Monday, 21 March 2022

UKRAINE và NHỮNG HỆ QUẢ KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC (Nguyễn Quang Dy)

 



Ukraine và những hệ quả không định trước    

Nguyễn Quang D

20/3/2022

http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_HeQuaUkraineKhongDinhTruoc.html

 

Đại dịch Corona chưa qua thì xung đột Ukraine đã ập tới như “tai họa kép”. Putin đã tung hàng trăm ngàn quân xâm lược Ukraine từ 24/2/2022, vi phạm luật quốc tế và đe dọa trật tự thế giới. Đó là một biến số (game changer) tạo ra bước ngoặt mới cho một thời kỳ xung đột giữa các nước lớn như trong thế kỷ 20. Sự kiện đó đang làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị tại châu Âu, với những hệ quả không định trước (unintended consequences).

 

Diễn biến bất ngờ 

 

Một nguyên tắc cơ bản trong binh pháp là “biết mình biết người”. Putin đã mắc sai lầm lớn vì đánh giá quá thấp đối phương và đánh giá quá cao bản thân. Ông quá tự tin vào sức mạnh của mình vì thói ngạo mạn của người cầm quyền quá lâu trong thể chế độc tài, quen được người ta sùng bái. Putin tưởng rằng chỉ cần tập trung quân dọc biên giới là đủ làm Ukraine sụp đổ, và chiến dịch quân sự đặc biệt là “một cuộc dạo chơi” (pushover).  

 

Putin đã ngạo mạn coi Zelensky chỉ là một danh hài chứ không phải là một chính khách. Vì vậy mà Putin và nhiều người đã bị bất ngờ khi Zelensky dũng cảm lãnh đạo Ukraine chống lại đội quân xâm lược hùng mạnh hơn của Nga, dù “bị bỏ rơi”.  Zelensky đã truyền cảm hứng không chỉ cho hàng triệu người Ukraine kháng chiến, mà còn làm cho thế giới khâm phục, và làm cho các nước phương Tây phải tăng cường viện trợ cho Ukraine.

 

Putin cho rằng phương Tây đã suy đồi (decadence) và phân hóa (polarized). Angela Merkel nghỉ thì phương Tây như “con thuyền không lái” (rudderless). Trong khi Putin và Tập Cận Bình “song kiếm hợp bích”, thì lãnh đạo phương Tây “kém chất lượng và thiếu kinh nghiệm”.  Joe Biden già yếu đi không vững; Boris Johnson đầu bủ tóc rối; Olaf Scholz mới nhậm chức; Emanuel Macron và Justin Trudeau còn trẻ người non dạ... 

  

Lâu nay, Nga quen sử dụng nguồn cung cấp dầu khí cho các nước phương Tây như vũ khí kinh tế để bắt chẹt. Nay điều đó lại phản tác dụng vì phương Tây cấm vận dầu khí là nguồn thu lớn nhất của Nga. Trong khi Đức bất ngờ thay đổi chính sách, tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng và viện trợ vũ khí cho Ukraine, thì các nước Thụy Sỹ, Thụy Điển, Phần Lan đã thay đổi lập trường trung lập để tham gia cấm vận, ủng hộ Ukraine chống Nga. .  

 

Dù Putin có chiếm được hay san bằng Ukraine thì người Ukraine vẫn không chịu khuất phục, tiếp tục chiến đấu dù với một chính phủ lưu vong. Sự ngoan cường của Ukraine là một bất ngờ không chỉ với Putin mà với cả thế giới. Xâm lược Ukraine làm bộc lộ gót chân A-xin của Putin “bất cẩn và tầm thường” (reckless and mediocre), với tham vọng đi vào lịch sử như “Putin đại đế”, muốn phục hưng “nước Nga thần thánh” (Holy Russia). 

 

Theo một khảo sát, Zelensky chỉ được 25% người Ukraine ủng hộ trước khi Nga Xâm lược. Nhưng nay ông được 91% người Ukraine ủng hộ vì đã dũng cảm không chịu khuất phục. Lòng dũng cảm của Zelensky không chỉ truyền cảm hứng cho người Ukraine mà còn làm thức tỉnh phương Tây. Putin đã tính toán nhầm vì Zelesky là một bất ngờ. Nhưng bất ngờ lớn nhất là  phương Tây gắn kết hơn bao giờ hết trước đe dọa của Nga.

 

Trong 23 năm cầm quyền, Putin đã lãnh đạo nước Nga trỗi dậy từ đống tro tàn của Liên Xô cũ, trở thành một cường quốc quân sự, nhưng kinh tế vẫn còn yếu (GDP chỉ bẳng tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc). Thay vì làm cho nước Nga “vĩ đại trở lại”, Putin đã xâm lược Ukrane và đang bị sa lầy. Ông đã xô đẩy nước Nga vĩ đại tới bờ vực, và biến mình thành kẻ tội đồ (parah). Nói cách khác, Putin đã “giúp phương Tây tái sinh” (rebirth).

 

Sau ba tuần, Ukraine đang làm đảo lộn bàn cờ. Một là trong khi Zelensky và người  Ukraine dũng cảm chiến đấu làm thay đổi cục diện, thì Putin và Nga bộc lộ gót chân A-xin, đến nay vẫn chưa chiếm được Kiev. Hai là trong khi phương Tây liên kết chặt chẽ để viện trợ cho Ukraine và trừng phạt Nga, thì Putin và Tập Cận Bình đã bộc lộ giới hạn vì “đồng sàng dị mộng”.  Ba là người Nga bắt đầu thức tỉnh để phản đối chiến tranh phi nghĩa.

 

Bàn cờ đảo lộn    

 

Kế hoạch “tốc chiến” (blitzkrieg) của Putin đã thất bại. Mặt trận quốc tế chống Nga mạnh hơn là người ta tưởng. Một số học giả có uy tín của Trung Quốc đã khuyến cáo Bắc Kinh cần chấm dứt ngay liên minh với Nga và chuyển sang hội nhập với bên thắng cuộc. Trung Quốc chỉ có một hay hai tuần là “cửa sổ cơ hội” nên phải hành động quyết đoán. Trung Quốc không thể để mình bị cột chặt vào Putin, mà cần phải tách ra càng nhanh càng tốt.

 

Putin đã tính sai khi xâm lược Ukraine. Biden kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng lớn của mình để thuyết phục Putin, nhưng Bắc Kinh dùng kế hoãn binh để câu giờ. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ là Tần Cương đã viết trên Washingpost Post (ngày 6/3): “Xung đột giữa Nga và Ukraine không tốt cho Trung Quốc. Nếu biết trước về cuộc khủng hoảng này thì chúng tôi đã cố sức ngăn nó lại. Chiến tranh và trừng phạt không đem lại hòa bình”.

 

Nhưng không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ Trung Quốc nhất quán giữa lời nói và hành động. Bắc Kinh không gây sức ép với Putin để dừng cuộc chiến ở Ukraine. Có lẽ Tập Cận Bình khó đảo ngược được cam kết trong Tuyên bố Chung với Putin (ngày 4/2). Hoặc Tập không muốn làm gì để gây thêm rắc rối trước Đại hội Đảng lần thứ 20 vào cuối năm. Đến nay, lập trường của Bắc Kinh vẫn lấp lửng như ở ngã ba đường. (Testing the ‘limitless’: The friendship between China and Russia has boundaries, Economist, March 19, 2022).

 

Cuộc chiến ở Ukraine tuy chưa kết thúc, nhưng một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng Trung Quốc là bên thắng cuộc trong cuộc chiến này. Sau các phản ứng lúng túng ban đầu trước cuộc xâm lăng của Nga, Trung Quốc đã bắt đầu điều chỉnh lập trường để bảo vệ mình khỏi những hệ quả xấu nhất về ngoại giao và kinh tế, để chờ cơ hội làm “ngư ông đắc lợi” khi tình hình rõ ràng hơn. Tuần trước, Tập Cận Bình đã trao đổi với lãnh đạo các nước tây Âu về một đề xuất mơ hồ còn để ngỏ về khả năng làm trung gian hòa giải.

 

Theo Richard Haass (Foreign Afrairs Editor), muốn thương lượng về một giải pháp cho cuộc chiến tranh ở Ukraine, “phải làm cho tình hình chín muồi”. Nói cách khác, phải nâng giá quân sự và kinh tế để tiếp tục chiến tranh lên thật cao, làm cho Putin thấy có lợi để dừng cuộc chiến. Điều đó sẽ khó nếu Putin cho đó là dấu hiệu của sự yếu đuối. Dù làn sóng chống chiến tranh trong nước Nga lên cao, vẫn khó tìm được người “đeo chuông vào cổ mèo”. (Putin’s war and China’s choice, Richard Haass, ASPI Strategist, 15 Mar 2022).

 

Theo Pew Research Center (2020) các nước đông Âu cũ đều muốn gia nhập NATO. Ví dụ, 53% người Czechs; 77% người Lithuania; 88% người Ba Lan; 53% người Ukraine (so với 23% không thuận). Nhưng phái “trọng Tây” (Westsplaining) thường coi nhẹ lịch sử và bối cảnh của các nước Đông Âu. Họ có xu hướng thừa nhận các lo ngại về an ninh của Nga, mà không quan tâm đến lo ngại về an ninh của các nước Đông Âu. (The American Pundits Who Can’t Resist “Westsplaining” Ukraine, New Republic, March 4, 2022).

 

Sau khi Nga công nhận độc lập của hai tỉnh Donbas li khai là Donetsk và Lugansk (ngày 21/2) việc đánh Ukraine chỉ còn là vấn đề thời gian, cũng giống như Crimea (năm 2014). Đáng chú ý là trong bài diễn văn dài gần một giờ (ngày 21/2), Putin một lần nữa nhấn mạnh “Đối với chúng ta, Ukraine không chỉ là một quốc gia láng giềng, mà còn là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và tinh thần”, và kết luận “Ukraine thực sự không bao giờ có truyền thống ổn định về tình trạng nhà nước thực sự”. Ba ngày sau Nga tấn công. 

 

Năm 2014, khi Nga thôn tính Crimea thì Ukraine và phương Tây bất lực. Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger đã khuyến cáo ba bên ngồi lại để giải quyết vấn đề, trong đó cốt lõi là “Ukraine không được gia nhập NATO”, mà phải làm cầu nối giữa Nga và phương Tây, như vùng đệm trong cấu trúc an ninh châu Âu. Nhưng Ukraine và phương Tây cho rằng chủ thuyết “thực lực” (realism) của Kissinger từ thời chiến tranh lạnh đã lỗi thời, vì coi trọng Tây Âu mà không lắng nghe nguyện vọng của các nước Đông Âu là không thực tế. 

 

Putin và nước Nga

 

Theo giáo sư Francis Fukuyama (Stanford), “Nga đang tiến đến một thất bại hoàn toàn ở Ukraine”.  Putin đã sai lầm nghiêm trọng vì đánh giá thấp ý chí chống xâm lược của người Ukraine. Fukuyama lạc quan về thất bại trước mắt của Nga, và kết cục lâu dài của lịch sử làm cho “tự do sống lại” và nhân loại thoát khỏi sự suy thoái của dân chủ. Tinh thần 1989 sẽ sống mãi, nhờ người Ukraine dũng cảm. (Could Putin lose? Here’s why the End of History author is optimistic, Greg Sargent, Washington Post, March 4, 2022).

 

Nhiều học giả cho rằng Putin muốn phục hưng đế quốc Nga chứ không phải Liên Xô, vì thần tượng của Putin là “Pier Đại đế”.  Fukuyama khen Biden tập hợp được đồng minh để chống Putin, nhưng Naill Ferguson chê Biden ngốc khi để Nga biết Mỹ chỉ cấm vận về kinh tế. Hoặc Mỹ yêu cầu Ukraine chấp nhận trung lập, hoặc Mỹ viện trợ vũ khí cho Ukraine chống Nga, nhưng Biden đã không chọn phương án đó. (A Roundtable with Niall Ferguson, Walter Russell Mead and Francis Fukuyama, Common Sense, March 3, 2022).

 

Giáo sư Stephen Kotkin (Princeton) nói ông rất tôn trọng George Kennan và John Mearsheimer, nhưng không đồng ý với quan điểm của họ. “Không thể lý giải Ukraine bằng cách đổ lỗi cho phương Tây.” Việc mở rộng NATO không phải là nguyên nhân chính làm Nga xâm lược Ukraine. Nước Nga như chúng ta biết đã tồn tại từ lâu trước khi có NATO. “Thật sốc khi có quá nhiều thay đổi, nhưng họ vẫn lặp lại một quy trình mà không thể thoát khỏi”. (The Weakness of the Despot, David Remnick, New Yorker, March 11, 2022).

 

Giáo sư Robert Service (Oxford & Stanford) cho rằng Putin có thể thắng cuộc chiến nhưng sẽ thua về hòa bình, vì không khuất phục được Ukraine mà còn có thể bị lật đổ. Theo ông, Nga xâm lược Ukraine vì đã mắc sai lầm chiến lược khi Mỹ ký với Ukraine “đối tác chiến lược” (Charter on Strategic Partnership, 10/11/2021) để ủng hộ Ukraine vào NATO. Điều đó giúp  Putin có cớ đánh Ukraine vì “giọt nước tràn li” (the last straw). (The Two Blunders That Caused the Ukraine War, Tunku Varadarajan, WSJ, March 4, 2022).

 

Lâu nay, giới tinh hoa Nga phải nghe theo Putin vì được hưởng lợi. Nhưng khi quyền lợi tập thể và cá nhân bị đe dọa, họ sẽ nhận ra rằng muốn bảo đảm lợi ích quốc gia và lợi ích tập thể thì họ phải loại bỏ Putin khỏi vị trí quyền lực (như trước đây đã loại bỏ Beria). Nhưng làm thế nào? Theo Robert Service, có hai cách: Một là đảo chính nội bộ (a palace coup). Hai là quần chúng nổi dậy (mass uprising). Cả hai cách đều khó vì Putin cảnh giác và khó đoán. Nhưng không loại trừ khả năng kết hợp cả hai cách nói trên để thay đổi bàn cờ.  

 

Theo Tom Friedman (NYT), “hầu như mọi thất bại lớn của Nga đều dẫn đến thay đổi triệt để”.  Trước tình thế bị sa lầy hiện nay, Putin hoặc phải “cắt lỗ” và chấp nhận tổn thất, hy vọng thoát khỏi các đòn trừng phạt của phương Tây, để phục hồi kinh tế, và duy trì quyền lực. Hoặc phải đương đầu với xung đột kéo dài với phương Tây, làm cho nước Nga dễ bị kiệt quệ và đổ vỡ. Putin có vẻ chọn cách thứ hai nên Friedman rất lo ngại. (Putin Has No Good Way Out and That Really Scares Me, Thomas FriedmanNYT, March 8, 2022).

 

Có một thứ còn tồi tệ hơn cả nước Nga hùng mạnh do Putin lãnh đạo. Đó là một nước Nga suy sụp, bị lăng nhục và hỗn loạn, có thể đổ vỡ hoặc sa vào một cuộc khủng hoảng lãnh đạo kéo dài, với các phe phái tranh giành quyền lực. Đó là một nước Nga có 6.000 đầu đạn hạt nhân, với các mỏ dầu khí tiềm tàng, và nhiều tội phạm mạng. Nói cách khác, nước Nga của Putin không “quá lớn để thất bại” nhưng đủ lớn để làm cho thế giới rung chuyển.   

 

Putin đã đánh giá quá cao quân đội của ông, nhưng lại đánh giá quá thấp năng lực của người Ukraine, sẵn sàng chiến đấu tới cùng vì độc lập của mình và nguyện vọng hội nhập với phương Tây. Putin cũng đánh gía thấp Biden trong việc vận động được một liên minh về kinh tế và quân sự toàn cầu đủ mạnh để trừng phạt Nga và giúp người Ukrainian chiến đấu. Putin cũng đánh giá thấp năng lực của các doanh nghiệp và cá nhân trên thế giới có thể tham gia trừng phạt Nga về kinh tế, vượt xa những gì các chính phủ đề xuất hay yêu cầu họ.

 

Cuộc xâm lăng “dễ dàng và không tốn kém” mà Putin hình dung cùng sự “tiếp đón vui vẻ” của người Ukraine là “một giấc mơ” (total fantasies). Vấn đề lớn nhất với Putin ở Ukraine là ông ta sẽ từ chối “thất bại sớm và nhỏ”, để chịu một “thất bại lớn và muộn”. Nhưng đây là “cuộc chiến của Putin” mà ông không muốn thừa nhận thất bại, nên Putin có thể “vẫn tăng cường” (doubling down) cho đến khi bí cờ quá phải... bấm nút. Theo Tom Friedman, Putin là một tội đồ quốc tế, đã gây ra tội ác chiến tranh chưa từng thấy từ thời Hitler.  

     

Stephen Kotkin không nghi ngờ việc Putin dọa dùng vũ khí hạt nhân là một lá bài để răn đe đối phương. Nhưng chúng ta không thể coi đó chỉ là hù dọa vì Putin có thể... bấm nút. Vấn đề không phải là Biden có mắc sai lầm hay không, mà làm thế nào để có thể xuống thang và thoát khỏi “vòng xoáy tối đa” mà hai bên cùng “đâm lao phải theo lao”. Càng leo thang trừng phạt và cấm vận thì càng dồn Putin vào góc tường không còn gì để mất. Vấn đề là Putin vẫn muốn leo thang, khi trong tay còn nhiều thứ có thể làm tổn thương loài người.

 

Kotkin cho rằng phương Tây cần xuống thang để thoát khỏi “vòng xoáy tối đa” và cần một chút may mắn, có thể ở Moscow, có thể ở Helsinki, chắc chắn ở Kiev. Để làm trung gian hòa giải, Phần Lan hiểu người Nga hơn ai hết. Ngoài ra còn Israel và Trung Quốc. Hiện nay, Tập Cận Bình có quan hệ cá nhân và là đồng minh của Putin, nhưng chưa biết điều đó kéo dài bao lâu, vì còn phụ thuộc vào phản ứng của phương Tây. Lá bài quan trọng nhất là Ukraine đang chiến đấu, cần được cung cấp vũ khí và cấm vận để thay đổi cuộc chơi.

 

Putin đem quân xâm lược một nước mà ông cho là “không có quyền tồn tại”, đã cho cộng đồng quốc tế thấy một lãnh đạo máu lạnh, sẵn sàng hủy diệt Ukraine. Nước Nga hôm nay không giống nước Nga trước ngày 24/2. Đây là “khởi đầu để chấm dứt sự nghiệp của Putin”. Các chế độ độc tài cá nhân thường trấn áp sự phản đối, và làm biểu tình chống chiến tranh lan ra 58 thành phố khắp nước Nga. Hàng vạn người Nga đã bị bắt. Hàng trăm ngàn người Nga, gồm giới trung lưu, đã “bỏ phiếu bằng chân” khi họ rời bỏ nước Nga. 

 

Biểu tình chống chiến tranh sẽ kích hoạt làn sóng phản đối của giới tinh hoa. Nhiều người nổi tiếng đã ký tên vào tâm thư phản đối chiến tranh. Con gái bí thư báo chí của Putin đã phản đối chiến tranh trên tài khoản Instagram. Một phụ nữ dũng cảm đã xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước đang phát sóng với biểu ngữ chống chiến tranh. Các nhà tài phiệt thân Putin như Anatoly Chubais (trùm dầu khí) và Oleg Deripaska (tỷ phú) đã lên tiếng kêu gọi hòa bình và đàm phán. Qua thời gian, Putin sẽ bị suy yếu và dễ tổn thương.  

 

Có thể nói Putin đã dẫn dắt nước Nga đi sai đường. Ông dễ mắc sai lầm về đối ngoại hơn các nhà độc tài khác, vì thường tập hợp quanh mình những người chỉ biết vâng lời. Đây là một bài học về “giới hạn quyền lực” và “ngạo mạn quyền lực” dẫn đến hệ quả khó lường. Tuy Putin có thể chưa bị đổ vào ngày mai hay ngày kia, nhưng khả năng cầm quyền của ông chắc chắn có nhiều rủi ro hơn là trước khi xâm lược Ukraine. (The Beginning of the End for Putin? Andrea Kendall-Taylor and Erica Frantz, Foreign Affairs, March 2, 2022).

 

Với dân số 146,24 triệu người (năm 2021), Nga là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, nhưng GDP chỉ tương đương với GDP của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (1.710 tỷ USD năm 2020). Tuy Nga là siêu cường quân sự, với 6.000 đầu đạn hạt nhân, nhưng tiềm lực kinh tế của Nga ngày càng bị tụt hậu so với các nước lớn (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, và EU). Nếu không hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế, kết hợp với phân cấp và dân chủ hóa thể chế, thì sớm muộn Nga cũng sẽ tiến tới một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn.

 

Tập Cận Bình và Trung Quốc

 

Theo Tom Friedman (NYT), lúc này chỉ có một nước có thể làm Putin phải dừng cuộc chiến tàn bạo này. Đó không phải là Mỹ mà là Trung Quốc. Nếu lúc này Trung Quốc không giúp để dừng cuộc chiến của Putin thì một ngày nào đó, các biện pháp trừng phạt này sẽ được dùng để chống Trung Quốc nếu xâm chiếm Đài Loan. Nhưng các biện pháp trừng phạt này cũng có thể xô đẩy Putin làm những điều không tưởng với vũ khí hạt nhân, làm mất ổn định hoặc thậm chí hủy diệt nền móng thế giới mà tương lai Trung Quốc phải dựa vào đó. (The Cancellation of Mother Russia Is Underway, Thomas Friedman, NYT, March 6, 2022).

 

Theo giáo sư Minxin Pei (Claremont McKenna College), Bắc Kinh có lý do để tin rằng họ có điều kiện tốt hơn để theo đuổi chiến tranh lạnh Mỹ-Trung, làm đất nước có thêm quyền lực cứng.  Nhưng cuộc chiến của Putin chống Ukraine đã làm đảo lộn quan niệm đó. Thay vì chia rẽ phương Tây, chiến tranh đã làm nước Mỹ và đồng minh gắn kết hơn. NATO dù bị Tổng thống Pháp coi là “chết não” (braindead) nay “đã hồi sinh” (reinvigorated). (China's long game has just gotten a lot harder, Minxin Pei, Nikkei, March 8, 2022).

