Wednesday, 5 February 2020

TỪ ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS, QUAN SÁT MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẠI TRUNG CỘNG (Trần Trung Đạo)





Yếu tố tinh thần và văn hóa ảnh hưởng thế nào trong dòng phát triển kinh tế và chính trị của một quốc gia là một vấn đề được tranh luận không chỉ mới đây mà từ nhiều trăm năm giữa các trường phái tư tưởng.

Karl Marx cho rằng vật chất chứ không phải các giá trị văn hóa, tinh thần quyết định ý thức con người.

Tại Trung Cộng, tư tưởng và quan điểm duy vật quyết định mọi chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội của đảng CS.

Thời gian trôi qua hơn 70 năm với hàng loạt những thay đổi về chính sách kinh tế nhưng ý thức hệ duy vật chỉ đạo tại Trung Cộng vẫn không thay đổi. Không chỉ Mao bảo thủ mà các chính sách hiện đại hóa và cởi mở kinh tế của Đặng Tiểu Bình cũng đặt trên cơ sở lý luận vật chất quyết định ý thức.

Đặng Tiểu Bình trong giai đoạn đói kinh hoàng của Trung Quốc từ 1959 đến 1962, đã biện hộ cho chủ trương mở rộng khi phát biểu “không quan tâm mèo đen hay mèo trắng, công khai ủng hộ cho bất cứ chính sách gì miễn là gia tăng sản xuất nông nghiệp.”

Khi nắm quyền, quan điểm này của họ Đặng được áp dụng cho các ngành kinh tế khác. Đặng Tiểu Bình chủ trương “Làm giàu là vinh quang”. Ông ta nghĩ rằng con người khi giàu có, nhiều tiền của, tư cách của họ cũng sẽ đổi khác. Nhưng “mèo đen hay mèo trắng” của họ Đặng chỉ giới hạn trong kỹ thuật và chính sách ngắn hạn, về căn bản nền kinh tế của Trung Cộng vẫn đặt trên lý luận CS.

Trong buổi phỏng vấn dành cho chương trình “America’s 60 Minutes” năm 1986 Đặng phát biểu về sự cần thiết để gia tăng vật chất tại Trung Cộng. Đặng nói: “Theo tư tưởng Marx, xã hội CS đặt trên cơ sở một xã hội thừa thãi vật chất. Chỉ khi nào sự dư thừa vật chất thì nguyên tắc của xã hội CS ‘làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu’ mới được áp dụng. Xã hội chủ nghĩa là giai đoạn đầu để tiến tới chủ nghĩa CS.”

Đặng cũng nói thêm “Trách nhiệm hàng đầu trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa hiện nay của Trung Quốc là phát triển lực lượng lao động, gia tăng sự giàu có của cải xã hội, tuần tự cải thiện đời sống và tạo ra các điều kiện vật chất làm tiền đề của một xã hội CS.” Trong buổi phỏng vấn Đặng Tiểu Bình không bàn đến các yếu tố tinh thần, văn hóa, giáo dục làm nên một con người của thời đại văn minh.

Nhắc lại, từ sau giai đoạn mở cửa cho đến 2015, nền kinh tế Trung Cộng đã phát triển vượt qua mọi dự đoán của các nhà kinh tế. Lý do đã được các nhà phân tích mổ xẻ nhiều lần nhưng tập trung vào các lợi điểm (1) lực lượng lao động khổng lồ (761 triệu vào năm 2010), (2) đồng lương rẻ mạt, (3) chính sách kinh tế chỉ huy từ trung ương có tác dụng hữu hiệu trong các kế hoạch năm năm, (4) tham vọng của giới lãnh đạo từ Đặng trở về sau, (5) kích thích do việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế thị trường trong kinh tế nội địa cũng như trong quan hệ với kinh tế thế giới, (6) xuất cảng gia tăng ồ ạt, thương mại thặng dư.

