Tuesday, 22 March 2022

ĐIỂM YẾU CỦA NỀN KINH TẾ 'PHÁO ĐÀI NGA' (Zing.vn)

 



Điểm yếu của nền kinh tế 'pháo đài Nga' 

Ngọc Phương Linh  -  Zing.vn

13:33 21/3/2022

https://zingnews.vn/diem-yeu-cua-nen-kinh-te-phao-dai-nga-post1303985.html

 

Dù nỗ lực xây dựng chính sách phát triển tự lực trong nước, các ngành kinh tế ở Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu.

 

Theo Wall Street Journal, Nga đã dành nhiều năm hạn chế hàng hóa nhập khẩu để củng cố nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

 

Tuy nhiên, những tác động của biện pháp trừng phạt lúc này đang cho thấy sự nỗ lực của Nga chưa thật sự hiệu quả. Càng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, Nga càng đối mặt với nhiều áp lực kinh tế.

 

“Nga không đạt được mục tiêu khi thay thế hoạt động nhập khẩu. Tham vọng của Nga là bất khả thi. Một nền kinh tế tương đối như Nga không thể tự sản xuất hàng hóa phức tạp và công nghệ cao”, Janis Kluge, chuyên gia kinh tế Nga tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, nhận định.

 

Điểm yếu trước các lệnh trừng phạt

 

Vì thiếu linh kiện nước ngoài, nhiều bộ phận chế tạo thuộc ngành công nghiệp ôtô của Nga buộc phải ngừng hoạt động. Việc lắp ráp dòng máy bay phản lực dân dụng tự sản xuất của Nga cũng bị đình trệ vì thiếu hàng nhập khẩu. Thậm chí, thức ăn cho vật nuôi và thuốc ngoại đã biến mất khỏi các kệ hàng.

 

Quá trình thay thế sản phẩm nước ngoài có thể mất nhiều năm. Thay thế nhập khẩu đồng nghĩa quốc gia đó phải tự sản xuất. Dù hầu hết chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc tự lực xây dựng mọi thứ trong nước rất tốn kém và thiếu hiệu quả, Điện Kremlin vẫn kiên định với chiến lược này sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014.

 

Đây là một trong những kế hoạch nhiều năm nhằm bảo vệ nền kinh tế, hay còn được biết đến với cái tên “Pháo đài Nga”.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/rohuoct/2022_03_21/123622540_gettyimages_1236639689.jpg

Nga có thể chủ động trong lĩnh vực năng lượng nhưng bị động đối với những lĩnh vực cần hàng nhập khẩu. Ảnh: BBC

 

Trên thực tế, Nga ngày càng trở nên phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Theo khảo sát của Viện Chính sách Kinh tế Gaidar của Nga, vào năm 2021, khoảng 81% nhà sản xuất cho biết không thể tìm thấy bất kỳ sản phẩm nào của Nga tương đương với hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, hơn 50% không hài lòng với chất lượng của sản phẩm “cây nhà lá vườn”.

 

Theo nghiên cứu của Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow, hoạt động nhập khẩu chiếm 75% doanh thu hàng tiêu dùng phi thực phẩm trên thị trường bán lẻ trong năm 2020. Con số này thậm chí cao hơn trong một số lĩnh vực, ví dụ như viễn thông (86%).

 

Kim ngạch xuất khẩu của Nga chiếm 1/5 GDP trong năm 2020. Con số này cao hơn hẳn Trung Quốc (16%) và các nền kinh tế khác như Ấn Độ, Brazil.

 

Lĩnh vực sản xuất ôtô của Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hôm 16/3, một quan chức cảnh báo sản lượng của nhà sản xuất xe tải Kamaz có thể sụt giảm tới 40% và khoảng 15.000 nhân viên phải nghỉ việc do đứt gãy chuỗi cung ứng linh kiện.

 

Đại diện Kamaz cho biết đây được xem là tình huống xấu nhất. Tuy vậy, công ty đang cố gắng đa dạng hoạt động sản xuất sang các dòng xe tải sử dụng linh kiện nội địa.

 

Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghệ bao gồm chất bán dẫn, máy tính, laser và cảm biến cũng bị lệnh trừng phạt cắt bỏ. Trong khi đó, giá trị đồng RUB giảm mạnh làm tăng giá hàng hóa mà Nga có thể nhập khẩu.

 

Một khía cạnh rủi ro cao mà Nga phải đối mặt là ngành năng lượng. Quốc gia này phụ thuộc nhiều vào công nghệ phương Tây để phục vụ các mỏ dầu và khí đốt lạc hậu. Do vậy, việc phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt buộc nhiều công ty năng lượng Nga phải trì hoãn hoặc hủy bỏ dự án hợp tác với nước ngoài.

 

Thách thức và cơ hội

 

“Nền kinh tế của chúng ta cần sự thay đổi sâu sắc về cấu trúc trong những thực tế mới này và tôi không giấu giếm điều đó, chúng sẽ không dễ dàng”, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu hôm 16/3.

 

Tuy nhiên, một số quan chức Nga tin rằng doanh nghiệp trong nước sẽ hưởng lợi từ tình thế này.

 

“Trước đây, việc sản xuất hàng hóa trong nước không sản sinh nhiều lợi nhuận. Giờ đây, mọi thứ đang trở nên thú vị hơn với doanh nghiệp nội địa”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina, chia sẻ.

 

Dẫu vậy, bà thừa nhận nước Nga sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại, bao gồm tình trạng gia tăng lạm phát.

 

Theo Maria Shagina, nghiên cứu sinh cao cấp tại Học viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, có tới 90% ngân hàng và công ty ở Nga đang sử dụng phần mềm phương Tây.

 

Ngay cả những dự án uy tín mà Điện Kremlin coi là ví dụ về sự hồi sinh của ngành công nghiệp Nga cũng tỏ ra phụ thuộc vào nhập khẩu.

 

Đơn cử như Sukhoi Superjet 100, máy bay dân dụng ra mắt vào năm 2007. Các quan chức Nga cho biết khoảng một nửa chi phí, bộ phận sử dụng để chế tạo Superjet có nguồn gốc từ hàng nhập khẩu.

 

Vì các lệnh trừng phạt, công ty hàng không vũ trụ Pháp Safran SA, đơn vị sản xuất động cơ, bộ hạ cánh và vỏ động cơ của Superjet, đã phải ngừng mọi hoạt động ở Nga. Do đó, phiên bản Superjet sản xuất từ 100% linh kiện trong nước sẽ không thể xuất hiện cho đến năm 2024.

 

Người dân Nga gặp khó

 

Các biện pháp trừng phạt còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng vốn đã quen với hàng hóa nhập khẩu. Theo Svetlana Ryabova, một cư dân Moscow đang điều hành tổ chức cứu hộ vật nuôi, thức ăn và thuốc chữa bệnh từ nước ngoài ngày càng khó tìm.

 

Tình trạng khan hiếm nguồn cung khiến một số nhãn hiệu như Monge, vaccine Nobivac, Purevax gần như biến mất khỏi các cửa hàng.

 

Nga đã khởi động kế hoạch thay thế nhập khẩu bằng cách cấm nhiều thực phẩm của phương Tây. Phô mai Pháp, giăm bông Tây Ban Nha và những món được giới thượng lưu đánh giá cao đã biến mất khỏi kệ hàng. Động lực thay thế nhập khẩu còn mở rộng sang các ngành khác bao gồm cả y học và công nghệ.

 

Từ năm 2015-2020, giới chức trách đã phân bổ hơn 2.900 tỷ RUB, tương đương 27 tỷ USD, cho chương trình thay thế nhập khẩu. Con số này xấp xỉ 1,4% chi ngân sách trong giai đoạn này.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/rohuoct/2022_03_21/0662551666c09e0d0b2df5e7f389d4af1e7ea4c6.png

Thu nhập của người Nga trong năm 2020 giảm 9,3% so với thời điểm năm 2013. Ảnh: AP.

 

Tuy nhiên, chính sách này không thể thúc đẩy nền kinh tế Nga, vốn đang phải hứng chịu tác động kép từ các lệnh trừng phạt và giá dầu thấp.

 

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của nước này bắt đầu chậm hơn mức trung bình thế giới kể từ năm 2014. Vào năm 2020, thu nhập thực tế của người dân Nga đã giảm 9,3% so với mức năm 2013.

 

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Kinh tế Mới của Nga vào năm 2019, bên cạnh một số thành công, bao gồm sự phát triển của ngành công nghiệp sữa và thịt, lệnh cấm thực phẩm đã đẩy giá cả lên cao, khiến người tiêu dùng thiệt hại 445 tỷ RUB, tương đương 4,1 tỷ USD/năm.

 

Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Nga, có thể thay thế Mỹ và châu Âu để trở thành nhà cung cấp hàng chủ chốt. Song, động thái này có khả năng đe dọa mối quan hệ thương mại vốn đã căng thẳng giữa Bắc Kinh và phương Tây.

 

--------------------------------------------

 

Phỏng dịch từ Russia’s Push for Self-Sufficient Economy Fails Before Western Sanctions (WSJ 20-3-22)

 

BÀI LIÊN QUAN

Các tập đoàn dầu mỏ lãi đậm

Hàng loạt tập đoàn dầu mỏ lớn trên thế giới chứng kiến lợi nhuận ròng tăng 2-4 lần trong năm 2021.





No comments:

Post a Comment

View My Stats