Thursday 20 February 2020

"QUARANTINE" (Nguyen Dat An)





Có người comment dưới status của tôi thế này:

“Nếu kinh tế Trung Quốc bị suy yếu bởi dịch 2019-nCoV, thì Việt Nam mới chính là thị trường bị tác động nặng nề nhất mới phải, chứ đâu phải Mỹ, Nhật, Hàn hay Đức?”

Sai rồi.

Thực ra chỉ cần hiểu đúng về các mối quan hệ thương mại, trao đổi du lịch và loại hàng hóa giao dịch giữa các nền kinh tế thì cũng sẽ nhận ra rằng:

- Nếu nông dân Việt Nam chỉ không thể bán được thanh long, tôm hùm, dưa hấu, thịt heo, đậu nành, quần áo dệt may… cho Trung Quốc, thì Mỹ đã không thể bán được máy bay, iPhone, CocaCola, hamburger, dầu mỏ…, Hàn Quốc đã không thể bán được điện thoại, xe hơi, hàng FMCG, quặng đồng…, Nhật đã không thể bán được máy công nghiệp, xe tải, đồ điện tử gia dụng…

- Thanh long, tôm hùm, dưa hấu, thịt heo, đậu nành, quần áo dệt may… sẽ có giá niêm yết trên thị trường mắc hơn, hay là máy bay, xe hơi, điện thoại smartphone, tivi, tủ lạnh…?

- Vì giá thành rẻ và dễ tiêu thụ, người dân trong nước còn có thể “giải cứu” cho đồng bào mình bằng cách mua lại thanh long, tôm hùm, dưa hấu, thịt heo, đậu nành…, chứ dân Mỹ hay dân Hàn có mà bỏ tiền ra mua và “giải cứu” iPhone, máy bay, hamburger, cocacola, xe hơi, tủ lạnh, tivi…?

- Việt Nam không có nhiều hãng xưởng của các tập đoàn đa quốc gia, nên ít bị phụ thuộc vào linh kiện trong dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc, chứ mà Mỹ, Tây Âu, Nhật và Hàn đều bị lệ thuộc rất nhiều.

Tôi tạm phân tích ra như vậy, để mọi người hiểu rằng, Việt Nam vẫn còn may mắn vì nhiều yếu tố, và trong một hệ thống kinh tế tư bản hiện đại đa quốc gia và toàn cầu, mọi chuyện đều có liên quan chặt chẽ với nhau đến nỗi khó mà tách rời nhau ngay lập tức được. Khi khủng hoảng xảy ra, ai gắn chặt và phụ thuộc vào hệ thống nhiều nhất chính là kẻ sẽ bị thiệt hại và dễ tổn thương nhất. Hàng hóa càng mang tính phức tạp, tích lũy khâu sản xuất càng lớn, phụ thuộc vào càng nhiều yếu tố và thành phần kinh tế, thì càng dễ mắc kẹt và không thể đưa ra phân phối trong thị trường được. Luồng tiền đầu tư quốc tế càng nhiều, thì tác động sụp đổ theo dây chuyền domino càng lớn, vì dịch vụ, hàng hóa sẽ phụ thuộc vào quyền lực chi phối của tiền tệ.

Thực tế đã chứng minh rằng, chỉ một chiếc du thuyền hoặc một khách doanh nhân cũng có thể làm lây lan dịch bệnh cho cả một quốc gia. Nơi nào càng có nhiều mối quan hệ giao thương tầm cao (nghĩa là business cổ cồn và du lịch hạng sang), thì càng nhanh dính phốt. Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Đức, Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Australia là những ví dụ.

