Friday, 7 February 2020

VN : 'ĐẢNG CỘNG SẢN TỒN TẠI NHỜ ĐIỀU CHỈNH & THAY ĐỔI' (GS Benedict J. Tria Kerkvliet)




VN: 'Đảng Cộng sản tồn tại nhờ điều chỉnh và thay đổi'
Giáo sư Benedict J. Tria Kerkvliet
Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Úc
07/02/2020

Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa mừng kỷ niệm 90 năm thành lập tháng này, đã tồn tại lâu hơn nhiều người tưởng, đặc biệt là với các đối thủ trong 30 năm chiến tranh của Việt Nam (1945-1975).

Gần đây hơn, khi các chính thể cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ cuối 1980-đầu 1990, nhiều nhà bình luận và phân tích dự kiến các chính thể cộng sản còn lại, đặc biệt là tại Việt Nam, cũng sẽ sớm tan rã.

Một lý do quan trọng vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phát triển là vì giới chức đã thường điều chỉnh, thậm chí thay đổi về căn bản, các chính sách lớn khi gặp kháng cự của công dân trong nước. Một lý do quan trọng nữa là giới chức thường xuyên đối phó với chỉ trích của người dân qua những cách tinh tế và khéo léo.

Đảng Cộng sản hiện vẫn là đảng chính trị được phép hoạt động duy nhất tại Việt Nam.

Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đề ra các ưu tiên quốc gia. Thủ tướng và các quan chức đều là đảng viên cao cấp của Đảng. Mỗi năm năm, lại có bầu cử Quốc hội để có các đại biểu đại diện các khu vực bầu cử. Đa số khu vực bầu cử có số ứng cử viên nhiều hơn số ghế, để cử tri có một ít lựa chọn xét về cá nhân chứ không phải các đảng phái. Hầu hết người được ứng cử là đảng viên cộng sản, và kết quả là đa số đại biểu quốc hội cũng thế. Các thủ tục tương tự cũng áp dụng để bầu ra viên chức ở các cấp của chính quyền.

Nhưng mặc dù có tính liên tục như vậy, đời sống chính trị Việt Nam đã thay đổi nhiều. Một nguyên do lớn là các lãnh đạo cộng sản đã xoay gần 180 độ khỏi định hướng lãnh đạo quốc gia hồi thập niên 1980. Và một lý do vì sao lãnh đạo thay đổi đường lối là vì nông dân, công nhân, doanh nhân, giáo viên, trí thức và những người khác đã chống lại đường lối đó. Từ từ các hành động phi tổ chức, không có hợp tác của họ vẫn khiến giới chức uốn nắn cách làm. Kết quả là từ đầu thập niên 1990, kinh tế chính trị đất nước đã được làm lại: thị trường thay thế hệ thống kinh tế do nhà nước chỉ đạo; nông nghiệp gia đình thay thế nông nghiệp tập thể hóa; và các doanh nghiệp nhà nước không còn thống trị sản xuất và dịch vụ, mà phần lớn hiện do doanh nghiệp tư nhân trong nước và công ty nước ngoài làm.

Thay đổi đó làm tăng sức mạnh công dân. Sự can thiệp của nhà nước vào đời sống công dân Việt Nam đã giảm đáng kể. Ví dụ, hồi thập niên 1970-1980, chính quyền rất hạn chế đi lại, người dân hầu như không có tự do lập hội, giao du bên ngoài các hoạt động và tổ chức được nhà nước cho phép, hầu hết cư dân đô thị sống trong nhà tập thể, và công dân hầu như không được tiếp xúc với thông tin, ấn phẩm ngoài những gì do nhà nước cung cấp.

Ngày nay, công dân Việt Nam đi lại dễ dàng, sống trong nhà riêng. Họ cũng thành lập các nhóm, câu lạc bộ, tổ chức quanh nhu cầu như y tế, môi trường, tôn giáo, thể thao, thương mại, khoa học, giáo dục, chính trị - mà thường ít bị giới chức can thiệp. Một số tổ chức dân sự đăng ký với các cơ quan chính quyền, nhiều tổ chức thì không.

