NỘI DUNG :
Trọng Thành - RFI
Thanh Phương
- RFI
Thu
Hằng -
RFI
.
Thanh
Phương -
RFI
.
================================================
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 19/02/2020 - 16:05
Đầu
tháng 2/2020, dịch Covid-19 từ Vũ Hán, Trung Quốc, gây lo ngại lớn tại Việt
Nam. Xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, với nhiều người nhiễm virus trở về từ Vũ
Hán, truyền sang người khác, trở thành một ''ổ dịch''. Ngày 13/02, chính quyền
phong tỏa Sơn Lôi để chống dịch. Nhiều người cảnh báo, nếu làm sai cách, việc
phong tỏa toàn bộ một khu vực dân cư lớn sẽ lợi bất cập hại.
Cho đến nay, thông tin về diễn biến của cuộc phòng
chống dịch bệnh tại xã Sơn Lôi, hơn 10.000 dân, gần như hoàn toàn do các kênh
truyền thông của Nhà nước loan tải. Nếu như chính quyền thường xuyên đưa ra các
thông điệp cho thấy tình hình chống dịch tại Sơn Lôi diễn biến tích cực, một số
thông tin tại chỗ cho thấy không hẳn đã như vậy (nhiều người dân Sơn Lôi không
dám lên tiếng trên công luận để thông tin về dịch bệnh, do lo ngại bị chính quyền
trừng phạt. Tại Việt Nam,
dư luận chú ý đến việc hai người dùng Facebook bị chính quyền phạt tiền khi
đăng tải thông tin về Covid-19, với cáo buộc xuyên tạc sự thực).
Bên cạnh các thiếu thốn về phương tiện vệ sinh phòng
hộ, điểm đáng chú ý là nỗi lo khá phổ biến trong dân chúng, vì thiếu thông tin,
đặc biệt về tình trạng các thân nhân, đang sống cách ly xa gia đình, tình trạng
một số người ''tâm lý yếu'' hoảng sợ khi bị cưỡng chế cách ly. Việc thiếu sự
chuẩn bị tâm lý và kỹ năng phòng dịch cho người dân, trước một đợt phong tỏa
kéo dài, đặt người dân vào thế thụ động, lo lắng, hoang mang, khiến đợt phong tỏa
phòng dịch có thể dễ dàng mất đi hiệu quả mong muốn, nhất là trong bối cảnh nỗi
ám ảnh do virus đè nặng, không khí kỳ thị dân cư vùng bị dịch khá phổ biến ở
nhiều nơi.
Trong việc phòng chống dịch Covid-19, đang trong diễn
biến khó lường, chính quyền Việt Nam dường như đã không chú ý đúng mức đến mức
độ nguy hiểm của ''virus vô hình của nỗi sợ'', đang trở thành mối đe dọa không
thể coi nhẹ.
Nguồn gốc ''ổ dịch''
Trở lại với ổ dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên,
tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nơi có nữ công nhân Nguyễn Thị D., từ Vũ Hán (Wuhan), trở
về Sơn Lôi, ngày 17/01, tức khoảng một tuần trước khi thành phố bị phong tỏa.
Ngày 25/01, chị Nguyễn Thị D. đã tới Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương lấy mẫu.
Ngày 30/01, kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị nhiễm Covid-19. Nữ công nhân
Nguyễn Thị D. là một trong ba người Việt Nam đầu tiên nhiễm virus corona mới,
và là người để virus truyền trực tiếp sang 5 người khác. Một bé gái 3 tháng tuổi
bị nhiễm virus từ một trong 5 người nói trên.
Chị D. là một trong 8 công nhân được cử sang Vũ Hán
tập huấn. Trong số họ tổng cộng 5 người bị nhiễm virus. Tất cả đều trú quán tại
tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc trở thành địa phương có đông người nhiễm virus corona
nhất trên cả nước (chiếm 11 trên 16 ca). Ngày 12/02, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc
quyết định phong tỏa xã Sơn Lôi. Cuộc phong tỏa bắt đầu ngay ngày hôm sau,
13/02. Thời gian dự kiến kéo dài 20 ngày.
Diễn biến ''chống dịch'' theo truyền thông
Nhà nước
Theo thông tin từ phía chính quyền, Vĩnh Phúc đã áp
dụng các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch theo quy định của Luật Phòng chống
bệnh truyền nhiễm, tiến hành khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn
Lôi, nơi có nhiều ca mắc nhất trên địa bàn huyện Bình Xuyên, cũng như tỉnh Vĩnh
Phúc. Xã Sơn Lôi thành lập 12 chốt tại các trục đường chính, còn tại các tuyến
đường nhỏ, trong các cánh đồng đều có lực lượng tuần tra an ninh 24/24. Đồng thời,
''phun khử trùng, tiêu độc, huy động tối đa lực lượng kiểm soát tình hình sức
khỏe của người dân''.
Bộ Y Tế đã cử 2 đội công tác đặc biệt trực 24/24 ở
Bình Xuyên, hỗ trợ tại chỗ công tác giám sát dịch, cũng như điều trị cho bệnh
nhân. Mỗi người dân có bảng theo dõi sức khỏe sát sao. Mỗi ngày cán bộ đến 2 lần,
đến theo dõi xem có ốm, sốt ho, gai người... cặp nhiệt độ sáng chiều.
Trong cuộc họp báo chiều 14/2, chủ tịch UBND huyện
Bình Xuyên cho biết chính quyền đã dự đoán đợt phong tỏa chắc chắn sẽ có những
tác động không nhỏ đến đời sống người dân, đồng thời khẳng định ''đảm bảo đủ
nước rửa tay, khẩu trang, không có việc lên mạng kêu gọi hỗ trợ". Tỉnh
Vĩnh Phúc cũng cho biết tập trung các nguồn lực để hỗ trợ người dân trong vùng
cách ly, về nhu yếu phẩm.
Thiếu phương tiện, thiếu thông tin về thân
nhân
Xã Sơn Lôi có khoảng 1.400 người theo Công Giáo. Linh
mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Đại, phụ trách giáo xứ Hữu Bằng, từ ít ngày gần
đây, được chính quyền cho phép đưa một số trang bị vệ sinh, phòng hộ vào cho những
người Công Giáo trong vùng dịch. Linh mục Nguyễn Đức Đại cho biết một số nét
chính về đời sống giáo dân tại Sơn Lôi. Ngoài vấn đề trang bị vệ sinh, phòng dịch,
ông đặc biệt lo ngại về tâm trạng của bà con giáo dân. Trả lời RFI hôm 17/02,
Cha Nguyễn Đức Đại cho biết:
''Những người Công Giáo chưa ai xét nghiệm bị dương
tính. Ăn thì người ta vẫn có cái ăn, đời sống thì không ngại lắm. (Điểm đáng lo
là) họ không thấy sự nguy hiểm của nó, nhiều lúc họ coi rất bình thường. Mình
cũng đề nghị chính quyền cấp cho họ khẩu trang, cũng như thiết bị y tế, như nước
rửa, sát trùng. Nhưng đến ngày hôm nay, nhưng cũng chỉ mới phát lẻ tẻ, không
đáng kể… Một số người đi làm ở các nơi khác bị đuổi việc, bắt tập trung về thôn
của mình. Một số người tâm lý hơi yêu yếu, tâm lý có hơi hoảng loạn.
Những người ở trong đó cũng theo dõi thôi, nhưng có
biết những người đang cách ly ở đâu đâu, tình trạng như thế nào đâu. Cứ theo
dõi xem có ai không, sợ nhỡ người nhà mình. Chỉ có đọc kinh cầu nguyện thôi''.
Vị cha xứ cũng cho biết tình hình đang từng bước được
cải thiện, trước hết với việc một linh mục, cha Hoàng Trọng Hữu, được phép vào
trong vùng dịch, để hỗ trợ người dân tại chỗ. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng
bệnh dịch phát triển nặng thêm trong thời kỳ đầu, linh mục Nguyễn Đức Đại nhận
xét là những người có nguy cơ bị nhiễm virus đã không được chuẩn bị tâm lý để
thực hiện tốt việc tự cách ly, nhằm bảo vệ cộng đồng.
Cha
Nguyễn Đức Đại: ''Nếu ngay từ lúc đầu, nếu mình làm tốt, thì nó
không bùng ra như thế, nhưng làm không chặt lắm. Chúng tôi được biết là những
người đó (có nguy cơ nhiễm virus) về, nhưng họ vẫn sinh hoạt bình thường. Họ vẫn
ăn uống, hát karaoke, rồi đi lại bình thường. Sau khi đã xác định họ dương tính
với virus, thì còn mấy người khác trong gia đình, bảo cách ly, chỉ cách ly tại
nhà thôi, nhưng họ không chịu. Họ vẫn đi làm, coi sóc con cháu… Mình đã không có
biện pháp làm cho tốt hơn, cũng không hỗ trợ họ nên chính vì thế bị ảnh hưởng
thêm''.
Cần ''giám sát độc lập''
Về tình hình phòng chống dịch tại Sơn Lôi, với biện
pháp phong tỏa toàn bộ xã, trả lời RFI, Bác sĩ Trần Tuấn, tiến sĩ y tế cộng đồng,
cho biết nhận xét chung của ông:
''Tôi có theo dõi ở Sơn Lôi, thấy rằng dường như quyết
tâm của chính quyền là cao, nhưng sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền với bên
y tế, để bảo đảm triển khai để người thực hiện đúng các nguyên tắc của bên y tế
cộng đồng đưa ra, thì tôi cho rằng việc thực thi này, có lẽ là lần đầu tiên họ
làm, cho nên chưa có kinh nghiệm. Phần giáo dục cho dân, cung cấp kiến thức cụ
thể cho dân, các bước cụ thể cho mỗi cá nhân hiểu và thực thi trách nhiệm cá
nhân, thì trong những ngày đầu chưa đảm bảo. Điểm thứ hai nữa là cần phải có bộ
phận giám sát đánh giá độc lập, tham gia vào để bảo đảm thực thi, bảo đảm tính
thực tế của kế hoạch này. Việc giám sát này chúng tôi nghĩ rằng cần phải có một
bộ phận thực sự khoa học, độc lập với bộ phận đang triển khai, của địa phương.
Nếu có thể được, thì đấy phải là các tổ chức chuyên đánh giá về y tế cộng đồng,
thì đến cuối đợt chúng ta có thể có những số liệu, thông tin để đúc rút kinh
nghiệm, để đánh giá hiệu quả thực sự của nó. Để rồi áp dụng ngay cho giai đoạn
tiếp theo''.
(Theo quy định của chính phủ Việt Nam, Tiểu
ban giám sát thuộc Ban chỉ đạo chống dịch có hai nhiệm vụ, theo dõi diễn biến dịch
và tổ chức thực hiện phòng chống dịch. Chức năng ''giám sát'' ở đây hoàn
toàn không liên quan đến hoạt động ''giám sát'', theo đề nghị của Bác sĩ
Trần Tuấn).
Vai trò người dân bị coi thường: Bài học Vũ
Hán
Bác sĩ Trần Tuấn đặc biệt lưu ý đến Bài học Vũ Hán,
với việc chính quyền Trung Quốc đã không xem người dân như các chủ thể chủ động,
tích cực, là ''tuyến đầu'' trong việc phòng chống dịch. Bài học thất bại
của Vũ Hán, nếu không được rút ra đầy đủ có thể lặp lại tại những nơi khác, cụ
thể như Việt Nam.
Bác
sĩ Trần Tuấn: ''Phải nói đây là một virus có tính lây nhiễm
cao, nhưng độc lực vào loại trung bình, trong các virus gây viêm nhiễm đường hô
hấp. Nếu như tính lây nhiễm cao, độc lập trung bình thôi, thì các biện pháp,
các kinh nghiệm trong phòng chống dịch chúng ta đã có. Từ các virus có vắc xin
hoặc chưa, thì về nguyên tắc, chúng ta có đủ kinh nghiệm khoa học và kinh nghiệm
để kiểm soát tốt vụ dịch này, không để lây lan mạnh được. Nhưng tại Vũ Hán, vì
sao tình trạng lại xảy ra nặng nề như vậy, đặc biệt là số người chết, người mắc
lại tăng rất nhanh sau khi biện pháp cô lập, cách ly thành phố đã được thực hiện.
Chúng tôi thấy, khi chính quyền Trung Quốc tổ chức
phòng chống dịch này, thì dường như họ lại xem người dân như là một đối tượng
chỉ có tuân thủ và thi hành những gì mà bên hệ thống Nhà nước đưa ra, chứ không
xem người dân là một chủ thể tích cực, có tính chủ động. Chúng tôi xem là bản
thân các chủ thể là phòng tuyến đầu, họ có thể tự bảo vệ mình bằng các kiến thức
để khỏi bị lây nhiễm, hoặc khỏi gây lây nhiễm cho người khác, nếu đã nhiễm bệnh.
Và điều thứ ba cần chú ý, là trong trường hợp dịch bệnh không có thuốc đặc trị,
không có vắc xin, thì chính khả năng tự miễn dịch của mỗi cá nhân, nếu được
nâng cao, nếu được bảo vệ thì là một yếu tố tích cực nhất. Họ mới là điểm chính
trong cuộc chiến đánh bại con virus, khi virus đã xâm nhập cơ thể. Hỗ trợ của y
tế chỉ trong trường hợp cấp thiết, ví dụ như các trường hợp nặng. Còn không tất
cả các biện pháp ăn uống, sinh hoạt (tập luyện thể chất), đặc biệt về tâm lý là
người dân hoàn toàn có thể làm được. Nếu hiểu được như vậy, thì chúng ta sẽ
tránh được đường lối can thiệp mang tính bất ngờ, đột ngột, xáo trộn cuộc sống
của người dân, trong khi chưa chuẩn bị được tinh thần, và kiến thức của người
dân, đối phó với dịch''.
Để ''virus của nỗi sợ'' lan tràn: WHO ở đâu ?
Để chống dịch virus Covid-19, có thể dựng các hàng
rào hữu hình để phong tỏa cả một xã, một thành phố, nhưng biện pháp quyết liệt
này rất có thể sẽ lợi bất cấp hại, nếu tình hình phòng chống bệnh dịch không dựa
trên các nghiên cứu cụ thể, và nỗi sợ vô hình tác hại nặng nề đến tâm lý người
dân, rất có thể còn nguy hại hơn cả chính con virus (nhà hoạt động xã hội
Nguyễn Lân Thắng trong một chia sẻ với chúng tôi cho biết hai gánh nặng tâm lý
khác là tâm trạng không tin tưởng vào hành xử của chính quyền trong một bộ phận
người dân, cùng với nạn tin giả tràn lan).
