Thursday, 17 March 2022

KHÍA CẠNH LUẬT PHÁP QUỐC TẾ TRONG VIỆC NGA XÂM LƯỢC UKRAINE (Oona A. Hathaway  -  Foreign Affairs)

 



Khía cạnh luật pháp quốc tế trong việc Nga xâm lược Ukraine

Oona A. Hathaway  -  Foreign Affairs

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

17/03/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/03/17/khia-canh-luat-phap-quoc-te-trong-viec-nga-xam-luoc-ukraine/

 

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga là cuộc chiến tranh phi pháp trắng trợn nhất do một quốc gia có chủ quyền tiến hành chống lại một quốc gia có chủ quyền khác kể từ Thế chiến II. Hành động của Điện Kremlin rõ ràng đã vi phạm nghĩa vụ cốt lõi quy định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cấm “sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã đe dọa rằng nếu người Ukraine tiếp tục phản kháng, họ sẽ “đưa tương lai địa vị nhà nước của Ukraine vào rủi ro.” Cũng có rất nhiều bằng chứng theo thời gian thực tại Ukraine cho thấy quân đội Nga đang phạm tội ác chiến tranh trên khắp nước này – kể cả việc tấn công dân thường.

 

Những hành động vi phạm pháp luật khác thường này đã phải đối mặt với những biện pháp thực thi pháp luật đặc biệt không kém. Phản ứng được thảo luận rộng rãi nhất đối với cuộc chiến bất hợp pháp trắng trợn này là một loạt các biện pháp trừng phạt có phối hợp, chưa từng có tiền lệ, đến từ Mỹ, Châu Âu, và phần lớn các nước còn lại trên thế giới. Các lệnh trừng phạt đó đã được áp dụng, cụ thể và trực tiếp, nhằm đáp trả việc Nga vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Do đó, chúng gửi đi một thông điệp rõ ràng: cuộc xâm lược Ukraine là một mối đe dọa không chỉ đối với Ukraine, mà còn đối với trật tự luật pháp quốc tế. Bằng cách gia nhập nhóm thực thi trừng phạt, các quốc gia trên khắp thế giới đang làm rõ rằng họ cũng phản đối cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga và sự vi phạm luật pháp quốc tế mà nó đại diện.

 

Luật pháp quốc tế đương đại yêu cầu các quốc gia đáp lại các hành vi vi phạm không phải bằng chiến tranh, mà bằng điều mà tôi và Scott Shapiro gọi là “tẩy chay” (outcasting) – nghĩa là các biện pháp trừng phạt nhằm loại trừ quốc gia vi phạm luật pháp quốc tế khỏi các lợi ích của hợp tác toàn cầu. Trong trường hợp này, tẩy chay không chỉ liên quan đến các biện pháp trừng phạt kinh tế, mà còn gồm việc cấm các vận động viên Nga tham gia các sự kiện thể thao quốc tế, cấm máy bay Nga bay vào không phận châu Âu và Mỹ, cũng như hạn chế khả năng tiếp cận khán giả châu Âu của các hãng truyền thông Nga.

 

Nhưng đó không phải là tất cả. Các thể chế luật pháp quốc tế vốn dĩ đang thoi thóp bỗng nhiên đã sống động trở lại do cuộc xâm lược bất hợp pháp này. Chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến bắt đầu, công tố viên trưởng tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã thông báo rằng ông đang mở một cuộc điều tra về những gì có thể là tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người của Nga. Ukraine cũng đã yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) can thiệp vào cuộc xung đột. Thêm nữa, ngày càng có nhiều lời kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để xem xét liệu đây có phải là một tội ác xâm lược hay không. Dù còn quá sớm để biết liệu có nỗ lực nào trong số này thành công hay không, nhưng phản ứng chưa từng có tiền lệ này vẫn có thể có tác dụng bất ngờ trong việc khôi phục và củng cố trật tự luật pháp quốc tế, theo những cách mà Putin không thể dự liệu. Trên thực tế, quyết định dựa vào luật pháp của Ukraine, bất chấp việc Nga dựa vào vũ lực thô bạo, đã giúp họ nâng cao ý nghĩa của cuộc đối đầu. Cuộc xung đột này không chỉ đơn giản là về tương lai của Ukraine, mà còn về tương lai của trật tự pháp lý toàn cầu như chúng ta đã biết.