Các tổ chức chính phủ và của đảng vẫn hoạt động nhưng không còn độc quyền đời sống hội đoàn ở trong nước.

Các nguồn tin tức, thông tin cũng đa dạng hóa. Báo, đài, tivi, ấn phẩm nhà nước vẫn còn bị kiểm duyệt. Nhưng chúng cũng đông hơn về số lượng, và nội dung, hình thức, và nguồn ngân sách đã mở rộng rất nhiều. Truyền thông bên ngoài kiểm soát nhà nước đã chuyển hóa từ chẳng có gì hồi thập niên 1970-80 mà nay thì vô số. Nhiều người Việt ngày nay dễ dàng tiếp cận radio, truyền hình quốc tế, và đọc - thường qua mạng - báo chí, ấn phẩm toàn cầu.

Truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook, đã vô cùng phổ biến ở Việt Nam. Công dân ở Việt Nam cũng sử dụng và tạo ra các bản tin, tạp chí, blog, trang web với nội dung mang tính cá nhân mà cũng có thể rất chính trị.

Dư luận trở nên quan trọng

Một thay đổi to lớn khác là sự phê phán chính trị của dư luận đã trở thành yếu tố quan trọng trong không gian chính trị Việt Nam. Cho tới đầu thập niên 1990, bất mãn về kinh tế, nhà cửa, giáo dục, việc làm, đất đai, quan chức, chính sách nhà nước và hầu hết các vấn đề chính trị, ít khi được nói ra công khai. Nó chỉ được nói trong gia đình, bạn bè, hành động lén lút, vì sợ người phê phán có thể bị trừng phạt, thậm chí đi tù. Kiểu chống đối, bất mãn như thế ngày nay vẫn phổ biến. Nhưng ngoài ra, từ giữa thập niên 1990, người dân Việt Nam đã nói ra công khai theo nhiều cách, về nhiều vấn đề chính trị. Ví dụ, công nhân đình công để đòi tăng lương, cải thiện điều kiện sống; dân làng biểu tình, đòi hỏi chống tham nhũng, lấy đất. Người dân phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam và việc giới chức có vẻ miễn cưỡng nói về vấn đề này. Người bất đồng chính kiến phê phán cả chính thể và đòi dân chủ hóa.

Phản ứng của chính quyền trước sự chỉ trích dĩ nhiên có cả đàn áp tàn nhẫn. Nhưng ngoài ra còn có sự nể nang, dung thứ bất mãn, và thậm chí là trả lời. Thật sự, một lý do quan trọng vì sao phê phán chính trị trong dân chúng đã gia tăng là vì chính quyền không thể, và cũng phần nào không muốn, đàn áp. Lý do thứ hai là người dân Việt Nam, ở mọi khu vực và nhiều nơi, đã thúc đẩy, đôi khi rất tích cực, để mở rộng không gian được nói về nhiều vấn đề.

Sự phê phán chính trị công khai mở rộng vì người dân không vui, bất mãn và rất muốn được lắng nghe. Và do hệ quả của kinh tế thị trường và công nghệ liên lạc mới, họ có cơ hội, phương tiện để tổ chức và bày tỏ đòi hỏi. Sự phát triển của mobile phone, Internet là vô cùng quan trọng để giúp người Việt nói ra, không chỉ là thỉnh thoảng hay chỉ để huy động đám đông một lúc, mà còn để biện luận và giải thích đòi hỏi trong suốt nhiều tháng, nhiều năm. Dù là phụ nữ hay đàn ông, già hay trẻ, nông thôn hay thành thị, tất cả đều có thể có phương tiện sẵn sàng và rẻ tiền - điện thoại, blog, website, hình ảnh, video - để bày tỏ bức xúc, thông báo biểu tình, gửi kiến nghị, thư ngỏ, khiếu nại để bày tỏ quan ngại của mình.

Ở mức độ đáng kể, giới chức cộng sản đã để cho dân nói, hoặc không thể ngăn họ nói. Tổ chức chiến dịch đồng loạt, hung hăng để ngừng chỉ trích thì sẽ tạo ra rủi ro có khủng hoảng kinh tế chính trị mà gần như chắc chắn sẽ mở ra thêm bất mãn và thách thức cho sự cai trị của Đảng.