Trong bài trả lời phỏng vấn RFI, Bác sĩ Trần Tuấn nhấn
mạnh đến việc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã không thực hiện đúng vai trò của một
định chế y tế quốc tế, có khả năng tiến hành nghiên cứu dịch tễ tại các khu vực
có nguy cơ cao (cũng như tại Trung Quốc), WHO có xu hướng ''đồng nhất'' dịch bệnh
Covid-19, trên phần còn lại của thế giới, với tình hình dịch bệnh đã trở thành
đại dịch tại Trung Quốc, bùng phát do cách quản lý không minh bạch của chính
quyền nước này.
NGHE
: Bác sĩ - Tiến sĩ y tế cộng đồng Trần
Tuấn
Bác
sĩ Trần Tuấn: ''Truyền thông quốc tế gắn nối một cách
quá mức diễn biến dịch bệnh ở Trung Quốc với nguy cơ xảy ra ở các nước. Phát biểu
gần đây của lãnh đạo WHO, cho rằng khó mà tiên lượng được dịch, đã đánh đồng việc
khó tiên lượng được ở Trung Quốc, với dịch bệnh ở các nước. Thực tế diễn biến dịch,
hình thái phân bố, số mắc, số chết… cho đến nay, khác biệt rất rõ giữa diễn biến
tại Trung Quốc, tại Vũ Hán, với bên ngoài. Việc đồng nhất diễn biến tại Trung
Quốc với thế giới làm tăng thêm nỗi lo. Lẽ ra WHO, về thông tin dịch tễ học,
trong vai trò của mình, với các văn phòng khu vực, và tại các nước mà dịch lan
đến, hoàn toàn có thể tiến hành hoặc hỗ trợ các nghiên cứu dịch tễ học. Tạo ra
các bằng chứng khách quan hơn, để đánh giá cho đúng hơn tính lây lan, độc lực của
virus, giúp cho việc cân bằng (về đánh giá), để giảm nỗi lo sợ. Chúng tôi thấy
rằng WHO gần như không thấy nói đến các kế hoạch nghiên cứu đã được triển khai
đến đâu, các văn phòng khu vực đã tiếp xúc với các bệnh nhân đến đâu, hỗ trợ
chính phủ các nước như thế nào. WHO vẫn có xu hướng đồng nhất diễn biến dịch tại
Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Điều này khiến diễn biến dịch bệnh tại
Trung Quốc trở thành nỗi ám ảnh của thế giới''.
Xu hướng đồng nhất này thể hiện rõ ràng qua việc rất
nhiều người tin rằng gần 2.000 người chết do virus hiện nay (theo con số chính
thức) là rải ra trên toàn thế giới nói chung, chứ không phải là tuyệt đại số
trên lãnh thổ Trung Quốc, và chủ yếu tại vùng tâm dịch Vũ Hán – Hồ Bắc. Sự đồng
nhất này là một nguyên nhân khiến nỗi ám ảnh, sợ hãi virus (cùng với những
thông tin chính thức và không chính thức về thảm họa y tế tại Vũ Hán) rất có thể
vượt quá xa mức độ nguy hiểm thực sự, xét về mặt sinh lý học, của chính bản
thân virus.
Hệ quả của việc không kiểm soát, hạn chế hay giải tỏa
được nỗi sợ hãi bao trùm này là tình trạng kỳ thị trong xã hội, tâm lý lo âu
quá mức gia tăng. Trong trường hợp dịch bệnh có thêm các diễn biến bất thường,
thêm nhiều khu vực bị phong tỏa, thì không khí hoang mang này ắt hẳn sẽ càng
gây khó khăn thêm cho việc phòng chống dịch bệnh.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
-------------------------------------
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 19/02/2020 - 12:08
Theo
báo chí trong nước, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế hôm qua, 18/02/2020 đã quyết
định dời ngày tổ chức Festival Huế 2020 do lo ngại về tình hình dịch viêm phổi
do virus corona mới, Covid-19, gây ra.
Theo dự kiến Festival Huế 2020 sẽ diễn ra vào đầu
tháng 4, với sự tham gia của hơn 20 đoàn nghệ thuật nước ngoài, trong đó có
Pháp, bên cạnh các đoàn nghệ thuật của Việt Nam. Thế nhưng, do thủ tướng Việt
Nam cũng yêu cầu « hạn chế việc tổ chức lễ hội tập trung đông người »,
cho nên Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế quyết định hoặc là sẽ dời lại sự kiện văn hóa
này đến cuối tháng 8, hoặc sẽ tổ chức vào năm 2021.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP, hôm qua, Ban tổ chức
Giải đua xe Công thức 1 (F1) cho biết giải đua tại Việt Nam vẫn sẽ diễn ra như
dự kiến, tức là sẽ chính thức khởi tranh vào tháng 4/2020 tại Hà Nội, chứ không
bị hoãn giống như Giải Chinese Grand Prix ở Trung Quốc.
Ông Trần Trung Hiếu, phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội,
hôm qua cũng khẳng định là Giải đua F1 sẽ vẫn diễn ra đúng kế hoạch cho dù đang
có dịch Covid-19. Theo ông Hiếu, tuy là một sự kiện thể thao, nhưng giải đua quốc
tế này « có tác dụng rất lớn trong việc quảng bá cho du lịch Hà Nội ».
Về
bộ môn bóng đá, hôm qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thông báo một
trận đấu hữu nghị giữa hai đội tuyển Việt Nam và Irak, trên nguyên tắc diễn ra
ngày 26/03 ở Bình Dương, tức là một tuần trước giải đua F1, sẽ bị hủy, theo đề
nghị của Liên đoàn Bóng đá Irak, do lo ngại về dịch Covid-19.
Mối lo ngại này một phần do việc Việt Nam hiện là quốc
gia duy nhất ngoài Trung Quốc phải cách ly cả một xã, đó là xã Sơn Lôi, với hơn
10 ngàn dân ở tỉnh Vĩnh Phúc, để ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh.
Đời sống của người dân trong xã này, nhất là của
giáo dân Công Giáo, hiện nay ra sao, trả lời RFI Việt ngữ, cha Phanxicô Xaviê
Nguyễn Đức Đại, người coi sóc hai họ đạo Công Giáo thuộc Giáo Xứ Hữu Bằng, Giáo
Phận Bắc Ninh, cho biết:
« Người Công Giáo thì chưa ai bị xét nghiệm dương
tính. Về đời sống thì có vấn đề thiếu trầm trọng các thiết bị y tế như nước rửa,
nước sát trùng, khẩu trang… Một số người đi làm ở các nơi khác, rồi bị đuổi việc,
rồi sau đó bị bắt tập trung vào thôn của mình để phong tỏa. Một số người tâm lý
hơi yếu thì hơi hoảng loạn. Những người trong đó thì chỉ biết theo dõi thôi, chứ
không biết những người bị cách ly đang ở đâu, tình trạng thế nào, cứ theo dõi
xem có ai (bị lây nhiễm) không, sợ rằng có (người nhiễm trong) nhà mình. Chỉ biết
đọc kinh cầu nguyện thôi.»
---------------------------------
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 19/02/2020 - 13:10
Phải
chăng « trong cái rủi có cái may », dịch Covid-19 có lẽ là cơ hội để Việt Nam
không bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của
Việt Nam. Trao đổi mậu dịch song phương lên đến 107,6 tỉ đô la.
Theo Tổng Cục Thống Kê, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất
từ Trung Quốc, đạt mức 75,3 tỉ đô la trong năm 2019, tăng 14% so với năm 2018.
Những mặt hàng chủ yếu nhập từ Trung Quốc là tư liệu sản xuất, trong đó có
nguyên, nhiên, vật liệu. Về xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của
Việt Nam (sau Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu), đạt 32,5 tỉ đô la tính đến tháng
10/2019, trong đó có nông sản, thủy hải sản…
Tuy nhiên, dường như thị trường Trung Quốc trở
nên « khó tính » hơn đối với nông sản Việt Nam. Điều này được
thể hiện qua đề nghị « khơi thông nông sản xuất khẩu từ Việt Nam » của
phó thủ tướng Vương Đình Huệ với lãnh đạo tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) hôm
23/10/2019.
Thực vậy, Trung Quốc không còn là nhà nhập khẩu gạo
lớn nhất của Việt Nam, mà hiện tại là Philippines. Nguyên nhân chính là do chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung khiến hàng Trung Quốc bị tồn đọng nhiều, phải tiêu thụ
trong nước nên nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.
Ngoài ra, do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để
hỗ trợ xuất khẩu nên chính phủ phải chi nhiều hơn cho nhập khẩu. Hậu quả là gạo
của Việt Nam bị ép giá. Cuối cùng, thị trường Trung Quốc cũng có những thay đổi
: người tiêu dùng có đời sống cao hơn, tập trung vào chất lượng hơn là số lượng
sản phẩm tiêu thụ.
Dịch virus corona (Covid-19) tại Trung Quốc gây tác
động trực tiếp đến trao đổi thương mại với Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ của Tổng
Cục Hải Quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong
tháng 01/2020 chỉ đạt 8,29 tỉ đô la, giảm 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm
11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài lý do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của
hai nước kéo dài và rơi vào tháng Giêng, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến hoạt động
kinh tế và sản xuất của Trung Quốc gần như bị tê liệt.