Để thỏa mãn tham vọng đưa Trung Cộng thành một cường quốc, giới lãnh đạo Trung Cộng không từ chối một thủ đoạn nào để bóc lột sức lao động không chỉ của người dân Trung Quốc mà còn vói tay đến tận các quốc gia Phi Châu nghèo khó.

Như người viết đã trình bày trong bài “Chủ nghĩa thực dân đỏ tại Phi Châu”, sự dốt nát trong quản trị và điều hành nền kinh tế đã tạo ra mức lãng phí nguyên liệu rất lớn tại các cơ xưởng, các nhà máy sản xuất tại Trung Cộng. Để giữ giá thành sản phẩm thấp, các công ty Trung Cộng không thể nhập cảng nguyên vật liệu với giá đang được mua bán trên các thị trường quốc tế. Thay vào đó, Trung Cộng lập ra hàng trăm công ty thu mua nguyên liệu lẻ từ các nước Phi Châu. Nhiều công ty chỉ có vài chục nhân công và số lượng thu mua được tính bằng đơn vị kilo. Lực lượng lao động tại các nước Phi Châu không ít là trẻ em, phụ nữ, và họ đào quặng bằng các phương tiện thô sơ như cuốc xẻng và ngay cả bằng tay. Chính sách thực dân của Trung Cộng vô cùng thất nhân tâm, phi văn hóa.

Thực tế của xã hội Trung Cộng hiện nay là bản tự thú những sai lầm của quan điểm duy vật. Tiền bạc không làm nên một đất nước hay một con người văn hóa. Những thành công kinh tế ngắn hạn của Trung Cộng dựa trên tham vọng của giới cai trị thay vì dựa trên sự phát triển tự nhiên, hài hòa phù hợp với dòng văn minh của loài người.

Trong lịch sử loài người không có chế độ độc tài nào thật sự mang lại hạnh phúc lâu dài cho dân tộc. Một nước đại kỹ nghệ như Liên Sô đã sụp đổ chỉ trong vòng vài tháng.
Trung Cộng, cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới với GDP hơn 14 ngàn tỉ đô la và là nơi có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, không phải là cường quốc văn hóa. Khẩu hiệu “xây dựng một xã hội hài hòa” được nhắc đến thường xuyên trong các diễn văn của Tập Cận Bình chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền. Giá trị của một quốc gia không được đánh giá bằng tiền của mà bằng các tiêu chuẩn đạo đức, dân chủ, tôn giáo, văn minh, văn hóa và sự kính trọng của loài người dành cho.

Trong lúc người dân Trung Quốc có một đời sống vật chất khá hơn thời Cách Mạng Văn Hóa và Bước Tiến Nhảy Vọt, các giá trị tinh thần tại Trung Cộng không cải thiện một chút nào. Trung Cộng vẫn là một đất nước lạc hậu khi so sánh với các nước phát triển về các giá trị đạo đức, truyền thống, tôn giáo, hành vi được chuyển tải từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Không ít người dân Trung Quốc vẫn thích ăn thịt người, khác chăng được che giấu dưới một hình thức khác như trường hợp 17 ngàn viên thuốc từ Trung Cộng được bào chế bằng thai nhi bị khám phá tại Nam Hàn năm 2012.

Sự lạc hậu văn hóa tại Trung Cộng là lạc hậu từ trung ương đến địa phương. Chế độ CS tại Trung Quốc trong thời Tập mang nhiều đặc tính của một chế độ phong kiến thể hiện rõ nét nhất qua bịnh quan liêu, che đậy và lừa dối.

Khi phải đối diện với một biến cố ngoài dự liệu, ngoài sự hiểu biết và ngoài tầm kiểm soát của các cán bộ CS được cất nhắc vào các chức vụ do phe cánh và do “hồng hơn chuyên”, việc che đậy và lừa dối trở thành một phản ứng tự nhiên.

Che đậy và lừa dối vốn đã là bản chất của chế độ CS nói chung, không riêng gì Trung Cộng mà cả hệ thống Liên Sô trước đây cũng vậy.

