờ lớn lao nhất đối với cả Tổng Thống Putin lẫn cộng đồng thế giới chính là ý chí chiến đấu kiên cường và bất khuất của Ukraine dưới quyền lãnh đạo tuyệt với của Tổng Thống Zelensky, người anh hùng thời đại của quân đội và nhân dân Ukraine.

Hơn ba tuần lễ giao tranh ác liệt, Ukraine vẫn hiên ngang đứng vững tại nhiều mặt trận, mặc dù chiến sự đã làm cho hàng ngàn chiến binh của cả Nga lẫn Ukraine thiệt mạng, trong khi hàng trăm thường dân Ukraine đã chết và hàng triệu người khác đã phải hối hả rời bỏ nơi quê cha, đất tổ để chạy sang tị nạn tại các nước láng giềng, phần lớn là đến Ba Lan, Romania, Hungary và Moldovia.

 

Cuộc kháng chiến thần thánh của quân đội và nhân dân Ukraine chống đoàn quân xâm lược Nga vẫn còn đang tiếp diễn, và thủ đô Kiev đang anh dũng chiến đấu chống lại hàng trăm đợt xung phong ồ ạt và tàn bạo của quân Nga, tiếp theo sau những cuộc pháo kích khủng khiếp của hỏa tiễn và trọng pháo đủ loại từ đội quân xâm lược.

 

Kiev có thể chiến đấu tới cùng, bất kể kết quả ra sao

 

Sài Gòn phải buông súng đầu hàng, nhưng Kiev có thể chiến đấu tới cùng, dẫu cho kết quả có ra sao đi nữa. Dù có người thương, kẻ ghét Tướng Dương Văn Minh, vị tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng ông đã hành động đúng khi ra lệnh cho toàn quân buông súng đầu hàng Cộng Sản vào trưa 30 Tháng Tư, 1975, bởi vì tình hình Sài Gòn vào lúc bấy giờ là tuyệt vọng.

 

Và cũng bởi vì, vào lúc đó, hầu như cả thế giới đều ngó lơ hoặc thậm chí còn lộ vẻ vui mừng (với lý do là cuộc chiến tranh tàn hại trên đất nước Việt Nam đã kết thúc) khi nhìn thấy cảnh các chiến xa của quân Cộng Sản đang húc thẳng vào cánh cổng Dinh Độc Lập, đánh dấu sự kiện chính nghĩa tự do, dân chủ của Thế Giới Tự Do đành chịu thua các lực lượng tàn bạo của Cộng Sản Quốc Tế.

 

(Điều đáng tiếc là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa của Tổng Thống Dương Văn Minh, lẽ ra, chỉ nên rút lui khỏi thủ đô Sài Gòn, để kịp thời cứu mạng muôn dân vô tội trong cơn binh lửa, rồi rút lui về Vùng IV Chiến Thuật, đặng từ đó chuyển thành một chính phủ lưu vong trong công cuộc kháng chiến chống lại Cộng Sản Bắc Việt, chờ ngày phục quốc dựa trên Công Pháp Quốc Tế và các điều khoản của Hiệp Định Paris 1973. Ngay cả Tiến Sĩ Luật Khoa Vũ Văn Mẫu, thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền Tổng Thống Dương Văn Minh, lúc ấy cũng quá bối rối vì chuyện Sài Gòn sắp mất nên không còn đủ sáng suốt để cố vấn cho Tướng Minh chuyện này).

 

Thay lời kết

 

Vì cuộc chiến tại Ukraine vẫn chưa kết thúc, thật cũng khó mà biết được, giữa quân và dân Ukraine với quân và dân miền Nam Việt Nam, ai anh dũng hơn, bởi vì một lẽ dễ hiểu là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ phải buông súng vì hết đạn, trong khi một số nhà lãnh đạo chính phủ và quân đội miền Nam Việt Nam đã bỏ chạy ra ngoại quốc chỉ vì không ai tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước dưới chế độ Cộng Sản.

 

Điều hiển nhiên là quân và dân miền Nam Việt Nam đã không còn mấy hy vọng ngay từ khi Hoa Kỳ tỏ dấu hiệu bỏ rơi miền Nam Việt Nam. Rồi họ lại đâm ra tuyệt vọng khi chính phủ Mỹ cắt hết cả viện trợ quân sự lẫn viện trợ kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa, trong khi Liên Xô, Trung Quốc và Khối Cộng Sản vẫn tiếp tục chi viện cho Cộng Sản Bắc Việt cho tới ngày chiến thắng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats