Tuesday, 14 December 2021

ĐƯỜNG NÀO CHO NGƯỜI VIỆT Ở MỸ VỀ VIỆT NAM ĂN TẾT? (VOA Tiếng Việt)

 


Đường nào cho người Việt ở Mỹ về Việt Nam ăn Tết?

VOA Tiếng Việt

15/12/2021

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-n%C3%A0o-cho-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-%E1%BB%9F-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%81-vi%E1%BB%87t-nam-%C4%83n-t%E1%BA%BFt-/6354693.html

 

https://gdb.voanews.com/BCFACE81-79C0-4D9C-8D2B-BC59A3D4B90D_w1023_r1_s.jpg

Vietnam Airlines đã được phép bay thẳng từ Mỹ về Việt Nam nên tổ chức các chuyến bay hồi hương cho người Việt ở Mỹ

 

Số chuyến bay hạn chế, yêu cầu xét nghiệm, cách ly, giá vé đắt đỏ cùng khả năng chưa chắc chắn Việt Nam cho mở lại các chuyến bay thường lệ khiến cho đường về Việt Nam ăn Tết của nhiều Việt kiều còn xa, theo tìm hiểu của VOA.

 

Do đó, nhiều người Việt ở khắp nơi trên thế giới đã tìm cách bay về Campuchia rồi từ đó tìm đường về Việt Nam bằng đường bộ do chi phí rẻ hơn nhiều so với bay theo chuyến hồi hương hoặc do không đăng ký được chuyến bay giải cứu.

 

Trong lúc này, chính phủ Việt Nam thông báo sẽ cho mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ kể từ ngày 1/1 năm 2022 theo hình thức thí điểm, báo chí trong nước đưa tin.

 

‘Đặt kín hết’

 

Vào lúc chỉ còn một tháng rưỡi là đến Tết Nhâm Dần, trên nhiều trang mạng xã hội của cộng đồng người Việt ở Mỹ đã có những quảng cáo của nhiều đại lý khác nhau mời gọi đặt vé chuyến bay thẳng của Vietnam Airlines đi từ San Francisco về thành phố Hồ Chí Minh ăn Tết.

 

Theo VOA được biết thì hiện giờ trong tháng 12 có 2 chuyến còn trong tháng 1 năm sau có 4 chuyến bay thẳng như thế. Giá vé là gần 90 triệu đồng cho một chiều bay, bao gồm chi phí cách ly, ăn ở tại khách sạn 5 sao, xe đưa đón, xét nghiệm COVID-19, theo nội dung của một quảng cáo mà VOA xem được.

 

VOA đã đóng vai khách hàng cần tìm vé về Việt Nam và được một nhân viên tư vấn của một đại lý vé máy bay trên đường Lý Thường Kiệt, quận 11, cho biết rằng mặc dù giá vé cao như thế, nhưng toàn bộ các chuyến bay này đều đã kín chỗ hoặc gần hết vé.

 

“Đây là chuyến bay hồi hương của hãng Vietnam Airlines chứ không phải chuyến bay giải cứu do Nhà nước tổ chức,” nhân viên này nói.

 

Cụ thể, có ba chuyến bay thẳng về Sài Gòn trong các ngày 19/12, 29/12 và 5/1. Hiện tại cả ba chuyến đều đã hết vé. Nếu khách hàng nhất quyết muốn bay thẳng từ Mỹ về Sài Gòn thì chỉ còn cách đợi hai khách đi trên chuyến ngày 19/12 có khả năng hủy vé, nhân viên này nói với VOA.

 

Riêng các chuyến vào các ngày 12,16 và 23 tháng 1 năm sau sẽ không bay thẳng về Sài Gòn nữa mà sẽ được chuyển đến Đà Nẵng. Sau đó khách sẽ phải tự mua vé bay từ Đà Nẵng vào thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyến bay này hiện chỉ còn số ghế đếm trên đầu ngón tay.

 

Nếu bay về thành phố Hồ Chí Minh thì khách sẽ được cách ly ở khách sạn Landmark 81 hoặc Novotel tiêu chuẩn 5 sao, còn về Đà Nẵng thì sẽ cách ly trong resort 4 sao. Giá vé trọn gói để bay từ San Francisco về Đà Nẵng là 85 triệu đồng.

 

“Sau khi cách ly đủ 8 ngày, sang ngày thứ 9, khách sạn sẽ thông báo cho khách giờ được ra để họ đặt vé bay vào Sài Gòn,” người nhân viên này nói và cho biết số ngày cách ly có thể sẽ được giảm xuống tùy diễn biến dịch và khách sạn sẽ hoàn trả phần tiền dư nếu thời gian cách ly ngắn hơn dự tính.

 

“Có khả năng thời gian cách ly sẽ giảm xuống còn 3-4 ngày nhưng bỏ hoàn toàn cách ly thì chưa,” anh nói.

 

‘Chưa cho bay thường lệ’

 

Về khả năng bị kẹt ở Đà Nẵng nếu thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa trở lại khi dịch bệnh tăng cao, nhân viên tư vấn này quả quyết rằng anh đã nhìn thấy công văn khẳng định ‘thành phố Hồ Chí Minh sẽ không bao giờ đóng cửa một lần nữa’. VOA chưa kiểm chứng được thông tin này.

 

Khi được hỏi lý do tại sao các chuyến bay này đắt hàng như vậy, nhân viên này nói: “Do nhiều người thấy được là từ San Francisco có thể bay thẳng về Sài Gòn bằng máy bay Boeing 747 của Vietnam Airlines thì ai cũng tranh thủ mua trước.”

 

Điều kiện để được bay là phải có thẻ chích ngừa chứng minh đã chích ít nhất hai mũi do CDC (Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ) cấp và phải có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay, cũng theo lời nhân viên này.

Còn đối với những ai ở Bờ Đông hay Bờ Nam nước Mỹ không thể bay từ San Francisco được thì nhân viên này cho biết họ sẽ được cho bay đến Hàn Quốc qua các hãng Asiana hay Korean Air rồi từ đó sẽ nối chuyến lên máy bay của Vietnam Airlines về Sài Gòn. Giá vé cũng vào khoảng 90 triệu đồng cho một chiều bay.

 

Khách từ Mỹ muốn giữ chỗ thì chỉ cần chụp và gửi hộ chiếu và thẻ chích ngừa, đại lý sẽ giữ chỗ. Trong thời gian giữ chỗ khách hàng có thể tùy ý hủy, nhưng sau khi đại lý đã xuất vé thì nếu khách hàng đổi ý thì sẽ bị phạt từ 300 đến 400 đô la, nhân viên này cho hay. Khách hàng sẽ nhờ người nhà ở Việt Nam ra thẳng đại lý thanh toán tiền vé và ký hợp đồng ‘để có sự ràng buộc giữa hai bên’.

 

Về khả năng sẽ bay về Việt Nam bình thường bằng chuyến bay thương mại vào đầu năm sau như thông báo của chính quyền Việt Nam, nhân viên này nói: “Người ta nghĩ rằng sẽ khó có khả năng sớm cho bay thương mại bình thường nên người ta mới đăng ký vé (chuyến bay hồi hương) đông như vậy.”

 

“Báo đăng là một chuyện. Để thành hiện thực thì cần phải có công văn được một loạt các cơ quan đóng dấu như Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an,” anh giải thích. “Trong khi Sài Gòn hiện giờ mỗi ngày vẫn có hàng ngàn ca nhiễm mới.”

 

Theo tìm hiểu của VOA, một đại lý du lịch khác cũng quảng cáo những chuyến bay thẳng hồi hương này từ San Francisco với giá 83 triệu đồng và khẳng định ‘những lời mời gọi bay hồi hương giá rẻ từ 40-70 triệu là lừa đảo’.

 

Đại lý này cho biết chuyến bay hồi hương của Vietnam Airlines được tổ chức theo hình thức ‘charter’, tức là được cho thuê trọn chuyến.

 

‘Trục lợi’

 

Theo chỉ đạo của phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh được Văn phòng Chính phủ thông báo hôm 10/12 thì ‘Chính phủ đồng ý khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ kể từ ngày 1/1/2022’. Trước mắt sẽ thí điểm mở cửa trước với những thị trường ‘an toàn cao’, bao gồm Bắc Kinh, Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco và Los Angeles.

 

Theo lời ông Minh được dẫn lại thì ‘mở lại chuyến bay là cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát dịch bệnh’ và ‘phải có biện pháp phòng dịch với người nhập cảnh’.

 

Tuy nhiên, chính quyền trong nước hiện giờ vẫn còn băn khoăn chuyện cách ly hay không cách ly vì nếu cách ly thì sẽ không thể bay thường lệ với tần suất lớn vì không đủ chỗ cách ly và việc hộ chiếu vaccine của nước nào sẽ được công nhận, trang VnEconomy dẫn lời ông Võ Huy Cường, phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết.

 

Nếu các chuyến bay thông lệ được nối lại thì các chuyến bay ‘charter’ hồi hương với giá cả đắt đỏ hay ‘bay giải cứu’ sẽ không còn cần thiết nữa.

 

Trước các chuyến bay hồi hương, chính quyền Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến bay giải cứu từ nhiều nước, trong đó có Mỹ, về Việt Nam và tổ chức cách ly miễn phí trong doanh trại quân đội. Tuy nhiên, để được lên các chuyến bay giải cứu, người Việt phải xếp hàng đăng ký với các đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam và chờ đợi rất lâu trong khi có một số đường dây bán vé chuyến bay giải cứu với giá vé lên đến cả trăm triệu đồng, theo tìm hiểu của VOA.

 

Trang VnEconomy cũng dẫn lời Tiến sỹ Lương Hoài Nam, chuyên gia về du lịch và hàng không, lên án việc ‘nhân danh chống dịch mà trục lợi trên nỗi khốn khổ của đồng bào’ và dẫn ra một trường hợp bạn ông ‘phải bỏ ra 170 triệu đồng để bay từ Mỹ về Việt Nam mà trước đó giá lên tới 240 triệu’.

 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch hãng lữ hành Viettravel, được trang mạng này dẫn lời kêu gọi chấm dứt các chuyến bay cứu trợ và ‘mở lại các đường bay thương mại quốc tế càng sớm càng tốt’.

 

Trong lúc này, các diễn đàn của người Việt ở nước ngoài trên mạng xã hội ‘bày’ cho nhau cách về Việt Nam qua ngả Campuchia đã thu hút cả chục ngàn người tham gia. Theo cách này, người Việt sẽ bay từ châu Âu, Mỹ, Úc hay Canada về Phnom Penh với giá chuyến bay thương mại bình thường, sau đó đi đường bộ từ Phnom Penh về đến cửa khẩu với Việt Nam, dùng hộ chiếu Việt Nam nhập cảnh rồi được đưa đi cách ly.

 

Báo Vietnamnet kể lại câu chuyện của một nữ hành khách đã đi từ Los Angeles đến Phnom Penh hôm 4/12, về đến Việt Nam trót lọt và hiện đang được cách ly tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Tổng chi phí cho toàn bộ chuyến đi vào khoảng 1.900 đô la Mỹ, tương đương 44 triệu đồng, tức chỉ bằng một nửa so với đi chuyến bay hồi hương.




No comments:

Post a Comment

View My Stats