Friday, 18 March 2022

3 LÝ DO BẠN NÊN ĐỌC CUỐN SÁCH về BIỂN ĐÔNG của BILL HAYTON (Lee Nguyen - Luât Khoa)

 



3 lý do bạn nên đọc cuốn sách về Biển Đông của Bill Hayton

LEE NGUYEN  - Luật Khoa

15/03/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/03/3-ly-do-ban-nen-doc-cuon-sach-ve-bien-dong-cua-bill-hayton/

 

Phải hiểu thì mới yêu được.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/03/image-9-1024x536.jpeg

Bìa cuốn sách “The South China Sea: The Struggle for Power in Asia” của Bill Hayton. Ảnh nền: Getty Images

 

Mỗi lần đến dịp kỷ niệm sự kiện nào đó liên quan đến Biển Đông, những lỗ hổng trong kiến thức của cộng đồng về vấn đề này lại hiện ra mồn một. Cuộc thảm sát Gạc Ma (14/3/1988) là một ví dụ. [1] Chuyện không chỉ là nhà nước kiểm duyệt; chuyện còn là Biển Đông xưa nay không phải chủ đề thu hút nhiều người quan tâm.

 

Sách về Biển Đông thì không thiếu, nhưng một cuốn sách có thể cung cấp cho bạn những dữ kiện đáng tin cậy hơn là tinh thần dân tộc đơn thuần thì lại không nhiều. Trong bài viết này, tôi muốn giới thiệu cuốn sách “The South China Sea: The Struggle for Power in Asia” (Biển Đông: Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á) xuất bản năm 2014 của tác giả Bill Hayton.

 

Dưới đây là ba lý do vì sao bạn nên dành thời gian để đọc cuốn sách dày hơn 300 trang này.

 

1. Tư liệu hết sức dày dặn

 

Cuốn sách chứa đựng một lượng tài liệu học thuật lớn và đa dạng, từ sử học, địa lý, địa chất, hàng hải, nhân chủng học, động vật học, luật quốc tế, chính trị học cho đến địa chiến lược, trải dài từ thời cổ đại cho đến năm 2010. Độc giả khi đọc cuốn sách sẽ tìm thấy nhiều thông tin và tư liệu có giá trị cao về Biển Đông.

 

Những lời tường thuật của Bill Hayton chắc chắn mâu thuẫn với quan điểm của những nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông – những quốc gia luôn tìm cách biện minh cho chủ quyền và quyền lợi của mình trên vùng biển này.

 

Đây là cuốn sách hiếm hoi trình bày rất chi tiết, sâu sắc và mở ra một bức tranh toàn cảnh về cuộc xung đột, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Nó bao quát từ các quốc gia có tranh chấp trực tiếp như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, đến những cường quốc có liên quan như Ấn Độ, Mỹ, Nga và các nước khác. Cuốn sách là một tài liệu tham khảo quan trọng được sinh viên cũng như các học giả “gối đầu giường” khi nghiên cứu về vấn Biển Đông ngày nay.

 

2. Lối viết dễ hiểu và lôi cuốn của một nhà báo

 

Bill Hayton là một chuyên gia nghiên cứu về các tranh chấp trên Biển Đông và các câu chuyện thời sự của Đông Nam Á. Ông tốt nghiệp Đại học Cambridge, là nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Chatham House (một viện nghiên cứu chính trị quốc tế lâu đời và uy tín có trụ sở tại London, Anh). Hayton còn từng là phóng viên của BBC News.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/03/image-10.jpeg

Tác giả Bill Hayton tại một hội thảo về vấn đề Biển Đông năm 2019. Ảnh: Công an Nhân dân.

 

Bill Hayton viết về Biển Đông với kiến thức của một học giả, thông qua ngôn ngữ dễ hiểu và lôi cuốn của một nhà báo. Các câu chuyện và dữ kiện lịch sử được tổ chức công phu, giúp độc giả có thể nắm bắt được bức tranh toàn cảnh và kiến thức cơ bản về lịch sử tranh chấp chủ quyền và cuộc chạy đua quyền lực giữa các nước lớn trên Biển Đông.

