Jackhammer Nguyễn
13/02/2020
Tiền không có mùi
Hiệp định thương mại tự do châu Âu và Việt Nam được
Nghị viện châu Âu thông qua vào ngày 12/2/2020 với một tỉ số áp đảo.
Điều này không làm ngạc nhiên những người quan tâm tới
thương mại, những người chống cộng sản nhưng chủ trương thay đổi chế độ một
cách tiệm tiến bằng cách hợp tác với chế độ đó để cải tạo nó.
Nó có thể làm phật lòng một số người chủ trương cứng
rắn, chủ trương phong tỏa nước Việt Nam cộng sản về mọi mặt.
Quyết định thông qua của Nghị viện châu Âu, cũng như
việc lơ là không chỉ trích các vi phạm nhân quyền của chính phủ Mỹ trong mấy
năm qua thực ra chỉ là một lý lẽ thông thường mà người phương Tây đã có từ thời
… La Mã. Tương truyền rằng Hoàng đế La Mã, Nero, đã nói “Pecunia Non Olet”,
Tiền thì không có mùi, khi ông cho dựng nhà xí công cộng để thu tiền cho ngân
khố quốc gia.
Có ai dám nói rằng chủ nghĩa tư bản châu Âu, hay Mỹ,
từ chối tiền Việt cộng? Pecunia Non Olet!
Năm 2020 này cũng là năm hai nước Việt – Mỹ kỷ niệm
25 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Từ 1995 đến nay luôn có cách tiếp
cận cứng rắn như tôi đề cập ở trên, từ hải ngoại: Không gửi tiền về Việt Nam,
không làm ăn với Việt Nam, không du lịch Việt Nam,… Kết quả hoàn toàn thất bại.
Người Mỹ làm ăn với Việt Nam ngày càng nhiều, người
Việt tại Mỹ về Việt Nam cũng nhiều,… không những thế, những “người Việt cộng”
sang Mỹ sinh sống, mua bán ngày càng nhiều, đến nỗi có những sự lo lắng rằng
các khu như Little Sài Gòn sẽ bị… Việt cộng hóa!
Điểm lại những việc trên, cộng với việc thông qua
EVFTA còn nóng hổi, để nói rằng Chủ nghĩa tư bản với cái lõi của nó là Pecunia
Non Olet, quả là có rất nhiều quyền uy. Chủ nghĩa tư bản, cho tới giờ phút
này vẫn là mô hình tốt nhất về kinh tế xã hội mà con người có được.
Cộng đồng người
Việt tại Mỹ quả là rất phức tạp. Một mặt họ chạy trốn chủ nghĩa cộng sản để tìm
tới chủ nghĩa tư bản, nhưng lại đòi hỏi một điều mà chủ nghĩa tư bản không thể
làm được, đó là từ chối tiền! Pecunia Non Olet!
Đa số người Việt tại Mỹ bầu cho Donald Trump, bất chấp
vấn đề đạo đức của ông này, nhưng lại mong muốn chủ nghĩa tư bản cư xử với Việt
Nam cộng sản bằng một cách thức đầy đạo đức. Pecunia Non Olet!
Nhưng Việt Nam cộng sản hiện nay như thế nào?
Mới đây một giáo sư người Úc có viết trên BBC Việt
ngữ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sở dĩ vẫn còn tồn tại, mặc cho bao chỉ trích,
vì nó biết thay đổi (Việt Nam: Đảng Cộng sản tồn tại là nhờ biết điều chỉnh
và thay đổi). Xã hội Việt Nam, dù vẫn là một xã hội không có nhân quyền,
nhưng quyền tự do của dân chúng đã được nới rộng nhiều. Các chỉ trích cũng được
lắng nghe để nhà cầm quyền thay đổi các chính sách.
Truyền thông trong nước và hải ngoại
Điều này thể hiện rất rõ qua mạng xã hội và các
trang web chính thức của nhà nước Việt Nam. Trong các trang web này nhiều khi
người ta thấy cả những bài viết mang tính phê phán rất mạnh, mà “hệ thống truyền
thông hải ngoại”, thường chỉ trích chính quyền cộng sản, không đạt được.
Có lần trong một tiệm cà phê tại Mỹ, hai viên chức
ngoại giao Việt Nam cười phá lên khi tôi đề cập tới các trang YouTube chỉ trích
chính quyền Việt Nam. Một anh nói: Họ nói như là đúng rồi vậy, họ chẳng
hiểu gì bên trong Việt Nam cả. Họ lắp ghép hình này ảnh kia, nhưng rồi thì chẳng
ai tin nữa đâu.
Đã qua rồi thời mà một vụ bắt bớ ở Việt Nam lan ra
được hải ngoại là một món hàng hiếm. Đã qua rồi thời mà Quốc hội Mỹ chủ trương
thông tin đến người Việt trong nước những điều mà Hà Nội giấu giếm. Những món
tiền lớn đã được người Mỹ chi tiêu cho thông tin để đánh sập Bức màn sắt Đông
Âu đã có kết quả rõ ràng, nhưng đối với Bức màn tre Việt Nam cộng sản dường như
không phải như thế.
Với sự mở rộng của truyền thông trong nước dù vẫn
còn bị kiểm soát một cách ngặt nghèo bởi Đảng Cộng sản, các kênh thông
tin được chính phủ Mỹ hỗ trợ để đưa tin về Việt Nam chỉ còn có việc… chép lại
tin tức từ báo Việt Nam. Các bạn để ý mà xem, các bản tin ấy giống hệt
các bản tin báo chí trong nước, giống cả người phỏng vấn nữa. Tệ hơn, văn phong
cũng trở thành “văn phong Việt cộng” luôn!
Tôi vẫn cho rằng truyền thông từ hải ngoại vẫn có thể
góp phần vào việc dân chủ hóa Việt Nam, nhưng không phải như cái cách… sao chép
và … chửi đổng, hay tệ hơn là tung tin vịt, như hiện nay. Các bạn có thấy trang
Tiếng Dân và một vài trang ít ỏi khác có những nguồn tin mà nhà nước cộng sản
Việt Nam rất sợ đấy không? Vì đó là tin thật, không phải tin vịt!
Trở lại vấn đề “Bên tiền bên nghĩa bên nào nặng
hơn”, mà tôi nêu ra bên trên, tôi nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản vẫn có
cái giới hạn đạo đức của nó, cái mà người ta đang tranh luận nhau rất dữ dội hiện
nay tại Mỹ. Nhưng nếu đấu tranh cho dân chủ hóa Việt Nam mà đòi chủ nghĩa tư bản
Mỹ hay chủ nghĩa tư bản châu Âu đừng nhận tiền thì quả là không tưởng. Pecunia
Non Olet!
Còn chuyện “Việt cộng hóa” các khu Tiểu Sài Gòn ư?
Tôi không lo ngại gì cả, vì chủ nghĩa tư bản sẽ đồng hóa những người Việt cộng ấy
thôi.
Jackhammer
Nguyễn, từ San Francisco
No comments:
Post a Comment