Friday 17 December 2021

CĂNG THẲNG MỸ - TRUNG ĐẶT NGOẠI GIAO NHẬT BẢN và HÀN QUỐC TRONG THẾ CHÔNG CHÊNH (Minh Anh - RFI)

 


Căng thẳng Mỹ - Trung đặt ngoại giao Nhật Bản và Hàn Quốc trong thế chông chênh

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 17/12/2021 - 14:13

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20211217-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-m%E1%BB%B9-trung-%C4%91%E1%BA%B7t-ngo%E1%BA%A1i-giao-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-v%C3%A0-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-trong-th%E1%BA%BF-ch%C3%B4ng-ch%C3%AAnh

 

Căng thẳng mỗi lúc một gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang đặt hai cường quốc « hạng trung » là Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh của Mỹ tại châu Á, vào một thế cân bằng tế nhị. Làm thế nào tìm được một vị trí trên con đường mỗi lúc một hẹp dần ? Đâu là những lập trường của Nhật Bản và Hàn Quốc trước một Trung Quốc, một siêu cường đang trỗi dậy, đồng thời lại là « đầu ra » kinh tế quan trọng hàng đầu cho cả hai nước ?  

 

https://s.rfi.fr/media/display/4204b23a-2678-11eb-81ba-005056a964fe/w:1024/p:16x9/AP19354244843832.webp

Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, thứ Tư, ngày 9 tháng 5 năm 2018. REUTERS/Toru Hanai

 

Nếu nhìn vào mối quan hệ với Mỹ, rõ ràng Nhật Bản đang có một « điểm tựa » vững chắc. Nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc cơ quan tham vấn Quỹ Marshall Đức, trong cuộc hội thảo về quan hệ xuyên Đại Tây Dương khẳng định « Nhật Bản kể từ giờ là đồng minh ưu tiên của Mỹ » Thành viên của Bộ Tứ - QUAD, quy tụ bốn nước Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ - cuộc đối thoại an ninh không chính thức mà chính quyền Biden sử dụng như là một công cụ cho chiến lược Ấn Đô -Thái Bình Dương, Nhật Bản dưới thời hai thủ tướng Shinzo Abe và Yoshihide Suga đã đi theo chân Mỹ.  

 

Thế nhưng, việc ông Fumio Kishida, lãnh đạo đảng Tự Do - Dân Chủ, trở thành thủ tướng vào mùa thu này, dường như đang đảo lại các ván bài. Trái ngược lại với thái độ quyết đoán của hai người tiền nhiệm, vị cựu ngoại trưởng này, giai đoạn 2012 – 2017, hiện đang tìm cách duy trì một mối quan hệ hòa dịu hơn với người láng giềng « khổng lồ » châu Á, đồng thời vẫn luôn nhắc rõ những lằn ranh đỏ không nên vượt qua, đặc biệt trong hồ sơ Đài Loan.  

 

Vòng luẩn quẩn của ngoại giao Nhật Bản

 

Tân thủ tướng Nhật Bản ý thức được rằng, Tokyo, cường quốc « hạng trung », « không có khả năng vạch ra một chiến lược về Trung Quốc do những thực tiễn tình hình Đông Á cản trở mọi tiến bộ của một nền ngoại giao dựa trên nền tảng sự hợp tác với các nước trong khu vực », theo như nhận xét của giáo sư Yoshihide Soeya, trường đại học Keio ở Tokyo, được báo Pháp L’Opinion trích dẫn.  

 

Fumio Kishida cũng biết rằng nếu cứ mù quáng đi theo Mỹ, Nhật Bản có nguy cơ bị cô lập. Nhưng để thoát được ngõ cụt này, Tokyo phải thay đổi thái độ trong các vấn đề lịch sử đang đầu độc các mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng và « giam hãm nền ngoại giao Nhật Bản trong một chiếc vòng luẩn quẩn ».  

 

Suy nghĩ này có giá trị trong các mối quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc, hai quốc gia chính luôn sẵn sàng khai thác quá khứ lịch sử để « bắt chẹt » Nhật Bản. Trung Quốc phần nào cảm nhận được thái độ do dự này của thủ tướng Nhật. Hôm 13/12/2021, tranh thủ dịp tưởng niệm 84 năm vụ thảm sát Nam Kinh, Trung Quốc gia tăng áp lực với Nhật Bản nhằm lôi kéo nước này nên có lý trí hơn trong quan hệ song phương.   

 

Mặt khác, việc Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai là đồng minh của Mỹ, xâu xé nhau vì các vấn đề lịch sử đã ảnh hưởng đáng kể đến lập trường của Tokyo và Seoul đối với Bắc Kinh. Đây chính là cơ hội để Trung Quốc khai thác những khó khăn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc để ngăn cản hai cường quốc tầm trung lập một mặt trận chung chống Trung Quốc. Và điều này cũng buộc Hàn Quốc phải phát triển một chính sách đối ngoại có cân nhắc kỹ lưỡng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.  

 

Giảm bớt lệ thuộc vào Bắc Kinh

 

Nhà báo Claude Leblanc của L’Opinion cho rằng chuyến công du Úc của tổng thống Moon Jae In đầu tuần này là một ví dụ điển hình. Các thỏa thuận mới ký kết được giữa hai nước Úc và Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và khai thác đất hiếm, cho thấy đối với Seoul, việc tìm kiếm các đối tác mới là để giảm bớt lệ thuộc vào Bắc Kinh, đa dạng hóa các nguồn cung nguyên nhiên liệu, nhất là cho các ngành sản xuất những dòng sản phẩm công nghệ cao.  

 

Chính sách được thể hiện rõ qua việc đôi bên ký kết một « thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện » mới, với một hợp đồng quốc phòng trị giá một tỷ đô la. Dù vậy, Hàn Quốc vẫn cẩn trọng lưu ý rằng những thỏa thuận được ký kết là không nhằm vào Trung Quốc. Tổng thống Moon còn nhân dịp này khẳng định sẽ tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh, trái với thái độ tẩy chay của Úc và đồng minh Mỹ.  

 

Trong bối cảnh này, Seoul sẽ có lợi khi cải thiện quan hệ với láng giềng Tokyo, vốn cũng chia sẻ cùng một số lo lắng. Trong một động thái mới nhất, Hàn Quốc thông báo xin gia nhập vào Thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn Diện Và Tiến Bộ (CPTPP). Nhà báo Claude Leblanc kết luận : Đã đến lúc cả hai cường quốc bậc trung này nên mở rộng hơn nữa phạm vi hành động lẫn nhau khi tăng cường mối quan hệ hợp tác.  

 

------------------------------

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

NHẬT BẢN - G7

Biển Đông: Tại hội nghị G7, Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc hành xử “có trách nhiệm”

.

PHÁP - NHẬT

Nhật Bản và Pháp đàm phán không chính thức về hợp tác quân sự

.

HÀN QUỐC - ÚC

Úc và Hàn Quốc: Ổn định ở Biển Đông phải dựa trên luật pháp quốc tế

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats