Wednesday, 16 March 2022

VẠ LÂY TỪ VIỆC NGA XÂM LƯỢC UKRAINE (Định Tường - VNTB)

 



Vạ lây từ việc Nga xâm lược Ukraine   

Định Tường  -  VNTB

12.03.2022 8:07

https://vietnamthoibao.org/vntb-va-lay-tu-viec-nga-xam-luoc-ukraine/

 

(VNTB) – Tính đến thời điểm cuối tháng 2-2022, Nga đứng vị trí thứ 24 trong các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 151 dự án tổng giá trị lên đến 953 triệu USD….

 

Sáng ngày 27-2-2022, Mỹ, Anh, Canada và Ủy ban Châu Âu thông báo chặn kết nối của một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Điều này đang đẩy các đối tác làm ăn với những dự án mà Nga đầu tư vào Việt Nam lâm cảnh sống dở, chết dở.

 

Các dự án Nga đầu tư tại Việt Nam chủ yếu tập trung ở lĩnh vực năng lượng. Trong số các dự án đầu tư, thì Vietsovpetro là công ty lớn thứ 8 ở Việt Nam và sản xuất 1/3 lượng dầu của cả nước.

 

Thời điểm giữa năm 2021, tập đoàn Novatek, nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga, đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với UBND tỉnh Ninh Thuận để phát triển một dự án sản xuất năng lượng LNG (khí tự nhiên hóa lỏng trọng tải thấp) tích hợp tại Việt Nam.

 

Chưa kể những tập đoàn dầu khí lớn hàng đầu của Liên bang Nga như Gazprom và Rosneft cũng dự kiến ​​sẽ tham gia vào nhiều dự án nữa ở thềm lục địa của Việt Nam vào năm 2030. Hiện tại các đối tác này cũng đang tham gia vào các dự án thăm dò dầu khí như Lô 129-132 (bể Nam Côn Sơn), dự án tích hợp phát triển mỏ Báo Vàng tại các Lô 111/04, 112, 113.

Trong một lĩnh vực khác, công ty điện tử lớn nhất của Nga, Rostec là một trong những nhà đầu tư lớn nhất và lâu đời nhất của Nga tại Việt Nam, cung cấp về kỹ thuật và công nghệ quân sự.

 

Trong những năm gần đây, công ty này đã và đang mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực dân sự khác như chăm sóc sức khỏe, ô tô, công nghệ nông nghiệp. Tỷ trọng của các sản phẩm dân dụng trong tổng doanh thu của doanh nghiệp này dự kiến sẽ vượt quá 50% vào năm 2025 tại Việt Nam.

 

Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga.

 

Trước khi Nga bị các lệnh cấm vận thì Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 5 của Nga trong các nền kinh tế APEC sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Liên Bang Nga sang Việt Nam năm 2021 đạt 2,24 tỷ USD tăng 38,3%, đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga.

 

Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2021 đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020, đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.

 

Gần đây trong quan hệ thương mại giữa Nga – Việt xuất hiện những ngành và lĩnh vực hợp tác mới như nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, chế biến các sản phẩm sữa, công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực thủy sản, hợp tác trong lĩnh vực thông tin, vật liệu xây dựng mới.

 

Nga cũng là 1 trong 5 thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu với các thành viên khác của Liên minh còn có Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) được ký năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 5-10-2016.

 

Trong một diễn biến liên quan, cổng thông tin điện tử chính thức của thành phố Moskva (Liên bangNga) ngày 2-3-2022 đã công bố số liệu tổng kết trao đổi thương mại giữa Moskva với Việt Nam trong năm 2021. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của thủ đô Nga với các địa phương Việt Nam đạt 3,9 tỉ USD – đạt mức tăng trưởng 36% so với năm 2020.

 

Phó Thị trưởng Moskva phụ trách Chính sách Kinh tế Vladimir Yefimov cho biết các mặt hàng xuất khẩu phi năng lượng, phi tài nguyên của thủ đô Moskva sang Việt Nam đã tăng tới 7 lần so với năm 2020, chiếm tới 97% trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu cung cấp cho Việt Nam. Phó Thị trưởng Moskva đánh giá: “Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng (của Nga) ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

 

Một tin tức khác ít được báo chí Việt Nam đề cập, đó là Rusvietpetro – nhà điều hành theo hình thức liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí Zarubezhneft (Liên bang Nga), được thành lập từ 2009. Cơ cấu vốn góp là Zarubezhneft (51%) và PVN (49%). Rusvietpetro có trụ sở chính tại liên bang Nga và văn phòng đại diện ở Hà Nội.

 

Như vậy, tương tự Liên doanh Vietsovpetro (VSP), đây cũng là liên doanh giữa PVN và Zarubezhneft, nhưng hoạt động ở Nga. Rusvietpetro có giấy phép hoạt động trong 25 năm, kể từ 15-12-2009.

 

Ngày 1-7-2021 Liên doanh Rusvietpetro đạt mốc khai thác 30 triệu tấn dầu kể từ khi đi vào hoạt động.

 

Với hàng loạt lệnh cấm vận mà Mỹ cùng phương Tây đang dành cho Nga đang khiến những đối tác Việt Nam làm ăn với Nga thêm thận trọng trong mọi giao dịch để tránh bị vạ lây.

 

Đánh giá về căng thẳng Nga – Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia dự báo, rủi ro vĩ mô thế giới nhìn chung cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đà phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, nguy cơ lạm phát đang dần hiển hiện.


 

Tin Bài Liên Quan:

VNTB – Luật đất đai của Việt Nam sửa đổi trong thể chế chính trị ‘độc đảng’

VNTB – Nga thừa nhận đang có chiến tranh với Ukraina

VNTB – Báo chí Việt Nam bắt đầu ‘quay xe’ khi đưa tin chiến sự Nga – Ukraina

VNTB – Báo chí Việt Nam đưa tin tức chiến sự Nga – Ukraine khách quan hơn





No comments:

Post a Comment

View My Stats