RFA
19/02/2020
Báo Nghệ An vào ngày 18/2 vừa đăng tải thông tin cho
biết thành phố Vinh vừa khởi công xây dựng công trình tượng đài Lênin tại trung
tâm thành phố. Theo đó, tượng đài được tỉnh Ulyanovsk, quê hương của ông Lênin
tại Nga trao tặng để đánh dấu mối quan hệ Việt – Nga, đặc biệt giữa tỉnh Nghệ
An và tỉnh Ulyanovsk.
Phản đối xây tượng
Theo báo trong nước, tượng đài Lênin được đặt ở khu
vực vườn hoa đầu đường Lênin với diện tích hơn 3.000m2 và kinh phí hơn 8 tỉ đồng,
bao gồm cả đài phun nước ngay ngã 5 gần khu vực tượng đài.
Mặt trước và mặt sau tượng đều có dòng chữ tiếng Nga
và tiếng Việt, trong đó, mặt sau có khắc “Như là một dấu hiệu của tình bạn”.
Đây không phải lần đầu một trong những lãnh đạo của
Nga được xây tượng đài ở Việt Nam. Trước đó, vào năm 2003, chính phủ Hà Nội cho
đổi tên vườn hoa Chi Lăng thành Công viên Lênin với tượng đài Lênin, người sáng
lập nước Nga Xô Viết ngay giữa công viên. Hay tượng ‘anh hùng phi công vũ trụ
Liên Xô’ Ghéc-man Ti Tốp được tỉnh Quảng Ninh xây tại Vịnh Hạ Long vào năm
2015. Hoặc tượng ông Dgiec-zen-xki, người được báo chí Việt Nam gọi là ‘nhà
cách mạng sáng lập cơ quan Công an Xã hội Chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới’, được
Hà Nội xây dựng năm 2017.
Tượng đài Lênin ở Hà Nội.
Tuy nhiên, việc xây dựng tượng tượng Lênin tại trung
tâm thành phố Vinh lần này lại gặp nhiều phản đối từ phía người dân, không chỉ
vì số tiền bỏ ra quá lớn so với một tỉnh như Nghệ An, mà còn vì lập luận việc
này không đem lại ý nghĩa thiết thực cho đời sống nhân dân.
Lý giải vì sao lại xây tượng người sáng lập ra Quốc
tế Cộng sản tại Nghệ An, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng đưa ra nhận định:
“Quyết định xây tượng đài ngay quê hương ông Hồ Chí
Minh theo tôi nghĩ là sự khẳng định, sự lựa chọn của những người đang lãnh đạo
chính phủ Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể như ông Nguyễn Phú Trọng có
nói ‘kiên định theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh’”.
Dưới góc nhìn cá nhân, cựu Đại úy Võ Minh Đức,
thuộc Quân đội Nhân dân đã giải ngũ giải thích vì sao việc này bị cộng đồng mạng
và những nhà quan sát không đồng tình:
“Ở góc độ từng là cựu sĩ quan hơn 10 năm cho cộng sản
rồi tỉnh ngộ, tôi phát hiện ra (chế độ cộng sản) có nhiều cái đi ngược với xu
thế văn minh của thời đại. Tại sao hàng loạt nước Đông Âu và cả nước Nga đều đập
bỏ tượng đài ông này mà Việt Nam lại cứ rước về ‘thờ’, về trưng thì tôi cũng
không hiểu. Ông này viết ra chủ nghĩa viển vông, ảo tưởng, không có thật nên
người dân phản ứng là đúng. Thực tiễn cuộc sống cho người dân thấy (chủ nghĩa
này) chẳng được gì, chỉ đem lại cho nhân loại những thứ lạc hậu, không văn minh
cho con người.”
Vẫn theo ông Đức, Lênin thật ra cũng giống những
lãnh tụ cộng sản khác, mục tiêu của họ là dùng bạo lực, dùng tuyên truyền lừa mị
quần chúng để cai trị nên không cần phải dựng tượng.
Đồng tình với suy nghĩ vừa nêu, nhà báo tự do Ngô
Nhật Đăng cho rằng không nước nào coi ông tổ chủ nghĩa cộng sản là Mác và
Lênin mà chỉ riêng Việt Nam, không những không noi theo những nước văn minh mà
còn làm trái ngược.
“Thật sự tôi không hiểu tại sao nhà nước và Đảng Cộng
sản Việt Nam lại có lựa chọn đi ngược lại tất cả nguyện vọng, suy nghĩ của nhân
dân. Mọi người, kể cả trí thức góp ý với Đảng đều có nói tư tưởng Mác-Lênin quá
lạc hậu, thế giới đã bỏ rồi. Tại sao Đảng Cộng sản lại chọn cách như thế hay họ
muốn đối đầu với dân tộc, hoặc họ không còn sự lựa chọn khác? Sắp tới Đại hội Đảng
XIII, tôi nghĩ đây là lựa chọn thật sự sai lầm. Như vậy là đảng và nhà nước
hoàn toàn đi ngược lại với nhân dân.”
Quan hệ Việt–Trung–Nga
Vào năm 2017, tỉnh Ulyanovsk, quê hương lãnh tụ
Lênin của phong trào cách mạng vô sản Nga cũng đã cho xây tượng ông Hồ Chí
Minh, lãnh tụ cộng sản tại Việt Nam.
Vì vậy, việc xây dựng tượng đài Lênin tại Nghệ An,
quê hương ông Hồ Chí Mính được đánh giá như bước khẳng định quan hệ Việt-Nga nói
chung cũng như hai tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk nói riêng.
Ông
Võ Minh Đức nhận định:
“Quan hệ giữa Nga-Việt tôi cho rằng họ giữ quan hệ
do có nguồn gốc từ thời Liên bang Xô Viết tới giờ. Đến khi chế độ cộng sản sụp
đổ, họ tách ra thì còn lại những nợ nần, ơn nghĩa với nhau, chủ yếu Liên bang
Nga là nhiều. Nên họ muốn duy trì quan hệ mang tính chất hữu hảo, bạn bè, nếu
nói về chí hướng hay quan điểm chính trị tôi nghĩ là khác nhau nhiều lắm.”
Tuy nhiên, nhà báo Ngô Nhật Đăng lại cho rằng
đây là một tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga đang ngày càng nồng
thắm hơn. Ông giải thích:
“Việt Nam trong quan hệ các nước xã hội chủ nghĩa từ
trước đến giờ với 2 nước Nga và Trung Quốc, khi Liên bang Xô Viết sụp đổ thì Việt
Nam mới quay về phụ thuộc hoàn toàn Trung Quốc. Bây giờ tôi nghĩ trong tình trạng
Trung Quốc như hiện nay, kinh tế không phát triển, nhất là đại dịch coronavirus
thì chắc chắn Trung Quốc không gượng được nên có lẽ Việt Nam đang đi tìm chỗ dựa
mới. Thay vì đi với các nước dân chủ, các nước tiến bộ trên thế giới thì họ
quay về với đồng minh cũ của mình là nước Nga. Ông Putin cũng theo sửa đổi hiến
pháp và những động thái vừa rồi thì ông ta cũng có ý định quay trở lại cầm quyền.
Nước Nga cũng khẳng định qua một số dư luận vừa rồi là muốn khôi phục lại
Lênin. Tôi nghĩ rằng chuyện Nga tặng tượng cho Việt Nam đang tỏ chỉ dấu hai bên
sẽ là đồng minh, đầu tiên là khôi phục lại tư tưởng Mác-Lênin, tức tư tưởng cộng
sản.”
Vào tháng 12 năm ngoái, Việt Nam và Nga có cuộc Đối
thoại Chiến lược Quốc phòng lần thứ 5, cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên
nhiều lĩnh vực bao gồm trao đổi đoàn cấp cao, đào tạo, hợp tác Quân binh chủng,
kỹ thuật quân sự, diễn đàn đa phương, chính trị quân sự, quân y, và khắc phục hậu
quả chiến tranh.
Nga hiện là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt
Nam. Hồi năm 2018, hãng tin TASS của Nga cho biết Việt Nam vừa ký một hợp đồng
đặt mua vũ khí và dịch vụ quân sự của Nga lên đến hơn 1 tỷ đô la. Thông tin này
được đưa ra nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến
Nga hồi tháng 9 năm 2018.
Mới đây nhất, vào ngày 3-9/2 vừa qua, Đại tướng Ngô
Xuân Lịch cũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam có chuyến thăm
chính thức Liên bang Nga, nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược hai nước.
No comments:
Post a Comment