Ngoài ra, giới chức thường xem trọng tư tưởng nhà nước "của dân, do dân, vì dân", chứ không đơn thuần là khẩu hiệu. Để duy trì trật tự kinh tế, chính trị, xã hội, chính quyền thấy cần lắng nghe và làm theo nhất định các lo lắng của người dân. Vì thế, họ dung thứ, thậm chí chấp nhận một số đòi hỏi của dân. Chính quyền thường ủng hộ công nhân đình công, những người nói rằng giới chủ lừa đảo, bóc lột họ. Giới chức thường xuyên thấy các tố cáo của dân làng là có thật, và tăng đền bù. Chính quyền cũng đã sửa đổi luật lao động và đất đai để đáp ứng một số quan ngại của công nhân và nông dân. Chính quyền đã cho phép có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Họ cũng để cho yên một số cá nhân công khai đòi dân chủ hóa.

Đàn áp và điểm giới hạn

Điểm giới hạn khi chính quyền trở nên đàn áp thì có khác nhau tùy vấn đề và hoạt động chính trị. Trong lĩnh vực lao động, giới hạn là khi công nhân định lập công đoàn riêng. Về xung đột đất đai, chính quyền dùng công an trục xuất dân chúng sau khi tranh chấp kéo dài nhiều năm, và dùng công an giải tán các biểu tình lớn. Với các biểu tình chống Trung Quốc, chính quyền dùng đe dọa và vũ lực khi biểu tình kéo dài suốt nhiều cuối tuần, đe dọa lan ra toàn quốc, hay diễn ra khi mà đã có lệnh cấm.

Với những người cổ vũ dân chủ hóa, giới chức thường áp dụng đe dọa, hoặc án tù ngắn hạn. Nhiều người đối kháng đã bị đi tù, nhưng không phải tất cả những ai cổ vũ dân chủ hóa đều bị tống giam. Giới chức thường để yên cho những người chỉ trích là người già, đã từng phục vụ quân đội, làm cho chính phủ, có quan hệ cá nhân với quan chức, hoặc cổ vũ cách tiếp cận dân chủ hóa không đối đầu.

Từ cuối thập niên 1990, sự khoan dung cho đòi hỏi dân chủ hóa và nhân quyền có lúc lên lúc xuống. Sự làm ngơ tương đối cao trong giai đoạn 2000-2006, rồi giảm đi và giới chức trở nên đàn áp hơn cho tới khoảng 2011. Sau đó, trong 5 năm, việc bỏ tù người chỉ trích đã giảm đi. Nhưng trong vài năm vừa qua, chính thể quay lại việc bỏ tù nhiều người đối kháng.

Gần đây, chính thể cộng sản đã tỏ ra đàn áp bất thường với những nông dân phản đối việc lấy đất. Vào ngày 9/1 năm nay, sự đàn áp bạo lực xảy ra khi lãnh đạo trung ương đưa công an vũ trang và lực lượng khác, có vẻ đông hơn ngàn quân, vào xã Đồng Tâm, cách Hà Nội 40 cây số. Dân làng từ 2016 đã phản đối yêu sách lấy đất. Không rõ vì sao chính quyền quyết định từ bỏ việc thương lượng đang diễn ra.

Nếu quá khứ có thể đưa ra chỉ dẫn, thì có lẽ chính quyền cộng sản sẽ bớt dựa vào đàn áp người chỉ trích, nông dân biểu tình, mà sẽ trở lại với việc dung thứ, và hồi đáp các khiếu nại, đòi hỏi của người dân.

------------------------------
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả. Giáo sư Benedict J. Tria Kerkvliet từng dạy nhiều năm ở Đại học Quốc gia Úc, là tác giả sách The Power of Everyday Politics: How Vietnamese Villagers Transformed National Policy (2005). Năm 2019, ông ra mắt cuốn Speaking Out in Vietnam: Public Political Criticism in a Communist Party-Ruled Nation (2019), do Đại học Cornell ấn hành.





No comments:

Post a Comment

View My Stats