Tuesday, 11 February 2020

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG CHỈ CÒN TỒN TẠI 30 NĂM? (Tú Anh - RFI)




Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày: 08/02/2020 - 15:16

Từ Co-vi 2019 đến Hoa Vi thế hệ 5, do đâu mà Trung Quốc là mối hiểm nguy, mạnh lên cũng đáng lo, mà yếu đi cũng đáng ngại. Còn đối với người Việt Nam, nguy cơ trước mắt là Đồng Bằng sông Cửu Long với vựa lúa miền Tây sẽ biến mất trong tương lai gần, do khả năng tái tạo của thiên nhiên đã bị các đập thủy điện và nạn khai thác cát phá vỡ. Đó là các chủ đề thời sự trên các tuần báo Pháp.

Đất lở mà sông không bồi

Tại Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long chìm dần dưới nước biển. Qua rồi thời oanh liệt của thiên nhiên, thời « đất lở sông bồi ». Hơn một chục đập thủy điện trên thượng nguồn và nhất là hiện tượng nạo vét cát khiến các cửa biển ngày càng sâu. Le Courier International giới thiệu bài phóng sự dài của Financial Times.

Một đêm tháng 8, dân làng Bình Mỹ, một ngôi làng trù phú ở đồng bằng sông Cửu Long bị một tiếng nổ lớn đánh thức. Chạy ra đường, họ thấy một đoạn xa lộ dài 30 thước trước xóm nhà lọt xuống sông. Bình Mỹ (tỉnh An Giang) không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất. Vì sao nên nỗi? Và đến khi nào toàn vựa lúa của Việt Nam chịu chung số phận?

Theo Financial Times, một trong những vùng ruộng đồng ở châu Á đang chìm dần xuống biển. Hiện tượng biến đổi khí hậu làm mực nước dâng cao là một trong những lý do. Nghiên cứu của Tổ chức Climate Central dự báo « một phần lớn của vùng đồng bằng sông Mêkông sẽ biến mất từ nay đến năm 2050 ». Trái lại, nhiều nhà khoa học cho rằng, với tình hình hiện nay, mực nước chỉ dâng lên độ 3 mm mỗi năm, tức là rất chậm.

Nhưng đối với dân địa phương và chuyên gia theo sát biến đổi của dòng sông Mêkông từ ba bốn thập kỷ, thì có hai hiện tượng do con người gây ra, đe dọa nghiêm trọng vựa lúa và thực phẩm của Việt Nam. Một là nạn khai thác cát vô trách nhiệm, để phục vụ nhu cầu xây dựng các tòa nhà chọc trời ở thành phố Hồ Chí Minh và gia tăng diện tích lấn biển cho Singapore. Hai là các đập thủy điện của Trung Quốc và Lào trên thượng nguồn.

Cách nay 20 năm, nhờ vào phù sa, mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long lấn thêm ra biển. Nhưng bây giờ, phù sa bị giảm gần 50% do các đập thủy điện Trung Quốc, nên bờ biển Cà Mau bị mất hàng chục mét mỗi năm. Nước biển xâm nhập sâu vào sông ngòi làm thay đổi quân bình giữa ba loại nước mặn, lợ và ngọt; tác hại đến ngành trồng trọt, ruộng rẫy, chăn nuôi cá tôm của người dân. Nếu đồng bằng biến mất thì đến phiên người thành phố lãnh hệ quả.

Trước mắt, trong một thế giới mà số phận các vùng duyên hải ngày càng nguy ngập, những gì đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long là tín hiệu báo trước tương lai ảm đạm. Dân làng Bình Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng di tản trong trường hợp khẩn cấp.

Đến cát cũng cạn nguồn

Ý thức cần phải bảo vệ dòng trường giang huyết mạch, chính phủ Thái Lan vừa tuyên bố từ chối kế hoạch đầu tư nạo vét đáy sông của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cũng ý thức cần phải thay đổi chính sách, phải bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng theo ý kiến một số chuyên gia, tình hình đã quá trễ, trừ phi ngăn chận được 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn.


Bảo vệ dòng sông bằng cách nào khi tàu khai thác cát « đông như kiến »? Người dân bắt đầu ý thức mối nguy hại này nên đôi khi phản ứng thô bạo với dân vét cát. Theo một chuyên gia Việt Nam, cát của Việt Nam chỉ còn từng ấy thôi. Khi 11 đập thủy điện Trung Quốc cùng hoạt động thì cát cũng hết. Chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu ý thức và thi hành một số biện pháp như xây kè bê-tông, nhưng cuối cùng phải bỏ dần vì quá tốn kém. Lệnh cấm khai thác cát, ban hành năm 2017, không hiệu quả vì thiếu quyết tâm, vì bị luồn lách.

Báo chí nhà nước cũng bắt đầu tường thuật những gì đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, kèm theo hình ảnh những con đường và nhà cửa rơi xuống sông. Chuyên gia Brian Eyler xem đây là tín hiệu tốt, bởi vì chính quyền Việt Nam bắt đầu nhìn nhận có sai lầm và tìm cách thay đổi chính sách 180°.

*
Hồ Bắc: Kẻ thù số một

Trung Quốc ho, thế giới sổ mũi. Trong khi thế giới nỗ lực tìm phương pháp chủng ngừa siêu vi Corona thì đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung tuyên truyền chính trị vì sợ bất ổn định. Sợ hãi còn làm trỗi dậy tâm lý kỳ thị dân Hồ Bắc. Tình trạng một phần lãnh thổ bị tê liệt có thể tác hại cho kinh tế toàn cầu.

Tác giả bài xã luận « Định kiến đã thức giấc », từ Bắc Kinh, nêu lên một số phản ứng quá đáng và thiếu hiệu quả trong phương thức chống dịch siêu vi Corona tại Trung Quốc : Vì quá « sợ » cho nên trong cuộc chiến « không tiếng súng » này, thay vì đoàn kết tỉ người như một, lại tung ra những thông cáo « tẩy chay người dân Vũ Hán và xe hơi mang bảng số Hồ Bắc », hay « thưởng tiền cho những ai tố giác những người đi thăm thân nhân từ Vũ Hán trở về ». Có địa phương còn công bố « tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số xe lửa du hành thậm chí điểm thi vào đại học » của những người Vũ Hán sau khi bắt họ khai báo qua thủ tục kiểm kê sức khỏe, để cư dân nơi đương sự trú ngụ hay làm việc biết rõ.
« Chống dịch không có nghĩa là nghi ngờ võ đoán hàng chục triệu dân của một tỉnh là mầm bệnh. Cho dù có 5 triệu người Vũ Hán đã thoát rào cách ly đi xa trước Tết, nhưng cũng không vì thế mà chúng ta có định kiến đối với họ ».

Trong lúc Trung Quốc còn loay hoay với cách ly và phong tỏa, thì báo chí quốc tế tập trung vào các hệ quả kinh tế. New York Times, trong bài « Trung Quốc ho, Thế giới sổ mũi », ngược dòng thời gian, trở lại toàn cảnh vụ khủng hoảng dịch SARS trong hai năm 2002-2003 cũng phát xuất từ Hoa lục. Sau nhiều tháng lao đao, kinh tế của Trung Quốc, chuyên sản xuất hàng giá rẻ, phất lên trở lại.

New York Times cho rằng hiện nay chưa có thể dự đoán dịch Corona chủng mới kéo dài đến bao giờ, lan rộng đến đâu và giết chết bao nhiêu nạn nhân, tác hại đến mức độ nào cho kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, do vị trí quan trọng của kinh tế Trung Quốc trong kinh tế thế giới, tác động xấu sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, bởi vì các nhà máy Trung Quốc ngày nay chế tạo linh kiện tối tân.

Lãnh vực bán dẫn của Mỹ chẳng hạn, gần như lệ thuộc vào Trung Quốc. Hệ quả của siêu vi Corona trên các chuổi dây chuyền sản xuất rất khó dự kiến. Một món phụ tùng trong máy truyền hình kết nối có thể chứa hàng chục linh kiện nhỏ, mỗi thứ lại được ráp từ nhiều linh kiện nhỏ hơn… Chỉ cần một nhà máy ở Trung Quốc tê liệt vì virus thì nhiều nhà máy khác cũng ngưng hoạt động vì thiếu linh kiện.

*
Trúng nhiều đòn của Trung Quốc, Châu Âu hết ngây thơ

Cũng liên quan đến cuộc cạnh tranh thương mại nói chung và trận chiến kỹ thuật số nói riêng, hai câu hỏi được báo chí Tây phương đặt ra và tiếp tục đặt ra là « có quá trễ để tẩy chay Hoa Vi hay không, và liệu doanh nghiệp Châu Âu có còn ngây thơ nữa hay không ? »

Theo L’Express, tháng Ba tới đây, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ công bố một « hiệp ước sản xuất », như một loại cẩm nang để kích thích nền kỹ nghệ Châu Âu, phối hợp với Đức, trong các lãnh vực chiến lược chống lại cạnh tranh của Trung Quốc. Nhà máy chế tạo bình điện Airbus đang được xây dựng là một trường hợp cụ thể.

Như bức họa ở trang bìa, con gà trống nước Pháp đối đầu với con rồng đỏ Trung Quốc và con chim ưng xanh dương của Mỹ, tuần báo tự cho là độc lập, khẳng định với bài phân tích dài : Châu Âu cuối cùng đã hết dại khờ. Liên Hiệp Châu Âu đã có một thời tin cậy mù quáng vào các đối tác nên nền công nghệ châu Âu phải trả giá đắt.

Từ đầu năm nay, Ủy Ban Châu Âu có thêm một ủy viên mới với nhiệm vụ mới, « Công tố thương mại Châu Âu », để theo dõi xem các đối tác của Châu Âu có tôn trọng cam kết về tự do thương mại hay không. Nói cách khác, như Hoa Vi muốn tham gia vào hệ thống 5G tại Châu Âu thì cũng như một người lái xe, đã đi trên đường xá Châu Âu, thì phải ôm lề phải, không có lôi thôi. Bài học đau đớn nhất cho Đức là đã bị một đối tác Trung Quốc, lợi dụng sơ hở của luật đầu tư để thâu tóm một công ty vô địch về rô-bô.

Chưa hết, các doanh nghiệp Châu Âu còn bị Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ để rồi bị đối tác cạnh tranh trở lại một cách khốc liệt mà không có biện pháp pháp lý chống đỡ. Với sự thúc đẩy của Paris, Berlin đồng ý thành lập « lá chắn sàng lọc chống dumping ».

Ngoài phương án tự vệ mới, Châu Âu còn tăng cường vũ khí tấn công với tên gọi « Dự án quan trọng vì quyền lợi chung Châu Âu » : tạo điều kiện phát huy các ngành công nghệ chiến lược, kể cả tài trợ, mà không vi phạm nguyên tắc chống cạnh tranh bất chính của Liên Hiệp Châu Âu và của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

*
Phụ nữ không muốn sinh con

Vào lúc dịch siêu vi Corona đe dọa y tế và kinh tế thế giới thì một nguy cơ khác đe dọa tồn vong của nhân loại : đó là nạn sinh suất giảm, nói thẳng ra là phụ nữ ở mọi châu lục không muốn sinh con. Đâu là căn nguyên, đâu là giải pháp. Le Courrier International giới thiệu bài phân tích của một nữ phóng viên Mỹ.

Các em bé đâu rồi ? Báo động thiếu trẻ con ! « Bébé » (em bé), cuộc khủng hoảng thế giới ! Đó là một số tựa báo mang tính báo động trong nhiều tuần qua từ Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, những nước chịu ảnh hưởng mạnh của Thiên Chúa Giáo. Nguyên nhân có thể xem là mặt trái của chiếc huy chương.

Hiện tượng sinh suất giảm là hệ quả tất yếu của nền kinh tế phát triển là điều tự nhiên : Phụ nữ có học vấn cao, đi làm việc, tiến thân trong xã hội nên …sinh đẻ ít. Nhưng thực tế không lý tưởng như vậy. Theo nhà báo Anna Louie Sussman, trong một bài phân tích tỉ mỉ trên New York Times, khắp nơi trên thế giới, điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường đã làm nãn lòng phụ nữ như một loại thuốc ngừa thai âm ỉ.

Cuộc thăm dò của OCDE, Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế năm 2016 cho thấy nguyện vọng của phụ nữ các nước phát triển là có hơn hai đứa con. Nhưng thực tế không đúng như vậy. Tất cả mọi châu lục đều giảm sinh suất : Từ 1985 đến 2016, Châu Phi từ 6,5 xuống 4,4. Châu Á từ 3,69 còn 2,15. Châu Âu từ 1,88 xuống 1,61, Bắc Mỹ từ 1,79 xuống 1,75…

Tình trạng này dẫn đến hệ quả là dân số giảm. Chưa một chính sách nào hiệu quả để làm đảo ngược xu hướng này từ Trung Quốc, Đan Mạch, cho đến Nga hay Hoa Kỳ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats