Tại
sao bây giờ chúng ta nên đọc Hannah Arendt
Anne Applebaum - The Atlantic
DCVOnline chuyển ngữ
POSTED
ON MARCH 20, 2022
https://dcvonline.net/2022/03/20/tai-sao-bay-gio-chung-ta-nen-doc-hannah-arendt/
Viết theo phần giới thiệu ấn bản mới cuốn The
Origins of Totalitarianism của Hannah Arendt do The Folio Society phát hành
Nguồn gốc
của Chủ nghĩa Toàn trị nói nhiều về một thế giới với chủ nghĩa độc tài đang trỗi
dậy .
Getty; The Atllantic
Rất nhiều
những gì chúng ta tưởng tượng là mới đã chuyện cũ; rất nhiều những căn bệnh có
vẻ mới lạ đang ảnh hưởng đến xã hội hiện đại thực sự chỉ là những căn bệnh ung
thư đang hồi sinh, đã được chẩn đoán và mô tả từ lâu. Những kẻ chuyên quyền đã
trỗi dậy trước đây; họ đã dùng bạo lực hàng loạt trước đây; họ đã phá vỡ quy luật
chiến tranh trước đây.
Năm 1950,
trong lời tựa bà viết cho ấn bản đầu tiên của Chủ nghĩa Toàn trị,
Hannah Arendt, biết rằng những gì vừa xẩy ra có thể lặp lại, đã mô tả mới nửa
thập kỷ trôi qua kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc như một kỷ
nguyên đầy lo lắng:
“Chưa
bao giờ tương lai của chúng ta khó đoán hơn, chưa bao giờ chúng ta phụ thuộc
quá nhiều vào những lực lượng chính trị không thể tin cậy để tuân theo các quy
tắc của lẽ thường và tư lợi — những lực lượng trông giống như điên rồ tuyệt đối,
nếu được đánh giá bằng những tiêu chuẩn của những thế kỷ khác.”
Chủ nghĩa
dân tộc độc hại và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc công khai của Đức Quốc xã, chỉ
mới bị đánh bại gần đây; các cuộc tấn công yếm thế, liên tục của Liên Xô đối với
các giá trị tự do và cái mà nước này gọi là “nền dân chủ tư sản”; sự
phân chia thế giới thành các bộ lạc tranh chấp; dòng người tị nạn lớn; sự gia
tăng của những hình thức truyền thông quảng bá mới có khả năng đưa thông tin và
tuyên truyền sai lệch đến với đại chúng; sự xuất hiện của một bộ phận đa số
không quan tâm, thờ ơ, dễ dàng xoa dịu bằng những câu chuyện vô vị đơn giản và
những lời nói dối hoàn toàn; và trên hết là hiện tượng chủ nghĩa toàn trị, mà
bà ấy mô tả là một “hình thức chính phủ hoàn toàn mới” — tất cả những điều
này đã khiến Arendt tin rằng một kỷ nguyên đen tối sắp bắt đầu.
Bà ấy sai,
hoặc đã sai một phần. Mặc dù phần lớn thế giới sẽ vẫn còn, trong suốt phần còn
lại của thế kỷ 20, trong vòng xoáy của các chế độ độc tài hung hãn và bạo lực,
vào năm 1950 Bắc Mỹ và Tây Âu trên thực tế chỉ mới bắt đầu một kỷ nguyên phát
triển và thịnh vượng sẽ đưa họ đến tầm cao mới của sự giàu có và quyền lực. Người
Pháp sẽ nhớ về thời đại này với cái tên Les Trente Glorieuses; người
Ý sẽ nói về sự bùng nổ kinh tế, người Đức với Wirtschaftswunder (sự
mầu nhiệm của sông Rhine). Trong cùng thời đại này, nền dân chủ tự do, một hệ
thống chính trị đã thất bại ngoạn mục vào những năm 1930 ở châu Âu, cuối cùng
đã phát triển rực rỡ. Hội nhập quốc tế cũng vậy. Hội đồng Châu Âu, Tổ chức Hiệp
ước Bắc Đại Tây Dương, cuối cùng là Liên minh Châu Âu — tất cả các thể chế
này không chỉ hỗ trợ các nền dân chủ tự do mà còn nối kết chúng với nhau chặt
chẽ hơn bao giờ hết. Kết quả chắc chắn không phải là một điều không tưởng
— vào những năm 1970, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại; thất nghiệp và lạm
phát tăng vọt — nhưng dường như, ít nhất là đối với những người sống bên
trong bong bóng phương Tây an toàn, rằng sức mạnh của cái mà Arendt gọi là “sự
điên rồ tuyệt đối” đã bị ngăn chặn.
Ngày nay,
chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên khác, một kỷ nguyên mà sự tăng trưởng ở
mức những năm 1950 đó là không thể tưởng tượng được. Bất bình đẳng đã phát triển
theo cấp số nhân, tạo ra khoảng cách lớn giữa tầng lớp tỷ phú rất nhỏ và những
người khác. Hội nhập quốc tế đang thất bại; Tỷ lệ sinh giảm, kết hợp với làn
sóng nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi, đã tạo ra sự trỗi dậy giận dữ của tâm lý
hoài cổ và bài ngoại. Tệ hơn nữa, một số yếu tố khiến thế giới phương Tây thời
hậu chiến trở nên thịnh vượng — một số yếu tố mà phân tích bi quan của Arendt
đã bỏ sót — đang mờ dần. Sự đảm bảo an ninh của Mỹ làm nền tảng cho sự ổn định
của châu Âu và Bắc Mỹ là không chắc chắn hơn bao giờ hết. Nền dân chủ của chính
nước Mỹ, từng là hình mẫu cho rất nhiều người khác, đang bị thách thức như nó
chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, gồm cả những người không còn chấp nhận kết
quả của các cuộc bầu cử Mỹ. Đồng thời, các chế độ chuyên quyền trên thế giới hiện
đã tích lũy đủ của cải và ảnh hưởng để thách thức các nền dân chủ tự do, về mặt
tư tưởng cũng như kinh tế. Giới lãnh đạo của Trung Hoa, Nga, Iran, Belarus và
Cuba thường làm việc cùng nhau, hỗ trợ lẫn nhau, thu hút các nguồn lực dân chủ
— tiền bạc, tài sản, ảnh hưởng kinh doanh — ở mức độ mà Hitler hoặc
Stalin không bao giờ có thể tưởng tượng được. Nga đã bất chấp toàn bộ trật tự
châu Âu thời hậu chiến bằng cách xâm lăng Ukraine.
Một lần nữa,
chúng ta đang sống trong một thế giới mà Arendt sẽ nhận ra, một thế giới mà ở
đó dường như
“như thể
nhân loại đã tự phân chia giữa những người tin vào sự toàn năng của con người
(những người nghĩ rằng mọi thứ đều có thể xảy ra nếu một người biết cách tổ chức
quần chúng cho nó ) và những người mà sự bất lực đã trở thành kinh nghiệm chính
trong đời họ.”
Mô tả đó gần
như có thể hoàn hảo, một mặt là Vladimir Putin và mặt khác là nước Nga của
Putin.
Nguồn gốc
của Chủ nghĩa Toàn trị buộc chúng ta phải đặt câu hỏi không chỉ tại sao Arendt
lại quá bi quan vào năm 1950, mà còn liệu một số chủ nghĩa bi quan của bà ấy có
thể được bảo đảm hơn bây giờ hay không. Quan trọng hơn, nó cho chúng ta một loại
phương pháp luận kép, hai cách nghĩ khác nhau về hiện tượng chuyên quyền.
Chính vì
Arendt lo cho tương lai, phần lớn Nguồn gốc của Chủ nghĩa Toàn trị trên
thực tế tập trung vào việc khai quật quá khứ. Mặc dù không phải tất cả các
nghiên cứu nằm ở trọng tâm của cuốn sách đều thích hợp với học thuật hiện đại,
nhưng nguyên tắc dẫn bà ấy đi trên con đường này vẫn rất quan trọng: Để vật lộn
với một khuynh hướng xã hội rộng lớn, hãy nhìn vào lịch sử của nó, cố gắng tìm
ra nguồn gốc của nó. Hãy cố gắng hiểu điều gì đã xảy ra khi nó xuất hiện lần cuối
cùng, ở một quốc gia khác hoặc một thế kỷ khác. Để giải thích chủ nghĩa bài Do
Thái của Đức Quốc xã, Arendt không chỉ quay lại lịch sử của người Do Thái ở Đức
mà còn về lịch sử phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa đế quốc ở châu Âu, và sự
phát triển của khái niệm “quyền của con người” —mà bây giờ chúng ta hơn thường
gọi là “nhân quyền.” Bà nhận xét để có những quyền như vậy, bạn không chỉ phải
sống trong một quốc gia có thể bảo đảm “nhân quyền”; bạn cũng phải đủ điều
kiện là một trong những công dân của nước đó. Những người không quốc tịch, và
những người được phân loại là không phải công dân, hoặc không phải người dân,
không được đảm bảo gì cả. Cách duy nhất họ có thể được giúp đỡ hoặc đảm bảo an
toàn là thông qua sự hiện hữu của nhà nước, trật tự công cộng và pháp trị.
Phần cuối
cùng của Nguồn gốc phần lớn dành cho một dự án có phần khác biệt: kiểm tra chặt
chẽ các quốc gia độc tài vào thời của bà, cả Đức Quốc xã và Liên bang Xô viết,
và đặc biệt là nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc sức mạnh của chúng. Ở đây, suy nghĩ của
bà ấy cũng hữu ích không kém, mặc dù không, một lần nữa, vì mọi thứ bà ấy viết
đều phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Nhiều kỹ thuật giám sát và kiểm soát tinh
vi hơn nhiều so với trước đây, liên quan đến camera nhận dạng khuôn mặt và phần
mềm gián điệp, không chỉ đơn thuần là bạo lực thô bạo hoặc sự kiểm tra bán quân
sự trên đường phố. Hầu hết các chế độ chuyên quyền hiện đại không có “chính
sách đối ngoại công khai hướng tới sự thống trị thế giới”, hoặc ít nhất là
chưa có. Tuyên truyền cũng đã thay đổi. Ví dụ, giới lãnh đạo hiện đại của Nga cảm
thấy không cần phải liên tục quảng bá những thành tựu của mình trên khắp thế giới;
nó thường hài lòng với việc coi thường và phá hoại thành quả của người khác.
Và những
câu hỏi mà Arendt đặt ra vẫn hoàn toàn thích hợp cho đến ngày nay. Bà ấy bị thu
hút do sự thụ động của rất nhiều người khi đối diện với chế độ độc tài, vì sự sẵn
sàng rộng rãi, thậm chí háo hức, tin vào những lời nói dối và tuyên truyền — chỉ
cần xem xét phần lớn người dân Nga ngày nay, không biết rằng thậm chí đang có một
cuộc chiến tranh đang diễn ra bên cạnh và bị luật pháp ngăn cấm gọi nó là
‘chiến tranh’. Trong thế giới toàn trị, lòng tin đã tan biến. Quần
chúng “tin tất cả mọi thứ và không có gì, nghĩ rằng mọi thứ đều có thể và không
có gì là sự thật.” Để giải thích hiện tượng này, Arendt tập trung vào tâm lý
con người, đặc biệt là sự giao nhau giữa nỗi kinh hoàng và sự cô đơn. Bằng cách
phá hủy các thể chế công dân, dù đó là câu lạc bộ thể thao hay doanh nghiệp nhỏ,
các chế độ độc tài đã ngăn mọi người tránh xa nhau và ngăn cản họ chia sẻ các dự
án sáng tạo hoặc hiệu quả. Bằng cách phủ trắng phạm vi công cộng bằng tuyên
truyền, họ đã khiến mọi người ngại nói chuyện với nhau. Và khi mỗi người cảm thấy
mình bị cô lập với những người còn lại, thì sự phản kháng trở nên bất khả thi.
Chính trị theo nghĩa rộng nhất cũng trở nên bất khả thi: “Khủng bố chỉ có thể
thống trị tuyệt đối đối với những người bị cô lập với nhau… Sự cô lập có thể là
khởi đầu của khủng bố; nó chắc chắn là mảnh đất màu mỡ nhất của nó; nó luôn
luôn là kết quả của nó. ”
Giờ đây, đọc
nhưng câu chuyện đó, không thể không tự hỏi liệu bản chất của công việc và
thông tin hiện đại, sự chuyển dịch từ “cuộc sống thực” sang cuộc sống ảo và sự
thống trị của các cuộc tranh luận công khai bằng các thuật toán làm tăng cảm
xúc, giận dữ và chia rẽ, đã đã tạo ra một số kết quả giống nhau. Trong một thế
giới mà mọi người được cho là “kết nối”, sự cô đơn và cô lập một lần nữa lại
bóp nghẹt sự tích cực, lạc quan và mong muốn được tham gia vào cuộc sống chung.
Trong một thế giới mà “toàn cầu hóa” được cho là khiến tất cả chúng ta trở nên
giống nhau, một nhà độc tài tự ái vẫn có thể khai chiến một cách vô cớ với những
nước láng giềng. Mô hình độc tài toàn trị thế kỷ 20 vẫn chưa bị trục xuất; nó
có thể được mang trở lại, bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào.
The Origins of Totalitarianism | Hannah
Arendt | Introduced by Anne Applebaum
Published by Folio in its first-ever
illustrated edition
Arendt
không đưa ra câu trả lời dễ dàng. Nguồn
gốc của Chủ nghĩa Toàn trị không chứa một tập hợp các quy định về
chính sách hoặc hướng dẫn về cách khắc phục mọi thứ. Thay vào đó, nó đưa ra những
đề nghị, thí nghiệm, những cách khác nhau để suy nghĩ về sự lôi cuốn của chế độ
chuyên quyền và sự hấp dẫn quyến rũ của những người đề xướng nó khi chúng ta vật
lộn với họ trong thời đại của chúng ta.
©
2022 DCVOnline
Nếu đăng lại,
xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng
lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn:
Why
We Should Read Hannah Arendt Now | Anne Applebaum | The Atlantic |
March 17, 2022
No comments:
Post a Comment