08/02/2020
Những thông tin mới về số lượng và gia cảnh những
người dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội bị công an bắt giữ
trong cuộc đột kích vào thôn Hoành lúc rạng sáng ngày 9 tháng 1, khắc họa thêm
sự thật phũ phàng về “pháp chế xã hội chủ nghĩa” tại Việt Nam.
Lễ tang ông Lê Đình Kình, thiệt mạng trong vụ cảnh
sát đột kích vào Đồng Tâm, diễn ra hôm 13/1/2020.
Bốn tuần sau khi Công an thành phố Hà Nội công bố
quyết định khởi tố vụ án “giết người, tàng trữ - sử dụng vũ khí trái phép, chống
người thi hành công vụ” xảy ra hồi thượng tuần tháng trước ở thôn Hoành, qua
danh sách do ông Mạc Văn Trang – một nhà giáo nghỉ hưu – lập và công bố, người
ta mới biết có tới 26 người bị bắt (1).
Trước đó, lực lượng bảo vệ - thi hành pháp luật chỉ
loan báo đã khởi tố vụ án để điều tra về việc “một số người chống đối làm ba cảnh
sát hy sinh” (2).
Thiên hạ đã thảo luận rất nhiều về những dấu hiệu vi
phạm Hiến pháp, pháp luật trong việc công an tổ chức đột kích vào thôn Hoành,
bao vây – cô lập khu vực này, phong tỏa tài khoản của những người được nhiều
người tín nhiệm nên nhờ nhận tiền, giúp đỡ gia đình những người chẳng may lâm nạn.
Những thông tin mới về số lượng và gia cảnh những
người đang bị tạm giam lại bày thêm nhiều vấn đề khác cho thấy cam kết “sống và
làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” là trò hề. Khi cần, Hiến pháp và pháp luật
Việt Nam sẽ được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cho tạm nghỉ vô thời hạn.
Chẳng hạn:
Luật Tố tụng Hình sự của Cộng hòa XHCN khẳng định, bắt
giữ trong trường hợp khẩn cấp phải có biên bản (Điều 115), phải thông báo cho
thân nhân người bị bắt giữ (Điều 116), tuy nhiên đến nay, thân nhân của những
người bị bắt giữ trong cuộc đột kích vào thôn Hoành, không biết người thân của
họ bị tạm giữ rồi tạm giam để điều tra vì những cáo buộc nào: Những ai bị cáo
buộc “giết người”? Những ai “tàng trữ - sử dụng vũ khí trái phép”? Những ai “chống
người thi hành công vụ”? Những ai bị cáo buộc phạm hai, thậm chí phạm cả ba tội?
Phải chăng cố tình lập lờ trong xác định cáo buộc đối với từng cá nhân là để
không thực hiện những qui định khác?
Điều 119 của Luật Tố tụng Hình sự cấm tạm giam phụ nữ
có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, già yếu hoặc bệnh nặng mà có nơi cư
trú và lý lịch rõ ràng. Không bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã. Không
tiếp tục phạm tội. Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian
dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật
của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án. Đe dọa, khống chế, trả thù người
làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người
này. không phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia và không gây nguy hại cho an
ninh quốc gia.
Trong số 26 người đã bị bắt và đang bị giam, nếu chỉ
bị cáo buộc “tàng trữ - sử dụng vũ khí trái phép” hoặc “chống người thi hành
công vụ” thì ít nhất có bà Trần Thị Phương, ông Bùi Viết Hiệu thuộc diện không
cần tạm giam. Bà Phương đang nuôi con mới 18 tháng tuổi và chồng bà – ông Bùi
Văn Tiến - cũng bị bắt. Ông Hiệu đã 74 tuổi! Tương tự, sẽ còn nhiều bị can khác
hội đủ tiêu chuẩn “bảo lãnh” – một hình thức ngăn chặn thay thế biện pháp tạm
giam – theo điều 121 Luật Tố tụng Hình sự và vì con cái của họ không có ai chăm
sóc như bà Trần Thị La, ông Nguyễn Văn Quân, vợ chồng Nguyễn Quốc Tuấn – Đào Thị
Kim,… chính công an, Viện Kiểm sát phải hướng dẫn gia đình họ…
***
Làm sao có thể tin hệ thống bảo vệ - thi hành pháp
luật tại Việt Nam nói riêng tôn trọng hiến pháp và pháp luật, khi Điều 31 của
Hiến pháp hiện hành minh định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội
cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của
Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và Điều 20 khẳng định: Mọi người
có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh
dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình
thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhưng
công an vẫn thản nhiên ghi hình, giao cho hệ thống truyền hình quốc gia tán
phát rộng rãi lời thú tội của một số cá nhân chỉ mới là bị can trong vụ án “giết
người, tàng trữ - sử dụng vũ khí trái phép, chống người thi hành công vụ” xảy
ra ở thôn Hoành?
Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại
Việt Nam im lặng khi hệ thống bảo vệ - thi hành pháp luật tại Việt Nam công
khai vi hiến và vi phạm hàng loạt qui định pháp luật về hình sự như thế? Nếu thỉnh
thoảng, thấy cần bịt miệng dư luận, hệ thống bảo vệ - thi hành pháp luật tại Việt
Nam lại sử “quái chiêu” ấy thì hệ thống nào sẽ đứng ra thực thi mục tiêu “bảo
vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ
nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá
nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống
tội phạm” của Luật Tố tụng Hình sự? Chẳng lẽ chỉ cần viện dẫn cái gọi là “bảo
vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước” thì có thể
cho Hiến pháp và pháp luật… “tạm ngưng công tác”?
----------------------
Chú thích
No comments:
Post a Comment