Vì vậy, chúng tôi vẫn khuyên rằng, Việt Nam không nên nhúng chân sa lầy vào vũng bùn WTO, IMF và WB nhiều quá. Chỉ cần nền kinh tế Việt Nam vừa đủ phát triển để tự cung tự cấp những điều kiện sống căn bản cho người dân, mọi người không quá bận tâm vào việc làm giàu, đời sống ổn định, tiêu chuẩn sống đúng mức, không mất cân bằng giàu nghèo, không khai thác bóc lột môi trường để tăng trưởng cho bằng chị bằng em, giữ vững truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “yêu nước thương nòi”, trọng tình nghĩa láng giềng và đồng bào… thì Việt Nam sẽ là một trong những nơi đáng sống trên hành tinh này. Mọi người sẽ sống hòa nhã với nhau, không ghen tương nhìn vào tài sản của người khác, không cố cạnh tranh để làm giàu, không tiêu xài hoang phí, không đánh đổi môi trường sống trong lành với bầu không khí công nghiệp đầy bụi bẩn. Và nếu làm được như vậy, Việt Nam sẽ không cần CocaCola, Unilever, Pepsi, BMW, Mercedes, Apple, Samsung, Honda, HSBC, McDonald’s, Yamaha, VinaMilk, Trung Nguyên, NovaLand…, vì những thứ đó là vô nghĩa và không cần thiết lắm cho cuộc sống. Việt Nam cũng sẽ không chứng kiến 100 năm đô hộ của Pháp, 20 năm nội chiến với hàng chục triệu xác người, cùng cuộc ra đi của hàng triệu thuyền nhân vì ý thức hệ chính trị đã bị chia rẽ.

Vâng, tôi dám nói rằng, trước khi Pháp đến, ít nhất trong tâm hồn mỗi người Việt – là ông bà tổ tiên của chúng ta – đều có đủ lễ nghĩa, sự tự trọng, đức độ, chân thành, niềm tin, truyền thống văn hóa… để sống một mô hình tốt đẹp như vậy. Ai có thể chê một dân tộc từng có ngôn ngữ của riêng mình, từng có phẩm phục, món ăn, cách sống, kiến trúc nhà cửa đặc trưng, từng sáng tác ra nhiều nhạc cụ, áng văn chương, bài hịch, lời hiệu triệu, tinh thần nhân bản của riêng mình? Ai hiểu được sức sống ấy? Ai cảm nhận được khao khát độc lập của những triều đại người Việt đã từng chống nhà Đường, nhà Tống, quân Nguyên Mông, nhà Minh và nhà Thanh?

Đấy là tôi nói về mô hình “trong mơ” mà Việt Nam đã từng có một thời như vậy trong quá khứ, trước khi thực dân tư sản Pháp nã đại bác vào cảng Đà Nẵng. Đó là mô hình mà các triều đại trước đây của người Việt, Chiêm Thành, Tây Tạng, thổ dân da đỏ Bắc Mỹ, Vương quốc Bhuttan, và nhiều dân tộc khác ở Bắc Âu đã và đang cố gắng thực hiện. Nó không phải là quay về “ăn lông ở lỗ” như những kẻ ngụy biện, diều hâu, bị ý thức hệ chia rẽ và nghiện tiêu dùng hàng hóa luôn gân cổ lên cãi và chối bỏ. Đó là những xã hội văn minh và nhân bản thực sự, có chiều sâu tâm linh và một phong cách sống bền vững với môi trường.

Chỉ tiếc rằng, mô hình này đã không còn có thể thực hiện được nữa, vì hai lý do chính: Lòng tham của Con người và Cuộc Chạy đua Vũ trang. Quá khứ đã chứng minh rằng, ít ai vượt qua được cơn cám dỗ của tham sân si, và bất cứ dân tộc nào quá hiền lành – tử tế – “quê mùa” thì sẽ luôn bị tiêu diệt, đồng hóa và mất gốc trong các cuộc chiến xâm lược. Nếu không mở cửa và tự bóc lột chính mình theo xu thế của thời đại, mọi quốc gia sẽ không thể bảo vệ chính mình trước trào lưu của cuộc cách mạng tư sản và phát minh khoa học. Tất cả phải mở cửa và hòa mình vào dòng bùn đen của nhiên liệu hóa thạch, của tăng trưởng kinh tế, của hệ thống tiền tệ, của bóc lột và tàn phá thiên nhiên, thì dân tộc mới có đủ tiền để mua vũ khí/chế tạo vũ khí để tự vệ và thậm chí là đe dọa kẻ khác. Tất cả phải đón nhận và chấp nhận, không được quyền chắt lọc, không được quyền chọn lựa. Việt Nam không thể thoát Trung mà không bị ràng buộc với Mỹ, không thể ngưng chạy Honda mà không lái Hyundai, không thể dừng uống CocaCola mà không thèm thuồng Johnnie Walker, không thể không mua tàu ngầm Kilo mà vẫn ước mơ sở hữu tên lửa Patriot.

Và như thế, lịch sử giai đoạn cận và hiện đại được mở ra với các khuynh hướng dồn dập như thế, tháo tung mọi tự do và ham muốn của con người, như một làn sóng cuốn trôi các quy tắc thận trọng nhất mà trước đây, truyền thống tín ngưỡng và nền đạo đức tôn giáo vẫn lưu ý, chỉnh đốn và dạy bảo chúng ta đừng bước qua lằn ranh của bản ngã. Và chuyện gì đến cũng đã đến. Chỉ sau 200 năm phát triển và tăng trưởng bằng mọi giá, giờ đây cả giống loài Homo Sapiens đã đứng trước bờ vực của sụp đổ và diệt vong, mà không có cách gì dừng lại và quay lại được. Chiếc hộp Pandora đã được mở ra. Con người đã tin rằng mình có quyền lực ngang bằng Thượng Đế. Và chính điều đó đã làm tất cả lao xuống hỏa ngục của sự u tối, tham lam và kiêu ngạo.

Giờ đây, trong đợt sóng đầu tiên của biến đổi khí hậu, coronavirus đang khiến các quốc gia phải tự “cách li” chính mình, “quarantine” nền kinh tế, bẻ gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, tách ra khỏi xu thế chung để tồn tại. Đây có thể là cơ hội tốt để nhìn lại tiềm năng của mình, vị thế hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai. Điều gì là cần thiết, điều gì là quan trọng, đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc? Người ta đang nói đến thời đại mà lúa gạo, không khí và nước uống còn quan trọng hơn cả smartphone, ly nước ngọt hoặc chiếc xe hơi. Nhiều người hỏi tôi rằng, đâu là nguy cơ cho một quốc gia khi khủng hoảng xảy ra. Đâu là một xã hội an toàn khi thảm họa ập đến?

Tôi chỉ có thể nói đến 3 tiêu chuẩn mà thôi:

1. Mức độ phụ thuộc vào hệ thống kinh tế và cung ứng điều kiện sống hiện đại: Nếu nói về tiêu chuẩn này, thì những xã hội nào quá phụ thuộc vào lối sống hàng hóa sẵn có, quen với việc đi siêu thị, ngồi làm việc trong văn phòng, vào ngân hàng để đếm tiền, nghiện ngập những trò giải trí không cần thiết, sẽ dễ dàng sụp đổ khi mọi thứ trở nên khó khăn hơn và không giống với những gì mà họ vẫn sống bình thường trước đây. Đừng bao giờ nghĩ rằng, công nghệ, khoa học hay bất cứ phát minh nào do con người tạo ra có thể dễ dàng cứu thoát số phận của chúng ta. Càng nô lệ vào các điều kiện sống nhân tạo, sự rủi ro càng nhiều. Khi mọi thứ bị cắt mất – ví dụ như năng lượng chẳng hạn, thì tất cả máy móc sẽ trở thành đống sắt vụn. Khi điều kiện vật lý hóa học của môi trường sống thay đổi, mọi cơ sở vật chất được xây dựng trong điều kiện cũ sẽ bị thải hồi và vứt vào dĩ vãng. Không ai chắc chắn được rằng, một hệ thống cung ứng vật chất sẽ chạy tốt và không bị tắc nghẽn một khi mọi điều kiện môi trường xung quanh thay đổi hoàn toàn.

2. Trình độ đoàn kết và chia sẻ cộng đồng: xã hội nào có đại đa số người dân biết chia sẻ, yêu thương, đoàn kết cùng nhau thì có thể vượt qua và cùng sống sót. Xã hội nào chia rẽ, ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình, thì dễ trở thành miếng mồi ngon của hận thù, lòng tham và bạo lực. Họ sẽ tự tàn sát và giết chết lẫn nhau trước khi thảm họa thực sự ập đến. Hãy lượng định xem, cộng đồng, xã hội nơi bạn đang sinh sống có biết yêu thương, chia sẻ với nhau hay không? Ở đó có sự phân biệt chủng tộc hay tầng lớp xã hội gay gắt hay không? Thay vì chen lấn khi xếp hàng, bao nhiêu người chịu khó nhường nhịn và tôn trọng trật tự công bằng? Liệu khi những điều kiện cần thiết cho sự sống dần biến mất, người ta có sẵn sàng đạp bạn xuống để cướp lấy chiếc phao cứu mạng hay không? Súng ống và vũ khí do ai sở hữu và những người đó có thật lòng bảo vệ cộng đồng? Bạn có thực sự hiểu được “người khác” trong cộng đồng của mình – những lúc bình thường thì tỏ ra rất lịch sự và nhã nhặn, nhưng khi khủng hoảng thì lại là chuyện khác?

3. Một tinh thần chung giúp nối kết mọi người: Đó có thể là niềm tin tôn giáo, tinh thần quốc gia hoặc một lý tưởng cao quý được hun đúc nhờ trải nghiệm lịch sử. Hãy nghĩ xem, điều gì sẽ khiến người khác hy sinh tính mạng cho bạn? Cha mẹ có sẵn sàng hy sinh vì con cái hay không? Người nghèo sống như thế nào trong xứ sở của bạn? Mối quan tâm của cộng đồng là về giá trị tinh thần hay vật chất? Thay vì đi du lịch nước ngoài, bao nhiêu người trong xóm của bạn sẵn sàng về quê thăm cha mẹ hoặc đi thiện nguyện giúp đỡ những nơi nghèo khổ? Thay vì đi ra ngoài ăn cơm tiệm, bao nhiêu người biết nấu cơm ở nhà và ăn chung với nhau? Nhà thờ, chùa chiền, đền thánh có đông người tham dự hay không và tín đồ tham dự vì mục đích gì? Mọi công dân có vì quốc gia và dân tộc hay không, hay chỉ là vì lợi ích đảng phái và tư lợi? Người dân có niềm tin vào nhau hay không?

Tôi sẽ không dám xét đoán con người và cộng đồng của họ ở bất cứ quốc gia nào. Tự bạn sẽ phải nhận định cho riêng mình về các mức độ rủi ro và cơ hội, nếu bạn đã sống khá lâu và hiểu rõ, hiểu đúng xã hội Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam… Tự bạn sẽ phải xây dựng các điều kiện và tiêu chuẩn mà sẽ cứu sống bạn và gia đình của bạn ở nơi bạn sinh sống. Đó là vì bạn là một thành viên trong cộng đồng, xã hội đó. Đã đến lúc chúng ta phải tự chịu trách nhiệm cho số phận của mình. Trước căn bệnh tham lam và kiêu ngạo của chủng loài, hãy “quarantine” những cái không tốt, và “save the best for last” – nếu không, khi thảm họa ập đến, chính các bạn sẽ trở thành những ốc đảo cô đơn và tuyệt vọng.










No comments:

Post a Comment

View My Stats