Tuesday 22 March 2022

TẬP CÙNG PUTIN CHỐNG MỸ KHIẾN TRUNG QUỐC BỊ CÔ LẬP (Hiếu Chân - Saigon Nhỏ)

 



Tập cùng Putin chống Mỹ khiến Trung Quốc bị cô lập

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ
21 tháng 3, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/tap-cung-putin-chong-my-khien-trung-quoc-bi-co-lap/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-842160518.jpg

“Tình bạn không giới hạn” với Putin đã trở thành áp lực của Tập Cận Bình và khiến Trung Quốc bị thế giới xa lánh. Ảnh Tập và Putin tại một hội nghị ở Hạ Môn năm 2017. Ảnh Mikhail Svetlov/Getty Images

 

Tập Cận Bình đặt cược rằng việc thiết lập một tình bạn “không có giới hạn” với Vladimir Putin có thể ngăn Hoa Kỳ kiềm chế Trung Quốc. Giờ đây, thỏa thuận đó có nguy cơ khiến Bắc Kinh bị cô lập và đơn độc hơn.

 

Cuộc điện đàm giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm Thứ Sáu 18 Tháng Ba dường như không đạt được bước đột phá nào. Mỹ tiếp tục cảnh báo Trung Quốc phải hứng chịu những hậu quả không xác định nếu hỗ trợ cụ thể cho Nga; Bắc Kinh khẳng định ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình nhưng đổ lỗi cho Mỹ gây ra xung đột.

 

Cuộc xâm lược của Putin dường như đang đẩy nhiều quốc gia hơn vào phe của Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) dự tính sẽ ủng hộ cảnh báo của Mỹ đối với Bắc Kinh tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến sẽ diễn ra vào ngày 1 Tháng Tư. Trong khi đó, Trung Quốc đang cố gắng trong tuyệt vọng để thuyết phục thế giới rằng Bắc Kinh là một bên trung lập, không đứng về phía Nga hay Ukraine, nhưng trong các thông điệp với dân chúng trong nước Bắc Kinh vẫn tiếp tục khẳng định tính chất thiết yếu của quan hệ đối tác Trung – Nga.

 

Việc đảng Cộng sản Trung Quốc không muốn từ bỏ Nga chứa đựng một số rủi ro chính cho cả Trung Quốc và cá nhân ông Tập. Trong ngắn hạn, nó có thể làm tổn hại đến quan hệ của Bắc Kinh với các đối tác thương mại quan trọng ở phương Tây khi Trung Quốc vẫn cần đầu tư và các công nghệ quan trọng để đáp ứng các mục tiêu phát triển của mình. Điều có lẽ quan trọng hơn là, quan hệ “không giới hạn” với Nga có thể gây ra áp lực lớn cho ông Tập và đảng Cộng sản nếu cuộc chiến của Putin kết thúc trong thất bại và phản tác dụng.

 

Giáo sư Julian G. Ku, khoa luật hiến pháp tại Đại học Hofstra,New York, người nghiên cứu về Trung Quốc và luật pháp quốc tế, nhận xét: “Ông Tập dường như cảm thấy điều rất quan trọng là ông phải kéo Nga thành đối tác trong chiến lược chống Mỹ, cả về mặt ngoại giao và quân sự. Nhưng nếu Putin bị lật đổ hoặc nếu Nga bị suy yếu đáng kể, thì điều đó sẽ làm suy yếu chiến lược chính sách đối ngoại căn bản của ông Tập là khẳng định lợi ích của Trung Quốc chống lại Mỹ và các nước khác.”

 

Hiện tại, Bắc Kinh vừa đang ủng hộ các lý do mà Nga đưa ra để biện hộ cho hành động chiến tranh vừa cố tránh xa cuộc giao tranh – một lập trường được thiết kế để hỗ trợ Nga đồng thời tránh được bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Tần Cương (Qin Gang), hôm qua Chủ Nhật 20 Tháng Ba cho biết Trung Quốc “sẽ làm mọi thứ” để giảm leo thang chiến tranh và nói rằng Bắc Kinh chưa gửi bất kỳ “vũ khí và đạn dược” cho bất kỳ bên nào.

 

Nhưng chỉ một ngày trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) đã nhắc lại quan điểm của Tập Cận Bình rằng sự mở rộng về phía Đông của NATO là chất xúc tác cho cuộc chiến của Nga, một quan điểm được nêu rõ trong hội nghị thượng đỉnh Tập-Putin ở Bắc Kinh vào tháng trước, ngay trước ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2022. Hơn nữa, Lạc đã đánh đồng chính sách mở rộng NATO với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

 

“Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng nguy hiểm như chiến lược mở rộng về phía Đông của NATO ở châu Âu”, ông Lạc nói tại Diễn đàn Quốc tế về An ninh và Chiến lược lần thứ tư qua liên kết video. “Nếu cứ để xảy ra tình trạng không được kiểm soát, nó sẽ mang lại những hậu quả không thể tưởng tượng được, và cuối cùng đẩy châu Á – Thái Bình Dương vào một hố sâu rực lửa”.

 

Đối thủ chiến lược

 

Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập của tờ Global Times thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, đã giải thích tại sao Trung Quốc nên gắn bó với Nga trong một bài đăng trên mạng Weibo nơi ông ta có khoảng 24 triệu người theo dõi. Hồ đã không đăng bài bình luận đó lên mạng Twitter của mình, nơi ông ta thường bảo vệ các chính sách của Trung Quốc trước khán giả quốc tế. Việc chỉ đăng trên Weibo cho thấy chủ ý của ông ta là để nói với dân chúng trong nước.

 

Hồ Tích Tiến gọi Nga là “đối tác quan trọng nhất” mà Trung Quốc hợp tác để sử dụng sức mạnh nhằm buộc Mỹ chấp nhận “chung sống hòa bình” với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ông ta gọi những người đang tìm kiếm sự hòa giải với Hoa Kỳ là “ngây thơ”; ông ta cho rằng mục tiêu cuối cùng của Washington là khiến Trung Quốc trở nên chia rẽ và “bị Hoa Kỳ kiểm soát” tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

 

“Nếu Hoa Kỳ thành công trong việc chia rẽ Trung Quốc với Nga, Nga sẽ ngay lập tức đối mặt với một đối thủ chiến lược. (Nếu không có Nga) thì trong một cuộc xung đột tương lai giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với một trò chơi thất bại”, ông Hồ viết.

 

Những lập luận chống Hoa Kỳ, bênh vực Nga như quan điểm của Lạc và Hồ nói trên dường như đang là tư tưởng chủ yếu của giới tinh hoa Trung Quốc, được đảng Cộng sản ủng hộ và quảng bá. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh đẩy mạnh việc kiểm duyệt và ngăn chặn những quan điểm chống đối. Trong một trường hợp hiếm hoi, đã xuất hiện quan điểm trái chiều của nhà nghiên cứu nổi tiếng Hồ Vĩ (Hu Wei). Ông Hồ Vĩ là Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công trực thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc. Trong một bài viết bày tỏ quan điểm cá nhân, ông Hồ Vĩ cho rằng Trung Quốc cần tách khỏi Nga càng sớm càng tốt. Bài viết của ông Hồ Vĩ đã nhanh chóng bị gỡ bỏ. Hành động kiểm duyệt đó cho thấy có một sự đồng thuận hình thành xung quanh quan điểm rằng Nga vẫn là một đối tác không thể thiếu của Bắc Kinh. 

 

“Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là thực hiện các điều chỉnh chiến lược phù hợp, nhằm thay đổi thái độ thù địch của Mỹ đối với Trung Quốc và ra khỏi tình trạng tự cô lập”, ông Hồ Vĩ viết trong tác phẩm hiện không còn tiếp cận được ở Trung Quốc. Người đọc nước ngoài vẫn có thể đọc bài bình luận của Hồ Vĩ bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc trên trang mạng US-China Perception Monitor.

 

Cuộc tranh luận hiếm hoi về cách Trung Quốc nên tương tác với Nga như thế nào đã làm tăng thêm dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh bị bất ngờ trước cuộc xâm lược của Putin, diễn ra ngay sau lần gặp gỡ chính thức thứ 38 của ông ta với ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp trước Thế Vận Hội. Joseph Torigian, một trợ lý giáo sư tại Đại học American, cho biết: “Mặc dù có dư luận rằng Tập đã bị Putin chơi xỏ, nhưng nhiều khả năng các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc có sự đồng cảm mạnh mẽ” đối với hành động của Nga.

 

Rủi ro của Tập Cận Bình

 

Ông Torigian, người có cuốn sách sắp xuất bản về các cuộc tranh giành quyền lực ở Liên Xô và Trung Quốc sau thời Josef Stalin và Mao Trạch Đông, cho biết: “Bắc Kinh quá nghi ngờ ý định của Mỹ, đồng thời Moscow và Bắc Kinh chia sẻ quá nhiều lợi ích chung. Tuy nhiên, Washington có khả năng làm cho mối quan hệ đối tác Nga-Trung trở nên hết sức tốn kém đối với Bắc Kinh và có thể thuyết phục Trung Quốc hỗ trợ Nga ít nhất có thể.”

 

Cá nhân ông Tập đặt cược rất nhiều vào kết quả của mối quan hệ. Tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay, ông Tập dự kiến ​​sẽ giành được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba và đã vạch ra kế hoạch biến Trung Quốc thành cường quốc hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ này.

 

Không có khả năng sự ủng hộ mà ông Tập dành cho ông Putin sẽ khiến ông Tập bị hụt mất nhiệm kỳ thứ ba, vì ông ta đã củng cố quyền kiểm soát đảng và xã hội Trung Quốc. Nhưng nó có thể làm tổn hại khả năng của Trung Quốc trong việc định hình lại các thể chế toàn cầu và thúc đẩy nhiều quốc gia hơn thách thức sự quyết đoán về quân sự của chính Bắc Kinh.

 

Giáo sư Ku từ Đại học Hofstra nhận xét: “Đồng lõa với cuộc xâm lược thất bại của Putin không chỉ làm giảm uy tín của Trung Quốc ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Âu mà cả với các nước láng giềng gần gũi của Trung Quốc ở châu Á. Bắc Kinh sẽ khó xây dựng lòng tin và thiện chí, điều mà họ đã đánh mất”.

 

-------------

Đọc thêm:

·         Điện đàm với Biden về Ukraine, Tập Cận Bình lo ngại Đài Loan

·         Thấm đòn cấm vận, Kremlin gõ cửa cầu viện Bắc Kinh





No comments:

Post a Comment

View My Stats