TBKTSG (Theo Nikkei Asian Review, CNBC, Reuters)
Thứ Ba, 11/02/2020
14:31
ình
trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc kéo dài sẽ giáng một đòn mạnh vào nền
kinh tế toàn cầu vốn chưa hồi phục sau một năm chứng kiến nhiều bất ổn thương mại
bao gồm cuộc chiến thuế Mỹ-Trung.
Virus
corona làm bộc lộ điểm yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu
Các tuyến giao
thông vắng hoàn toàn bóng xe cộ ở TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi phát tác của dịch
nCoV. Ảnh: Getty
Khi mà nhiều công ty ở Trung Quốc vẫn chưa thể hoạt
động trở lại hôm 10-2 do đà lây lan của dịch nCoV chưa có dấu hiệu lắng dịu, áp
lực đối với hoạt động sản xuất và thương mại ở những nước phụ thuộc vào chuỗi
cung ứng khổng lồ ở nước này ngày càng gia tăng. Tỷ trọng đóng góp của Trung Quốc
cho thương mại toàn cầu ngày nay lớn hơn rất nhiều so với thời điểm dịch SARS
(gây hội chứng suy hô hấp cấp nặng) bùng phát vào năm 2003.
Một nghiên cứu do Tập đoàn truyền thông Nikkei và
Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản hợp tác thực hiện cho biết, cứ 10 tỉ đô
la Mỹ giá trị sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc suy giảm do tình trạng gián đoạn
sản xuất thì hàng hóa linh kiện xuất khẩu của nước này sang Hàn Quốc sẽ giảm gần
300 triệu đô la, dẫn đến giá trị xuất khẩu hàng hóa hoàn thiện của Hàn Quốc giảm
khoảng 200 triệu đô la.
Như vậy, mất mát kép này sẽ gây thiệt hại cho Hàn Quốc
500 triệu đô la. Nhật Bản cũng sẽ hứng mức tổn thất tương tự. Những nền kinh tế
khác phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Ấn Độ
và Đài Loan cũng sẽ lĩnh đòn.
Theo nghiên cứu trên, tổng thiệt hại của tất cả các
nước và khu vực trên toàn cầu do mức suy giảm 10 tỉ đô la giá trị sản lượng
công nghiệp ở Trung Quốc, sẽ lên đến 6,7 tỉ đô la. Hiểu nôm na là cuộc khủng hoảng
dịch nCoV hiện nay, nếu Trung Quốc thiệt hại 10 thì thế giới sẽ thiệt hại gần
7.
Tác động của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất và
chuỗi cung ứng của các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan... ở nước này
đã hiển hiện rõ trong những ngày vừa qua. Cuối tuần trước, hãng xe lớn nhất Hàn
Quốc Hyundai thông báo dừng tất cả các dây chuyền lắp ráp xe trong nước do thiếu
nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc.
Hyundai cho biết sẽ dần nối lại hoạt động sản xuất
trong thời gian từ 11 đến 17-2. Trong khi đó, hãng xe Kia Motors cho biết đã dừng
phần lớn hoạt động sản xuất ở ba nhà máy tại Hàn Quốc.
Các hãng xe Nhật Bản như Toyota, Honda, Nissan đều vẫn
chưa thể nối lại hoạt động sản xuất ở các nhà máy của họ ở Trung Quốc.
Cuộc khảo sát của Nikkei với 124 công ty Nhật Bản hoạt
động tại Trung Quốc cho thấy có đến 108 công ty (87,1%) cho biết hoạt động của
họ bị ngưng trệ một phần hoặc hoàn toàn do tác động của dịch nCoV. Chỉ có 43,8%
trong số các công ty trả lời khảo sát cho biết họ bắt đầu trở lại hoạt động sớm
nhất là ngày 10-2.
Trong khi đó, tập đoàn Foxconn (Đài Loan), nhà sản
xuất gia công quan trọng của Apple và nhiều công ty công nghệ Mỹ khác, chưa thể
mở cửa trở lại phần lớn các nhà máy ở Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều
nước trên toàn cầu. Trung tâm Thương mại quốc tế ở Geneva, Thụy Sĩ, ước tính mức
đóng góp của đất nước nay hiện nay cho thương mại toàn cầu khoảng 12%, vượt cả
Mỹ. Năm 2003, con số này chỉ gần 6%.
Trước đây, Nhật Bản phụ thuộc lớn vào thương mại với
Mỹ đến nỗi các chuyên gia từng ví von: khi Mỹ hắt hơi, Nhật Bản sẽ sổ mũi.
Nhưng giờ đây, sự phụ thuộc này đang nghiêng về phía Trung Quốc. Giá trị trao đổi
thương mại của Nhật Bản với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng lên mức
22% tổng kim ngạch thương mại, cao hơn mức 15% với Mỹ.
Do vậy, nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tổn thất
nặng nề do tác động của dịch nCoV, hầu như mọi nước khác trên toàn cầu đều bị tổn
thương.
Dịch nCoV là bài học về đa dạng chuỗi cung ứng
Sau một năm “bầm dập” vì các tác động vạ lây từ cuộc
chiến thương mại Mỹ- Trung, Singapore đang đối mặt với mối đe dọa của dịch
nCoV. Đây là nơi đã xuất hiện 43 ca nhiễm và có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào
hoạt động thương mại với bên ngoài, đặc biệt là với Trung Quốc. Do vậy đất nước
này có thể phải “trả giá” cao vì sự phụ thuộc này.
Trong một báo cáo công bố tuần trước, các nhà kinh tế
ở Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Singapore
trong năm nay xuống còn 1,1% so với mức dự báo 1,8% trước đó.
Giải thích lý do hạ dự báo, họ cho rằng quyết định hạn
chế nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc, được chính phủ Singapore đưa ra vào
hồi đầu tháng 2, sẽ ảnh hưởng đến các ngành du lịch, khách sạn và bán lẻ của nước
này.
Các nhà kinh tế ở Ngân hàng OCBC nhận định nếu dịch
nCoV kéo dài từ 3-6 tháng, GDP của Singapore sẽ bị tổn thất từ 0,5-1 điểm phần
trăm do các biện pháp hạn chế đi lại, niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp
suy giảm và hoạt động sản xuất suy yếu.
Một báo cáo khác trước đó của Maybank Kim Eng nhận định,
tại Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan là hai nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Malaysia và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng không nghiêm trọng bằng. Trong khi
đó, Indonesia và Philippines sẽ hai nước ít bị ảnh hưởng nhất.
Trao đổi với hãng tin CNBC hôm 4-2,
Bộ trưởng Công thương Singapore Chan Chun Sing, nói rằng dịch nCoV, đang khiến
nhiều trung tâm sản xuất công nghiệp và thương mại lớn phải đóng cửa ở Trung Quốc,
cung cấp “một bài học rất lớn” cho các công ty và nền kinh tế trên toàn cầu về
tầm quan trọng của nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Chan Chun Sing nói: “Ngày nay, Trung Quốc
đã tham gia vào các chuỗi cung ứng của nhiều sản phẩm cao cấp. Điều này có
nghĩa là tác động của dịch nCoV đến các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ rất lớn. Tôi
nghĩ đây là bài học để mọi người nghiêm túc xem xét lại tính bền vững của chuỗi
cung ứng”.
(Theo
Nikkei Asian Review, CNBC, Reuters)
No comments:
Post a Comment