 

Những biện pháp trừng phạt kinh tế và cấm vận chưa từng có (unprecedented) do phương Tây áp đặt chứng tỏ sức mạnh ghê gớm, mặc dù chưa dừng lại. Thay vì hưởng lợi do xung đột giữa Nga và phương Tây, Trung Quốc thấy mình đang thân Nga một cách nguy hiểm.  (collateral damage). Tuyên bố đối tác chiến lược Trung-Nga “không giới hạn” làm phương Tây tức giận đòi Trung Quốc phải trả giá vì đã ủng hộ Nga xâm lược Ukraine. 

 

Sự thù nghịch và tranh chấp quyết liệt giữa Nga và Mỹ hiện nay làm người ta khó hình dung trong số lãnh đạo cao nhất tại Bắc Kinh liệu ai biết cách tiếp cận mềm mỏng với phương Tây, và có thể thuyết phục Putin. Một phương án  khác là Bắc Kinh duy trì đường lối hiện nay, tiếp tục ủng hộ Putin bất chấp hậu quả. Những biện pháp kinh tế làm tê liệt đối phương đang được phương Tây áp dụng để chống lại Nga và có thể Trung Quốc.   

 

Lãnh đạo Trung Quốc lo lắng theo dõi sự khác biệt ngày càng lớn giữa Trung Quốc và Mỹ, làm cho Trung quốc yếu hơn chứ không mạnh hơn. Lãnh đạo Trung Quốc nhận ra vấn đề và đang cố gắng cân bằng quan hệ bất cập với Mỹ trong tương lại gần, nhưng không biết Trung Quốc có thể duy trì mối quan hệ nhạy cảm với Mỹ được bao lâu. Lúc này, kết cục chiến tranh ở Ukraine và sự sống còn về chính trị của Putin sẽ quyết định động hướng của Trung Quốc. Dù muốn hay không, tương lai của Trung Quốc gắn với số phận của Putin. 

 

Tình báo phương Tây cho biết vào đầu tháng hai, Trung Quốc yêu cầu Nga muốn đánh Ukraine thì phải chờ đến sau Olympic mùa đông. Việc Nga chờ đến sau Olympic mới đánh chứng tỏ hai bên có sự phối hợp nào đó. Vì vậy, Nga đánh Ukraine đã làm cho Vương Nghị và các nhà ngoại giao Trung Quốc mất mặt. Chắc Putin không nói dối Tập, vì một khi để mất lòng tin thì khó lấy lại. Nhưng chính vì vậy mà lãnh đạo thường không nói rõ để còn có chỗ lùi. (Was China duped on Ukraine? Bilahari Kausikan, Nikkei Asia, March 5, 2022).

 

Các nhà ngoại giao cũng như các lãnh đạo thường không nói dối, nhưng cũng không nói sự thật. Có lẽ Tập tin rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga sẽ hạn chế “trong vùng xám” như Donbas (sau 2014), hoặc Putin có thể nói với Tập là Nga sẽ thắng nhanh, hoặc Putin cũng tin rằng Nga sẽ thắng nhanh mà không có hậu quả lớn. Lúc đầu Tập còn thuyết phục Putin thương lượng và không sơ tán 6.000 người Trung Quốc khỏi Ukraine.

 

Theo một quan chức ngoại giao Singapore, Vương Nghị nói với ngoại trưởng Ukraine rằng Trung Quốc rất quan tâm đến tổn thất của thường dân và kêu gọi hai bên tìm giải pháp thương lượng. Dù Trung Quốc biết Nga có ý đồ xâm lược, nhưng vẫn phải cảnh giác với quy mô và cường độ của cuộc chiến, và phản ứng của cộng đồng quốc tế. Nay Trung Quốc bị đẩy vào tình thế bất ổn, buộc phải “tránh tổn thất” (damage control).

 

Trung Quốc tỏ ra lo lắng về tình hình bất an của kinh tế toàn cầu do chiến tranh xảy ra tại châu Âu, với quy mô trừng phạt chưa từng có, ngay cả Thụy Sỹ cũng đã tham gia. Nga chỉ có thể trông vào Trung Quốc giúp, nhưng Putin đã tính sai vì Trung Quốc không thể theo Nga vào ngõ cụt chiến lược không có lối thoát. Trung Quốc và Nga mắc kẹt vào nhau vì cả hai đều không có đối tác nào khác có tầm vóc chiến lược. Nếu Nga bị lệ thuộc vào Trung Quốc thì có thể trở thành gánh nặng, chứ không phải là chỗ dựa cho Trung Quốc.

 

Nga đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ về kinh tế và quân sự, tuy các quan chức Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận đó là “tin giả” (disinformation). Trong chiến lược của mình, Trung Quốc tin rằng Mỹ đã bị suy yếu bởi những cuộc phiêu lưu quân sự (như Afghanistan). Vì vậy, Tập đã liên minh với Putin ngay trước cuộc xâm lăng Ukraine. Nỗi lo sợ mà các chuyên gia đã nhấn mạnh không chỉ có leo thang chiến tranh, mà còn có rủi ro vì mất kiểm soát khi sự hiểu lầm và khiêu khích đi quá xa, làm cho mỗi bên đều phải phản ứng tối đa.

Tập Cận Bình là người có thể gây sức ép với Putin để thỏa hiệp, dù Tập đã ký tuyên bố chung cộng tác “không giới hạn” với Putin, và người Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm làm trung gian hòa giải. Nhưng điều quan trọng nhất là phải làm cho Bắc Kinh hiểu đây là thời điểm quyết định vận mệnh của Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Trung. “Mỹ phải làm rõ cái giá chiến lược mà Trung Quốc phải trả cho việc liên kết với Nga lớn hơn nhiều so với lợi ích có được”. Đó là lý do Joe Biden đã điện đàm với Tập Cận Bình (ngày 18/3). 

 

Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến Ukraine đã đẩy rủi ro lên mức cao chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tên lửa Cuba (1962), và về mặt nào đó có thể nguy hiểm hơn. Thật khó mà đoán được kết cục của một cuộc tấn công hạt nhân. Theo một báo cáo gần đây của trường Đại học Princeton đánh giá về vũ khí hạt nhân chiến lược như tên lửa vượt đại châu có thể kích hoạt đòn trả đũa (second strike), làm khoảng 34 triệu người thiệt mạng. (As Russia Digs In, What’s the Risk of Nuclear War? It’s Not Zero, NYT, March 16, 2022). 

 

Theo một báo cáo của RAND, Nga có ít nhất 1.000 đầu đạn nhỏ “phi chiến lược”, dành cho các tên lửa siêu thanh để đánh phủ đầu các nước châu Âu, trước khi họ có thể phản ứng. Putin cho rằng xung đột với NATO về mặt nào đó “đã bắt đầu”. Học thuyết chiến tranh của Nga dựa trên giả thiết là phương Tây sẽ gây bất ổn về kinh tế và chính trị để khởi đầu xung đột. Khó khăn kinh tế và làn sóng chống chiến tranh là “cơn ác mộng” của Putin. Phương Tây can thiệp vào Ukraine sẽ kích hoạt Nga trả đũa, như một phép thử giới hạn.

 

Còn nhiều ẩn số và biến số  

 

Theo các nguồn tình báo, Bắc Kinh đã yêu cầu Nga đợi đến lúc kết thúc Thế vận hội Mùa đông  hãy đánh Ukraine. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đã biết trước ở một mức độ nào đó kế hoạch chiến tranh của Putin, nhưng đã không làm gì để ngăn chặn. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh tỏ ra bất ngờ khi Nga tấn công Ukraine với quy mô lớn trên ba mặt trận, và càng bất ngờ trước sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine, làm quân Nga có nguy cơ sa lầy, trong khi phương Tây tăng cường viện trợ Ukraine và trừng phạt Nga.

 

Lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây bắt đầu có hiệu lực, làm cho các công ty lớn của Mỹ phải rút khỏi Nga: như Exxon, Equinor (năng lượng), Ford, Daimler, Mercedes-Benz, Renault (xe hơi), Airbus và Boeing (hàng không), Airbnb, Disney, H&M, Ikea, Nike, Calsberg, Budvar (tiêu dùng), Apple, Facebook, Google, Dell (công nghệ cao). Một số công ty lớn của Anh cũng rút khỏi Nga như Shell, BP (dầu khí). Các công ty lớn khác cũng đã rút ra từ trước (pre-emptively) vì những rủi ro mới về chính trị và thủ tục hoạt động ở Nga.

 

Triển vọng giải quyết xung đột bằng ngoại giao rất hạn chế, trong khi về cơ bản có hai kịch bản có thể xảy ra. Một là xung đột kéo dài, thậm chí sau khi quân Nga chiếm được Kiev và lập chính phủ thân Nga. Các lệnh trừng phạt của phương Tây tiếp tục gây bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của nhiều nước. Hai là xung đột sẽ mở rộng giữa Nga và NATO, như kịch bản “cơn ác mộng” đối với toàn thế giới, có thể nhanh chóng leo thang thành “bên miệng hố chiến tranh” giữa Nga và các nước NATO có vũ khí hạt nhân.

 

Theo báo Đức Der Spiegel (10/03/2022) Nga đã sử dụng hơn 90% lực lượng khoảng 170.000 quân tại Ukraine. Các chuyên gia quân sự ngạc nhiên về sự yếu kém của quân đội Nga khi xử lý một số vấn đề đơn giản trong tác chiến, thậm chí rất kỳ lạ. Tại sao Nga không sử dụng chiến tranh điện tử, máy bay không người lái (drones) và không quân với các loại vũ khí dẫn đường chính xác? Chẳng lẽ Nga để dành lực lượng đó để sử dụng sau?  

 

Trong kho vũ khí của Nga còn rất nhiều loại vũ khí hiện đại và thiết bị quân sự công nghệ cao, nhưng vẫn chưa được sử dụng, hoặc có sử dụng nhưng không nhiều. Nói cách khác, toàn bộ chiến dịch Ukraine dựa trên sự chủ quan về chiến tranh và những giả định phi thực tế của Putin. Có thể nói, đây là “cuộc chiến của Putin” chứ không phải của Nga. Nhưng không nên từ tình trạng đánh giá quá cao mà chuyển sang tình trạng đánh giá quá thấp khả năng quân sự của Nga, dựa trên kết quả hoạt động yếu kém trong thời gian vừa qua.

 

Theo các chuyên gia, có nhiều khả năng Ukraine sẽ thắng nhưng phải trả một cái giá rất đắt về tổn thất và đàm phán. Cuộc chiến tại Ukraine có sức tàn phá khủng khiếp đối với Ukraine và Nga về nhiều mặt. Rõ ràng cuộc chiến đó là do tính toán sai lầm khó tưởng tượng của Putin. Người Nga sẽ cảm thấy bị phản bội và vô cùng thất vọng về cuộc chiến này. Đương nhiên họ sẽ đổ lỗi cho Putin về tính toán sai lầm khủng khiếp tại Ukraine. Nếu có sự thay đổi lãnh đạo hay chế độ ở Nga thì đó là “khởi đầu của sự kết thúc đối với Putin”.

 

Tại Washington (17/3), Biden gọi Putin là “tội phạm chiến tranh” và tuyên bố tăng viện trợ cho Ukraine 800 triệu USD, sau khi Zelensky phát biểu trực tuyến trước Quốc Hội Mỹ, kêu gọi chính quyền Biden mạnh tay hơn với Nga. Trong khi Ukraine và Nga chuẩn bị đàm phán tiếp với các điều kiện bất cập, thì trên chiến trường Nga đã tổn thất lớn, phải đề nghị Trung Quốc viện trợ tài chính và quân sư. Dư luận cho rằng không lâu nữa Nga không thể tiếp tục cuộc chiến vì thiếu dự trữ, trong khi quân đội Ukraine bắt đầu phản công.     

 

Trước đó (16/3), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã phán quyết yêu cầu Nga phải dừng cuộc chiến và rút quân, với 13 phiếu thuận và 2 phiếu chống (Nga và Trung Quốc). Tuy phán quyết của tòa ICJ không dễ áp đặt, nhưng với Ukraine đó là thắng lợi quan trọng về pháp lý và ngoại giao. Cũng tương tự như vậy, Đại hội đồng LHQ (ngày 3/3) đã bỏ phiếu lên án Nga xâm lược, với 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống, và 35 phiếu trắng (có Việt Nam). 

 

Có hai nguyên nhân làm cho Putin liều lĩnh dám sử dụng vũ khí hạt nhân. Một là Putin không thể hiểu về thế giới mà chúng ta đang sống, sẵn sàng đặt cược tương lai toàn cầu. Hai là các biện pháp trừng phạt không nương tay khi triển khai trên phạm vị toàn cầu. Vận dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn cầu có thể làm cho Bắc Kinh phải lắng nghe. Hy vọng lãnh đạo Trung Quốc sẽ cùng phương Tây thuyết phục Putin và không dám liều lĩnh đánh chiếm Đài Loan. Nếu Trung Quốc làm được điều đó, họ có thể làm lãnh đạo thế giới. 

 

Phương Tây cấm vận làm Nga khó khăn và bí cờ, phải yêu cầu Trung Quốc viện trợ theo thỏa thuận hợp tác “không giới hạn”. Nếu Tập đáp ứng thì trên thực tế Trung Quốc sẽ đối đầu với Mỹ và NATO, chấm dứt một thời kỳ hợp tác kinh tế đã giúp Trung Quốc trỗi dậy trong bốn thập kỷ. Nếu Trung Quốc giúp Nga đối phó với cấm vận của phương Tây, Mỹ có thể cấm vận Trung Quốc như Jake Sullivan và Joe Biden đã cảnh báo. (Xi Jinping faces a fateful decision on Ukraine, Gideon Rachman, Financial Times, March 14 2022). 

 

Theo chuyên gia kinh tế Paul Krugman, Nga là một “siêu cường dỏm” (Potempkin superpower) với sức mạnh kém hơn những gì người ta tưởng. Tuy Trung Quốc và Nga liên kết thành “vòng cung chuyên chế” (arc of autocracy), nhưng Trung Quốc không cứu được Nga. Một là Nga không thể đáp ứng nhu cầu của mình về phụ tùng máy bay và chip bán dẫn cao cấp. Hai là ngân hàng Trung Quốc không dám giao dịch với Nga. Ba là khoảng cách địa lý giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa quá xa (3.500 dặm) khó để phối hợp kịp thời. (Why China Can’t Beil Out Putin’s Economy, Paul Krugman, New York Times, March 7, 2022).

 

Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Nay Trung Quốc hiểu rằng dự trữ ngoại tệ đó sẽ bị phương Tây phong tỏa lập tức, nếu Trung Quốc giúp Nga đối phó với lệnh cấm vận. Với Nga cũng như Trung Quốc, dự trữ ngoại tệ bị phong tỏa cũng tai hại như đường biển bị phong tỏa. Hiện nay, Trung Quốc chưa có cách nào khả thi để hóa giải vấn đề này. Tuy Trung Quốc mạnh hơn Nga một chục lần về tài chính, nhưng họ không chỉ đối diện với Mỹ, mà còn với nhiều nước khác như EU, UK, Japan, Canada, và Australia. Vì vậy, quyết định của Tập liên kết với Putin trong chiến dịch xâm lược Ukraine là một sai lầm to lớn. 

 

Chính phủ Trung Quốc phải điều hòa giữa hai nguyên tắc “toàn vẹn lãnh thổ” và “lo ngại an ninh chính đáng”. Vì thỏa thuận hợp tác “không giới hạn” với Nga, Trung Quốc sẽ bị cô lập trên diễn đàn thế giới, nên phải chuyển từ lập trường “thân Nga” sang lập trường “trung lập”. Theo Bonnie Glaser (Marshall Fund) Trung Quốc phải nghiên cứu phản ứng của cộng đồng quốc tế, ghi nhận sự gắn kết giữa các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Đức điều chỉnh chính sách và các nước sẵn sàng tham gia trừng phạt Nga. (China faces a new uneasy balancing act on Russia and Ukraine, Keith Richburg, Washington Post, March 5, 2022).