 

Dưới ngòi bút kể chuyện, ông làm cho những vấn đề hóc búa nhưng hệ trọng trở nên dễ tiếp thu hơn. Ông cũng đưa người đọc du hành từ thời cổ đại khi các vương quốc Champa, Angkor, Srivijaya, Phù Nam hưng thịnh rồi suy vong; cho đến thời cận đại lúc các cường quốc châu Âu hiện diện và đóng vai trò khai phá khu vực; rồi đến khi Trung Quốc xuất hiện và cố gắng kiểm soát khu vực từ những năm 1930.

 

3. Cung cấp bằng chứng để bác bỏ những quan điểm chủ quyền vô căn cứ

 

Những dữ kiện mà cuốn sách cung cấp có thể giúp bạn xác lập quan điểm của mình trong một vấn đề phức tạp và nhiều lợi ích chồng chéo như Biển Đông. Đơn cử như khi nghe phía Trung Quốc tuyên bố chủ quyền dựa trên lập luận rằng “người Trung Quốc cổ đại là tổ tiên của người Đông Nam Á và là những người khám phá ra các hòn đảo trên Biển Đông”, bạn có thể phản bác bằng quan điểm của nhà khảo cổ học Wilhelm Solheim (1924 – 2014) được giới thiệu trong sách.

 

Thông qua các bằng chứng khảo cổ, Wilhelm Solheim chứng minh được rằng, những người thực sự khám phá ra các đảo trên Biển Đông là những người du mục trên biển. Họ không có bản sắc dân tộc, cũng không gắn bó với quốc gia nào.

 

Solheim gọi những người này là Nusantao. Ông gọi mô hình cộng đồng của họ là Mạng lưới Thương mại và Truyền thông Hàng hải Nusantao, bao gồm các dân tộc sinh sống trên biển từ hàng nghìn năm trước. Rau củ quả được họ thu hoạch từ các hòn đảo ven bờ, nước uống được cho vào ống tre bịt kín nút, phần lớn thực phẩm sẽ được đánh bắt từ biển cả. Họ tương tác với những người định cư trên mặt đất và những quần thể này đã trộn lẫn với nhau. Trên mỗi hành trình buôn bán của họ, hàng hóa, kiến thức và văn hóa đã được trao đổi qua lại.

Người Nusantao không phải là một nhóm sắc tộc thiểu số, họ bao gồm nhiều nhóm sắc tộc khác nhau, một số nói tiếng Austronesian, một số thì không; một số là bán định cư, một số là hoàn toàn du mục; một số sống ở biển, một số ở cửa sông, một số khác thì sống ở sâu trong đất liền.

 

Solheim lập luận rằng mạng lưới Nusantao có trung tâm chính là ở khu vực bờ biển giữa miền Trung Việt Nam và Hong Kong ngày nay. Từ đây, họ tỏa ra khắp bốn phương, phía Tây đến Madagascar, phía Đông đến Đảo Phục Sinh, phía Nam đến Australia và phía Bắc đến Nhật Bản.

 

Cộng đồng hàng hải buôn bán xuôi ngược và mang theo những sản vật, văn hóa đến các vương quốc trong khu vực, chẳng hạn như các hạt thủy tinh của Ấn Độ được mang đến Trung Quốc vào năm 400, trống đồng Đông Sơn được chế tạo ở miền Bắc Việt Nam khoảng 2.000 năm trước được tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ quanh Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc.

 

Tóm lại, bất kỳ quốc gia nào muốn tuyên bố chủ quyền dựa trên lập luận tổ tiên thời cổ đại sẽ cần phải chứng minh Solheim sai. Trên thực tế, ngày càng có nhiều bằng chứng khảo cổ ủng hộ cho nghiên cứu của ông.

 

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ trong số những thứ mà cuốn sách này có thể giúp bạn “thông não” về Biển Đông, cũng giống như nó đã thông não giúp tôi. Tôi sẽ còn phải nghiền ngẫm cuốn sách này nhiều để có thể tỉnh táo trước những lời tuyên truyền từ nhiều phía. Tôi mong bạn cũng vậy.

 


Độc giả có thể mua cuốn sách “The South China Sea: The Struggle for Power in Asia” trên Amazon.

 

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

 

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.


 

Chú thích

 

1.  VnExpress. (2016, March 12). Gạc Ma – Trận hải chiến bị lãng quên – VnExpress. video.vnexpress.net. https://video.vnexpress.net/thoi-su/gac-ma-tran-hai-chien-bi-lang-quen-3368527.html





No comments:

Post a Comment

View My Stats