Sự kiện vụ nổ nhà máy nguyên tử Chernobyl là một bằng chứng. Khi nhà máy nguyên tử Chernobyl phát nổ và một lượng phóng xạ tương đương với 500 trái bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima lan rộng khắp Châu Âu. Bản báo cáo do cấp địa phương gởi lên Gorbachev cho biết có một cuộc hỏa hoạn vừa xảy ra tại Chernobyl nhưng nhà máy nguyên tử không bị ảnh hưởng gì. Nhiều ngày sau khi báo chí châu Âu và các máy đo phóng xạ phát hiện chất phóng xạ đã lan rộng đến tận Thụy Điển, Gorbachev mới biết chính nhà máy nguyên tử phát nổ chứ không phải hỏa hoạn. Lúc đó đã quá trễ để các thành phố lân cận có thể di tản kịp thời. Khoảng bảy ngàn người đã chết, hàng trăm ngàn người bị thương tật và chất phóng xạ gây ra sẽ còn tiếp tục di hại đến nhiều thế hệ sau này. Quốc hội Ukraine năm 1991 đã tố cáo Liên Sô, trong đó có Gorbachev, cố tình “che đậy, lừa dối”. Volodymyr Yavorivsky, chủ tịch ủy ban điều tra vụ nổ Chernobyl của chính phủ Ukraine kết luận đó không phải chỉ là một tai nạn kỹ thuật mà là “tội ác của chế độ CS”.

Nạn dịch SARS tại Trung Cộng năm 2002 cũng bị che đậy và lừa dối. Chính quyền Trung Cộng giấu nhẹm tin tức về SARS trong nhiều tháng và vi khuẩn SARS tự do lây từ người này sang người khác mà không ai biết nguồn gốc từ đâu. Mãi tới tháng Hai, 2003 chính quyền Trung Cộng mới chính thức báo cho WHO biết và thi hành các biện pháp ngăn ngừa.

Lần này Trung Cộng phản ứng tốt hơn đối với đại dịch Coronavirus nhưng vẫn không minh bạch. Trang mạng của các hãng tin lớn chuyên theo dõi đại dịch Coronavirus bị chặn. Các biện pháp ngăn ngừa được áp dụng quá trễ khi một phần không nhỏ trong số 11 triệu dân Vũ Hán đã mang theo căn bịnh Coronavirus lên đường đi nghỉ Tết tại nhiều nơi khác.

Hàng loạt các nghiên cứu cho thấy yếu tố văn hóa quyết định cho sự phát triển lâu dài, bền vững của một quốc gia. Trường hợp thành công của Nam Hàn là một ví dụ. Sự thành công của Nam Hàn nhờ các giá trị văn hóa, giáo dục và chính trị. Giáo sư Paola Sapienza, thuộc đại học Northwestern University cho rằng “văn hóa đồng hành cùng phát triển kinh tế”.

Với sự hợp tác của cả thế giới, đại dịch Coronavirus tại Trung Cộng sớm hay muộn sẽ được ngăn chận nhưng không có nghĩa sẽ diệt trừ hết các nạn dịch.

Việc họa sĩ biếm họa Đan Mạch Niels BoBojesen vẽ hình lá cờ Trung Cộng với năm vi khuẩn coronavirus và được nhiều người tiếp tay phát tán khắp thế giới cho thấy sự khinh rẻ của con người đối với chế độ chính trị tại Trung Cộng.

Họa sĩ Niels BoBojesen từ chối xin lỗi. Lý do rất dễ hiểu mà cả Tập Cận Bình cũng không thể phản biện, Trung Cộng nơi phát sinh các nạn dịch có nguồn từ thú vật và các nạn dịch này sẽ tồn tại mãi cho đến khi nào các điều kiện chính trị, văn hóa, xã hội còn dung dưỡng chúng.






No comments:

Post a Comment

View My Stats