The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy,
biên dịch
01/12/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/12/01/the-gioi-hom-nay-01-12-2021/
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell
cho biết biến thể Omicron là một rủi ro cho nền kinh tế Mỹ. Ông Powell cảnh
báo biến thể này có thể khiến nhân viên ngại quay lại làm việc trực tiếp, làm
trầm trọng thêm các căng thẳng trên thị trường lao động cũng như chuỗi cung ứng.
Tổng thống Joe Biden nói người Mỹ không nên hoảng sợ và rằng tiêm chủng và đeo
khẩu trang, thay vì phong tỏa, sẽ là cách tốt nhất đối phó với Omicron.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh
báo Nga sẽ “trả giá rất cao” nếu dùng vũ lực chống lại Ukraine. Động
thái này xảy đến trong bối cảnh Nga triển khai quân đến biên giới Ukraine. Hôm
thứ Hai Belarus đã công bố tập trận chung với Nga trên biên giới của nước này với
Ukraine.
Mark Meadows,
người từng là chánh văn phòng của cựu Tổng thống Donald Trump, đã đồng ý hợp
tác với ủy ban điều tra cuộc bạo loạn Điện Capitol ngày 6 tháng 1 của Hạ viện.
Ông đã cung cấp tài liệu và sẽ phải thề trung thực sau nhiều tuần liên tục từ
chối hợp tác. Trước đó Steve Bannon, một cựu cố vấn của ông Trump, đã bị buộc tội
khinh thường Quốc hội – điều mà ông Meadows muốn tránh.
Cơ quan quản lý chống độc quyền của Anh
đã ra lệnh cho Meta, công ty mẹ của Facebook, bán Giphy, một nền tảng chia sẻ
video clip được công ty mua lại vào năm ngoái. Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường
cho biết vụ mua lại sẽ làm giảm cạnh tranh trong thị trường quảng cáo hiển thị
hình ảnh và giữa các công ty truyền thông xã hội, chẳng hạn như từ chối truy cập
vào kho ảnh của Giphy. Meta phản bác và cho biết sẽ xem xét kháng án.
Một cựu thành viên Nhà nước Hồi giáo đã bị tòa
án ở Frankfurt, Đức kết tội diệt chủng đối với người thiểu số tôn giáo Yazidi.
Taha al-J, một người đàn ông Iraq, đã bắt một người mẹ và đứa con năm tuổi của
cô làm nô lệ, khiến họ chết khát. Người này bị kết án chung thân. Người Yazidi
nói tiếng Kurd đã bị đàn áp và bắt làm nô lệ sau khi IS giành quyền kiểm soát
các khu vực ở Iraq và Syria hồi năm 2014.
Eric Zemmour tuyên bố ứng cử Tổng thống Pháp
vào tháng Tư. Ông Zemmour, một cựu nhà báo cực hữu chuyên phản đối nhập cư và ảnh
hưởng của Hồi giáo ở nước ông, sẽ tổ chức mít tinh đầu tiên của mình vào Chủ nhật
tại Paris. Kết quả thăm dò đều cho thấy ông sẽ thua Marine Le Pen, một ứng cử
viên cực hữu khác, trong cuộc đua tìm người đấu với tổng thống Emmanuel Macron.
Giá tiêu dùng ở khu vực đồng euro tăng
4,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, cao nhất kể từ khi đồng tiền ra đời
vào năm 1999. Lạm phát, vốn chỉ 4,1% vào tháng trước, tăng do chi phí năng lượng
cao (tăng 27 % so với cùng kỳ năm trước vào tháng 11) và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tháng tới Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ công bố ngày họ khép lại chương trình mua tài sản trong đại dịch.
Con số trong ngày:
30, là số lượng đột biến trong protein gai của biến thể Omicron. Các đột biến
cho phép các dạng covid-19 mới liên kết tốt hơn với tế bào người.
TIÊU
ĐIỂM
Cathay Pacific tiếp
tục khó khăn
Sau một khoảng thời gian khó khăn, vào năm
2019 Cathay Pacific đã công bố một khẩu hiệu lạc quan, “Di chuyển vươn xa.”
Song mọi thứ đã đi lùi kể từ đó: giống như mọi hãng khác, hãng hàng không Hồng
Kông đã phải để máy bay của mình nằm nhà do Covid-19. Nhưng không như nhiều
hãng khác, công ty này phụ thuộc vào các chuyến bay đường dài và không có thị
trường nội địa. Vào thứ Tư họ có thể sẽ công bố một khoản lỗ cả năm nữa (dù có
thể thấp hơn mức 2,8 tỷ đô la của năm 2020).
Hồng Kông có một số hạn chế đi lại khắc nghiệt
nhất trên thế giới. Hồi tháng trước, hàng trăm phi công và nhân viên của hãng
đã phải vào trại cách ly sau khi một số người nhiễm covid-19 ở Đức. Cathay có
thể sẽ phải chuyển phi hành đoàn ra nước ngoài để lách các quy tắc kiểm dịch
nghiêm ngặt đó. Vị thế trạm trung chuyển của thành phố – giúp Cathay có lợi thế
– cũng đang bị đe dọa. Số lượng hành khách trong tháng 10 giảm tới 97% so với
cùng kỳ 2019. Tất cả điều này đồng nghĩa hãng phải cắt giảm lịch trình trong
tháng 12, thời điểm sinh viên bay đến Hồng Kông và người nước ngoài bay đi nơi
khác để nghỉ Giáng sinh.
Tình hình giá cả tại
một số thành phố lớn
Chỉ số Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu hàng năm của
Economist Intelligence Unit ghi nhận mức tăng lớn nhất 5 năm qua, vì đại dịch, thay đổi tỷ giá hối đoái và
các vấn đề chuỗi cung ứng đẩy chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn trên thế giới
lên cao. Dữ liệu cho cuộc khảo sát, bao gồm khoảng 200 loại hàng hóa và dịch vụ
ở 173 thành phố, được thu thập vào tháng 8 và tháng 9 năm 2021. Tính trung
bình, giá cả trong chỉ số này tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với chi phí
nhiên liệu và vận tải tăng mạnh.
Vì chỉ số được tính bằng cách so sánh mọi
thành phố với giá ở New York, nên những thay đổi trong tỷ giá hối đoái đô la Mỹ
sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng. Tel Aviv lần đầu tiên dẫn đầu chỉ số, khi tiến trình
triển khai vắc-xin nhanh chóng của Israel làm tăng giá trị của đồng shekel.
Tehran, thủ đô của Iran, tăng mạnh nhất trên bảng xếp hạng, nhảy từ vị trí thứ
79 lên vị trí thứ 29; nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra tình
trạng thiếu hụt và giá cả leo thang. Damascus, thủ đô Syria, tiếp tục là thành
phố rẻ nhất; điểm số của nó lại giảm do cuộc nội chiến 10 năm qua làm suy yếu đồng
tiền Syria.
Twitter thay CEO
Mười lăm năm sau khi thành lập công ty, vào thứ
Hai Jack Dorsey đã tuyên bố sẽ rời Twitter. Thay thế vị trí giám đốc điều hành
của ông là Parag Agrawal, trước đây là giám đốc công nghệ. Ông Agrawal có vẻ khắc
kỷ hơn so với người tiền nhiệm của mình. Người đàn ông 37 tuổi này là một kỹ sư
có bằng tiến sĩ khoa học máy tính từ đại học Stanford. Việc bổ nhiệm ông đến
đúng vào thời điểm có nhiều thay đổi: Twitter tung ra nhiều tính năng hơn trong
hai năm qua so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử công ty, bao gồm một
dịch vụ đăng ký thuê bao mới và các phương thức giúp người dùng kiếm tiền.
Song ông Dorsey không cắt đứt hoàn toàn với
Twitter. Hai người đã làm việc chặt chẽ với nhau về các thay đổi gần đây của
công ty và cùng chia sẻ hai mục tiêu cho tương lai. Một là biến công ty thành một
hãng tiền điện tử (có thể bằng cách trả tiền cho các tác giả tweet bằng tiền
tip TwitterCoin). Hai là tạo ra một nền tảng truyền thông xã hội phi tập trung
mà một số công ty có thể cùng nhau vận hành. Ông Agrawal sẽ rất bận rộn.
Tòa án Tối cao Hoa
Kỳ xem xét một vụ kiện chống luật phá thai quan trọng
Vào thứ Tư, Tòa án Tối cao sẽ xem xét có nên từ
bỏ quyền được phá thai theo hiến pháp hay không. Vụ kiện Dobbs v Jackson
Women’s Organization liên quan đến lệnh cấm của Mississippi đối với hầu hết
các trường hợp phá thai sau khi thai được 15 tuần tuổi . Nó bao gồm câu hỏi liệu
hiến pháp có cho phép các bang cấm phá thai trước khi thai nhi thành hình hay
không – tức khoảng 24 tuần sau thai nghén.
Kết quả sẽ tác động đến phán quyết Roe v
Wade, tiền lệ án năm 1973 coi phá thai như một quyền hiến định. Mississippi
nói Roe và vụ kiện 1992 phần lớn tái khẳng định Roe v Wade, Planned
Parenthood v Casey, là các “sai lầm nghiêm trọng” và cần được bác bỏ. Phòng
khám phá thai duy nhất còn lại trong bang phản bác rằng “thay đổi triệt để luật”
như vậy sẽ làm suy yếu “bình đẳng giới” và ảnh hưởng đến “gần một trên bốn phụ
nữ quyết định kết thúc thai kỳ trong suốt cuộc đời họ.” 5 năm trước, Donald
Trump nói các lựa chọn thẩm phán cho Tòa Tối cao của ông sẽ “tự động” lật ngược
lại phán quyết Roe. Với ba người được ông bổ nhiệm tạo thành thế đa số bảo thủ
6-3, cơ hội bỏ luật phá thai đã tồn tại nửa thế kỷ này đã đến.
No comments:
Post a Comment