 

Cuộc chiến đầy tội lỗi của Putin

 

Ngay khi cuộc xâm lược bắt đầu, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã cố gắng thông qua một nghị quyết để lên án cuộc xâm lược của Nga, đồng thời yêu cầu rút các lực lượng Nga khỏi Ukraine, nhưng phía Nga đã phủ quyết. Tuy nhiên, cho đến nay, Liên Hiệp Quốc vẫn đóng vai trò là trung tâm của phản ứng pháp lý quốc tế đối với cuộc chiến. Nga có thể tiếp tục sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an, để ngăn cơ quan này thông qua bất kỳ hành động trừng phạt nào, nhưng việc cô lập Nga gần như hoàn toàn trong tổ chức này đã diễn ra nhanh chóng và triệt để. Ngay sau khi Nga chặn nghị quyết, Hội đồng Bảo an – áp dụng Nghị quyết Thống nhất vì Hòa bình, vốn lâu nay ít được viện dẫn, theo đó không cho phép phủ quyết – đã chuyển vấn đề này lên Đại Hội đồng, nơi mà ngay sau đó đã bỏ phiếu áp đảo yêu cầu Nga “rút tất cả các lực lượng quân sự của mình ngay lập tức, hoàn toàn, và vô điều kiện ra khỏi lãnh thổ Ukraine, theo các biên giới được quốc tế công nhận.” Chỉ một số ít các quốc gia – gồm Belarus, Eritrea, Triều Tiên, và Syria – đã cùng Nga bỏ phiếu chống lại nghị quyết này. Các quốc gia khác mà Nga từng hy vọng sẽ ủng hộ mình, đáng chú ý nhất là Trung Quốc, thay vào đó, đã chọn bỏ phiếu trắng. Rõ ràng là Nga đang bị cô lập hơn bao giờ hết.

 

Các bánh răng của hệ thống tư pháp hình sự quốc tế cũng đã bắt đầu quay nhanh hơn. Ngày 28/02, chỉ 4 ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, Công tố viên ICC Karim Khan thông báo rằng ông đang tìm kiếm sự phê duyệt để mở một cuộc điều tra càng sớm càng tốt. Cả Nga và Ukraine đều không tham gia Quy chế Rome, văn bản thành lập và trao quyền tài phán cho ICC. Nhưng vào năm 2013, Ukraine đã chấp nhận thẩm quyền của Tòa ICC đối với các tội phạm bị cáo buộc xảy ra trên lãnh thổ của nước này. Tuy nhiên, Khan cho biết, quá trình xét duyệt sẽ được xúc tiến nhanh hơn, nếu một quốc gia thành viên ICC chuyển cuộc khủng hoảng Ukraine đến văn phòng của ông xem xét. Ngày 03/02, Khan thông báo rằng mình đã nhận được 39 yêu cầu từ các thành viên, và sẽ ngay lập tức tiến hành điều tra. Chưa bao giờ ICC lại phản ứng nhanh đến vậy trước sự bùng nổ của một cuộc xung đột. Thông báo này có nghĩa là các binh sĩ và các chỉ huy của họ ở cả hai bên, bao gồm cả chính Putin, có thể bị ICC truy tố vì tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, hoặc tội ác diệt chủng. Vì tội xâm lược chỉ có thể được ICC tuyên cho các quốc gia thành viên của Quy chế Rome, trong khi Nga không phải là một thành viên, nên đã có những lời kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử Nga vì đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp ở Ukraine.

 

Tương tự, Tòa án Công lý Quốc tế – cơ quan vẫn thường hành động chậm chạp – nay cũng đã bắt đầu các thủ tục tố tụng với tốc độ cực nhanh. Ngày 26/02, chỉ hai ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, Ukraine đã nộp đơn lên ICJ, bắt đầu các thủ tục chống lại Nga. Đơn kiện của họ đã sử dụng chính những tuyên bố thái quá (và vô căn cứ) của Putin về tội ác diệt chủng của chính quyền Ukraine ở miền đông Ukraine để chống lại ông ta. Nga, với tư cách là một bên của Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng, đã đồng ý rằng ICJ là diễn đàn có thể giải quyết các cáo buộc về tội diệt chủng. Trong một hành động pháp lý đầy khôn ngoan, Ukraine đã sử dụng tiền đề này, và lập luận rằng tuyên bố của Putin cung cấp cơ sở cho ICJ ra phán quyết liệu có thực sự xảy ra bất kỳ vụ diệt chủng nào như vậy hay không. ICJ ngay lập tức lên lịch điều trần vào ngày 07/03, nhưng Nga đã vắng mặt.

 

Tại sao lần này tình hình lại khác?

 

Theo tất cả các báo cáo, Putin không hề mong đợi một phản ứng toàn cầu mạnh mẽ mà cuộc xâm lược Ukraine đã gây ra như vậy. Đó cũng là điều dễ hiểu. Xét cho cùng, ở Ukraine, Putin đang dùng cùng một cuốn cẩm nang hủy diệt mà nhiều năm qua ông đã dùng ở Syria, nhưng không gặp phản ứng gì đáng kể. Và dù việc sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào năm 2014 cũng đã dẫn đến nhiều lệnh trừng phạt, chúng không thấm tháp gì so với cơn sóng thần kinh tế đang tấn công nước Nga ngày hôm nay.

 

Putin đã quên mất rằng cả Syria và Crimea đều không tạo ra một thách thức mởi đối với nguyên tắc cốt lõi của trật tự luật pháp quốc tế – quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc về việc cấm sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Tại Syria, Putin đã hành động với sự đồng ý của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Kết quả là, hành động của ông ta, tuy khủng khiếp, nhưng không vi phạm điều khoản cấm sử dụng vũ lực của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, việc sáp nhập Crimea đơn giản là diễn ra trong cảnh rối rắm và ít có đổ máu. “Những người đàn ông áo xanh lá nhỏ bé,” những người mà Putin sau đó thừa nhận là binh sĩ Nga, đã đến bán đảo một cách bí mật. Chính phủ và người dân Crimea, nơi Hạm đội Biển Đen của Nga đã đóng quân từ lâu đời, phần lớn ủng hộ việc ly khai lãnh thổ khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đã gọi hành động sáp nhập bằng đúng bản chất của nó là thôn tính (annexation) – một sự vi phạm rõ ràng đối với Hiến chương Liên Hiệp Quốc – nhưng họ đã mất nhiều thời gian để nhận ra bản chất sự việc và chuẩn bị một kế hoạch trừng phạt. Đến lúc đó thì việc thôn tính đã trở thành chuyện đã rồi (fait accompli).

 

Nhưng lần này mọi chuyện đã khác. Không giống như ở Syria, giới lãnh đạo Ukraine không đồng ý với việc Nga sử dụng vũ lực. Thay vào đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lãnh đạo đất nước mình trong thời khắc phản kháng và định hình bản sắc dân tộc quan trọng nhất trong lịch sử gần đây. Ông đã biến Ukraine trở thành một biểu tượng của dân chủ và tự do trước sự tấn công dữ dội của Nga. Những người Ukraine bình thường đã đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống, bằng cách chiến đấu vì đất nước của họ, chống lại một trong những đội quân hùng mạnh và hung tợn nhất hành tinh. Và họ đã truyền cảm hứng cho thế giới, dù phải hứng chịu những tổn thất to lớn.

 

Trong khi đó, được hỗ trợ bởi thông tin tình báo theo thời gian thực từ Mỹ về ý định thực sự của Nga, cộng đồng toàn cầu đã chứng minh rằng mình đã học được bài học từ Crimea, và sẵn sàng trừng phạt Nga ngay từ khi nước này phát động xâm lược. Nhiều quốc gia ở châu Âu coi số phận của họ gắn liền với số phận Ukraine. Và họ nhận ra, lúc này đây, hơn bao giờ hết, nền hòa bình hậu Thế chiến II đã trở nên mong manh như thế nào – và việc cấm sử dụng vũ lực quan trọng ra sao đối với tương lai an ninh của chính họ.

 

Đứng về phía lẽ phải

 

Rõ ràng, sẽ không có thể chế luật pháp quốc tế nào có thể ngăn chặn hoặc đảo ngược được cuộc xâm lược của Nga. Nhưng dù sao, chúng vẫn có quyền lực. Cùng với nhau, các thể chế này đang khiến Putin khó có thể “thả bùn” vào môi trường pháp lý và níu giữ bất kỳ đồng minh nào còn lại ủng hộ mình. Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra nhiều tuyên bố vô căn cứ – rằng Ukraine đã có hành vi diệt chủng ở các tỉnh Luhansk và Donetsk của nước này, rằng các lệnh trừng phạt kinh tế về bản chất chính là một lời tuyên chiến, rằng Nga chỉ đơn giản là đáp lại yêu cầu xin được bảo vệ của người dân sinh sống ở các vùng “độc lập” của Ukraine. Nhưng căn cứ của các tuyên bố này đều đã bị suy yếu, do các bằng chứng về tội ác chiến tranh của quân Nga, cũng như phản ứng thống nhất của các thể chế luật pháp quốc tế là sẽ soi xét kỹ lưỡng các tuyên bố của Putin. Ukraine và các đồng minh gọi Putin là kẻ xuyên tạc. Và họ đang sử dụng các thể chế luật pháp quốc tế để chứng minh điều đó.

 

Ukraine và những người ủng hộ họ đã quyết định dựa vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các thể chế luật pháp quốc tế để chứng minh rằng hành động của Putin không chỉ đáng bị lên án về mặt đạo đức, mà còn là bất hợp pháp. Và quyết định đó đã giúp cô lập Putin. Điều này giúp giải thích tại sao chỉ có các quốc gia bị bài xích, hoàn toàn phụ thuộc vào Nga, mới bỏ phiếu ủng hộ nước này tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngay cả các quốc gia độc tài thường đứng về phía Nga cũng thấy lập trường pháp lý của Nga là không thể chấp nhận được. Hai trong số các luật sư của Nga, những người từng đại diện cho nước này tại ICJ trong các vụ việc liên quan đến Crimea, đã từ chức, công khai tuyên bố rằng họ “không thể trở thành đại diện trong các diễn đàn thực thi luật pháp cho một quốc gia vốn coi thường chính nền luật pháp ấy.”

 

Dù có rất ít triển vọng Putin sẽ xuất hiện tại vành móng ngựa trong phòng xử án của ICC ở La Haye, và cũng rất ít khả năng Nga sẽ tuân theo quyết định của ICJ, nhưng luật pháp quốc tế vẫn là một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất của Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Luật pháp quốc tế đang giúp các quốc gia – vốn ít khi đồng ý với nhau trong nhiều vấn đề – có thể thống nhất cùng nhau chống lại cuộc xâm lược. Nó đã tập hợp một liên minh toàn cầu chưa từng có để phản đối sự can thiệp của Nga, và xây dựng một chương trình trừng phạt nhấn mạnh đến cái giá phải trả cho hành động xâm lược của Điện Kremlin. Nó cũng thúc đẩy những quốc gia kể trên hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc chuyển giao một lượng lớn vũ khí để nước này có thể phòng vệ. Luật pháp quốc tế sẽ giữ vững liên minh các quốc gia đa dạng này bằng cách chứng minh, hết lần này đến lần khác, rằng Putin không có lý lẽ chính đáng nào để có thể dựa vào.

 

Ngay cả trong trường hợp chính phủ Ukraine sụp đổ, hành động lên án thống nhất và kiên định về mặt pháp lý đối với cuộc xâm lược là điều cần thiết, không chỉ để duy trì hy vọng về một tương lai tự do và độc lập cho Ukraine, mà còn để duy trì một trật tự pháp lý quốc tế được thiết lập trên nguyên tắc “kẻ mạnh không phải luôn là kẻ đúng.”

 

----------------------

Oona A. Hathaway là Giáo sư Luật Quốc tế tại Trường Luật của Đại học Yale.

 

Nguồn:

 

Oona A. Hathaway, International Law Goes to War in Ukraine, Foreign Affairs, 15/03/2022

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats