Tuesday, 21 December 2021

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NẾU DỰ LUẬT BUILD BACK BETTER BỊ "CHẾT" (Hiếu Chân - Saigon Nhỏ)

 


Những ảnh hưởng nếu dự luật Build Back Better bị “chết”

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

19 tháng 12, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/nhung-anh-huong-neu-du-luat-build-back-better-bi-chet/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/TS-biden-infrastructure-1-1024x683.jpeg

Tổng Thống Joe Biden ký luật xây dựng hạ tầng cơ sở lịch sử trị giá $1.2 ngàn tỷ nhưng ông chưa thuyết phục được Thượng viện thông qua dự luật 3B (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

 

Truyền thông Hoa Kỳ hôm nay đồng loạt dự đoán dự luật “Tái Thiết Tốt Hơn” (Build Back Better) – một ưu tiên chính sách quan trọng của Tổng thống Joe Biden và đảng Dân Chủ có nhiều khả năng sẽ “chết” vì không thể thông qua Thượng viện, do sự chống đối của Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ- West Virginia). Việc hủy bỏ dự luật này sẽ có tác động như thế nào đối với cuộc sống của người Mỹ?

 

Gian nan một dự luật

 

Dự luật Build Back Better (3B) thực tế bao gồm hai dự luật nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng của nước Mỹ, nhằm cải thiện sức cạnh tranh của xã hội Mỹ trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và một số nước khác.

 

Phần thứ nhất của dự luật là luật đầu tư cơ sở hạ tầng có chi phí $1,200 tỷ đã được Quốc Hội thông qua và Tổng thống Joe Biden ký ban hành hôm 15 Tháng Mười Một, nhắm vào việc nâng cấp các hệ thống kỹ thuật của nền kinh tế như đường sá, cầu cống, hệ thống cấp, thoát nước, mạng viễn thông internet và mạng lưới các trạm sạc xe điện.

 

Phần thứ hai của dự luật nhắm đầu tư vào hạ tầng “con người” của nền kinh tế, vào y tế và giáo dục, chống biến đổi khí hậu… lúc đầu có chi phí dự tính khoảng $3,500 tỷ nhưng sau nhiều vòng đàm phán, hiện đã rút xuống còn một nửa, khoảng $1,750 tỷ.

 

Để được Thượng Viện thông qua, dự luật này chỉ cần có đa số phiếu đơn giản theo thủ tục gọi là “hòa giải” (reconciliation) thay vì phải đạt túc số 60/40 thông thường. Trong điều kiện toàn bộ các nghị sĩ Cộng Hòa đoàn kết chống lại dự luật thì đảng Dân Chủ phải bảo đảm tất cả các nghị sĩ của đảng phải bỏ phiếu thuận, đạt tỷ số cân bằng 50-50, sau đó Phó Tổng thống Kamala Harris (đảng Dân Chủ), với tư cách Chủ tịch Thượng Viện, sẽ bỏ lá phiếu quyết định.

 

Tuy nhiên đã có sự chống đối ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ. Lúc đầu hai Thượng nghị sĩ Joe Manchin của tiểu bang West Virginia và Kyrsten Sinema của tiểu bang Arizona đã cực lực phản đối dự luật vì không chấp nhận việc tăng thuế nhắm vào tầng lớp tỷ phú, triệu phú để tạo nguồn thu trang trải cho việc thực hiện dự luật $3,500 tỷ. Sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, chi phí cho dự luật được rút xuống một nửa, nhưng ông Manchin vẫn tiếp tục chống đối vì cho rằng nó quá tốn kém, có rủi ro gây thâm hụt ngân sách, làm gia tăng nợ công của chính phủ và thúc đẩy lạm phát. Tổng thống Joe Biden đã có vài cuộc đàm phán riêng với ông Manchin nhưng cho đến nay, ông Manchin vẫn không thay đổi ý định bỏ phiếu “chống” dự luật này. Để vượt qua sự chống đối của ông Manchin, đảng Dân Chủ phải thuyết phục được ít nhất một thượng nghị sĩ Cộng Hòa đứng về phía mình, bỏ phiếu thuận, nhưng đó là một hy vọng rất mong manh bởi vì tất cả các nghị sĩ Cộng Hòa đều quyết chống lại những chính sách của Tổng thống Biden, theo chỉ đạo của cựu Tổng thống Donald Trump.

 

Xuất hiện trong chương trình “Fox News Sunday” hôm nay Chủ Nhật 19 Tháng Mười Hai – sau khi đã thương lượng với ông Biden tại Tòa Bạch Ốc trong tuần này – ông Manchin nói: “Tôi không thể bỏ phiếu để tiếp tục với phần luật này. Tôi chỉ không thể. Tôi đã thử mọi cách vì con người có thể. Tôi không thể đạt được điều đó… Đây là không.”

 

Hãng tin AP bình luận, “quyết định này của ông Manchin có thể là dấu chấm hết cho dự luật trị giá $1.75 ngàn tỷ chi tiêu cho các chương trình xã hội và chính sách bảo vệ khí hậu”.

 

 

Ảnh hưởng tới người nghèo như thế nào?

 

Nếu chương trình xã hội này không được thông qua thì ảnh hưởng của việc đó sẽ như thế nào? Báo USA Today tóm tắt một số ảnh hưởng đối với cuộc sống của người dân Mỹ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/12/2799242490_e3d41f218a_b-1.jpg

Trợ cấp cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ em để các bậc cha mẹ yên tâm đi làm việc là một sáng kiến quan trọng của dự luật 3B. Ảnh Flickr

 

Nhà trẻ (Prekindergarten): 

Một thành phần then chốt của dự luật 3B là dành ra $109 tỷ để tài trợ cho trẻ em từ 3 đến 4 tuổi được đi nhà trẻ miễn phí. Khoản tài trợ này sẽ giúp cho khoảng sáu triệu trẻ em được chăm sóc trước tuổi đến trường và từ đó giúp các bà mẹ trẻ rảnh tay để đi làm việc, tham gia lực lượng lao động của xã hội. Để thúc đẩy sáng kiến này, Tòa Bạch Ốc dẫn chiếu các công trình nghiên cứu cho rằng trẻ em được đến trường sớm ở độ tuổi nhà trẻ thì sẽ có lợi về lâu dài, các em có nhiều khả năng học xong bậc trung học và đại học, khi trưởng thành đạt được mức thu nhập cao hơn là các em không được đi học từ tuổi nhà trẻ.

 

Trợ cấp chăm sóc trẻ em: 

Dự luật 3B dành ra gần $276 tỷ trong sáu năm để chăm sóc trẻ em cho các bậc cha mẹ có con từ 5 tuổi trở xuống. Luật sẽ giới hạn chi phí gửi trẻ ở mức không quá 7% tổng thu nhập của một gia đình đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, để nhận được lợi ích của luật, cha mẹ sẽ phải làm việc, tìm kiếm việc làm, đang được đào tạo hoặc chăm sóc một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Dự luật sẽ tăng lương cho nhân viên giữ trẻ và trợ cấp cho các trung tâm giữ trẻ.

 

Mở rộng Medicare (chương trình chăm sóc sức khỏe người cao niên): 

Theo dự luật 3B, chương trình Medicare sẽ được mở rộng để đài thọ việc chăm sóc răng miệng và thị lực, đề xuất trị giá $35 tỷ do Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập – Vermont) thúc đẩy. Tòa Bạch Ốc cho biết chỉ có 30% người già trên 70 tuổi có thể được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ máy trợ thính hiện có, vì vậy việc mở rộng Medicare có thể giúp ích cho hàng triệu người Mỹ lớn tuổi.

 

Định giá thuốc bán theo toa:

Trong nỗ lực giảm chi phí mua thuốc mà bác sĩ kê đơn, dự luật Build Back Better sẽ cho phép chính phủ thương lượng giá thuốc cung cấp thông qua Medicare và thiết lập các biện pháp bảo vệ nhằm bảo vệ người lao động và doanh nghiệp khỏi bị ép giá. Dự luật sẽ giới hạn việc trả chi phí cho insulin (dùng cho người bị bệnh tiểu đường) ở mức $35 mỗi tháng, yêu cầu các hiệu thuốc sự minh bạch hơn về chi phí thuốc trong các chương trình y tế tư nhân, cũng như các khoản giảm giá, phí và các khoản phí khác.

 

Trợ cấp chăm sóc sức khỏe cho người Mỹ có thu nhập thấp:

Nếu Build Back Better trở thành luật, khoảng chín triệu người Mỹ sẽ thấy phí bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của họ theo Đạo luật Chăm sóc Vừa Túi Tiền (còn gọi là Obamacare) giảm trung bình $600 mỗi năm. Tòa Bạch Ốc cho biết, theo quy định này, một gia đình bốn người kiếm được $80,000 mỗi năm sẽ tiết kiệm được gần $3,000 mỗi năm tiền phí bảo hiểm y tế. Chính quyền ước tính rằng chi phí thấp hơn sẽ thuyết phục hơn ba triệu người Mỹ hiện không có bảo hiểm đăng ký mua bảo hiểm y tế.

 

Ngoài ra, dự luật sẽ mở rộng một điều khoản, được thông qua vào Tháng Ba năm nay như một phần của gói cứu trợ coronavirus, theo đó chính phủ sẽ mở rộng trợ cấp phí bảo hiểm cho những người tự mua bảo hiểm. Các khoản trợ cấp này cũng được cấp cho những người đủ tiêu chuẩn được hỗ trợ, là những người có mức thu nhập cao gấp bốn lần chuẩn nghèo của liên bang, tức thu nhập tối đa khoảng $51,000 cho một cá nhân.

 

Dự luật sẽ cung cấp toàn bộ phí bảo hiểm Obamacare cho những người sống dưới mức nghèo khổ ở 12 tiểu bang chưa mở rộng chương trình Medicaid (chương trình trợ giúp y tế miễn phí cho người thu nhập thấp – ở California chương trình này có tên là Medical). Các tiểu bang đó là Alabama, Florida, Georgia, Kansas, Mississippi, North Carolina, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, Wisconsin và Wyoming.

 

Nghỉ phép có lương: 

Theo dự luật, người lao động sẽ nhận được tối đa bốn tuần nghỉ phép vì lý do gia đình hoặc lý do y tế và vẫn được hưởng lương đầy đủ. Hiện nay, những người lao động đủ điều kiện có thể nghỉ phép không hưởng lương tới 12 tuần, và nói chung việc nghỉ phép bao lâu, được trả lương hay không tùy thuộc vào quy định riêng của từng công ty, từng người chủ sử dụng lao động. Hoa Kỳ là một trong số ít các nước công nghiệp phát triển không có chính sách quốc gia về chương trình nghỉ phép y tế và gia đình được trả lương. Ngay cả phụ nữ đến kỳ sinh nở vẫn không được nghỉ phép có hưởng lương để sinh con và chăm sóc con trong những tháng đầu tiên. Điều đó dự kiến sẽ thay đổi nếu dự luật 3B được thông qua.

 

-------------------------

Đọc thêm:

 

Quốc Hội thông qua dự luật cơ sở hạ tầng $1,000 tỷ

 

Ông Trump dọa các nghị sĩ Cộng Hòa, ngăn cản dự luật cơ sở hạ tầng




No comments:

Post a Comment

View My Stats