Trang bignewsnetwork ngày 17/02 nhận định «
giữa hai nước (Việt Nam và Trung Quốc) tồn tại một môi
trường và điều kiện sản xuất và việc giảm khả năng hoặc nhu cầu từ một nước
sẽ tác động đến nước kia ». Một trong những tác động đầu tiên, từng được
chính phủ Việt Nam nhắc đến, là thiếu vật liệu để sản xuất khẩu trang ngay đầu mùa dịch Covid-19 khi
nhu cầu tăng cao bất thường. Tiếp theo, là trái cây và nông phẩm tiếp tục ùn ứ ở cửa khẩu phụ Tân
Thanh và Cốc Nam - tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3+4 trong những ngày gần đây, theo
trang Petro Times (ngày 19/02).
Dù thủ tướng chính phủ ban hành quyết định
224/CĐ-TTg ngày 12/2/2020 cho phép tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển
hàng hóa qua hai cửa khẩu phụ này, nhưng thời gian hoàn tất thủ tục thuế, cũng
như việc cách ly được cả hai bên áp dụng khiến thời gian giao hàng bị kéo dài
và ảnh hưởng đến chất lượng một số sản phẩm tươi như trái cây.
Cũng vì dịch bệnh, thông thương đường sắt và hàng
không với Trung Quốc bị giảm khiến Việt Nam không thể nhận được đúng thời hạn
nguyên vật liệu, sản phẩm từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến thời hạn giao hàng cho
bên thứ ba.
Trang The Star (ngày 17/02) của Miến Điện cho rằng dịch
Covid-19 là cơ hội để Việt Nam tìm ra những nguồn cung cấp vật liệu mới cũng
như đầu ra cho nông phẩm. Một số doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có lĩnh vực dệt
may, đang nghiên cứu nhập khẩu vật liệu từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và
Brazil để tránh phụ thuộc vào khối lượng nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc.
Trong chuyến công du Ấn Độ vào tuần trước, thứ trưởng
bộ Công Thương Việt Nam Cao Quốc Hùng đã đề nghị New Delhi tăng khối lượng nhập
khẩu trái cây Việt Nam (nhãn, vải, mãng cầu, thanh long), cũng như cá nuôi và vải
cho ngành dệt may. Từ 5 năm gần gây, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng
thêm gần 48%, đạt 13,7 tỉ đô la trong năm 2019, nhưng Việt Nam vẫn chỉ là đối
tác thương mại thứ 4 trong khối ASEAN của Ấn Độ.
Cuối cùng, Liên Hiệp Châu Âu, với hiệp định thương mại
EVFTA được Nghị Viện Châu Âu thông qua ngày 12/02, là cơ hội để Việt Nam tăng
khối lượng trao đổi mậu dịch, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
--------------------------------
.
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 10/02/2020 - 11:50
Dịch
bệnh do virus corona dĩ nhiên có tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, vốn phụ
thuộc rất nhiều vào kinh tế Trung Quốc, mà lại là quốc gia có chung biên giới với
Trung Quốc.
Trong phiên họp thường kỳ của chính phủ ngày
05/02/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết là do tác động của dịch viêm phổi
do virus corona, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 1 năm 2020 có thể
giảm 1%. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng dự báo là nếu kinh tế Trung Quốc giảm mạnh
do dịch bệnh kéo dài, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.
Trong cuộc họp báo cùng ngày hôm đó, ông Trần Quốc
Phương, thứ trưởng bộ Kế Hoạch & Đầu Tư, cho biết : "Các kịch bản
tính toán cho thấy tác động của dịch bệnh này tới tăng trưởng kinh tế năm nay
là rất nghiêm trọng". Hiện giờ chính phủ Hà Nội không điều chỉnh hoặc
hạ chỉ tiêu tăng trưởng, tuy nhiên, bộ Kế Hoạch & Đầu Tư đã dự trù hai kịch
bản tăng trưởng. Kịch bản 1 là, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý 1, thì tốc
độ tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt khoảng 6,27%. Trong kịch bản 2, nếu đến
quý 2, dịch bệnh mới được kiểm soát, tỷ lệ này dự báo chỉ đạt 6,09% .
Vấn đề là hiện nay chưa ai có thể đoán trước là dịch
viêm phổi do corona virus sẽ diễn tiến ra sao, khi nào lên đến đỉnh điểm và khi
nào mới chấm dứt.
Trước mắt, những ngành sẽ bị sụt giảm mạnh nhất vì dịch
bệnh là nông nghiệp, xuất khẩu, đặc biệt là hàng không, du lịch.
Du lịch sẽ bị thất thu nặng
Để ngăn chận sự lây lan của virus corona từ Vũ Hán,
thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 01/02/2020 đã ký quyết định công bố dịch ở Việt
Nam. Chính phủ đồng thời đã cho ngưng toàn bộ các chuyến bay đến và từ Trung Quốc,
ngưng cấp visa cho du khách Trung Quốc, cũng như những du khách ngoại quốc nào
đã ở Trung Quốc trong hai tuần trước đó. Toàn bộ xe lửa chở khách đến và từ
Trung Quốc cũng tạm ngưng hoạt động. Bản thân chính phủ Bắc Kinh kể từ ngày
27/01 cũng đã cấm dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài theo đoàn. Cho dù không
bị cấm thì chắc là ít có người nào ở Trung Quốc nghĩ đến chuyện đi du lịch ở nước
ngoài trong lúc này.
Tất cả các biện pháp kể trên gây ảnh hưởng nặng nề đối
với trước hết là du lịch, vì số du khách Trung Quốc chiếm tới khoảng 30% tổng số
du khách ngoại quốc đến Việt Nam. Theo các số liệu chính thức, du khách Trung
Quốc thậm chí chiếm đến một phần ba tổng số 18 triệu du khách đến Việt Nam năm
2019.
Theo báo chí trong nước, trước khi các biện pháp hạn
chế du lịch được ban hành, trong tháng 1/2020, mà năm nay trùng với Tết Nguyên
Đán, đã có đến hơn 640 ngàn du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng hơn 72% so với
cùng kỳ năm ngoái. Nhưng trong tháng 2 này, chắc chắc là số du khách Trung Quốc
đến Việt Nam sẽ giảm mạnh và số du khách ngoại quốc nói chung cũng sẽ giảm
theo, bởi vì nhiều người sẽ ngại đến Việt Nam, quốc gia nằm sát cạnh ổ dịch
Trung Quốc.
Báo chí trong nước ngày 07/02 dự báo là dịch virus
corona có thể khiến ngành du lịch Việt Nam thất thu từ 5,9 tỷ đến 7,7 tỷ đôla
trong ba tháng tới.
Xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm
Một lĩnh vực khác bị tác động mạnh, đó là xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan, trong tháng 1/2020, tổng trị giá xuất khẩu
của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 2,75 tỷ đôla, giảm đến hơn 35% so với
tháng 12/2019. Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm hơn 20%. Ngoài lý do tháng
Giêng năm nay rơi vào dịp Tết, một nguyên nhân khác khiến xuất khẩu sụt giảm mạnh
như vậy đó là ảnh hưởng của dịch viêm phổi do virus corona tại Trung Quốc.
Trong cuộc họp thường kỳ của chính phủ, bộ Công
Thương Việt Nam dự báo là xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ giảm
từ 5 đến 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng dự báo này dựa trên kịch bản là dịch
viêm phổi do virus corona được kiểm soát trong vòng chưa tới 3 tháng, tức là kịch
bản lạc quan nhất.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, bị
nặng nhất là nông sản. Theo báo cáo của bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn
ngày 03/02, ngành hàng đầu tiên chịu tác động là sản phẩm hoa quả, cụ thể hiện
nay quả thanh long và dưa hấu đang gặp nhiều khó khăn. Đây là hai mặt hàng chiếm
tỉ trọng lớn trong số các nông sản xuất Trung Quốc trong dịp Tết và đang bị ứ đọng
tại biên giới Việt - Trung do hai bên đều hạn chế giao dịch. Hai mặt hàng khác
cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu sang Trung Quốc, đó là sữa và thủy sản,
theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn.
Riêng về thủy sản, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã
thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là họ tạm dừng
việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020, hoặc cho đến khi chính phủ Trung Quốc
thông báo các hoạt động giao thương bình thường trở lại.
Theo trang SeafoodSource ngày 05/02, Navico, một
trong những nhà sản xuất cá tra hàng đầu ở Việt Nam, cũng dự báo xuất khẩu thủy
sản sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong quý 1 năm nay. Trong thông
cáo đưa ra ngày 03/02, Navico nhận định là xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc,
khách hàng lớn nhất của công ty này, chắc là sẽ giảm trong đầu năm 2020 do tác
động của dịch virus corona.
Trước tình hình xuất khẩu nông thủy sản sang Trung
Quốc có nguy cơ sụt giảm mạnh, bộ Nông Nghiệp Việt Nam cho biết sẽ làm việc với
bộ Công Thương và các sứ quán Việt Nam ở các nước để giới thiệu nông sản Việt
Nam và thăm dò các thị trường mới để đa dạng hóa các kênh xuất khẩu.
Vậy, chính phủ Việt Nam nên có những biện pháp nào để
hạn chế tác động của dịch virus corona, sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn
chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn từ Sài Gòn.
NGHE
: Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn
Huỳnh
Bửu Sơn : Trong thời điểm hiện nay thì ưu tiên vẫn là làm sao
ngăn chận được sự lây lan của dịch virus corona này. Chúng ta cũng thấy ảnh hưởng
của dịch bệnh, trước mắt là đối với du lịch và ngay cả trong nước, những ngành
về dịch vụ về ăn uống, về giải trí cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Rõ ràng là việc đi lại từ nông thôn đến thành thị, rồi
việc tránh tập trung nơi đông người, nói chung việc phải bảo hộ, tránh lây lan
cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất.
Điều quan trọng là nếu chúng ta thành công trong việc
ngăn chận dịch bệnh, thì điều này sẽ tạo ra một ảnh hưởng tâm lý đối với người
dân cũng như đối với sản xuất. Đó phải là ưu tiên, bởi vì trong cái tâm lý lo sợ
như vậy, việc sản xuất hay kinh doanh đều bị ảnh hưởng hết.
RFI
: Trong bối cảnh hàng xuất khẩu sang Trung
Quốc có nguy bị ứ đọng, Việt Nam có thể thi hành những biện pháp gì để đa dạng
hóa các kênh xuất khẩu, để không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ?
Huỳnh
Bửu Sơn : Việc chuyển hướng sang những nước khác, như
là riêng đối với các mặt hàng nông sản hay các ngành công nghiệp thực phẩm, thì
trong thời gian một, hai quý trước mắt, không dễ gì mà chúng ta có thể tìm những
đối tác ở các nước khác để tiêu thụ lượng hàng mà Trung Quốc tạm thời ngưng nhập
khẩu từ Việt Nam.
Chiến lược xuất khẩu của Việt Nam từ lâu đã theo hướng
đa dạng hóa, như là phát triển thị trường EU hay thị trường Bắc Mỹ, thậm chí đi
tìm thị trường Nam Mỹ hay Phi Châu. Ngoài việc tham gia hiệp định thương mại với
EU, Việt Nam còn đang triển khai hiệp định CPTPP, cho nên việc đa dạng hóa các
nguồn xuất khẩu của Việt Nam đã được thực hiện trong nhiều năm nay và cũng đã
thấy một số kết quả, chẳng hạn như đối với thị trường Mỹ, có thể nói là xuất khẩu
của Việt Nam ngày càng tăng và xuất siêu từ Mỹ cũng khá là lớn.
Cho nên tôi nghĩ là sắp tới, ảnh hưởng của nền kinh
tế Trung Quốc đối với Việt Nam, nhất là về xuất khẩu sang Trung Quốc hay nhập
khẩu từ Trung Quốc, sẽ ngày càng giảm đi, để nó không chiếm một tỷ trọng quá lớn
trong kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của Việt Nam. Nhưng để thay thế cho sự
sụt giảm của (lượng hàng xuất khẩu sang) Trung Quốc thì có lẻ là chúng ta cần
nhiều thời gian.
Ảnh hưởng đến các công ty ngoại quốc
Dịch viêm phổi do virus corona cũng ảnh hưởng đến hoạt
động của các công ty ngoại quốc tại Việt Nam.
Theo tờ Nikkei Asian Review ngày 06/02/2020, tập
đoàn HOYA của Nhật Bản, công ty hàng đầu thế giới về đĩa thủy tinh dùng để sản
xuất ổ cứng, đang xem xét khả năng "tạm thời tổ chức lại nhân sự"
tại các cơ sở sản xuất của công ty này ở Việt Nam và Thái Lan. Một trong những
phương án dự trù là tạm thời cho công nhân nghỉ việc. Tập đoàn Hoya dự báo là
nhu cầu về ổ cứng ở Trung Quốc sẽ giảm mạnh do tác động của virus corona đối với
sản xuất máy tính cá nhân và thiết bị trung tâm dữ liệu. Mà Hoya thì chuyên
cung cấp đĩa thủy tinh cho các nhà sản xuất ổ cứng chuyên cung cấp cho các công
ty Trung Quốc. Hiện nay, Hoya có hai nhà máy ở Việt Nam, một ở Hà Nội và một ở
tỉnh Hưng Yên.
Nhưng dịch virus có thể lại có một tác động tích cực
cho nền kinh tế Việt Nam, đó là một số công ty ngoại quốc, như của Nhật Bản, sẽ
dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á như Việt Nam.
Theo hãng tin Kyodo ngày 07/02/2020, các nhà sản xuất
Nhật Bản đã bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc vì sợ các nhà máy
tại nước này sẽ phải đóng cửa lâu dài do hậu quả của dịch virus corona. Các nhà
phân tích được Kyodo trích dẫn nói rằng dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc
không phải là một quyết định dễ dàng và tạm thời sẽ khiến chi phí tăng thêm,
nhưng một số công ty Nhật không thể chờ cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.
Toru Nishihama, kinh tế gia tại Viện Nghiên cứu Đời sống Dai-ichi dự báo là
khác với dịch SARS những năm 2002-2003, rất có thể là Trung Quốc sẽ mất nhiều
thời gian hơn để khống chế dịch virus corona.
No comments:
Post a Comment