Khi kinh tế Nga “gặp hoạn nạn”, Trung Quốc tự hỏi sự cô lập ngày càng tăng của Nga có ý nghĩa gì cho tương lai của mình, và họ “có thể lấy được gì từ đống lửa đó mà không bị bỏng”. Mối lo thứ nhất của Bắc Kinh là về lương thực. Mối lo thứ hai là làm sao tránh bị phương Tây trừng phạt hiệu quả như với Nga. Phải xem Mỹ sẽ dùng phương thức gì để chống Trung Quốc trong tương lai với quy mô lớn hơn. Trung Quốc phải tranh thủ thâu tóm năng lượng và lúa mì giá rẻ của Nga, trong khi các ngân hàng Trung Quốc vượt làn ranh đỏ. (Russia’s Isolation Spurs Rethink in China, James Palmer, Foreign Policy, March 9, 2022).

 

Đài Loan và Việt Nam   

 

Nhiều người lo ngại rằng nếu Putin thành công ở Ukraine thì Tập Cận Bình có thể thôn tính Đài Loan. Cựu Chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Mỹ Mike Mullen đã tới thăm Đài Loan và hội đàm với Tổng Thống Thái Anh Văn (2/3). Ông Mullen nói: “Tôi có thể tái cam đoan với các bạn và người dân Đài Loan, cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta trong khu vực, rằng Mỹ vẫn đứng vững sau những cam kết của mình”. Ukraine là một bài học quý giá và đúng lúc cho Đài Loan để tự tin hơn đối phó với Trung Quốc.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã phát biểu sau cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo các nước Bộ Tứ (QUAD): “Chúng tôi đồng thuận không cho phép các hành động đơn phương  thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.  Lập trường của các nước châu Á như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore là phải bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, chống lại các hành vi xâm lược. Các phản ứng đó buộc Tập Cận Bình phải suy nghĩ lại trước khi hành động như Putin

 

ASEAN (trừ Singapore và Indonesia) không lên án Nga xâm lược và không tham gia các biện pháp cấm vận kinh tế chống Nga. Đó là chính sách “trung lập và không liên kết” của ASEAN. Dư luận cho rằng ASEAN không thể tiếp tục im lặng “đứng ngoài cuộc”, vì “lập trường trung lập” mà ASEAN theo đuổi lâu nay đã lỗi thời, khích lệ Trung Quốc thôn tính Đài Loan, và biến ASEAN thành “các nước ngoài lề”. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN dự kiến họp tại Washington DC có thể bị hoãn vô thời hạn.  

 

Sau mấy ngày đầu giữ im lặng, dường như chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh lập trường. Các báo Việt Nam bắt đầu đưa tin chiến sự cả hai chiều, chứ không chỉ đưa tin có lợi cho Nga. Tại LHQ, đại sứ Đặng Hoàng Giang đã lên án những hành động “không phù hợp với những nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc, đe dọa nghiêm trọng hòa bình quốc tế, cũng như an ninh và phát triển của các quốc gia và người dân”. Nhưng trong phiên họp ngày 2/3, khi LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh và rút quân khỏi Ukraine, Việt Nam và Lào đã bỏ phiếu trắng (trong 141 phiếu thuận, 35 phiếu trắng, 5 phiếu chống).

Việt Nam bỏ phiếu trắng tại LHQ làm nhiều người bất ngờ và thất vọng. Theo RFI (4/3/2022) tiến sỹ Lê Hông Hiệp (ISEAS) cho rằng “có một chút gì đó không nhất quán trong lập trường của Việt Nam”. Thái độ thận trọng và dè dặt của Việt Nam trong vấn đề này bắt nguồn từ hai lý do chính. Một là do lịch sử trước đây Nga và Liên Xô cũ đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều. Hai là  Nga cung cấp 80% vũ khí cho Việt Nam, và là đối tác dầu khí chủ yếu tại  Biển Đông. Vì vậy, Việt Nam không muốn làm ảnh hưởng đến các quan hệ trên.  

 

Lê Hồng Hiệp cho rằng trước mắt Việt Nam nên giữ chính sách bốn không, “Có lẽ lúc này Việt Nam chưa thật sự cần một đồng minh quân sự. Tuy có mối đe dọa đặc biệt trên Biển Đông, nhưng chưa đủ lớn để cần đồng minh”. Theo Lê Hồng Hiệp “Khủng hoảng này là dịp để Việt Nam xét lại quan hệ với Nga”, làm sao có thể quản lý tốt hơn các rủi ro trong mối quan hệ này.  “Việt Nam phải tìm cách tăng cường đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí để làm sao có thể giảm phụ thuộc vào nguồn vũ khí và thiết bị quân sự của Nga”.

 

Thay lời kết

 

Năm Nhâm Dần, chắc Putin bị sao thái bạch chiếu nên gặp đại hạn. Từ đỉnh cao quyền lực, “Putin Đại đế” đã liều chơi canh bạc cuối tại Ukraine. Tuy còn quá sớm để khẳng định kết cục của cuộc chiến, nhưng đã có đủ dấu hiệu cho thấy có nguy cơ Putin sẽ bị thua cháy túi, có thể “mất cả chì lẫn chài”. Với gốc gác KGB, Putin đã quên mất bài học về “giới hạn quyền lực” (litmits of power) và “ngạo mạn quyền lực” (arrogance of power).

 

Tập Cận Bình cũng là “Hoàng đế” tham vọng, và “chuyên chế cá nhân” (personalist autocrat), nhưng là con cháu của Tào Tháo nên chơi cờ thận trọng hơn. Ưu tiên trước mắt của Tập là chống dịch đang bùng phát trở lại và chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 20. Tham vọng lâu dài là vượt Mỹ làm bá chủ khu vực và thế giới. Với kết cục nhãn tiền tại Ukraine, chắc Tập chưa dám liều tại Đài Loan và Biển Đông. Đài Loan và Việt Nam nên cám ơn người Ukraine dũng cảm.  Ukraine là “một hồi chuông cảnh tỉnh và bài học cho thế kỷ 21”. 

  

NQD. 20/03/2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats